75 năm Công an nhân dân thực hiện Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2023), Đại tướng, GS.TS Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an có bài viết 75 năm Công an nhân dân thực hiện Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tich Hồ Chí Minh. Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Bộ trưởng.
75 năm qua, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó có lực lượng Công an nhân dân (CAND) quán triệt, thực hiện thống nhất từ tư tưởng đến hành động và là cơ sở, nền tảng tạo nên những thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước cũng là động lực để lực lượng CAND hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt nhiều thành tích, chiến công trong bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, góp phần hết sức quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát từ lợi ích của Nhân dân, đem lại ấm no, hạnh phúc và độc lập tự do cho dân, đó là niềm khát vọng lớn nhất của mỗi người dân Việt Nam. Bởi thế, ngay sau khi được đăng trên báo Cứu quốc, số 968, ngày 24/6/1948, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác đã trở thành lời hiệu triệu, nhanh chóng lan tỏa, thấm sâu, khơi dậy, cổ vũ, động viên lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường của cán bộ, chiến sĩ và đông đảo các tầng lớp Nhân dân.
Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an.
Đối với CAND Việt Nam, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được cán bộ, chiến sĩ quán triệt, khắc ghi, quyết tâm thực hiện, lập công trong công tác, chiến đấu, xây dựng lực lượng. Thực tế đã chứng minh những nội dung trọng tâm của thi đua ái quốc trong CAND luôn gắn chặt với “CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy”, trở thành phong trào thi đua rộng lớn, liên tục trong toàn lực lượng; là nội dung trọng tâm công tác xây dựng Đảng, công tác chính trị tư tưởng của lực lượng CAND trong các giai đoạn kháng chiến trước đây cũng như trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế ngày nay.
Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, theo Lời kêu gọi thi đua ái quốc, với tinh thần “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, CAND đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng bảo vệ an toàn Chính phủ kháng chiến, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, vùng tự do, bảo vệ Nhân dân, bảo vệ Quân đội, bí mật, an toàn các chiến dịch; tham gia đánh địch trên các chiến trường, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến, với đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, với tinh thần “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, CAND vừa ra sức phát triển, xây dựng lực lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ Đảng, giữ vững an ninh, trật tự, bảo vệ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa phát huy vai trò hậu phương lớn, chi viện mọi mặt, có hiệu quả cho an ninh miền Nam, góp phần quan trọng vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau ngày đất nước thống nhất, dưới sự chỉ đạo của Đảng, lực lượng CAND cùng các cấp, các ngành đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, ổn định tổ chức sau giải phóng, tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc cũng như chống chiến tranh phá hoại nhiều mặt của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Từ những bài học kinh nghiệm quý báu về tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, lực lượng CAND đã phát động nhiều phong trào thi đua với những hình thức, biện pháp phong phú, sáng tạo. Tiêu biểu là Bộ Tư lệnh CAND vũ trang phát động phong trào “hai tình nguyện”, làm tốt nhiệm vụ chi viện và bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc.
Trong giai đoạn đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế của đất nước, Bộ Công an đã duy trì, phát động phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” gắn với “CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy” tại Hội nghị Công an toàn quốc hằng năm. Những lời căn dặn của Bác đã làm bừng dậy nhiều phong trào thi đua yêu nước: phong trào “Vì an ninh Tổ quốc” gắn với việc “Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “CAND chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì Nhân dân phục vụ”...
Nội dung thi đua đã bám sát nhiệm vụ chính trị, có nhiều đổi mới về phương pháp, hình thức, tạo điểm nhấn, phát huy sức mạnh của toàn lực lượng. Hàng vạn cán bộ, chiến sĩ Công an ngày đêm có mặt trên khắp mọi miền của Tổ quốc “thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi, lấy hạnh phúc của Nhân dân làm niềm vui, lẽ sống của mình”. Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Công an “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” trong cuộc chiến với Covid-19 hay không quản ngày đêm để hoàn thiện dữ liệu dân cư quốc gia, phục vụ Nhân dân với tinh thần trách nhiệm cao nhất... là những hình ảnh đẹp trong lòng Nhân dân.
Trải qua các giai đoạn cách mạng, trong kháng chiến cũng như lúc hòa bình, xây dựng đất nước, đặc biệt thời kỳ đổi mới, phong trào thi đua yêu nước trong CAND mà nòng cốt là phong trào “Học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy” đã thực sự góp phần to lớn xây dựng lực lượng Công an trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự.
