Admin
Gian nan cuộc chiến với tội phạm ma túy - Bài 1
Lượt xem: 729
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26-3-2008 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới”, Bình Phước đã có nhiều nỗ lực và đạt những kết quả nhất định. Đáng nói nhất là nhận thức, tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền về phòng, chống ma túy đã được nâng lên một bước. Tuy nhiên, số người sử dụng ma túy trên địa bàn tỉnh vẫn tăng và ngày càng trẻ hóa; thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy ngày càng tinh vi. Từ nạn buôn bán, sử dụng ma túy đã làm gia tăng các loại tội phạm và bạo lực, là tác nhân lây lan căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS, tàn phá cuộc sống yên bình của hàng ngàn gia đình, thôn xóm và làm suy giảm giống nòi.

ĐA DẠNG HÌNH THỨC TUYÊN TRUYỀN,
KIÊN QUYẾT TẤN CÔNG TỘI PHẠM

Nhằm cụ thể hóa Chỉ thị số 21-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới”, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành nhiều chỉ thị, chương trình, kế hoạch hành động nhằm thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ theo tinh thần Chỉ thị số 21. Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Riêng lực lượng công an đã tổ chức nhiều chuyên án trấn áp tội phạm ma túy. Theo đó, nhiều tụ điểm phức tạp về ma túy đã bị triệt phá.

PHÒNG NGỪA BẰNG TUYÊN TRUYỀN

Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm và tệ nạn ma túy, lực lượng công an trong tỉnh đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và ban chỉ đạo phòng, chống ma túy các cấp triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 21 và Chương trình hành động phòng, chống ma túy của Chính phủ. Đồng thời, huy động cả hệ thống chính trị và toàn dân tích cực tham gia công tác phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm và tệ nạn ma túy; xây dựng xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma túy. Điểm nhấn trong công tác tuyên truyền là giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của toàn dân, nhất là thanh thiếu niên, học sinh, không để kẻ xấu lôi kéo vào các hoạt động liên quan đến ma túy; tuyên truyền, vận động nhân dân không trồng các loại cây có chứa chất ma túy.

Lãnh đạo các sở, ban, ngành, thị xã Đồng Xoài đốt hình nộm tuyên truyền người dân thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống ma túy, bài trừ tệ nạn này ra khỏi đời sống xã hội

Hằng năm, các cơ quan chức năng trên địa bàn tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống ma túy. Hàng ngàn tin, bài, phóng sự về phòng, chống ma túy được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Nhiều đơn vị có những hình thức tuyên truyền rất hiệu quả. Công an tỉnh và đoàn viên thanh niên các cấp phối hợp xây dựng mô hình “Chi đoàn không có tội phạm và tệ nạn xã hội”, “Hòm thư tố giác tội phạm” “Địa chỉ đen”, “Đường dây nóng” và ký giao ước thi đua thực hiện cuộc vận động “3 không với ma túy”, “Nói không với ma túy”. Tỉnh đoàn và Sở GD-ĐT thành lập đội hình thanh niên tình nguyện “thắp sáng niềm tin” và tổ chức hội thảo, tọa đàm thắp sáng ước mơ hoàn lương. MTTQ và hội cựu chiến binh tổ chức Câu lạc bộ “Ông kể cháu nghe”. Ngoài ra, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, Sở GD-ĐT còn lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, giáo dục vận động nhân dân, hội viên, đoàn viên tham gia phòng ngừa đấu tranh, phát hiện, báo tin, tố giác tội phạm ma túy; quản lý, giúp đỡ những người nghiện cai nghiện ma túy tại địa bàn gắn với phong trào xây dựng gia đình, cơ quan, đơn vị, trường học, thôn, ấp, phường xã không có ma túy.

Các hoạt động tuyên truyền nêu trên đã góp phần tích cực nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành; nâng cao nhận thức của nhân dân trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy. Hằng năm, có 95-98% gia đình trên địa bàn tỉnh đăng ký không có người liên quan đến ma túy; 100% xã, phường, thị trấn đăng ký không có tội phạm ẩn náu.

