Admin
Sắc vàng giữ phố bình yên
Lượt xem: 1549
Hà Nội là đầu mối, cửa ngõ giao thông trọng điểm của cả nước. Những năm trước đây, bên cạnh rất nhiều việc đã làm được, cũng đã xảy ra không ít những chuyện làm sụt giảm lòng tin nơi dân, đến từ phong cách ứng xử của CSGT trên đường. Bởi vậy, việc xây dựng hình ảnh người chiến sĩ CSGT thân thiện trong mắt người dân, đã trở thành một yêu cầu cấp thiết và là mục tiêu, phương châm hành động của cán bộ chiến sỹ (CBCS) Phòng PC67- Công an TP Hà Nội. Người giữ trách nhiệm "tổng đạo diễn" cuộc đổi thay này là Đại tá, Trưởng phòng Đào Vịnh Thắng.

Cảm giác e ngại, tâm lý đối phó với những sắc phục vàng trên đường phố Hà Nội đã lặng lẽ vơi dần trong người tham gia giao thông. Giờ đây, mỗi khi dừng đèn đỏ, dòng người lại thích thú ngắm nhìn những nữ chiến sỹ Cảnh sát giao thông (CSGT) xinh xắn trên bục cao giữa phố, hoặc thả lòng lắng nghe bản nhạc trữ tình ngợi ca Hà Nội, cùng những hướng dẫn về luật lệ An toàn giao thông phát ra từ những chiếc loa gắn trên cầu vượt. Giữ "ghế nóng" Trưởng phòng CSGT (PC67)- Công an TP Hà Nội, Đại tá Đào Vịnh Thắng đã "lao tâm, khổ tứ" để có được những thay đổi tận gốc về nếp nghĩ và cách làm của toàn lực lượng CSGT Hà Nội.

Cuộc đổi thay ngoạn mục

Nghĩ về lực lượng Công an, người dân thường dựa trên quan sát của họ về cử chỉ, tác phong, hành động, phong cách ứng xử… của những lực lượng làm nhiệm vụ công khai trong sắc phục Công an nhân dân, như CSGT, Cảnh sát Cơ động, Công an xã phường… Vì công việc của họ trực tiếp "động chạm" đến quyền lợi của dân, nên việc hay, việc dở đều không ngoài tầm mắt nhân dân. Từ đó mà nảy sinh yêu ghét, ủng hộ hay đối nghịch, dẫu rằng cái nhìn ấy có thể phiến diện, cảm tính. Trong số những sắc phục được dân "soi" nhiều nhất, lực lượng CSGT luôn ở "top" đầu, bởi chỉ cần nhấc chân hay lăn bánh xe xuống phố, bất cứ ai cũng có thể phải làm việc với họ.

Hà Nội là đầu mối, cửa ngõ giao thông trọng điểm của cả nước. Những năm trước đây, bên cạnh rất nhiều việc đã làm được, cũng đã xảy ra không ít những chuyện làm sụt giảm lòng tin nơi dân, đến từ phong cách ứng xử của CSGT trên đường. Bởi vậy, việc xây dựng hình ảnh người chiến sĩ CSGT thân thiện trong mắt người dân, đã trở thành một yêu cầu cấp thiết và là mục tiêu, phương châm hành động của cán bộ chiến sỹ (CBCS) Phòng PC67- Công an TP Hà Nội. Người giữ trách nhiệm "tổng đạo diễn" cuộc đổi thay này là Đại tá, Trưởng phòng Đào Vịnh Thắng.


Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông - Công an TP Hà Nội.

Được biết, thời gian qua đơn vị này đã yêu cầu "mỗi ngày, mỗi người có một việc làm tốt phục vụ nhân dân" đối với toàn thể lực lượng CSGT Thủ đô. "Cơ chế" khen thưởng, xử phạt được thực hiện nghiêm minh. Theo đó, CBCS có hành động tốt sẽ được thưởng 100.000 đồng/lượt và ghi tên trong sổ danh dự thi đua. Ngược lại, ai có sai phạm sẽ bị xử lý kỷ luật nghiêm và điều chuyển công tác.

