Admin
Chủ động, kịp thời phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
Lượt xem: 924
Thuật ngữ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã được Đảng ta đề cập từ rất sớm, trong Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) năm 1999. Song, từ sau Đại hội lần thứ XI, Đảng ta mới chính thức chỉ ra tính chất nguy hiểm của nó. Đặc biệt, Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã cụ thể hóa thành 9 biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là khái niệm nhằm chỉ sự vận động nội tại bên trong của sự vật, hiện tượng theo chiều hướng từ tích cực sang tiêu cực, từ đúng thành sai, từ tốt thành xấu. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong lĩnh vực “diễn biến hòa bình” là chỉ sự biến đổi về chất trong nhận thức, tư tưởng, tư duy và hành động rất nguy hiểm của các tổ chức, cá nhân dưới sự tác động của các yếu tố về vật chất và tinh thần cả bên trong và bên ngoài.

“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là một quá trình diễn ra lâu dài, liên tục, có sự kế tiếp nhau từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện cả về nhận thức, tư tưởng và hành động của đối tượng, qua các giai đoạn nối tiếp nhau. Mặc dù vậy, việc nhanh nhạy phát hiện và chủ động đấu tranh khắc phục các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cũng như của mọi thành viên khác chưa kịp thời, thiếu hiệu quả, thậm chí biết nhưng tặc lưỡi cho qua, “ngoảnh mặt làm ngơ” vì cho rằng thiếu chế tài xử lý, hoặc sợ đụng chạm tới “ông nọ”, “bà kia”. Chỉ đến khi sự việc diễn tiến vượt khỏi tầm kiểm soát, để lại hậu quả nghiêm trọng, bị xử lý nghiêm khắc thì lúc đó chúng ta đã mất đi tổ chức, mất đi cán bộ, đảng viên, trở thành “việc đã rồi”. Đây là điều rất đáng tiếc, bởi vì nếu chúng ta nhạy bén hơn, kiên quyết hơn thì sẽ không bao giờ có đất cho “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” sinh sôi, nảy nở. Chính vì vậy phải chủ động nhận biết, phát hiện và ngăn chặn biểu hiện này để bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ.

Khi ở giai đoạn đầu của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” dưới tác động tiêu cực của các yếu tố nội tại và các tác nhân bên ngoài, đối tượng bắt đầu có sự phân vân, do dự trong nhận thức, tư tưởng, nhưng chưa có những biểu hiện hành động chống đối rõ ràng, cụ thể, quyết liệt. Đối tượng chỉ thể hiện sự hoang mang, dao động về tư tưởng chính trị; sự hoài nghi về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; thiếu tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Những biểu hiện này nếu không sớm phát hiện, không được đấu tranh ngăn chặn, kiểm soát chặt chẽ bằng giáo dục, kiểm điểm phê bình, tự phê bình thì đối tượng sẽ chuyển sang chủ động hơn trong tiếp nhận những thông tin trái chiều, những luận điệu chống đối, những lý luận phản động. Kết quả là một số đối tượng bắt đầu có các hoạt động cấu kết với các phần tử phản động, thù địch cả bên trong và bên ngoài để tiếp tay cho chúng “thực tiễn hóa” hoạt động “diễn biến hòa bình” và thực hiện chuyển hóa trong nội bộ.

Giai đoạn cao nhất của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là lúc đối tượng đã hoàn toàn bộc lộ tư tưởng chính trị phản động, hành động chống đối, sẵn sàng đối đầu với pháp luật và hệ thống chính trị với một tâm thế chủ động, công khai. Chúng chủ động tìm đến những phần tử đang “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cơ quan, đơn vị mình và các cơ quan, đơn vị khác để tập hợp lực lượng, hình thành nhân lõi tổ chức ban đầu. Trước những thông tin xuyên tạc, bịa đặt, hành động phản động, chống đối, việc làm vi phạm pháp luật của mình, những người có hành vi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thường rẽ theo hai cung đường, hoặc là ngộ nhận chân lý, lẽ phải thuộc về mình; hoặc là cố tình phớt lờ, bảo thủ không thừa nhận. Họ thường tự cho mình là người có đạo đức và luôn hăng hái bảo vệ sự cuồng tín đó. Họ chỉ đầu hàng khi chúng ta thuyết phục được họ rằng tư duy của họ là sai lầm, lòng yêu nước của họ là ngộ nhận. Tất nhiên, để làm được điều đó, đòi hỏi phải có một tư duy nhanh nhạy, một hành động quyết liệt và một tinh thần đấu tranh phê bình và tự phê bình ráo riết, triệt để. Phải có một tập thể mạnh với người đứng đầu có bản lĩnh và từng thành viên dám xông pha, không ngại va chạm, không sợ “trù dập”.

Đấu tranh phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là một quá trình lâu dài, khó khăn, phức tạp, cần có cách làm bài bản, căn cơ, nhanh nhưng không vội, quyết liệt chứ không trù dập, phải thấu tình đạt lý, chú trọng bước làm chuyển biến về nhận thức và tư duy của đối tượng, bởi suy cho cùng, có nhận thức đúng mới có hành động đúng. Đối với các đối tượng đã chuyển hóa đến mức độ chống đối rõ ràng, thậm chí công khai, công tác đấu tranh cần phải có các biện pháp phù hợp, tương ứng, trong đó đấu tranh làm tan rã tổ chức, chuyển hóa tư tưởng phản động là nhiệm vụ chủ yếu, rất quan trọng, có tính quyết định. Thậm chí, một số trường hợp phải kiên quyết xử lý bằng pháp luật để thể hiện tính nghiêm minh, đồng thời qua đó cảnh báo, ngăn chặn, cảnh tỉnh những trường hợp tương tự, đang còn manh nha các kế hoạch hoạt động tuyên truyền, chống phá.

Tóm lại, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã và đang hiện hữu trong mọi ngóc ngách, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trở thành nguy cơ hàng đầu dẫn tới sự thoái hóa, biến chất của mọi tổ chức, cá nhân, đe dọa sự tồn vong của chế độ. Sự chuyển hóa từ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” tới “diễn biến hòa bình” chỉ trong gang tấc. Vì vậy, đấu tranh phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” phải hết sức thận trọng, chính xác, kịp thời, đúng việc, đúng tính chất, đúng đối tượng mới đem lại hiệu quả, ngược lại thì hậu quả thật khôn lường.


Nguồn: Bình Phước Online