Admin
Bài học về lòng yêu nước
Lượt xem: 1206
Lòng yêu nước chân chính không bao giờ song hành cùng chủ nghĩa cực đoan, không đồng nghĩa với hành động quá khích. Người dân Việt Nam với tình cảm yêu nước đừng để lòng yêu nước đó bị kẻ xấu lợi dụng”.

Trong những ngày diễn ra kỳ họp thứ Năm Quốc hội khóa XIV, nhiều vấn đề quốc gia đại sự được bàn đến mà mục tiêu là để xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh và đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân như: Thảo luận, cho ý kiến về Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Luật An ninh mạng… thật đáng tiếc khi Quốc hội còn đang bàn bạc, mới đưa ra thảo luận, lấy ý kiến của các đại biểu về một số nội dung xây dựng đặc khu kinh tế thì với những thông tin ban đầu được tiếp nhận chưa đầy đủ, bị xuyên tạc nên một bộ phận nhỏ quần chúng nhân dân đã vội phản ứng, rơi ngay vào bẫy của bọn phản động.

Chúng ra sức công kích, xúi giục, thậm chí là mua chuộc, chúng trà trộn, mượn danh nghĩa yêu nước để gây rối an ninh trật tự.

Trước những biểu hiện manh động, quá khích đó, các lực lượng chức năng đã luôn cảnh giác, giữ thái độ bình tĩnh kiên trì vận động quần chúng giữ trật tự, không mắc mưu kẻ xấu, đồng thời kịp thời ngăn chặn, kiên quyết với các hành động gây rối ở một số tỉnh như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Thuận, Khánh Hòa, Nghệ An…

Những cuộc tụ tập, gây rối vừa qua chỉ là một bộ phận nhỏ quần chúng các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo, chủ yếu là các phần tử cực đoan, các đối tượng côn đồ, hình sự, nghiện hút... thực hiện. Điều đó khiến cho đại bộ phận nhân dân có tinh thần yêu nước chân chính cảm thấy bị tổn thương.

Đại diện cho các tầng lớp nhân dân, bà Bùi Thị Thanh - Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã rất đúng khi cho rằng: “Lòng yêu nước chân chính không bao giờ song hành cùng chủ nghĩa cực đoan, không đồng nghĩa với hành động quá khích. Lòng yêu nước được thể hiện một cách đúng đắn, tỉnh táo và sáng suốt mới là nguồn lực quan trọng để củng cố, tăng cường thêm sức mạnh cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc.Người dân Việt Nam với tình cảm yêu nước đừng để lòng yêu nước đó bị kẻ xấu lợi dụng”. 

Đây mới thực sự là thông điệp của đại đa số người dân Việt Nam có tinh thần trách nhiệm với vận mệnh của quốc gia, dân tộc.

Một nguyên lý khách quan cần được nhận thức và vận dụng triệt để, đó là tinh thần thượng tôn pháp luật, bởi mọi hành vi trái với pháp luật quy định đều là vi phạm pháp luật.

Đối với những vấn đề trọng đại, nhân dân càng phải tỉnh táo, không vì bất cứ lý do gì mà hành động bất chấp khi những vấn đề đó không thuộc tình thế cấp thiết, phòng vệ chính đáng, sự kiện bất ngờ… Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị lên án và cần xử lý nghiêm minh nhằm giữ gìn kỷ cương phép nước.

Một xã hội yên bình, ngoài sự cố gắng, quyết tâm của lực lượng Công an với vai trò nòng cốt thì cần hơn bao giờ hết chính là thái độ, trách nhiệm của mỗi người dân.

Lòng yêu nước của nhân dân phải được hiểu một cách đầy đủ, trân trọng nhất, đó chính là khi nhân dân luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có trách nhiệm với các vấn đề liên quan đến vận mệnh của đất nước, khi phát hiện những mặt trái, mặt tiêu cực cần có biện pháp đấu tranh, không né tránh.

Người dân hoàn toàn có quyền chất vấn, bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình với Chính phủ, nhưng không theo cách thức tiêu cực như chúng ta thấy ở Bình Thuận vừa qua, mà phải có phương pháp đấu tranh trên tinh thần xây dựng, tuân thủ đúng pháp luật.

Nhân dân đã rất tích cực, thường xuyên đọc báo, nghe đài, xem tivi, nghiên cứu về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, kịp thời nắm bắt thông tin, một mặt làm giàu vốn tri thức của mình, đồng thời hiểu được phần nào những quyết sách của Chính phủ.

Tuy nhiên, việc nhân dân tiếp cận nguồn thông tin có chính thống hay mạo danh, xuyên tạc, tuyên truyền phản động thì việc lựa chọn các kênh thông tin truyền thông chính thống là một yêu cầu khách quan, cần thiết.

Các trang mạng xã hội cũng là một kênh tham khảo, tuy nhiên cách nghe, cách tiếp cận thông tin phải có định hướng để cho người dân hiểu biết đúng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để không bị lợi dụng và tin theo những suy diễn lệch lạc.

Trước khi đi xa, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh mong mỏi: “...đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta”.

Với ý nghĩa này, những bài học được rút ra từ lòng yêu nước không chỉ góp phần giáo dục, củng cố, kết nối truyền thống yêu nước của nhân dân Việt Nam anh hùng xuyên suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước mà còn làm cho tình yêu ấy mãnh liệt hơn, kiên trung hơn dù có bất cứ biến cố gì, khi nhân dân ta thấm nhuần đạo đức cao thượng nhất của nhân loại, tức yêu nước đúng nghĩa, tức kẻ thù thất bại khi muốn lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân ta.

Yêu nước giúp toàn dân xây dựng khối đại đoàn kết để phát triển đất nước; sẵn sàng đương đầu mọi khó khăn, thách thức cả bên trong lẫn bên ngoài... Yêu nước gắn với yêu đồng bào là phấn đấu phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích cộng đồng...

Yêu nước là có trách nhiệm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; là sống nghĩa tình với nhau, xứng với hai chữ “đồng bào”; Yêu nước góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế... Yêu nước là lắng nghe, thấu hiểu và góp ý chính danh cho mỗi quyết sách của Đảng và Nhà nước.

Tiến sĩ Tạ Thị Ngọc Lan (Học viện Chính trị CAND)

Nguồn: CAND Online