Ngày lại ngày, người dân Hà Nội hôm nay đã dần quen với sự hiện diện của các nữ CSGT xinh đẹp, tươi tắn nơi ngã tư, góc phố. Mưa lụt đường hay nắng cháy cỏ, trong bụi khói mịt mù hay rét cắt da, cắt thịt… các chị vẫn hiện hữu nơi bục điều khiển giao thông với chiếc gậy nhựa như có phép màu, điều tiết giao thông diễn ra trong trật tự. Cũng đã vắng hẳn những cái "bụng bia" bệ vệ trong sắc phục vàng, thay vào đó là những chàng trai tuổi đôi mươi hừng hực, nghiêm ngắn, chuyên nghiệp và thuyết phục mỗi lúc dừng xe để kiểm tra giao thông hay xử phạt. Hình ảnh những chiến sỹ CSGT Hà Nội dắt tay cụ già qua đường; cặm cụi chổi tre quét đi những mảnh vỡ, rác rưởi trên mặt đường; bế người bị nạn đi cấp cứu hay tận tình chỉ đường cho những người dân tỉnh ngoài, học sinh lên Hà Nội ứng thí trong các mùa thi vừa qua…đã trở nên rất đỗi quen thuộc. Rồi những chuyện như CSGT đưa trẻ em bị lạc tìm về với gia đình; khuyên giải người có ý định nhảy cầu tự tử; giúp đỡ các thí sinh đi thi đại học bị mất giấy tờ, hỏng xe, không có tiền thuê trọ; phạt bố mẹ vi phạm giao thông nhưng chở con em họ đến trường thi…đã tích lũy dần những nụ cười trên môi người dân mỗi khi gặp CSGT Hà Nội.

Những đổi thay ấy không phải đến trong "một sớm, một chiều". Những nếp nghĩ, cách làm cũ đã thành thói quen khó bỏ trong mỗi người, nhất là khi những sai phạm, tiêu cực… mang lại lợi ích. Sau bao đêm dài trằn trọc, trăn trở để tìm một cách làm đủ sức thay đổi những thói quen cũ, Ban chỉ huy Phòng PC67 Hà Nội đã thành công trong việc làm chuyển hóa nhận thức ở từng CBCS. Mỗi người tự nhận thấy đã đến lúc cần phải thay đổi thì mới hoàn thành nhiệm vụ. Kế tiếp là các biện pháp về tổ chức, hành chính, kỷ luật mạnh mẽ, dứt khoát… đã nhanh chóng kiện toàn lại bộ máy và đem lại luồng "sinh khí" mới trong đơn vị.


Nữ chiến sỹ CSGT Hà Nội điều khiển giao thông.

Trong những vụ cãi vã, phản ứng của người dân đối với CSGT, thấy có một phần lỗi đến từ chính CBCS. Có thể là do ứng xử còn vụng về, thiếu khôn khéo khi xử lý các tình huống phức tạp. Giải pháp cho vấn đề này là đào tạo, huấn luyện. Coi đây là khâu then chốt để nâng cao chất lượng công việc, đơn vị đã thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nâng cao về văn hóa ứng xử, kỹ năng làm việc và xử lý tình huống cho CBCS. Mới đây, khóa tập huấn sơ cứu người bị say nắng, say nóng, choáng, ngất, bị thương trong các vụ tai nạn trên đường, thậm chí tình huống người đi đường chuyển dạ, đẻ rơi… đã được triển khai cho hơn 500 CBCS Phòng PC67 Hà Nội, với mục tiêu giảm thiểu thiệt hại về người đến mức thấp nhất.

Trực tiếp kiểm tra để hiểu chuyện

Rất khó khăn để chúng tôi "setup" được một cuộc hẹn làm việc với Đại tá Đào Vịnh Thắng, đơn giản là vì ông quá bận. Giữ "ghế nóng" về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) ở Thủ đô, ông luôn "căng" mình ra để xử lý, giải quyết hàng trăm đầu việc mỗi ngày. Trong đó, ông luôn dành đáng kể "thời lượng" cho những cuộc "vi hành" bất ngờ, đột xuất đến những chốt trạm CSGT… để được "mắt thấy, tai nghe" tác phong làm việc của CBCS ở trên đường. Thực ra, cách làm này không mới, nhưng chỉ có ở những vị lãnh đạo thực sự tâm huyết, sát sao với công việc.

Lý giải về những cuộc kiểm tra thực địa đột xuất, Đại tá Thắng chia sẻ: "Làm việc là phải nghe thông tin 2 chiều và phải trực tiếp kiểm tra chiến sỹ của mình. Mỗi lần đi kiểm tra, tôi lại biết thêm những điểm cần chấn chỉnh đối với họ, từ lời ăn tiếng nói đến tư thế tác phong. Tôi có thể chủ động nắm được cách làm việc và quá trình công tác của CBCS, chứ không cần chờ báo cáo gửi lên để đọc. Thông qua đó, tôi biết CBCS nào cần được ghi nhận và biểu dương, trường hợp nào cần phê bình rút kinh nghiệm hoặc xử lý kỷ luật. Tôi cảm thấy buồn mỗi khi người dân tỏ thái độ bức xúc trước lối làm việc không nghiêm túc hoặc ứng xử không hay của CSGT. Đồng thời tôi cũng rất cảm thông, chia sẻ với những khó khăn vất vả của đồng chí, đồng đội mình. Bởi vậy, tôi muốn xây dựng một hình ảnh người CSGT đẹp, thân thiện trong mắt nhân dân và hết lòng vì nhân dân phục vụ".


