Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác vẫn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn
70 năm đã trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11-6-1948 đến 11-6-2018), nhưng đến nay những giá trị lý luận và thực tiễn của Lời kêu gọi vẫn còn vẹn nguyên.
Nhân dịp này, trân trọng giới thiệu bài viết của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Dung, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về sự ra đời và ý nghĩa của Lời kêu gọi thi đua ái quốc đối với phong trào thi đua yêu nước hiện nay.
Thông tấn xã Việt Nam phối hợp với Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương biên soạn và xuất bản cuốn sách “70 năm thi đua yêu nước (1948-2018)”.
|
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tới phong trào thi đua yêu nước và chính Người cũng là một tấm gương thi đua mẫu mực. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ để lại cho Đảng ta, nhân dân ta những quan điểm về thi đua yêu nước, mà phong trào thi đua yêu nước do Người và Đảng ta phát động đã để lại những kinh nghiệm quý báu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức phong trào thi đua hiện nay.
Trong Lời kêu gọi thi đua yêu nước đầu tiên (11-5-1948), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: Để “diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, “Muốn tự cấp, tự túc, đi kịp người ta, thì chúng ta phải đi mau. Vì vậy, sĩ, nông, công, thương, binh, gái trai, già trẻ, toàn thể quốc dân ta, vô luận ở địa vị nào, làm công việc gì, phải ra sức tham gia cuộc Thi đua yêu nước”. Như vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tất cả các tầng lớp nhân dân, dù ở địa vị nào, làm công việc gì, đều phải tham gia vào cuộc thi đua yêu nước.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã là người Việt Nam yêu nước thì phải thi đua, “thi đua tức là yêu nước”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, thi đua không chỉ là hoạt động tích cực, sáng tạo trong công việc hàng ngày, mà còn là biểu hiện của lòng yêu nước, là tình cảm của mỗi con người Việt Nam đối với Tổ quốc, quê hương; lấy thi đua làm động lực để phát huy lòng yêu nước, làm cho lòng yêu nước được thể hiện bằng hành động thực tế trong lao động sản xuất, trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu và ngược lại lấy lòng yêu nước để nâng cao hiệu quả thi đua.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Nói yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm cho phong trào thi đua của nhân dân ta mang bản sắc dân tộc Việt Nam. Bản sắc đó là lòng yêu nước được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử, là đạo đức, văn hóa, cốt cách của dân tộc Việt Nam.
Về cách thức thi đua, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là dựa vào “lực lượng của dân, tinh thần của dân”, “làm cho mau, làm cho tốt, làm cho nhiều”, làm cho phong trào thi đua ái quốc “ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân”. Người khẳng định kết quả của thi đua ái quốc sẽ là: “Toàn dân đủ ăn đủ mặc, toàn dân biết đọc biết viết, toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới để diệt ngoại xâm, toàn quốc sẽ thống nhất độc lập hoàn toàn”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thi đua không chỉ nhằm phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả công tác, xây dựng những nhân tố tiên tiến, mà còn nhằm “nâng đỡ những người kém cỏi”, loại trừ phần tử lạc hậu, kìm hãm sự phát triển của sản xuất, của tiến bộ xã hội. Qua phong trào thi đua, quần chúng nhân dân hăng hái đi vào cuộc sống thực tiễn, tôi luyện và trưởng thành, để cho “mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hoá”. Nhờ có phong trào thi đua mà nhân dân ta không những nâng cao năng suất, mà còn gạt bỏ dần những thói hư, tật xấu của chế độ cũ; phát huy đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc; góp phần xây dựng nền văn hóa mới, con người mới, đời sống mới.
Thực hiện Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước đã dấy lên các phong trào thi đua yêu nước rất sôi nổi và hiệu quả. Trên khắp các mặt trận, từ tiền tuyến đến hậu phương; trên khắp các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, quân sự…; ở khắp các giới, các ngành, các cấp..., đâu đâu cũng sôi nổi phong trào thi đua yêu nước. Lịch sử cách mạng thời kỳ này còn in đậm hình ảnh các phong trào thi đua: “Xây dựng chi bộ bốn tốt” trong Đảng; “Sóng Duyên Hải” trong công nghiệp; “Gió Đại Phong” trong nông nghiệp; “Cờ ba nhất” trong các lực lượng vũ trang; “Ba sẵn sàng” với thanh niên; “Ba đảm đang” với phụ nữ; “Làm nghìn việc tốt” trong thiếu nhi; “Trống Bắc Lý” trong giáo dục...
Đúng như sau này Chủ tịch Hồ Chí Minh tổng kết: "Người người thi đua, ngành ngành thi đua; Ta nhất định thắng, địch nhất định thua". Thực tiễn thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đã minh chứng hùng hồn cho nhận định này của Người. Đó cũng là nguồn sức mạnh vô tận, góp phần vào thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội sau này.
Ra đời cách đây 70 năm, nhưng Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mang tính thời sự sâu sắc, vẹn nguyên những giá trị lý luận và thực tiễn đối với phong trào thi đua yêu nước hiện nay. Những chỉ dẫn của Người về mục đích, lực lượng, cách làm trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc vẫn tiếp tục soi đường cho dân tộc Việt Nam trên hành trình xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thực hiện theo tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, đến nay phong trào thi đua yêu nước đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Phong trào thi đua đã ngày càng đi vào thực chất, đã bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng và của các ban, bộ, ngành, địa phương. Nhìn chung, việc tổ chức phát động thi đua với hình thức phong phú, chủ đề rõ ràng, tiêu chí cụ thể, nội dung thiết thực, triển khai có hiệu quả. Phong trào thi đua đã chú trọng vào việc xây dựng các mô hình mới, nhân tố mới và thực hiện đồng bộ tốt cả bốn khâu: Phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến.
Qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, điển hình của tập thể, cá nhân trong lao động, sản xuất, chiến đấu, học tập... Kết quả đạt được từ các phong trào thi đua yêu nước là minh chứng thuyết phục cho việc Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc trong thời kỳ mới. Đồng thời, cũng minh chứng cho sức sống vững bền, giá trị lan tỏa của Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thực tiễn.
Nguồn: Bình Phước Online