Admin
Nữ trưởng thôn là khắc tinh của tội phạm
Lượt xem: 1010
Về thôn Tân Hưng, xã Bù Nho, huyện Phú Riềng sinh sống được 14 năm thì 2 năm bà Nguyễn Thị Liên làm Chi hội trưởng phụ nữ và đã 8 năm nay là trưởng thôn. Với tính cách mạnh mẽ cùng sự quyết liệt trong phòng, chống tội phạm cũng như tạo điều kiện giúp người dân có việc làm ổn định, bà Liên đã đưa Tân Hưng từ thôn nghèo thành không còn hộ nghèo, đồng thời hạn chế các loại tội phạm và 2 năm liền (2012, 2015) đạt danh hiệu thôn văn hóa.



Trưởng thôn Nguyễn Thị Liên (bên phải) tại thanh chắn barie

Quyết liệt đánh đuổi tội phạm


Tháng 12-2006, Tân Hưng được tách từ thôn 9, xã Long Hưng thuộc huyện Phước Long (nay thuộc huyện Phú Riềng) và sáp nhập vào xã Bù Nho. Lúc này, bà Nguyễn Thị Liên mới về sinh sống tại thôn 4 năm nhưng đã được phụ nữ tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng. Tháng 4-2008, có quyết định tách thôn chính thức cũng là lúc bà được nhân dân bầu làm Trưởng thôn Tân Hưng.

Là người “đứng mũi chịu sào”, bà trăn trở khi thôn vừa nghèo vừa là điểm “nóng” về an ninh trật tự. Bà cùng Ban điều hành thôn vận động người dân giúp nhau thoát nghèo, nâng cao tinh thần phòng chống tội phạm và bảo vệ môi trường. Bà nhận thấy, các đối tượng trộm cắp, nghiện ma túy, gây rối thường đi đường từ thôn Tân Hưng nối với xã Long Hà và đường qua Nông trường 6-1, thôn Tân Lực, xã Bù Nho bởi dễ tẩu thoát. Đồng thời, đường nối với nông trường và đồi 200 thuộc thôn Tân Hưng có các lô cao su là nơi cất giấu tài sản trộm cắp lý tưởng, cũng giúp chúng lẩn trốn khi bị truy đuổi. Vì vậy, bà quyết chặn đứng các loại tội phạm, không cho chúng “ngựa quen đường cũ”.

Bà tuyên truyền giúp người dân trong thôn hiểu rõ mối nguy và hậu quả của các loại tội phạm, nâng cao tinh thần cảnh giác, đồng thời treo kẻng an ninh tại khu dân cư. Kẻng an ninh được công an viên Lê Đình Long tặng, tiền đặt thanh chắn barie trị giá hơn 3 triệu đồng trích từ quỹ khen thưởng của thôn qua các năm nên nhân dân không phải đóng góp kinh phí.

Bà Liên phấn khởi: “Tiếng kẻng an ninh có nhiều ưu điểm. Ngoài âm thanh vang xa hơn tiếng kêu cứu, hô hoán còn có tác dụng như bùa chú. Người ngay nghe thì thấy hối thúc, giục giã, còn kẻ gian lại hoảng hốt, sợ hãi mà vội tìm cách tháo chạy”. 

Anh Bùi Xuân Trung là người trực tiếp vây bắt đối tượng trộm xe máy của anh Phan Đình Thàng (Đội trưởng đội 6, Nông trường 4, Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng) từ xã Long Hưng chạy qua thôn Tân Hưng năm 2012. Nhưng khi nói về Trưởng thôn Tân Hưng, anh rất nể phục: “Tôi thấy mình cũng chưa đấu tranh phòng, chống tội phạm quyết liệt bằng chị Liên. Năm 2015, chị đuổi thẳng một thanh niên ra khỏi thôn khi anh này có lời lẽ khiếm nhã và có biểu hiện gây rối. Thấy trưởng thôn chẳng ngại con ông cháu cha, nét mặt lại cứng cỏi, lời lẽ đanh chắc, ai nấy đều vững tin. Mọi người từ đó nêu cao tinh thần cảnh giác, cả thôn 288 người đều xem đấu tranh với các đối tượng nghiện ma túy, trộm cắp, gây rối là nhiệm vụ của mình”.

Giúp nhân dân thoát nghèo

 
Từ năm 2014-2015, người dân thôn Tân Hưng đã bắt được 3 vụ trộm cắp tài sản do đối tượng nơi khác đến; Vây bắt 2 đối tượng nghiện ma túy trộm cắp tài sản ở nơi khác chạy trốn qua thôn; Thu giữ 2 xe máy bị các đối tượng trộm cắp giấu trong lô cao su giao công an xã xử lý. 

 

Không chỉ là khắc tinh trong mắt tội phạm, nữ Trưởng thôn Nguyễn Thị Liên còn tiên phong vận động nhân dân giúp nhau xóa nghèo, ổn định cuộc sống. Sau khi tách thôn, năm 2006, Tân Hưng có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất xã. Vì ½ diện tích là cao su, điều của “đại gia” ở các thôn, xã khác; người trong thôn chỉ có bình quân 1 ha rẫy và lúc này cao su chưa được cạo. Bà Liên chia sẻ: “Năm 2001, gia đình tôi đến Tân Hưng lập nghiệp, không có đất rẫy nên kinh tế rất khó khăn. Xuất phát từ nhu cầu phát triển kinh tế gia đình, đồng thời giúp người dân trong thôn thoát nghèo, vợ chồng tôi mở xưởng chẻ hạt điều”. Xưởng điều của bà không chỉ giúp người dân bán nông sản đúng giá thị trường mà còn tạo việc làm cho 10 lao động trên địa bàn với thu nhập từ 3-6 triệu đồng/người/tháng.

Bà Liên còn phối hợp Chi hội phụ nữ thôn vận động gia đình chị Lê Thị Thu sống du canh du cư tại thôn Tân Hiệp 1, xã Bù Nho đến định cư tại Tân Hưng. Bà Liên trải lòng: “Thấy vợ chồng Thu trẻ tuổi, lại hiền lành và chăm chỉ lao động nên những lần Thu qua thôn chơi nhà người quen, tôi và nhiều chị em động viên gia đình Thu về Tân Hưng định cư ổn định cuộc sống; đồng thời vận động chị Nguyễn Thị Trang bán thiếu đất ở cho Thu”.

“Nhờ có chỗ ở ổn định, vợ chồng Thu nhanh chóng vươn lên thoát nghèo. Năm 2014, gia đình Thu thoát nghèo bền vững với tổng thu nhập trên 10 triệu đồng mỗi tháng” - bà Trần Thị Mỹ, Phó chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bù Nho cho biết thêm. 

Nay Tân Hưng đã là thôn văn hóa nhưng nữ trưởng thôn Nguyễn Thị Liên vẫn chưa nguôi trăn trở. Làm thế nào để Tân Hưng có thể chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang thương mại - dịch vụ, nâng cao đời sống nhân dân khi đất sản xuất của các hộ trong thôn ít, chủ yếu làm nghề cạo mủ, chẻ hạt điều thuê... Nhìn những bao điều thu mua hạt không đẹp, không đều, chúng tôi hỏi nữ trưởng thôn: “Chị sợ lỗ không?”. Bà cười hiền lành: “Mùa điều năm nay do ảnh hưởng bất thường của thời tiết nên nay đã vào chính vụ nhưng có vườn ra trái muộn, ra bông không đều hoặc khô bông, người trồng đều lo lắng. Tôi vẫn thu mua với giá ổn định, giúp họ an tâm sản xuất”.

Nguồn: Bình Phước Online