Admin
Hướng tới Kỷ niệm 41 năm ngày giải phóng tỉnh Bình Phước (23-3-1975-23-3-2016): Phong trào đấu tranh của Đảng bộ và nhân dân Bình Phước từ 1954-1975 (Bài 1)
Lượt xem: 1450
Giữ gìn và phát triển lực lượng cách mạng

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, đế quốc Mỹ thực hiện âm mưu thôn tính Việt Nam nhằm khống chế vùng Đông Nam Á. Mỹ - Diệm trắng trợn phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, âm mưu chia cắt lâu dài hai miền Nam - Bắc, biến miền Nam thành căn cứ quân sự và thuộc địa kiểu mới của Mỹ. Với chính sách “tố cộng”, “diệt cộng” bằng Luật 10/1959... địch không từ một thủ đoạn tàn bạo, dã man nào để đánh phá cách mạng miền Nam, thẳng tay trả thù, sát hại nhân dân yêu nước và những người kháng chiến cũ. Đây là thời kỳ phong trào cách mạng bị tổn thất nặng nề.

Song chính trong những năm tháng đó, mặc dù tổ chức đảng bị địch đánh phá ác liệt nhưng bằng phương pháp hoạt động vừa bí mật vừa công khai, hệ thống các cơ sở đảng vẫn được duy trì và tiếp tục lãnh đạo phong trào đấu tranh của nhân dân. Hớn Quản (tỉnh Bình Long) là một trong những địa phương tiếp thu nhạy bén “Đề cương cách mạng miền Nam” và Nghị quyết của Xứ ủy, sớm có tổ chức và hoạt động vũ trang hỗ trợ cho phong trào quần chúng.



Xe tăng trong đội hình Đại đội Tăng 10
cùng bộ binh tấn công vào Dinh tỉnh trưởng Phước Long sáng 6-1-1975 - Ảnh: Tư liệu

Thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng (khóa II), Đảng bộ và nhân dân Bình Long, Phước Long, từ thế giữ gìn lực lượng, đấu tranh chính trị đơn thuần chuyển sang thế tiến công, đấu tranh chính trị, vũ trang song song kết hợp với phương châm 3 mũi giáp công (quân sự, chính trị, binh vận). Đồng thời, sự hình thành Đảng bộ Bình Long và Phước Long cùng với hệ thống cấp ủy ở cơ sở và việc khai thông đoạn cuối hành lang chiến lược Bắc - Nam trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn này có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của địa phương hai tỉnh.

Với truyền thống yêu nước, đoàn kết, Đảng bộ lãnh đạo nhân dân hai tỉnh Bình Long và Phước Long đã chiến đấu quyết liệt và liên tục trên mặt trận chống phá chương trình bình định, càn quét gom dân, lập ấp chiến lược của địch, tạo địa bàn đứng chân cho quân chủ lực, phục vụ yêu cầu căn cứ chiến lược và các nhiệm vụ chính trị của Trung ương Cục giao cho, xây dựng vùng bàn đạp tấn công Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng của đế quốc Mỹ và tay sai. Nổi bật là chiến dịch Phước Long - Bình Long 1965, mà trọng điểm là Phước Long - Đồng Xoài. Sau 64 ngày đêm chiến đấu quyết liệt, bộ đội chủ lực và địa phương đã phá hàng loạt ấp chiến lược, dinh điền của địch, giải phóng trên 5 vạn dân. Chiến thắng Phước Long - Đồng Xoài cùng với chiến thắng Bình Giã, Ba Gia và nhiều nơi khác trên chiến trường miền Nam, đã góp phần làm thất bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy, buộc đế quốc Mỹ phải bị động chuyển sang chiến lược “chiến tranh cục bộ”, ồ ạt đưa quân Mỹ và quân chư hầu vào tham chiến ở miền Nam.

Đẩy mạnh tiến công địch, giải phóng quê hương             

Sau hơn ba năm đương đầu với Mỹ - ngụy trong “chiến tranh cục bộ” đầy ác liệt, gian khổ và hy sinh, Đảng bộ và nhân dân hai tỉnh Bình Long, Phước Long luôn giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, ra sức xây dựng lực lượng cả về quân sự và chính trị, giữ vững thế tiến công và liên tục tiến công, cùng quân và dân Đông Nam bộ và cả miền Nam, góp phần bẻ gãy hai gọng kìm “tìm diệt và bình định”, đánh bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 của Mỹ - ngụy.

