Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo xuất khẩu lao động “việc nhẹ, lương cao”
Thời gian qua, nắm bắt được nhu cầu tìm kiếm việc làm, xuất khẩu lao động của người dân nói chung và địa bàn tỉnh nói riêng, tội phạm đã có nhiều chiêu trò, thủ đoạn tinh vi sử dụng mạng xã hội truyền thông, quảng cáo không đúng sự thật để dụ dỗ, lôi kéo và tổ chức cho người lao động trốn đi nước ngoài lao động trái phép. Đáng chú ý, có nhiều đối tượng ban đầu là nạn nhân nhưng vì mục đích vụ lợi đã giúp sức cho các đối tượng phạm tội rủ rê, lôi kéo và tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài lao động bất hợp pháp.
Một trang Fanpage mạo danh Bộ LĐ-TB&XH để lừa đảo
Qua các vụ việc đấu tranh cho thấy, đối tượng thường có những chiêu trò, thủ đoạn để dụ dỗ, lôi kéo người lao động như sau:
Thứ nhất, xuất khẩu lao động sang Thái Lan, các đối tượng quảng bá, giới thiệu Thái Lan có kinh tế phát triển và thị trường lao động rộng mở với nhiều ngành nghề lựa chọn. Người lao động chỉ cần làm hộ chiếu, các thủ tục và chi phí xuất cảnh đều do công ty lo hoặc người lao động chỉ phải đóng tiền cọc một phần. Tuy nhiên, thực chất điểm đến của các lao động Việt Nam lại là các nước khác như Camphuchia, Myanmar.
Thứ hai, hình thức quảng cáo chủ yếu là thông qua đăng tin trên mạng xã hội (như Zalo, Facebook,…) hoặc thông qua các mối quan hệ quen biết, giới thiệu công việc nhẹ nhàng, nhàn hạ như: làm văn phòng, gọi điện, tư vấn cho khách hàng là người Việt Nam tham gia mua hàng tại các trang mua bán Shopee, Lazada, đánh giá chất lượng món ăn… Đồng thời, hứa hẹn mức lương giao động từ 20 đến 30 triệu đồng/ tháng, làm tốt sẽ được thưởng cao. Thực tế, không được như những lời hứa hẹn hoa mỹ khi tuyển dụng, khi đến lao động tại các công ty ở Myanmar, Campuchia, người lao động bị tịch thu hộ chiếu, ép ký hợp đồng lao động và đưa đến khu ăn ở tập trung để làm việc. Người lao động bị giao chỉ tiêu và ép buộc phải hoàn thành; nếu không hoàn thành công việc thì thường xuyên bị đe doạ, đánh đập. Khi không chịu được công việc và muốn về nước thì Công ty sẽ yêu cầu người lao động liên hệ với gia đình nộp tiền chuộc với số tiền cả trăm triệu đồng do vi phạm hợp đồng. Mọi chi phí về nước do người lao động tự chịu, có khi lên đến hàng chục triệu đồng.
Thứ ba, lôi kéo, dụ dỗ để thực hiện các hoạt động phi pháp. Vì mục đích vụ lợi, rất nhiều lao động, ban đầu là nạn nhân của chiêu trò lừa đảo, sau lại trở thành người giúp sức tích cực cho các đối tượng phạm tội tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo tại Việt Nam.
Công an tỉnh Tây Ninh tiếp nhận hàng trăm nạn nhân bị lừa bán sang Campuchia với thủ đoạn “việc nhẹ lương cao” (Ảnh do cơ quan công an cung cấp).
Cơ quan Công an khuyến cáo người dân và người lao động cần nắm vững, hiểu đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định về xuất khẩu lao động; cảnh giác cao với các thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng xấu, tránh mắc sai lầm khi giao dịch với các công ty, doanh nghiệp, tổ chức hoặc cá nhân không rõ thông tin chính thống khi có nhu cầu lao động ở nước ngoài. Khi có nhu cầu đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài cần tìm hiểu kỹ thông tin thông qua đầu mối chính là Sở Lao động, thương binh, xã hội của tỉnh để được hướng dẫn cụ thể, tránh mắc bẫy của các đối tượng lừa đảo. Đặc biệt cần cảnh giác với các trang web giới thiệu ra nước ngoài làm việc có dấu hiệu lừa đảo như mô tả công việc đơn giản, nhẹ nhàng, không cần kỹ năng, trình độ, với mức lương, thưởng cao, hấp dẫn…
Khi có đối tượng tìm cách tiếp cận để dụ dỗ ra nước ngoài làm việc, thông tin tuyển dụng không rõ ràng, yêu cầu vô lý, việc nhẹ, lương cao cần hết sức cảnh giác, đề phòng, tránh mắc bẫy những đối tượng lừa đảo.
Đối với gia đình các nạn nhân, nếu nhận được điện thoại yêu cầu chuyển tiền để chuộc người thân về nước, cần bình tĩnh tìm hiểu thông tin người thân xuất cảnh thời gian nào, theo đường gì, đối tượng nào lôi kéo, hiện đang ở đâu… sau đó trình báo cho cơ quan Công an địa phương nơi gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.
Đối với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể địa phương cần tăng cường tổ chức công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của người dân, không nghe, tin những lời dụ dỗ, lôi kéo sang Campuchia hoặc ra nước ngoài làm việc với chiêu bài "việc nhẹ, lương cao", phòng tránh bị lừa bán ra nước ngoài.