Một số vướng mắc, bất cập trong tổ chức thi hành luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015
Quá trình triển khai thực hiện Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực như: (1) Công tác chỉ đạo, điều hành, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về tạm giữ, tạm giam được quan tâm chỉ đạo quyết liệt, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, chặt chẽ trong công tác thi hành tạm giữ, tạm giam; (2) Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật được tiến hành kịp thời đồng bộ với nội dung và hình thức đa dạng, sinh động; (3) Hệ thống tổ chức của cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam, cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam được kiện toàn từ cấp bộ, cấp tỉnh đến cấp huyện đáp ứng ngày càng tốt yêu cầu công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; (4) Việc thực hiện chế độ quản lý giam giữ từ khâu tiếp nhận, phân loại, bố trí giam giữ, điều chuyển trích xuất, xử lý kỷ luật và giải quyết trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam bỏ trốn, chết, phạm tội mới từng bước đi vào nền nếp, thống nhất; (5) Cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ công tác quản lý giam giữ đã và đang được Nhà nước quan tâm đầu tư, xây dựng; (6) Việc thực hiện cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam bước đầu đã đạt được hiệu quả; công tác kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam đạt hiệu quả tốt, khắc phục, xử lý ngay những vi phạm trong công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; (7) Công tác phối hợp giữa cơ sở giam giữ với các cơ quan có thẩm quyền tố tụng, các cơ quan có liên quan đến công tác thi hành tạm giữ, tạm giam được duy trì thường xuyên, liên tục, đảm bảo thực hiện tốt, có hiệu quả công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, sau hơn 06 năm triển khai thi hành, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập, cụ thể như sau:
Một là, phạm vi điều chỉnh của Luật chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, do đó, cần nghiên cứu mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật để bổ sung quy định về thi hành biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021 (sau đây gọi là Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015) thì có 08 biện pháp ngăn chặn gồm: Giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh. Trong đó, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định tương đối cụ thể về trình tự, thủ tục thi hành các biện pháp ngăn chặn, gồm: Giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, tạm hoãn xuất cảnh nên thuận lợi trong quá trình thi hành. Đối với biện pháp tạm giữ, tạm giam đã được quy định trong Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, còn biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú chưa được quy định cụ thể về trình tự, thủ tục để thi hành nên còn khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Theo quy định, cấm đi khỏi nơi cư trú là một trong tám biện pháp ngăn chặn có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng nhằm bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án. Bị can, bị cáo bị cấm đi khỏi nơi cư trú phải làm giấy cam đoan thực hiện các nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 123 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, cụ thể như sau: (1) Không đi khỏi nơi cư trú nếu không được cơ quan đã ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú cho phép; (2) Có mặt theo giấy triệu tập, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan; (3) Không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội; (4) Không mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; không tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; không đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này. Trường hợp bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ cam đoan thì bị tạm giam.
Thực hiện các quy định của pháp luật, trong thời gian từ 01/01/2018 đến hết ngày 30/6/2024, các cơ quan điều tra của Công an nhân dân đã quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 342.080 đối tượng. Theo thống kê, các cơ quan đã áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 2.750 đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, 11.404 đối tượng phạm tội rất nghiêm trọng, 77.006 đối tượng phạm tội nghiêm trọng và 253.556 đối tượng phạm tội ít nghiêm trọng; 22.350 đối tượng là chủ mưu, cầm đầu, 57.098 đối tượng là đồng phạm trong các vụ án; 21.813 đối tượng đã có tiền án, tiền sự. Trong tổng số 342.080 đối tượng được áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, có 21.813 đối tượng do được thay đổi biện pháp ngăn chặn tạm giam sang cấm đi khỏi nơi cư trú.
Về tình hình vi phạm của người bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, có 3.861 đối tượng vi phạm nghĩa vụ theo quy định của khoản 3 Điều 123 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Các cơ quan đã áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam trở lại đối với 2.007 đối tượng vi phạm nghĩa vụ; ban hành 2.030 lệnh truy nã (đã bắt được 1.715 đối tượng) và có 845 đối tượng tiếp tục phạm tội mới. Bên cạnh đó, việc thi hành biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, có lúc, có nơi chưa được quan tâm sát sao, còn tình trạng lúng túng trong thực hiện công tác theo dõi, giám sát, công tác phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền chưa hiệu quả…
Hai là, một số quy định về công tác quản lý, giám sát người bị tạm giữ, người bị tạm giam còn nhiều vướng mắc, bất cập làm giảm hiệu quả công tác quản lý, giám sát của cơ quan có thẩm quyền; do đó cần nghiên cứu bổ sung một số quy định nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giám sát người bị tạm giữ, người bị tạm giam
Quản lý, giám sát người bị tạm giữ, người bị tạm giam là công tác quan trọng trong thi hành tạm giữ, tạm giam, trong những năm qua việc thực hiện quản lý, giám sát người bị tạm giữ, người bị tạm giam từ khâu tiếp nhận, phân loại, bố trí giam giữ, điều chuyển trích xuất, xử lý kỷ luật và giải quyết trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam bỏ trốn, chết, phạm tội mới từng bước đi vào nền nếp, thống nhất. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý, giám sát của cơ quan có thẩm quyền đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập, cụ thể như: (1) Chưa có quy định cụ thể về: Chuyển giao người bị bắt theo quyết định truy nã cho cơ quan đã ra quyết định truy nã, khi có quyết định dẫn độ của cơ quan có thẩm quyền; thời điểm thực hiện các công việc để tiếp nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam; giải quyết trường hợp trước thời điểm tổ chức tiếp nhận mà người bị tạm giữ, người bị tạm giam bị bệnh nặng cần kịp thời điều trị, cứu chữa tại cơ sở y tế; quy định về điều chuyển người bị tạm giữ, người bị tạm giam; trích xuất phục vụ công tác giam giữ, tham gia thực hiện giao dịch dân sự...; (2) Ngoài ra, số lượng người bị kết án tử hình liên tục tăng, trong khi đó cơ sở vật chất, trang bị phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ để phục vụ quản lý, giam giữ tại một số trại tạm giam chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, thường xuyên xảy ra tình trạng quá tải giam giữ, mất an ninh, an toàn, không đảm bảo tốt nhất quyền của họ; do đó, cần có quy định mang tính nguyên tắc về các điều kiện bảo đảm phục vụ quản lý chặt chẽ người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
Ba là, một số quy định về chế độ, chính sách của người bị tạm giữ, người bị tạm giam còn nhiều vướng mắc, bất cập, chưa đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của họ; do đó cần nghiên cứu bổ sung một số quy định nhằm hoàn thiện quy định về chế độ, chính sách của người bị tạm giữ, người bị tạm giam
Chế độ, chính sách của người bị tạm giữ, người bị tạm giam chưa thực sự hoàn thiện như: Chưa có quy định cụ thể về tiếp xúc lãnh sự của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; chế độ gửi, nhận thư, sách, báo và tài liệu của người chờ chấp hành án phạt tù, người bị kết án tử hình đang chờ thi hành án; nhận tiền của người bị tạm giữ, người bị tạm giam và giải quyết trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người nước ngoài chết.