Admin
Khốn khổ như… nạn nhân đa cấp
Lượt xem: 1123
Mấy ngày qua, báo chí đã đồng loạt đưa tin về việc Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa bắt tạm giam Lê Xuân Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Liên kết sản xuất Thương mại Việt Nam (Liên kết Việt) và các đồng phạm về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo đánh giá của Cơ quan điều tra, với chiêu bài kinh doanh đa cấp, các đối tượng đã chiếm đoạt gần 2.000 tỉ đồng của hàng vạn người bị hại trên nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Đây chỉ là một trong số rất nhiều công ty núp bóng kinh doanh đa cấp lợi dụng lòng tham, sự cả tin của những người tham gia hòng chiếm đoạt tài sản một cách trắng trợn và thường chuyển từ hình thức này sang hình thức khác...

Đối tượng chủ yếu là người già

Trong cuộc đồng hành cùng những người tham gia hệ thống đa cấp, chúng tôi gặp rất nhiều trường hợp oái oăm của những người tham gia trong các hệ thống đa cấp.

Bà Nguyễn Thủy (60 tuổi ở Láng Hạ) là một trường hợp điển hình. Bà từng đi xuất khẩu lao động nên có một chút vốn liếng để dành bấy lâu nay như "của để dành" cho tuổi già của mình. Một ngày bà vừa đi rút tiền lãi ngân hàng về tiêu thì gặp một cậu thanh niên chừng 30 tuổi ra làm quen ở ngay bến đỗ xe bus. Cậu tên là Hùng, trông bộ dạng đẹp trai, bảnh bao, ăn mặc lịch sự, nói năng lại lễ độ nên bà không ngần ngại gì trong giao tiếp, trò chuyện. Hùng kể đang làm việc tại Công ty TNMU, một công ty chuyên kinh doanh đa cấp có tiếng ở Việt Nam, mang lại lợi nhuận "khủng" cho những người tham gia.

Với cách nói chuyện "ngọt như mía lùi", một lòng một mực "U u, con con" cùng nhiều lần gặp gỡ, tiếp xúc, mời đến thăm trụ sở công ty, gặp các em nhân viên nhiệt tình, chu đáo... Hùng đã thuyết phục được bà Thủy tham gia là cấp dưới của mình. Nộp vào tài khoản cá nhân vài chục triệu ban đầu để lấy "hàng" là những chiếc máy khử độc "Ô zôn", các gói chăm sóc sức khỏe "miễn phí" tại các cơ sở được thuê của TNMU.

Ban đầu, để "chèo kéo" bà Thủy, Hùng có trích phần trăm lợi nhuận từ các "chân rết" của mình để bà Thủy thấy "ngon ăn" mà tham gia tiếp các "gói" đa cấp của TNMU. Chưa hết, khi số tiền nộp đã lên tới hơn 1 tỉ đồng thì bà được mời đi du lịch Đài Loan miễn phí 4 đêm 5 ngày theo chương trình khách hàng VIP. Cuối cùng để nhận một cái thẻ lên cấp Trưởng phòng, cấp cao nhất trong hệ thống thì bà rút tất cả số tiền dành dụm mấy chục năm trời là 1 tỉ 800 triệu đồng để nộp vào Công ty TNMU. Số tiền ấy được chuyển vào tài khoản cho Hùng. Bà được nhận về gần 400 triệu đồng là tiền hoa hồng được trích ra từ hệ thống (Thực tế là tiền mình đóng vào... cho chính mình).

Điều lập lờ là số tiền khoảng 2 tỉ đồng bà nộp vào không có bất cứ một tờ giấy, hóa đơn nộp tiền, nhận tiền nào ngoài 250 hợp đồng mua bán các sản phẩm của công ty. Giá trị của mỗi hợp đồng là 8 triệu 500 nghìn đồng cho mỗi một sản phẩm chăm sóc sức khỏe (xoa bóp, bấm huyệt) hoặc máy khử độc ô zôn, trong khi đó giá trị thực của sản phẩm chỉ bằng 1/10 giá trị mà Công ty TNMU bán ra cho bà.

Sau gần một năm bỏ số tiền ấy ra, bà Thủy chỉ nhận lại được 1 triệu hoa hồng hệ thống (500 nghìn đồng một lần và chờ rất lâu mới đến lượt). Các nhân viên Công ty TNMU thì khẳng định, sau 3 năm, thì ngoài việc được chăm sóc sức khỏe miễn phí, sử dụng các loại máy móc miễn phí thì số tiền bà bỏ ra sẽ thu về gấp 3 lần (tức là gần 6 tỉ đồng).

Giấu giếm con cháu, khấp khởi chờ đợi, mọi chuyện vỡ lở khi bà bị ốm một trận thập tử nhất sinh do bị hôn mê hạ đường huyết, con cái hỏi đến tiền tiết kiệm thì mọi chuyện đã muộn. Các hợp đồng không có giá trị về mặt pháp lý, do hai bên thỏa thuận "mua bán" nên số tiền đã mang đi không thể đòi lại. Tiền mất, tật mang, bà đã ốm về thể xác, còn mặt tinh thần thì lại hoang mang tột độ vì số tiền bỏ ra không mong gì lấy lại được.

