Admin
Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng Công an xã trong tình hình mới
Lượt xem: 1263
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã không ngừng quan tâm, xây dựng lực lượng Công an xã ngày càng trưởng thành vững mạnh, trong đó có việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, củng cố tổ chức và hoạt động của Công an xã, góp phần thiết thực vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn cơ sở.

Tại phiên họp thứ 14, ngày 21-11-2008, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Công an xã, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2009. Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan tiến hành nghiên cứu, xây dựng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn, quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã, như: trình Chính phủ ban hành 6 nghị định, 2 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 3 Thông tư liên tịch…, đặc biệt Luật Công an nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 27-11-2014 đã xác định Công an xã là một cấp trong hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, là lực lượng nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở.

Trên cơ sở Pháp lệnh Công an xã và các văn bản hướng dẫn thi hành, lực lượng Công an các cấp đã tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền cùng cấp lãnh đạo, chỉ đạo bằng các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch hoặc đề án xây dựng, củng cố tổ chức, hoạt động của Công an xã sát với yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự ở địa phương. Công an nhiều địa phương như Hà Giang, Tuyên Quang, Hòa Bình, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Nam Định, Ninh Bình, Đồng Nai, Đồng Tháp, Trà Vinh, Cà Mau... đã tham mưu với Ủy ban nhân dân các địa phương ban hành quyết định phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả bảo vệ an ninh, trật tự của lực lượng Công an xã.

Qua 7 năm thực hiện Pháp lệnh, lực lượng Công an xã đã ngày càng được củng cố, kiện toàn về số lượng, chất lượng, có phẩm chất đạo đức, chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở. Hiện nay, toàn quốc có 9.327 đơn vị Công an xã, với tổng số 136.008 Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã và Công an viên (kể cả sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân đảm nhiệm các chức danh Công an xã ở các xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự); 52/63 địa phương bố trí Công an viên thường trực tại nơi làm việc của Công an xã; một số địa phương: Nam Định, Long An, Tiền Giang vận dụng bố trí từ 5 đến 9 đồng chí Công an viên thường trực ở xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự. Thực hiện Quyết định số 1870/QĐ-BCA, ngày 24-4-2010 của Bộ Công an phê duyệt Đề án Bố trí sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân đảm nhiệm các chức danh Công an xã ở các xã trọng điểm phức tạp về an ninh, trật tự, đến nay, Giám đốc Công an 38 địa phương đã điều động 1.290 sĩ quan, hạ sĩ quan đảm nhiệm các chức danh Công an xã ở 828/3.859 xã trọng điểm phức tạp về an ninh, trật tự, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng Công an xã, xây dựng lực lượng Công an xã vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

Công an xã và lực lượng Công an cơ sở huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình
phối hợp đảm bảo an ninh trật tự. Ảnh: An Khang.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng huấn luyện Công an xã được thực hiện theo Thông tư số 32/2009/TT-BCA-V19, ngày 28-5-2009 của Bộ Công an quy định chương trình bồi dưỡng, huấn luyện đối với Công an xã. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ gồm những kiến thức cơ bản, thiết thực về quản lý hành chính nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; những quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến hoạt động của Công an xã; một số kiến thức nghiệp vụ cơ bản và phương pháp hoạt động của Công an xã..., bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và thực tiễn công tác bảo đảm an ninh, trật tự của lực lượng Công an xã. Từ năm 2010 đến năm 2015, đã tổ chức 139 lớp đào tạo trung cấp nghiệp vụ Công an cho 14.202 Trưởng Công an xã, cán bộ kế cận, cán bộ dự nguồn chức danh Trưởng Công an xã. Năm 2013, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức 4 lớp thí điểm đào tạo Trưởng Công an xã theo chương trình khung bồi dưỡng cho Trưởng Công an xã theo 2 khu vực: Đồng bằng ven biển và khu vực trung du, miền núi và dân tộc với số lượng 480 học viên cho các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Nghệ An, Đắk Lắk.