75 năm quán triệt, thực hiện Lời kêu gọi thi đua ái quốc và làm theo Sáu điều dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tuyệt đại đa số cán bộ, chiến sĩ Công an luôn nêu cao ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm, chấp nhận hy sinh, gian khổ, vượt mọi khó khăn, thử thách, ra sức thi đua, lập nhiều thành tích, chiến công, xây đắp nên truyền thống CAND Việt Nam anh hùng của Nhân dân Việt Nam anh hùng, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Ðảng và dân tộc. Nhiều tập thể, cá nhân cán bộ, chiến sĩ Công an trong các giai đoạn cách mạng đã trở thành biểu tượng cao đẹp, tấm gương sáng trong vườn hoa cách mạng của phong trào thi đua yêu nước thời đại Hồ Chí Minh.
Những năm tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, xuất hiện các yếu tố thuận lợi mới đan xen các thách thức khó lường đối với an ninh và lợi ích quốc gia của Việt Nam. Đó là các thách thức, mối đe dọa an ninh truyền thống, phi truyền thống; tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biển đảo. Ở trong nước, an ninh, trật tự tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, có thể này sinh trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa tư tưởng, an ninh mạng, an ninh xã hội, dân tộc, tôn giáo… tại các địa bàn, nhất là địa bàn chiến lược, trọng điểm.
Tình hình và bối cảnh mới đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi lực lượng CAND phải nhận thức sâu sắc hơn sứ mệnh, vai trò, trách nhiệm của mình trước Đảng, trước Nhân dân trong bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, lực lượng CAND cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Một là, tiếp tục xây dựng lực lượng thực sự trong sạch, vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”. Quán triệt chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an về xây dựng CAND theo hướng “bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”, tăng cường, ưu tiên cán bộ, phương tiện, vật chất cho công an cấp cơ sở, các đơn vị chiến đấu.
Hai là, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ CAND về giá trị lịch sử và thời đại của Lời kêu gọi thi đua ái quốc, qua đó phát huy nguồn lực sức mạnh chính trị, tinh thần trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, tiếp tục làm rõ vị trí, vai trò, tính tất yếu của công tác thi đua; khắc sâu nhận thức, thi đua yêu nước trong CAND nhằm nâng cao hiệu quả công tác, chiến đấu, xây dựng lực lượng CAND; đem lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho Nhân dân, góp phần phục vụ thắng lợi sự lãnh đạo của Đảng.
Ba là, gắn phong trào thi đua yêu nước với việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị; cụ thể hóa nội dung thi đua thành những chỉ tiêu thiết thực gắn với nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị, địa phương. Đặc biệt, tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu đi đầu trong việc triển khai Đề án số 06, đẩy nhanh quá trình kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng Dịch vụ công quốc gia, đảm bảo dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”, cung cấp dịch vụ công theo hướng đơn giản, thuận lợi, giảm phiền hà cho người dân, góp phần quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, hướng tới xây dựng kinh tế số, xã hội số, công dân số, quản trị thông minh.
Bốn là, bám sát, thực hiện nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó với tinh thần thi đua yêu nước cao nhất. Lãnh đạo, chỉ huy Công an các cấp, nhất là người đứng đầu phải đề cao tính tiền phong gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND phải là biểu tượng của lòng trung thành; của tinh thần thi đua yêu nước, đức hy sinh vì Đảng, vì nước, vì dân, trọng dân, gần dân, “lúc dân cần, lúc dân khó, có Công an”.
Năm là, chú trọng tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác dân vận CAND, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc nhằm khơi dậy lòng tự tôn dân tộc của mỗi người dân khi tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Công an các đơn vị, địa phương cần phối hợp chặt chẽ, thực chất, hiệu quả với Mặt trận Tổ quốc, với Quân đội nhân dân và các tổ chức chính trị xã hội để củng cố, phát triển phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại địa bàn cơ sở.
Sáu là, nâng cao chất lượng phong trào thi đua yêu nước trong lực lượng CAND; chú ý công tác kiểm tra, đánh giá, biểu dương, khen thưởng trong quá trình thực hiện; đặc biệt quyết tâm khắc phục một số vấn đề còn hạn chế trong việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước. Đồng thời duy trì phong trào thi đua một cách thường xuyên, liên tục, bảo đảm hiệu quả, tránh hình thức và “bệnh thành tích”. Mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an phải thực hiện nhiệm vụ công tác, chiến đấu với tinh thần thi đua yêu nước; xem đó là động lực để tự đổi mới và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.
Lực lượng CAND nhận thức sâu sắc việc quán triệt, thực hiện Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã, đang và vẫn mãi là điểm tựa, là điều kiện quan trọng, quyết định giúp CAND tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng vẻ vang của lớp lớp cha anh đi trước, tuyệt đối trung thành với Đảng, luôn đặt mình dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, thực sự là con em yêu quý của Nhân dân./.
Nguồn: Cổng TTĐT Bộ Công an