Chơn Thành: Công an xã Minh Lập phát hiện bắt giữ đối tượng tàng trữ trái phép pháo nổ
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, vào lúc 22 giờ 30 phút ngày 11/01/2025, Công an xã Minh Lập, thị xã Chơn Thành đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra hành chính, phát hiện bắt quả tang đối tượng Phạm Tài Nguyên, sinh năm: 1980, nơi ở hiện tại: tổ 3, ấp 2, xã Minh Lập, thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Quá trình kiểm tra, thu giữ tổng cộng 16 bệ nghi vấn là pháo hoa nổ, trọng lượng khoảng 20,9kg. Quá trình làm việc đối tượng Nguyên khai nhận, toàn bộ số pháo nêu trên là của Nguyên mua của 01 đối tượng trên mạng xã hội vào tháng 11/2024 và cất giấu tại kho chứa đồ của gia đình để sử dụng vào dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Công an xã Minh Lập, thị xã Chơn Thành đã lập biên bản bắt người phạm tội quả tang đối tượng Nguyên và tang vật, chuyển Cơ quan CSĐT Công an thị xã Chơn Thành để xử lý theo quy định pháp luật.
Đối tượng Nguyên cùng tang vật nghi là pháo nổ
Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về pháo diễn biến phức tạp, nhất là gần đến thời điểm Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 các hành vi tàng trữ, vận chuyển và sử dụng pháo nổ trái phép vẫn còn xảy ra. Đây là những hành vi vi phạm pháp luật, tiềm ẩn mối nguy hiểm khôn lường tới tính mạng, sức khỏe và tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Để nâng cao nhận thức đảm bảo trong quản lý và sử dụng pháo theo đúng quy định của pháp luật, Công an tỉnh tuyên truyền, khuyến cáo quần chúng Nhân dân một số quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng pháo như sau:
Theo quy định của Nghị định 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý sử dụng pháo:
- Pháo nổ (gồm Pháo nổ, Pháo hoa nổ): là loại pháo khi sử dụng gây ra tiếng nổ, tiếng rít kèm hiệu ứng màu sắc trong không gian. Các loại pháo này nghiêm cấm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng giao nhiệm vụ.
- Pháo hoa: Là loại pháo hoa khi sử dụng chỉ gây hiệu ứng ánh sáng, âm thanh, màu sắc trong không gian, không gây tiếng nổ. Người dân, tổ chức, doanh nghiệp có đủ năng lực hành vi dân sự được sử dụng pháo hoa trong hội nghị, kỷ niệm, khai trương, lễ tết, sinh nhật, cưới hỏi, hoạt động văn hóa nghệ thuật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
* Các hành vi nghiêm cấm được quy định tại Điều 5 Nghị định 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ cụ thể như sau:
- Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt pháo nổ, pháo hoa, thuốc pháo.
- Mang pháo, thuốc pháo trái phép vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ mục tiêu bảo vệ.
- Lợi dụng, lạm dụng việc sử dụng pháo để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan tổ chức, cá nhân.
- Trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố pháo hoa nổ, thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép, vận chuyển, bảo quản, tiêu hủy pháo không đảm bảo an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường.
- Chiếm đoạt, mua, bán, trao đổi, tặng, cho, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa các loại giấy phép về pháo.
- Giao pháo hoa nổ, thuốc pháo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định.
- Hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức.
- Cố ý cung cấp thông tin sai lệch về quản lý, bảo quản pháo, thuốc pháo; không báo cáo hoặc báo cáo không kịp thời, che giấu hoặc làm sai lệch thông tin về việc mất, thất thoát, tai nạn, sự cố về pháo, thuốc pháo.
* Cảnh báo tự chế pháo nổ
- Thuốc pháo là hỗn hợp hóa chất có đặc tính cháy nổ cáo; đối tượng tự chế pháo nổ chủ yếu trong độ tuổi thanh, thiếu niên, học sinh làm theo các video hướng dẫn trên mạng xã hội nên không lường trước được các nguy hiểm nên dễ dẫn đến tai nạn trong quá trình tự chế pháo.
- Các loại pháo chế tạo, sản xuất trái phép có sức công phá lớn, rất nguy hiểm, nhiều trường hợp xảy ra tai nạn do đốt pháo trái phép dẫn đến tử vong hoặc thương tật nặng.
- Tự chế pháo là hành vi vi phạm pháp luật, tùy theo mức độ sẽ bị xử lý hình sự, hành chính theo quy định của pháp luật.
* Xử lý vi phạm về pháo
Đối với các trường hợp vi phạm về pháo, trong đó có hành vi tự chế pháo trái phép tùy theo mức độ sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của Bộ Luật hình sự, hoặc xử phạt vi phạm hành chính, trong đó:
- Việc sản xuất pháo trái phép sẽ bị xử lý về hành vi sản xuất, buôn bán hàng cấm theo Điều 190 Bộ Luật hình sự; việc đốt pháo trái phép sẽ bị xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng theo điều 318 Bộ Luật hình sự.
- Về xử lý hành chính sẽ căn cứ theo quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; phòng chống bạo lực gia đình.
* KHUYẾN CÁO NGƯỜI DÂN
- Mọi người dân chấp hành nghiêm quy định của Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo, không tham gia chế tạo, sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng pháo trái phép.
- Gia đình, nhà trường tăng cường công tác quản lý, giáo dục con em không tham gia chế tạo, sản xuất, mua bán, tàng trữ và đốt pháo trái phép.
- Trường hợp phát hiện các vi phạm về pháo cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc gửi tố giác, kiến nghị, phản ảnh qua ứng dụng VNeID./.