Trưởng Công an xã là công chức cấp xã được hưởng lương và phụ cấp theo ngạch bậc và trình độ đào tạo theo chuyên môn nghiệp vụ (có trình độ trung cấp trở lên). Phó trưởng Công an xã và Công an viên được hưởng phụ cấp hằng tháng do ngân sách địa phương chi trả theo Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, ngày 22-10-2009 của Chính phủ và Nghị định số 29/2013/NĐ-CP, ngày 8-4-2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP. Các địa phương đều bảo đảm thực hiện chi trả phụ cấp cho Phó trưởng Công an xã bằng 1,0 mức lương tối thiểu; Công an viên từ 0,3 mức lương tối thiểu trở lên (tùy theo ngân sách của mỗi địa phương); một số địa phương vận dụng bố trí Phó trưởng Công an xã kiêm chức danh Tư pháp - hộ tịch để hưởng chế độ công chức cấp xã, như: Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Gia Lai, Long An... Trưởng Công an xã được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và phụ cấp thâm niên khi có thời gian công tác liên tục từ đủ 60 tháng trở lên; hầu hết Phó trưởng Công an xã và Công an viên chưa được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 43/2013/TT-BCA, ngày 15-10-2013 quy định về tiêu chuẩn, định mức trang bị cho Công an xã; đồng thời có kế hoạch dự trù, bảo đảm kinh phí thực hiện giai đoạn 2014 - 2017 với tổng kinh phí là 558 tỷ đồng, trong đó năm 2014 đã chi 70 tỷ đồng để mua sắm, sản xuất trang thiết bị, công cụ hỗ trợ trang bị cho Công an xã ở các xã trọng điểm phức tạp về an ninh, trật tự và khu vực Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ với 9 loại công cụ hỗ trợ (gậy nhựa, dùi cui nhựa, khóa còng số 8, khóa dây trói, loa pin, gậy điện, đèn pin đặc chủng, súng đa năng, đạn cao su). Công an các địa phương đã tham mưu với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trích ngân sách địa phương mua sắm, trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện làm việc (bàn ghế, giường, tủ đựng tài liệu, điện thoại, máy vi tính, máy phôtô…), quần áo đồng phục và bố trí nơi làm việc  cho Công an xã.

Lực lượng Công an xã đã làm tốt công tác nắm tình hình, chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền cùng cấp các chủ trương, kế hoạch và biện pháp bảo vệ an ninh, trật tự; phát huy vai trò nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; làm tốt chức năng quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, phòng ngừa, tham gia đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, phối hợp giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân, góp phần kiềm chế gia tăng tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo đảm tốt an ninh, trật tự, phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương. Từ năm 2011 đến nay, lực lượng Công an xã đã phát hiện 17.020 vụ, bắt giữ 26.082 đối tượng phạm tội quả tang, 1.452 đối tượng truy nã, trong đó có nhiều đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm; lập hồ sơ, quản lý 1.454 đối tượng thuộc diện quản chế, cải tạo không giam giữ, án treo, hoãn thi hành án; lập 79.389 hồ sơ xử lý vi phạm hành chính đối với 116.659 người; lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã 8.320 đối tượng; lập hồ sơ đề nghị đưa đi cai nghiện bắt buộc 3.793 đối tượng. Trong thực hiện nhiệm vụ, đã xuất hiện nhiều tấm gương Công an xã dũng cảm, không quản ngại nguy hiểm, hy sinh tính mạng, xả thân vì sự nghiệp bình yên cuộc sống. Từ khi triển khai thực hiện Pháp lệnh Công an xã đến nay, có 44 đồng chí Công an xã hy sinh, 487 đồng chí bị thương trong khi thi hành nhiệm vụ (trong đó 27 đồng chí được công nhận liệt sĩ, 128 đồng chí được công nhận thương binh); có 117 tập thể, 132 cá nhân được Chính phủ tặng Bằng khen; 1.765 tập thể, 634 cá nhân được Bộ Công an tặng Bằng khen; 3.925 tập thể, 2.490 cá nhân được UBND tỉnh tặng Bằng khen; hàng vạn lượt tập thể, cá nhân được Giám đốc Công an tỉnh, UBND cấp huyện tặng Giấy khen; 56.389 cá nhân được Bộ Công an tặng “Kỷ niệm chương Bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, hoạt động của lực lượng Công an xã còn có mặt hạn chế: Nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền ở một số nơi về vị trí, vai trò của Công an xã chưa đầy đủ; việc thực hiện chế độ, chính sách, trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện phục vụ công tác chưa được quan tâm đúng mức; công tác tuyển dụng vào Công an xã còn gặp khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến tổ chức và hiệu quả hoạt động của Công an xã. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ hoạt động của Công an xã có nơi, có lúc chưa sâu sát, kịp thời; chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ an ninh, trật tự của Công an xã ở một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, còn một số trường hợp Công an xã có sai phạm trong khi thi hành nhiệm vụ phải xử lý kỷ luật, thậm chí bị truy tố trước pháp luật.

