Admin
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII: Thảo luận về tiêu chuẩn, cơ cấu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII
Lượt xem: 930
Chiều qua, Đại hội làm việc tại Hội trường về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng điều hành phiên họp.

Đại hội đã thảo luận và biểu quyết thông qua số lượng Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XII là 200 đồng chí, gồm 180 đồng chí ủy viên chính thức và 20 đồng chí ủy viên dự khuyết. Sau phiên họp toàn thể, các đại biểu tiếp tục thảo luận tại đoàn về tiêu chuẩn, cơ cấu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

Các đại biểu tham dự Đại hội đều nhất trí cao với báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI trình Đại hội XII. Theo đó, tổng số ủy viên Trung ương khóa XII không đổi nhưng có điều chỉnh về số lượng ủy viên Trung ương chính thức và ủy viên dự khuyết. Cụ thể, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII sẽ gồm 200 ủy viên với cơ cấu 3 độ tuổi, trong đó, dưới 50 tuổi dự kiến 15-20%; từ 50-60 tuổi dự kiến 65-70%; trên 60 tuổi dự kiến 5-10%. Các nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần đầu cần đủ tuổi để tham gia được 2 khóa, tối thiểu cũng đủ tuổi tham gia trọn 1 khóa.

Các đại biểu Công an dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Theo chương trình, Đại hội XII dành trọn ngày 24 và sáng 25-1 để tiến hành các bước nhân sự như thảo luận tiêu chuẩn, cơ cấu, danh sách đề cử, ghi phiếu ứng cử, đề cử, xin rút (nếu có)… Phấn đấu xây dựng cơ cấu, tỉ lệ cán bộ nữ Ban Chấp hành Trung ương khóa XII trên 10% (khóa XI là 8,13%), cán bộ trẻ dưới 40 tuổi từ 4-6% (khóa XI là 2,2%), cán bộ là người dân tộc thiểu số từ 9-10% (khóa XI là 8,75%). Các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, lãnh đạo một số tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước nếu đủ tiêu chuẩn, điều kiện cũng được tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII. Đây cũng là một nét mới trong công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII, nhiệm kỳ 2016-2021.

Trao đổi với báo chí, Thượng tướng Võ Tiến Trung, Giám đốc Học viện Quốc phòng cho biết, hồ sơ giới thiệu nhân sự tại Đại hội không có gì phức tạp, đã có sẵn. Chỉ có những giới thiệu mới thì phải chuẩn bị thêm. Thượng tướng Võ Tiến Trung nói: “Ví dụ tôi giới thiệu đồng chí nào để bầu vào Ban Chấp hành Trung ương thì tôi phải có hồ sơ trích ngang, phải báo cáo trước Trung ương, trước Đại hội về đồng chí đó và đồng chí đó phải cung cấp hồ sơ để các đại biểu trong Đại hội đọc để xem xét đồng chí đó có xứng đáng không. Ban Chấp hành Trung ương khoá XI đã giới thiệu số dư là hơn 10% (21/200 người). Còn khoảng 20% nữa, Đại hội sẽ bỏ phiếu những người ứng cử và đề cử thêm, lấy từ cao xuống thấp, đến lúc nào đủ 30% thì thôi. Còn quá 30% thì không lấy nữa. Quy định này là từ Hội nghị Trung ương 14”.

Nói thêm về điều này, đại biểu Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ  nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định, Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI tại Hội nghị Trung ương 14 đã giới thiệu nhân sự với quá trình sàng lọc kỹ lưỡng, qua nhiều khâu để hình thành danh sách, cân nhắc từng cá nhân phù hợp với vị trí và yêu cầu nhiệm vụ cụ thể. Ông Nguyễn Hạnh Phúc nói: “Đức và tài là quan trọng nhất. Chúng ta đã quy định rất cụ thể. Quan trọng là nhận diện, sàng lọc để chọn ra người nào đáp ứng tiêu chuẩn ấy, tránh đưa người cơ hội vào Trung ương. Điều này phụ thuộc vào sáng suốt của đại hội”.

Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh, quy chế bầu cử tại Đại hội XII nhằm phát huy dân chủ, đổi mới, chọn được các nhân sự đủ đức, đủ tài để tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa mới, đặc biệt là Ủy viên Bộ Chính trị và các nhân sự lãnh đạo chủ chốt khóa XII.

Điều đó đã được thể hiện trong các quy định của Đảng với Quy chế 244 được Ban Chấp hành Trung ương khóa XI thông qua và quy chế đó cũng được Đại hội XII chấp nhận. Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, trong chương trình chính thức, có mục đề cử, ứng cử, đó là quyền dân chủ của mọi người. Tức mỗi người có quyền đề cử, ứng cử nhưng quyền ứng cử, đề cử đó được thực hiện trong quy chế bầu cử 244 được Ban chấp hành Trung ương khóa XI thông qua và được Đại hội chấp nhận. Như vậy, Quy chế 244 là quy chế bầu cử trong Đảng, được thực hiện ở Ban Chấp hành Trung ương trở xuống. Những nhân sự trong Ban Chấp hành Trung ương khóa cũ, theo quy chế bầu cử Đại hội XII sẽ không ứng cử, không nhận đề cử và chỉ những nhân sự chưa tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa cũ mới có thể nhận và tự ứng cử tại Đại hội. Tuy nhiên, khi ra Đại hội thì Đại hội có quyền quyết định cao nhất. Điều đó thể hiện dân chủ tập trung và quyền của Đại hội là quyền cao nhất.

Nguồn: CAND Online