Đại tá Nguyễn Viết Hoàn, Giám thị Trại giam số 6 cho biết thêm, bên cạnh chương trình dạy xóa mù chữ, trại giam còn lồng ghép chương trình Giáo dục Công dân vào lớp học để giáo dục phạm nhân những bài học về đạo đức, pháp luật, kỹ năng sống căn cứ theo tài liệu của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và Bộ Công an biên soạn.
1. Lâu nay, nhắc đến trại giam, nhiều người ngầm hiểu đây là nơi chuyên giam giữ, cải tạo những kẻ phạm tội trong xã hội, bị pháp luật xử lý. Điều này không sai nhưng chưa đủ, bởi trại giam giống như một xã hội chuyên biệt, thu nhỏ mà trong đó, phạm nhân cũng có những quyền nhất định mà họ được thụ hưởng như bao người bình thường khác. Một trong những nhu cầu chính đáng ấy là quyền được học chữ, được biết đọc biết viết. Cũng bởi vậy, chẳng biết tự bao giờ, trong trại giam đã xuất hiện những lớp học đặc biệt dành cho những học trò đặc biệt và dĩ nhiên, thầy cô giáo đứng lớp cũng rất khác biệt: Lớp học dành cho những phạm nhân mù chữ.
Thượng tá Hồ Thân Kỳ, Đội phó Đội Quản lý giáo dục – Hồ sơ, Trại giam số 6 (Bộ Công an) cho chúng tôi biết, hằng năm trại giam tổ chức rất nhiều lớp học phổ biến kiến thức, nội quy, quy định của Nhà nước cho những phạm nhân mới nhập trại; lớp tuyên truyền kiến thức pháp luật, các quy định của Luật ATGT, Luật Hình sự và phổ biến thông tin về tình tình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng trong thời gian thụ án cho những phạm nhân chuẩn bị hết án tù, trở về xã hội tái hòa nhập cộng đồng. Song, để lại dấu ấn hơn cả vẫn là các lớp học xóa mù chữ mà đơn vị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Chương (Nghệ An), nơi đơn vị đóng chân để thực hiện. Vẫn biết rằng, việc mở lớp học xóa mù cho các phạm nhân là quy định chung cho tất cả các trại giam, thể hiện sự nhân văn của pháp luật Việt Nam trong việc cải tạo và giáo dục người lầm lỗi, song người cán bộ quản giáo với cái tâm và sự nhiệt huyết, đã gắn bó với lớp học vẫn có những cảm giác rất khác lạ trên con đường hướng thiện cho những phận đời sa ngã, lầm lỡ.
2. Thực tế ở Trại giam số 6, những lớp học xóa mù cho phạm nhân được ra đời từ trước khi có pháp lệnh của Nhà nước dù tự phát nhưng đã giúp cho hàng trăm phạm nhân biết đọc, biết viết trong quá trình thụ án và sau khi về với xã hội. Từ nhiều năm nay, khi pháp lệnh ra đời, việc mở lớp xóa mù đã đi vào quy củ khi đơn vị phối hợp với Trường Tiểu học Thanh Mỹ để tổ chức các lớp học phổ cập chương trình tiểu học cho phạm nhân chưa biết chữ. Trại giam sẽ phối hợp với nhà trường để biên soạn chương trình, tổ chức phân công lịch dạy cũng như lễ khai giảng, bế giảng cho từng đợt. Phạm nhân sau khi hoàn thành lớp học sẽ được cấp “Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình xóa mù chữ” sau khi vượt qua kỳ thi sát hạch cuối kỳ. Mỗi năm, tùy vào số lượng phạm nhân mù chữ, Trại giam số 6 tổ chức từ 1 đến 2 lớp học. Mỗi lớp từ 30 đến 45 phạm nhân, chủ yếu là người miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số. Mỗi khóa học kéo dài trong 6 tháng, học liên tục từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần, duy trì thời gian 4 giờ mỗi ngày. Trong khoảng thời gian đó, những “học sinh” mang trên mình tấm áo sọc dọc này sẽ được bổ túc những kiến thức cơ bản về Toán học và Tiếng Việt.
Nói thì nghe có vẻ đơn giản và dễ dàng như vậy, chứ kỳ thực có tận thấy công việc “trông người” của những người thầy đặc biệt này, mới biết chuyện dạy chữ trong trại giam thật không đơn giản. Trung úy Nguyễn Kim Dung, dù được đào tạo bài bản nghiệp vụ sư phạm tại Trường Đại học Vinh, song khi tiếp xúc với lớp xóa mù này, nhiều lúc bản thân chị cũng rất vất vả trước những thế hệ học trò không đồng trang lứa này. Chị Dung cho biết, bình thường mỗi lớp học xóa mù trong trại giam mỗi người có độ tuổi khác nhau, từ vị thành niên đến người đã ngoài 50 tuổi, trình độ nhận thức cũng không giống nhau. Họ có điểm chung là đều vi phạm pháp luật, bị phạt án tù và trước khi vào đây đều không biết chữ. Và nhiệm vụ của những nhà giáo mang quân hàm đỏ là phải giúp các phạm nhân này biết đọc, biết viết, một công việc hoàn toàn không đơn giản như những giáo viên thông thường khác. “Đa phần những người tham gia lớp học đều là người già hoặc dân tộc thiểu số, đến cả tiếng Kinh nhiều trường hợp còn nói chưa sõi, lúc ở nhà bàn tay chỉ quen với cái cày, cái cuốc, nên giờ cầm bút cứ loay hoay, thậm chí có trường hợp phải mất một tuần mới biết cách cầm bút. Chuyện học trước quên sau thì diễn ra thường ngày như cơm bữa”, Trung úy Dung chia sẻ.