Khi chúng tôi đến các công ty đa cấp tìm hiểu, một thực tế là đối tượng đến "chơi" đa cấp hầu hết là các ông bà già đã về hưu, có chút vốn liếng tiết kiệm tuổi già, nghe lời các nhân viên tư vấn đã được đào tạo bài bản, nói vống lên để tạo niềm tin, lòng tham ở những người mong muốn làm giàu một cách nhanh chóng mà không phải lao động, "không phải làm gì cả".

Công ty Liên kết Việt giả mạo bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Cũng như bà Thủy, bà Hằng là một trong những người biết đến hệ thống đa cấp thông qua một người bạn già khác, và không cần phải suy nghĩ thiệt hơn, sau một lần đến học lớp bồi dưỡng dành cho các "thủ lĩnh" đa cấp, bà đã không ngần ngại dốc hết 500 triệu đồng tiết kiệm cả đời tích cóp được.

Gặp bà trong một lần bà đang đi chăm sóc sức khỏe theo gói mình mua, bà phấn khởi chia sẻ: "Ôi dồi, tiếc là ở tuổi này rồi tôi mới biết công ty này, nhưng thà muộn còn hơn không. Tôi á, tôi phải để cho con cháu sáng mày sáng mặt ra, mấy nữa mình giàu, mình mới cho con biết chuyện mình tham gia, chứ bây giờ mà nói thì tất cả chúng nó đều cấm đoán mình rồi lại lắm chuyện ra, nhức đầu lắm. Cô có tiền thì cũng phải đầu tư vào cho nhanh giàu. Tốt lắm đấy, không làm gì ra tiền bằng đâu".

Nhà văn N.V.T. (Hội Nhà văn Hà Nội), năm nay 85 tuổi khỏe mạnh, minh mẫn. Ông tham gia các câu lạc bộ thơ cùng các cụ về hưu và không hiểu bằng cách nào đó, ông biết đến một công ty đa cấp chuyên bán giường mát xa Dream. Biết tâm lý các cụ tuổi cao nhàn nhã, có thời gian rảnh rỗi nên công ty này đã đến tận nơi tiếp thị cho các cụ. Mời các cụ đến giao lưu trước là đọc thơ, nghe hát quan họ sau đó là được nằm giường mát xa miễn phí. Mỗi cụ nằm giường lại được sắp xếp một nhân viên tư vấn, thậm chí là bóp tay bóp chân để các cụ cảm nhận được độ tuyệt vời của chiếc giường mátxa.

Khi nhân viên tiếp thị tỉ tê về công dụng chống đau lưng, giảm đau xương cốt thậm chí "cải tử hoàn sinh" rồi các chế độ ưu đãi dành cho các hội viên thân thiết, tiếp đó là những lời ngợi khen về thơ của các cụ, tài đức của các cụ thì các cụ gần như đã "phải lòng" chiếc giường. Rất nhiều cụ đã rủ nhau đến để được nằm thử giường mátxa miễn phí. Mà giường thì ít, trong khi các cụ đến thì đông nên các cụ phải xếp hàng mới đến lượt. Trong lúc chờ đợi, nhiều cụ đã được các nhân viên thủ thỉ, tư vấn về việc sở hữu cho mình một chiếc giường với chế độ ưu đãi tuyệt vời. Giường giá cả tới trăm triệu nhưng các cụ mua đầu tiên sẽ được giảm giá một nửa, tức là chỉ mất 50 triệu, số lượng có hạn, hàng về hết thì không còn cơ hội nữa.

Liên kết Việt mạo nhận trực thuộc Bộ Quốc phòng.

Chưa hết, sau khi mua, cụ nào giới thiệu được cho bạn mình mua một chiếc khác, sẽ được tặng 5 triệu đồng tiền mặt, và chẳng mấy chốc, sẽ hoàn lại tiền mua giường mà lại giới thiệu tiếp sẽ có tiền tiêu dư dả, không phải nhờ cậy đến con cháu… Những lời đường mật rót vào tai, các cụ không có tiền về nhà bắt con cháu ủng hộ, thậm chí vay mượn con để "khi có sẽ trả".

Nhà văn T. ban đầu bắt hai người con đóng góp tiền để mua  giường. Không tiếc tiền cho bố, nhưng anh V., con trai ông sau khi tìm hiểu biết rằng chiếc giường mát xa nói trên giá nhập về chỉ có 16 triệu đồng, nó chẳng có gì đặc biệt ngoài thiết bị cắm điện và tạo độ rung lắc. Trên thực tế, chưa biết nó có lợi đến đâu, nhưng nếu cứ nằm thường xuyên trên một chiếc giường như thế thì tác hại cũng chưa biết đằng nào mà lần với các căn bệnh cao huyết áp, tiểu đường của bố anh.