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương và của Đảng bộ, quân và dân hai tỉnh Bình Long, Phước Long đã cùng lực lượng của Khu 10 và của Miền, tấn công vào Tiểu khu Bình Long, Phước Long và các chi khu khác, phát động quần chúng nổi dậy, góp phần cùng quân và dân miền Nam thực hiện cuộc tổng tấn công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968, đồng loạt tiến công vào sào huyệt và căn cứ của Mỹ - ngụy khắp miền Nam, giành thắng lợi vang dội. Cuộc tổng tiến công đã gây một tác động chính trị rất lớn trên thế giới và ngay chính bản thân nước Mỹ, góp phần làm thất bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải “xuống thang chiến tranh” và chịu ngồi vào bàn đàm phán tại Paris. Sau năm Mậu Thân 1968, Mỹ - ngụy chuyển dần chiến lược “chiến tranh cục bộ” sang chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” với kế hoạch “quét và giữ” kết hợp các chương trình bình định cấp tốc, bình định đặc biệt... Ở hai tỉnh Bình Long và Phước Long, chúng tăng cường càn quét đánh phá sâu vào vùng căn cứ, vùng giải phóng, ráo riết gom dân lập ấp chiến lược bằng nhiều phương tiện và hành động cực kỳ tàn bạo, kể cả B52 và chất độc màu da cam cùng với triệt để bao vây kinh tế.



Bộ trưởng Ngoại giao chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình
ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam - Ảnh tư liệu

Năm 1969 và những tháng đầu năm 1970, là thời kỳ cách mạng miền Nam trải qua ác liệt và khó khăn gay gắt nhất nhưng đây cũng là thời kỳ quân và dân hai tỉnh Bình Long và Phước Long tỏ rõ tinh thần cách mạng, anh dũng kiên cường vượt qua mọi khó khăn thử thách, bám trụ chiến trường, tiếp tục thế tiến công đánh địch, duy trì cơ sở, khôi phục phong trào, từng bước tạo thế, tạo lực và phát triển phong trào đấu tranh cách mạng. Cùng với quả đấm chủ lực, quân và dân Bình Phước đã tham gia Chiến dịch Nguyễn Huệ hè 1972 giải phóng hoàn toàn các huyện Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập và từng mảng ấp chiến lược, mở rộng vùng căn cứ nối liền biên giới Campuchia thành hậu phương trực tiếp của chiến trường B2, góp phần buộc Mỹ phải chịu thất bại trên bàn hội nghị.

Hiệp định Paris được ký kết ngày 27-1-1973, Mỹ chịu rút hết quân viễn chinh và chư hầu, chấm dứt dính líu vào cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam. Lộc Ninh trở thành thủ phủ của Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam. Bình Phước được vinh dự thay mặt nhân dân miền Nam và cả nước đón những người con chiến thắng từ các nhà tù Mỹ - ngụy trở về trong niềm thương yêu, xúc động và khâm phục.

Trong chiến cuộc Đông Xuân 1974-1975, được sự chi viện của Trung ương và của Miền, quân và dân Bình Phước đã tấn công giải phóng hoàn toàn chi khu quận lỵ Phước Bình và đến ngày 6-1-1975, tấn công giải phóng tiểu khu - tỉnh lỵ Phước Long. Chiến thắng Phước Long có ý nghĩa chiến lược quan trọng, lần đầu tiên một tỉnh của miền Nam được hoàn toàn giải phóng, là một đòn trinh sát chiến lược, tạo tiền đề cho Bộ Chính trị, Trung ương có quyết định và hạ quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam trong thời gian sớm. Phát huy thắng lợi ta tiếp tục củng cố vùng giải phóng, đồng thời bao vây, tiêu diệt cụm cứ điểm An Lộc (Bình Long). Nhận thấy không có khả năng tiếp cứu cho nhau và biết nguy cơ bị tiêu diệt, ngày 23-3-1975, địch rút chạy về Chơn Thành, trung tâm tỉnh lỵ An Lộc, tỉnh Bình Long được giải phóng. Ngày 2-4-1975, huyện Chơn Thành là địa phương cuối cùng của tỉnh Bình Long được giải phóng, góp phần cùng quân và dân các tỉnh miền Nam và các binh đoàn chủ lực tiến về giải phóng Sài Gòn vào ngày 30-4-1975, hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.                           

Nguồn: Bình Phước Online