Trường hợp của phạm nhân Lê Thị Bích, Đội 35 phân trại số 1, là người dân tộc Thái ở huyện miền núi Tương Dương, can tội buôn bán trái phép chất ma túy, án 7 năm tù. Phải khó khăn, vất vả lắm cô giáo mới “bắt” các ngón tay Bích cầm được bút, nhưng phạm nhân này lại có cái tật xấu là rất nhanh quên, cứ đến buổi học hôm sau là quên hết nội dung đã học hôm trước, dù đã tìm đủ mọi cách nhưng vẫn phải mất gần 3 tháng mới giúp phạm nhân Bích đi vào khuôn khổ được. Cũng có nhiều trường hợp mang tư tưởng bất mãn, chống đối với tâm lý có biết chữ cũng mang tiếng ở tù về nên quá trình học thường tìm cách phá rối, kích động các học viên. Tuy nhiên, nhìn chung phần lớn phạm nhân rất cầu thị, họ lầm lỡ trong quá khứ song hiện tại rất biết cách tu tâm để thay đổi số phận. Phần lớn các phạm nhân được hỏi đều có chung mục đích là học chữ để biết viết thư về cho gia đình, cha mẹ, vợ con. Nhiều trường hợp khác sau khi ra trại, với vốn từ học được đã phát triển thêm, hoàn lương và đã viết thư trở lại để cảm ơn trại giam đã khai sinh ra cuộc đời mình lần thứ hai. Đó là câu chuyện của “cựu” phạm nhân Lê Bá L., trú huyện Quế Phong (Nghệ An). Thụ án hơn chục năm tại trại giam số 6 về tội buôn bán trái phép chất ma túy, ngày vào trại L. là một kẻ mù chữ, song sau khi trải qua lớp xóa mù, cùng với nỗ lực của bản thân, anh này đã trở về quê cũ, phấn đấu thành ông chủ kinh doanh trên địa bàn thị trấn Kim Sơn, thường xuyên thư từ, thăm hỏi các cán bộ quản giáo, cũng là những thầy giáo năm nào.
3. Đại tá Nguyễn Viết Hoàn, Giám thị Trại giam số 6 cho biết thêm, bên cạnh chương trình dạy xóa mù chữ, trại giam còn lồng ghép chương trình Giáo dục Công dân vào lớp học để giáo dục phạm nhân những bài học về đạo đức, pháp luật, kỹ năng sống căn cứ theo tài liệu của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và Bộ Công an biên soạn. Xác định thành phần của các “học sinh” tham gia lớp học khá phức tạp và hạn chế về nhận thức nên Ban giám thị rất quan tâm, động viên các “thầy”, “cô” giáo, bên cạnh truyền thụ kiến thức vỡ lòng cần kết hợp giáo dục tư tưởng, chính trị. Đối với những trường hợp cá biệt, cần nắm bắt tâm lý, hoàn cảnh gia đình và tâm tư nguyện vọng thông qua tiếp xúc, trò chuyện để kịp thời động viên, an ủi trong quá trình học tập, cải tạo. Ban Giám thị Trại giam cũng đã tạo mọi điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất như giấy, bút, tài liệu cho học viên, bảng đen, phấn trắng để phục vụ tốt công tác giảng dạy và học tập. Chính bởi vậy, đến thời điểm này có thể khẳng định công tác xóa mù chữ ở Trại giam số 6 đã được đơn vị thực hiện tốt, hạn chế thấp nhất tình trạng phạm nhân mù chữ.
"Thầy giáo" già kiên nhẫn cầm tay "học sinh" dạy chữ.
Đối với công tác thường xuyên thiếu giáo viên chuyên sâu đứng lớp, bên cạnh những người quản giáo kiêm luôn nhà giáo như cô giáo Kim Dung, cô giáo Tường Linh, Nguyễn Thị Hà hay thầy giáo Lê Quốc Việt, Trại giam số 6 đã khắc phục bằng cách sử dụng những phạm nhân có trình độ, cũng như có nghiệp vụ sư phạm để đứng lớp dạy học. Một trong những “thầy giáo” rất đặc biệt đó là phạm nhân Lê Văn Hiếu (37 tuổi), quê ở xã Đức Thành, Yên Thành (Nghệ An). Sinh ra trong gia đình có truyền thống nghề giáo, Hiếu tốt nghiệp Trường Đại học Vinh, khoa Giáo dục tiểu học và được nhận về làm công tác giảng dạy tại Trường Tiểu học Đức Thành. Năm 2010, khi vừa nhận chức Phó hiệu trưởng nhà trường, Hiếu vì bênh em trai, lại đang sương sương trong chầu nhậu, anh đã rút dao đâm chết hàng xóm, lĩnh án 11 năm tù. Từ nhiều năm nay, Hiếu trở thành thầy giáo đứng lớp cho rất nhiều lớp xóa mù của trại giam, được các phạm nhân tin yêu, quý mến.
Dạy chữ, cũng đồng nghĩa với dạy người. Dạy chữ ngoài xã hội đã khó, công việc này trong trại giam lại càng khó khăn gấp bội. Song, vì muốn thắp lên niềm tin hướng thiện cho hàng ngàn phạm nhân, để họ có đủ nhận thức, khi trở về với cồng đồng không bước lại trên vết xe đổ của bản thân mà từng bước hoàn lương để trở thành công dân có ích cho xã hội, những thầy giáo, cô giáo mang quân hàm đỏ sẵn sàng hi sinh, âm thầm cống hiến vì tương lai ngày mai của những phận người một thời lầm lỗi, đang kiên trì hoàn thiện mình để làm lại cuộc đời.
Nguồn: cand.com.vn