Sáng 28/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 454/455 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 94,78% tổng số đại biểu Quốc hội.
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)
Theo đó, Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025, gồm 8 chương, 63 điều. Luật quy định về phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi mua bán người và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người; tiếp nhận, xác minh, xác định, hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống mua bán người; hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người.
Luật quy định các hành vi bị nghiêm cấm; nguyên tắc phòng, chống mua bán người; chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người; quyền và nghĩa vụ của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.
Về hành vi bị cấm: Mua bán người; thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai; lợi dụng hoạt động phòng, chống mua bán người để trục lợi, thực hiện các hành vi trái pháp luật. Cản trở việc giải cứu tiếp nhận, bảo vệ, xác minh, hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân. Cản trở việc phát hiện, báo tin, tố giác, tố cáo, khai báo, xử lý hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều này. Xúc phạm, kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân. Tiết lộ thông tin về nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân khi chưa có sự đồng ý của họ hoặc người đại diện hợp pháp của họ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Giả mạo là nạn nhân…
Về nguyên tắc phòng, chống mua bán người, Luật quy định tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; lấy nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân làm trung tâm; bảo đảm bình đẳng giới. Giải cứu, tiếp nhận, xác minh, xác định, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân kịp thời, chính xác, giữ bí mật thông tin và không xúc phạm, kỳ thị, phân biệt đối xử đối với nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.
Về chính sách của nhà nước về phòng, chống mua bán người: Phòng, chống mua bán người là nội dung của chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm và được kết hợp với việc thực hiện các chương trình khác về phát triển kinh tế - xã hội. Khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước tham gia, hợp tác, tài trợ cho hoạt động phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; khuyến khích cá nhân, tổ chức trong nước thành lập Cơ sở hỗ trợ nạn nhân theo quy định của pháp luật. Khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống mua bán người; bảo đảm chế độ, chính sách đối với người tham gia phòng, chống mua bán người bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản theo quy định của pháp luật. Bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia phòng, chống mua bán người theo quy định của pháp luật. Ưu tiên ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong phòng, chống mua bán người; hỗ trợ bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho người làm công tác phòng, chống mua bán người.
Luật cũng quy định rõ quyền và nghĩa vụ của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.
Cụ thể, nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, có những quyền sau: Đề nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ mình, người thân thích của mình theo quy định của Luật này khi bị xâm hại, bị đe dọa xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác có liên quan đến phòng, chống mua bán người; Được thông tin về quyền, lợi ích hợp pháp của mình và các biện pháp phòng ngừa mua bán người; Được hưởng chế độ hỗ trợ theo quy định của Luật này hoặc từ chối nhận hỗ trợ; Được bảo vệ bí mật thông tin, dữ liệu về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, nơi cư trú, nơi làm việc và thông tin khác theo quy định của pháp luật; Được cơ quan, người có thẩm quyền cấp giấy tờ, tài liệu xác nhận nạn nhân; Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật; Được từ chối áp dụng biện pháp bảo vệ và quyền khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
Về nghĩa vụ, nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân có các nghĩa vụ sau: Chấp hành đầy đủ yêu cầu của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong quá trình áp dụng các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ; Cung cấp thông tin liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền; Thực hiện yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền trong phát hiện, điều tra, xử lý vụ việc mua bán người và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
Nạn nhân là công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam được hưởng chế độ hỗ trợ: Hỗ trợ nhu cầu thiết yếu; Hỗ trợ y tế; Hỗ trợ phiên dịch; Hỗ trợ pháp luật; Trợ giúp pháp lý; Hỗ trợ chi phí đi lại; Hỗ trợ tâm lý; Hỗ trợ học văn hóa; Hỗ trợ học nghề, tư vấn, tạo điều kiện để có việc làm; Trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn.