Admin
Chuyện chưa kể tại Khu lưu niệm Sáu Điều Bác Hồ dạy CAND
Lượt xem: 865
Những ngày đầu Xuân Mậu Tuất, chúng tôi trở lại thôn Chùa Nguộn, xã Nhã Nam, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, nơi khởi nguồn Sáu Điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân (CAND).

Nơi đây, Bộ Công an đã quyết định xây dựng Khu lưu niệm Sáu Điều Bác Hồ dạy CAND, một công trình mang ý nghĩa chính trị, lịch sử, văn hóa của lực lượng CAND, thể hiện tình cảm của lực lượng CAND đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Những phần việc cuối cùng đang được các đơn vị khẩn trương hoàn thiện, để từ ngày 11-3 tới đây, chúng ta sẽ có một công trình lịch sử văn hóa vĩnh cửu, một “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cho các thế hệ.

Dồn tâm huyết cho nhiệm vụ vinh quang

Khu lưu niệm trải dài trong diện tích gần 3ha, ở giữa là tượng đài Bác Hồ với dáng ngồi khoan thai trong trang phục bộ quần áo kaki quen thuộc. Hình ảnh Bác giản dị, thân thương khiến bất kỳ ai đến đây đều thấy lòng thăng hoa, xúc động. Tượng đài ánh lên màu đồng đỏ, như một điểm nhấn đặc sắc giữa Khu lưu niệm; phía sau tượng Bác là bức phù điêu chạm khắc tinh xảo. Đây là một công trình lịch sử vĩnh cửu, mang tính nghệ thuật đặc sắc.

Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy CAND là công trình đặc biệt, được Bộ Công an quyết tâm cao độ để xây dựng, thể hiện sự tôn vinh, tri ân và tình cảm đặc biệt mà lực lượng CAND dành tặng Bác. Bộ trưởng Bộ Công an đã giao cho đồng chí Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an làm Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng công trình.

Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an thường xuyên lên công trình kiểm tra tiến độ thi công.

Căn cứ vào điều kiện thực tế đảm bảo tính khả thi cao và trên cơ sở đề xuất của Công an tỉnh Bắc Giang, lãnh đạo Bộ Công an đã giao cho Tổng cục Chính trị CAND là chủ đầu tư xây dựng Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy CAND (Công an tỉnh Bắc Giang là đơn vị phối hợp). Nguồn kinh phí để xây dựng Khu lưu niệm là do cán bộ chiến sĩ (CBCS) CAND toàn lực lượng đóng góp.

Từ lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Tổng cục Chính trị CAND đến các đơn vị chức năng, khi được giao nhiệm vụ vinh quang này đã dồn tâm huyết, tình cảm, trí lực vào Khu lưu niệm, thường xuyên có mặt tại công trình. Những cán bộ, kỹ sư, kiến trúc sư giàu kinh nghiệm đã được “tung” vào công trường, ngày đêm bám sát tiến độ. Có thể nói, Khu lưu niệm là “dự án chạy đua thần tốc với thời gian”.

Thiếu tá Nguyễn Trọng Bằng, Phó Trưởng phòng 7 (Cục Tham mưu, Tổng cục Chính trị CAND), Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án phụ trách kỹ thuật, người lăn lộn, bám công trình nhiều tháng qua cho biết, quá trình triển khai xây dựng Khu lưu niệm gặp khó khăn lớn nhất là đòi hỏi tiến độ thi công (tháng 8-2017 công trình khởi công và tháng 11-2017, công trình mới bắt đầu chính thức thi công xây dựng), mốc hoàn thành phải kết thúc trước ngày kỷ niệm 70 năm lực lượng CAND thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy (vào ngày 11-3-2018).

Chỉ có gần 4 tháng với khối lượng công việc khổng lồ, nhiều hạng mục như: Tượng Bác, phù điêu, sân hành lễ, ao cá Bác Hồ, nhà trưng bày, khâu giải phóng mặt bằng…, nhưng quyết tâm của lãnh đạo Bộ và Tổng cục Chính trị CAND đã lan tỏa, tiếp sức cho cán bộ chiến sỹ, các nghệ nhân, kiến trúc sư và công nhân, họ được thấm nhuần, tham gia công trình với tâm huyết và trách nhiệm cao.

Để kịp tiến độ, bộ máy đã phải làm việc với cường độ rất cao trong điều kiện thời tiết mùa đông giá rét. Có thời gian mưa suốt mấy ngày liền, nhưng các cán bộ đã khắc phục khó khăn, làm ngày làm đêm. Song không ai cảm thấy mệt mỏi, vì từ lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Tổng cục đến cán bộ công nhân viên đều giác ngộ sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của công trình này.

Mỗi người đều ý thức được tham gia công trình là vinh dự, may mắn, niềm tự hào được đóng góp một chút công sức nhỏ bé của mình cho công trình lịch sử. Sự đoàn kết, thống nhất, sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo; sự toàn tâm, toàn ý của mỗi cán bộ, công nhân tham gia công trình là điều kiện tiên quyết để công trình hoàn thành đúng tiến độ.

Các tốp công nhân hối hả hoàn thiện những công đoạn thi công cuối cùng tại Khu lưu niệm.

Một số cán bộ còn được cử đi tham quan Khu công viên tượng đài Long An; Quảng trường tượng đài cha con ở Thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định hay tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên tại TP Pleiku, tỉnh Gia Lai, để học hỏi kinh nghiệm.

Gửi gắm bao tình cảm kính yêu vào tượng Bác

Một trong những hạng mục “kỳ công” và được triển khai rất thận trọng chính là việc xây dựng tượng đài Bác Hồ. Mục tiêu cao nhất mà lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu là tượng đài Bác phải thể hiện được thần thái của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thời điểm Bác gửi thư năm 1948, khắc họa cô đọng, đậm nét vị lãnh tụ thiên tài, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, lãnh tụ kính yêu của dân tộc.

Để thực hiện chủ trương xây dựng tượng đài Bác Hồ (và cả phù điêu tại Khu lưu niệm), ngày 2-8-2017, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký Quyết định thành lập Hội đồng nghệ thuật Khu lưu niệm do đồng chí Thiếu tướng Mai Văn Hà, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND làm Chủ tịch; họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam làm Phó Chủ tịch. Các ủy viên Hội đồng đều là các chuyên gia đầu ngành về mỹ thuật.

Trên cơ sở 4 mẫu phác thảo tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh của hai nhóm tác giả, ngày 16-8-2017, Hội đồng nghệ thuật đã chọn mẫu phác thảo tượng đài Bác Hồ của nhóm tác giả, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo và Vũ Đại Bình. Đó là mẫu tượng toàn thân, Bác ngồi trên bệ đá, khuôn mặt trìu mến, ánh mắt sáng. Bác mặc bộ quần áo ka ki giản dị, tay phải cầm bút, khuỷu tay phải đặt trên bệ đá, trên bệ đá có hình tượng chiếc máy chữ Bác hay dùng, chân Bác đi dép cao su…

Kích thước tượng cao 6,5m, đế tượng cao 0,5m, bệ tượng cao 1,2m. Mẫu tượng đài Bác đã được Hội đồng nghệ thuật họp nhiều lần để chỉnh lý, hoàn thiện.

Thượng úy Nguyễn Đăng Tịnh, công tác tại Phòng 7, Cục Tham mưu - cán bộ kế hoạch, kỹ thuật của dự án Khu lưu niệm Sáu Điều Bác Hồ dạy CAND kể:

Kỷ niệm đáng nhớ nhất có lẽ là ngày đưa tượng đài Bác Hồ từ An Dương, Hà Nội lên công trình. Ngày hôm đó trời giá rét và mưa phùn, cũng là ngày đội tuyển U23 Việt Nam giành tấm vé vào chơi trận chung kết giải châu lục. Do tượng Bác cao 7m, nên việc vận chuyển vô cùng khó khăn, vất vả, nhưng kíp vận chuyển hôm đó đều quên mệt mỏi, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Xe vận chuyển nhích từng mét một cẩn trọng, để tượng không vướng vật cản và dây điện chằng chịt.