ĐẨY MẠNH TẤN CÔNG TỘI PHẠM

Đại tá Trần Xuân Lâm, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh cho biết: “Bình Phước là địa bàn trung chuyển giữa Tây Nguyên và Đông Nam bộ, có quốc lộ 13 và 14 đi qua nên các đối tượng thường lợi dụng vận chuyển trái phép chất ma túy. Bình Phước còn có đường biên giới giáp Campuchia dài 260,433km, địa hình rừng núi hiểm trở. Lợi dụng điều này, bọn tội phạm hình thành các ổ nhóm buôn bán, vận chuyển ma tuý xuyên quốc gia. Các đối tượng buôn bán, vận chuyển ma túy liên tỉnh ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi, manh động và liều lĩnh. Chúng sẵn sàng chống lại lực lượng truy bắt. Khi thực hiện Chuyên án 1215M và 325C, lực lượng công an đã bắt các đối tượng và thu giữ 6 dao, mã tấu tự chế, 4 kiếm Nhật, 5 súng tự chế, 104 viên đạn, 1 ống giảm thanh, 1 ống ngắm. 100% tổ chức buôn bán ma túy đều trang bị “hàng nóng”, là mối đe dọa thường trực không chỉ với lực lượng truy bắt mà với cả cộng đồng.

Để phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm và tệ nạn ma túy, những năm qua lực lượng công an trong tỉnh, trong đó nòng cốt là bộ phận Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã chủ động triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ, tăng cường phối hợp các lực lượng biên phòng, hải quan và công an các tỉnh lân cận triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn bán ma túy liên tỉnh, xuyên quốc gia. Trong đó phải kể đến 15 chuyên án trinh sát lớn về đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy do Công an tỉnh phối hợp các lực lượng chức năng thực hiện.

Từ năm 2008 đến nay, lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 1.133 vụ/1.668 đối tượng mua bán, vận chuyển, tàng trữ chất ma túy và trồng cây cần sa trái phép. Đã khởi tố 770 vụ/987 bị can, xử lý hành chính 363 vụ/681 đối tượng với tổng 296,809 triệu đồng. Thu giữ 1.169,5g heroin, 2.582g ma túy đá, 9,88g  ketamine, 129,2g thuốc phiện, hơn 1.000 viên thuốc lắc, 60,5kg cần sa khô, 3 tấn cần sa tươi, 1.179 cây cần sa tươi, hơn 370 triệu đồng và nhiều vũ khí, phương tiện, tài sản khác. Hiện trên địa bàn tỉnh có 19 địa bàn trọng điểm về ma túy; 11 xã, phường, thị trấn không có người nghiện ma túy; 4 xã không có tệ nạn ma túy.

Chuyên án 113M được xác lập với 17 thành viên nhằm triệt phá đường dây vận chuyển, mua bán ma túy với tính chất, quy mô lớn. Đại tá Trần Xuân Lâm cho biết thêm: “Đây là một trong những chuyên án lớn phải kết hợp với công an liên tỉnh để nắm bắt đối tượng và triệt phá. Trong chuyên án này, các đối tượng mua bán, vận chuyển ma túy đều là người thân trong gia đình nên rất khó xâm nhập. Ban chuyên án đã phối hợp với các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh và Công an thành phố Hồ Chí Minh để đấu tranh. Được sự hỗ trợ của các lực lượng chức năng, 13 giờ ngày 18-1-2013, Chuyên án 113M đã thực hiện đúng kế hoạch và thu được thắng lợi quan trọng. Đây là vụ án mua bán, tàng trữ vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng lớn nhất trên địa bàn tỉnh từ trước tới nay với gần 1,2kg cùng nhiều tang vật liên quan. Đối tượng cầm đầu là Nguyễn Văn Vĩnh, đã bị Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tuyên mức án tử hình. Tại Chuyên án 116M, Công an Bình Phước đã bắt giữ 2 đối tượng từ thành phố Hà Nội vào móc nối với các đối tượng tại tỉnh để hoạt động mua bán ma túy, thu giữ 696,48g ma túy tổng hợp. Còn Chuyên án 1213M đã triệt phá các đối tượng buôn bán ma túy trên địa bàn thị xã Đồng Xoài và huyện Đồng Phú. Cơ quan chức năng đã khởi tố 8 vụ/11 đối tượng, thu giữ 4,4723g heroin, 37,192g cần sa, 6 điện thoại di động, 8 xe môtô, cùng một số tang vật khác. Ban chuyên án còn phối hợp công an các huyện bắt thêm 3 vụ/3 đối tượng tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy, thu giữ 3,9g heroin, 2 điện thoại di động, 2 xe môtô.

Đại tá Trần Xuân Lâm cho rằng, phần lớn các đối tượng buôn bán, vận chuyển ma túy đều mang theo vũ khí và sẵn sàng chống trả khi bị lực lượng chức năng phát hiện. Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng đã thực hiện thành công các chuyên án và không để trường hợp đáng tiếc xảy ra. Từ sau các chuyên án lớn, bọn tội phạm ma túy không còn dám hoạt động trắng trợn và manh động như trước. Qua đó, góp phần làm giảm tội phạm và tệ nạn ma túy, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh, tạo niềm tin cho nhân dân.

Nguồn: Bình Phước Online