Đại tá Đào Vịnh Thắng phát nước uống cho các tổ công tác trên đường phố Hà Nội trong những ngày nắng nóng.

Cách mà ông xuống kiểm tra các chốt trạm CSGT hoàn toàn bí mật, lặng lẽ và luôn thay đổi. Mệt mỏi sau cả ngày làm việc căng thẳng, nhưng cứ vào chiều muộn hay khi đêm xuống, ông lại mặc thường phục ra đường bắt xe ôm, đón taxi đi dạo phố để quan sát mọi hoạt động của CBCS. Đã nhiều người được khen ngợi, nhưng số bị phê bình, nhắc nhở, thậm chí kỷ luật điều chuyển công tác khác cũng không ít.

Ở đơn vị, ông có tiếng là nói đi đôi với làm, ân- uy rạch ròi, thưởng phạt công minh. Bởi vậy, người lính trên đường không được phút nào xao nhãng công việc, hay xa rời quy trình công tác. Vì họ luôn cảm thấy có cặp mắt của "sếp" đang dõi theo từng cử chỉ, hành vi của mình.

Mới đây, việc Đại tá Đào Vịnh Thắng đã nghiêm cấm CBCS không được đứng núp, không được giật chìa khóa, không được chỉ gậy vào người tham gia giao thông khi người ta có sai phạm… được người dân đồng tình, ủng hộ. Theo ông, nhiệm vụ trọng tâm của CSGT là hướng dẫn, tổ chức giao thông chứ không phải tập trung xử phạt. Trong giờ cao điểm, CSGT phải tập trung vào hướng dẫn, giảm ùn tắc giao thông, tổ chức giao thông hợp lý đảm bảo thông suốt. Tuy nhiên, những trường hợp người dân cố tình vi phạm, không chấp hành thì vẫn phải xử phạt kiên quyết.

Đồng hành cùng cán bộ chiến sĩ

Xúc động trước hình ảnh Đại tá Đào Vịnh Thắng tự tay phát những hộp nước cho các chốt kiểm soát giao thông trên đường phố Hà Nội dưới cái nóng 39-40 độ C, chúng tôi nhớ đến câu "Điều gì xuất phát từ trái tim, sẽ đến được với trái tim". Phải chăng, để những người lính của mình thực sự là bạn đồng hành của người tham gia giao thông, ông đã tự xác định chính mình phải đồng hành cùng họ? Ở Phòng PC67 Hà Nội, những sẻ chia nho nhỏ xuất phát từ tấm lòng thương lính chân thành của vị chỉ huy ấy, đã trở thành nguồn động viên, khích lệ lớn lao đối với CBCS đang đêm ngày bám trụ trên đường, bất chấp thời tiết mưa nắng, khói bụi để tổ chức giao thông được điều hòa, trật tự.

Với những đóng góp lớn trên cương vị chỉ huy trưởng CSGT Hà Nội, góp công đầu trong hành trình xây dựng hình ảnh CSGT Thủ đô đẹp trong mắt nhân dân, cá nhân Đại tá Đào Vịnh Thắng đã được Đảng, Nhà nước và TP Hà Nội tặng thưởng nhiều bằng khen, huân chương và danh hiệu thi đua. Dưới sự dẫn dắt của ông, trong những ngày tới đây, Phòng PC67 - Công an TP Hà Nội sẽ được vinh dự đón nhận danh hiệu cao quý "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân", vì những thành tích đặc biệt xuất sắc của đơn vị trong việc giữ gìn TTATGT trên địa bàn Thủ đô Hà Nội những năm qua.

Là tác giả của nhiều sáng kiến đột phá thay đổi cách "làm giao thông" tại Thủ đô, nhưng khi được hỏi, Đại tá Đào Vịnh Thắng chỉ khiêm tốn cho rằng điều ông làm cũng chưa phải là phát kiến gì đặc biệt. Đơn giản chỉ là làm tốt những việc xưa nay vẫn làm, nhưng chưa tốt.

Nguồn: cand.com.vn