Suốt thời gian đưa tượng Bác về công trình, mọi người không nghỉ ngơi, mặc dù đều đói và mệt, nhưng ai cũng tâm niệm khi chưa đưa được tượng Bác về công trình an toàn thì chưa cho phép mình được nghỉ ngơi. Quãng đường chỉ 80km nhưng phải mất gần 12 tiếng đồng hồ, các cán bộ chiến sỹ, đơn vị thi công mới đưa được tượng Bác về tới công trình an toàn trong niềm vui và hạnh phúc. Công an tỉnh Bắc Giang cũng đã hỗ trợ rất nhiều, bố trí hai xe của CSGT để dẫn đoàn, cùng đưa tượng Bác về công trình.

Nâng niu từng nét chạm khắc, từng viên đá…

Tại Khu lưu niệm, cùng với tượng đài Bác Hồ, còn có rất nhiều hạng mục cũng “chạy đua thần tốc” để về đích kịp tiến độ. Trong đó việc thi công, vận chuyển bức phù điêu (dài  trên 50m, vị trí cao nhất của phù điêu là 13,5m ở phía sau tượng Bác) cũng kỳ công không kém. Phù điêu mang kiểu dáng 9 ngọn núi cách điệu, tạo sự liên tưởng về một căn cứ địa cách mạng Việt Bắc hùng vĩ, các nội dung được thể hiện bằng ngôn ngữ điêu khắc.

Đồng chí Thượng tướng, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành có lần kết thúc cuộc họp khi trời đã tối mịt nhưng vẫn xuống xưởng ở Tam Trinh (Hà Nội) để duyệt mẫu. Sau khi có mẫu, phù điêu được gia công ở xã Ninh Vân, tỉnh Ninh Bình, chất liệu bằng đá xanh Thanh Hóa.

Những hàng cây được trồng theo thiết kế mỹ thuật tôn thêm ý nghĩa lịch sử, văn hóa của Khu lưu niệm.

Đến 28, 29 Tết, hàng trăm công nhân vẫn miệt mài đục đá, chạm khắc phù điêu. Và nhiều công nhân chỉ kịp ăn Tết tại nhà 1, 2 ngày, đến mồng 2 Tết, họ lại khăn gói lên đường vận chuyển phù điêu lên công trình. Việc vận chuyển phù điêu theo hình thức cuốn chiếu, những tấm đá đã chạm khắc xong thì được mang lên ghép trước, hoàn thiện dần dần.

Việc lát đá tại Khu lưu niệm cũng được Ban Quản lý xây dựng dự án thực hiện cẩn trọng. Lãnh đạo Cục Tham mưu đã vào tận Bình Định để chọn đá granite đảm bảo độ bền đẹp. Quá trình vận chuyển đá từ Bình Định tới công trình cũng được lên kế hoạch chi tiết, cẩn thận nâng niu từng viên đá.

Đến Khu lưu niệm, chúng tôi còn rất ấn tượng với hạng mục cây. Chỉ vài năm nữa thôi, nơi đây sẽ xanh rợp bóng cây, vang vọng ký ức lịch sử. Anh Lương Trần Giang, Phó Giám đốc Công ty đảm nhận phần việc này gương mặt đen sạm sau nhiều ngày vất vả tại công trường, hồ hởi nói với chúng tôi rằng, lâu rồi anh mới được tham gia một công trình độc đáo như vậy, cán bộ của công ty anh cũng hiểu được ý nghĩa của công trình nên tham gia phần việc với trách nhiệm cao nhất.

Lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu cây phải gắn với Khu ATK Việt Bắc, gắn với truyền thống Việt Nam, do đó, “hạng mục cây xanh” cũng mang tính thẩm mỹ rất cao. Còn chúng tôi mải miết ngắm những hàng cây gợi ký ức lịch sử: 79 cây sao đen gắn với 79 mùa xuân của Bác Hồ; 54 cây tùng tháp đứng hiên ngang gắn với 54 dân tộc anh em; những rừng cọ, đồi chè đã được trồng hứa hẹn một màu xanh ngút mắt; hai cây đa cũng đã được đưa về gợi nhắc vùng ATK lịch sử.

Ngoài ra còn có cây phách, cây bách tán, nguyệt quế, hàng xoài và 19 cây dầu gắn bó với đồng bào miền Nam. Việc thiết kế, quy hoạch cây tinh tế để đẹp mãi về sau.

Nguồn: CAND Online