Bị con ngăn cản, ông T. rất bức xúc và đòi bán nhà (vốn trước đây là đất của ông) để chia tiền. Đang từ một người cha, người ông mẫu mực, đáng kính trọng, ông trở thành tâm điểm để các con bàn tán, nghi kị, thậm chí là... ghét! Không chỉ thế, để có tiền, ông còn đi giới thiệu cho những người thân, họ hàng, gia đình, bè bạn của mình cũng tới thử nằm và… mua giường. Ông trở thành một cái loa trung gian quảng cáo miễn phí cho các công ty đa cấp. Rồi dần dần, trở thành một người đầy phiền nhiễu trong mắt con cháu, họ hàng, đến chơi nhà ai người ta cũng ngại vì nghĩ: "Chắc ông ấy đi bán giường"!

Từ một người được tín nhiệm, ông trở thành một người mà không ai muốn gặp, vì gặp lại nói đến việc… giường chiếu. Cuối cùng để chiều bố, anh V cũng mua cho bố một chiếc giường mát xa, tác dụng thì chưa thấy, song ông cụ cũng đã chán vì nằm nhiều gây đau đầu, choáng váng, lại tốn điện, nên hiện nay ông đang đắp chiếu để đó. Bỏ thì tiếc một đống tiền mồ hôi nước mắt của con...

Các gói mát xa chăm sóc sức khỏe đắt đỏ của TNMU.

Theo chia sẻ của anh Nguyễn Vinh Huỳnh, một giám đốc kinh doanh kỳ cựu, người cũng đã có một thời gian tìm hiểu về các công ty đa cấp, anh cho rằng, các công ty đa cấp đang hoạt động dưới nhiều hình thức nhằm đánh vào thị hiếu của người tiêu dùng, đánh vào lòng tham và sự lười lao động mà vẫn nghĩ dễ dàng để kiếm tiền, tiêu tiền.

Thực tế là họ đang nấp dưới vỏ hoạt động hợp pháp dựa vào sự thỏa thuận của hai bên, bên bán, bên mua và không có pháp luật can thiệp. Họ đánh mạnh vào lòng tham của con người, đó là kinh tế, khi mua rồi nộp càng nhiều tiền vào thì trở thành trưởng nhóm, trưởng ban, thậm chí là nghe rất oai như giám đốc tiếp thị, giám đốc kinh doanh nhưng thực tế là rất phù phiếm. Bởi cái cần của các  công ty đa cấp là dụ được tiền của khách hàng, dụ rồi thì... không bao giờ có thể lấy ra được, có thì cũng nhỏ giọt như muối bỏ bể.

Dù là một người rất hiểu về kinh doanh nhưng mẹ vợ anh, bà T. lại cũng là một nạn nhân của trò đa cấp. Tệ hơn nữa, ngoài việc bỏ ra 700 triệu đồng để mong số tiền sẽ đổ về gấp hai, gấp ba lần, thì bà đã rủ rê con trai bà góp phần vào mạng lưới cấp dưới của mình. Kết cục, tiền của con không lấy được, mà vốn liếng chỉ có ngần ấy, túng thiếu không biết xoay xở thế nào, khiến con dâu bà đã bỏ nhà về nhà mẹ đẻ vì không chịu được cảnh sống bức bối và túng quẫn hàng ngày.

Nạn nhân của các công ty đa cấp là hàng chục nghìn người.

Tiền gấp đôi gấp ba chưa thấy đâu nhưng con cái trách móc bố mẹ, gia đình ly tán, nghi kị, nói nhau nặng lời, thậm chí là từ mặt nhau... là những thứ hiển hiện ngay tức thì trong mỗi gia đình có người chơi đa cấp. Tệ hơn thế, mỗi một người chơi trở thành một "con của nợ", thậm chí là "con hủi" trong mắt bạn bè, người thân, vì gặp đâu chưa hỏi thăm nhau đã mời mua đa cấp. Bởi vì trò của đa cấp trước hết là "lừa đảo" những người thân thiết trong gia đình, bạn bè... biến chính mình và những người thân yêu thành "chuột bạch".

Vấn nạn của đa cấp là dù một công ty này bị giải thể hay một đối tượng kia bị bắt chưa thể làm triệt tiêu các công ty đa cấp. Nó không mất đi mà chuyển từ dạng này sang dạng khác, từ tên công ty này thành công ty khác và những nạn nhân đã mất tiền thì luôn muốn gỡ lại, vì thế mà con đường đi cho những người ham mê trò đa cấp dường như chưa bao giờ bị... mất đi. Đó là một trong những nỗi khổ của những người chơi đa cấp và gia đình có người chơi đa cấp gặp phải. Nó là một vòng luẩn quẩn và dường như chưa bao giờ khép lại.

Nguồn: CAND Online