Thời gian tới, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Công an xã, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới, Công an các đơn vị, địa phương cần tập trung thực hiện tốt công tác trọng tâm sau đây:

1. Làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của Bộ Công an và của cấp ủy, chính quyền các cấp về Công an xã, trọng tâm là Pháp lệnh Công an xã và các văn bản hướng dẫn thi hành.

2. Tiếp tục tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, kiện toàn tổ chức Công an xã theo quy định của Pháp lệnh Công an xã. Có kế hoạch tuyển chọn, bố trí, sử dụng Công an xã, bảo đảm ổn định lâu dài, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở. Thực hiện đầy đủ các quy định về lương, nâng mức phụ cấp cho Công an xã, đồng thời có chính sách hỗ trợ chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… Kịp thời giải quyết các chính sách công nhận thương binh, liệt sĩ đối với những trường hợp Công an xã bị thương, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.

Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trụ sở làm việc, trang bị phương tiện, công cụ hỗ trợ, các điều kiện bảo đảm và kinh phí hoạt động cho Công an xã, nhất là những xã vùng sâu, vùng xa, địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội ở địa phương.

3. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện Công an xã và định kỳ tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện, bảo đảm Công an xã nắm vững quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Công an xã; biết tổ chức phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hoạt động phạm tội và các hành vi vi phạm pháp luật khác, giải quyết và xử lý những vụ việc xảy ra ở cơ sở theo đúng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của ngành Công an. 

4. Chú trọng chỉ đạo, hướng dẫn Công an xã chủ động nắm tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn xã để tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền các chủ trương, kế hoạch, biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự. Tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội. Tập trung công tác quản lý, giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ số đối tượng cải tạo không giam giữ, người bị kết án tù được hưởng án treo, người chấp hành xong hình phạt tù, được đặc xá, tha tù trước thời hạn, người sau cai nghiện ma túy trở về địa phương. Kịp thời phát hiện, phối hợp giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân ngay từ đầu và tại cơ sở, không để kéo dài, hình thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự.

5. Nâng cao vai trò nòng cốt của Công an xã trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể trong tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về an ninh, trật tự; chú trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc theo hướng xã hội hóa, tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải tại cơ sở.

6. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, kết hợp với xây dựng các giải pháp, chính sách nhằm nâng cao trách nhiệm của Công an xã trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn. Tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào “Công an nhân dân học tập, thực hiện sáu điều Bác Hồ dạy” và các phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”, gắn với tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; thực hiện có hiệu quả diễn đàn “Công an xã lắng nghe ý kiến nhân dân” nhằm xây dựng lực lượng Công an xã thật sự trong sạch, vững mạnh, gần gũi, thân thiện, gắn bó mật thiết với nhân dân.

Anh Trịnh Đức Hạnh, Trưởng Công an xã Cộng Hòa (huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương): Đưa phong trào tự quản vào chiều sâu

Là một xã có tốc độ đô thị hóa mạnh của Kim Thành, tỉnh Hải Dương, có nhiều tuyến giao thông đường thủy nội địa, đường bộ lớn chạy qua địa bàn, rất thuận lợi cho việc giao thương buôn bán. Dù diện tích chưa đầy 4km2, nhưng trên địa bàn xã Cộng Hòa đã có tới 10 doanh nghiệp lớn nhỏ hoạt động, thu hút lượng lớn lao động từ các nơi đổ về tập trung cư trú, người trong xã có, người từ các địa bàn lân cận tới thuê trọ, làm việc cũng nhiều. Nhìn lại 7 năm thực hiện Pháp lệnh, anh Trịnh Đức Hạnh, Trưởng Công an xã Cộng Hòa tâm sự: Hiện nay, Ban Công an xã Cộng Hòa có 8 người, cơ sở vật chất, quân tư trang, phương tiện làm việc đã bước đầu được quan tâm củng cố. Dù trụ sở làm việc chưa thật khang trang nhưng đã có phòng làm việc cho bộ phận thường trực tiếp dân và thực hiện trực ban hằng ngày. Có được điều kiện làm việc như vậy chính là nhờ ở sự ra đời của Pháp lệnh Công an xã năm 2009. Khi Pháp lệnh Công an xã được Bộ Công an triển khai, chế độ chính sách, quyền lợi, trách nhiệm của lực lượng Công an xã được nâng cao rõ rệt, tạo đà thúc đẩy lực lượng Công an xã hoạt động hiệu quả hơn, có chiều sâu hơn. Theo anh Hạnh nhìn nhận, ngoài những kết quả đạt được trong công tác nghiệp vụ cơ bản, thành công hơn cả mà lực lượng Công an xã Cộng Hòa đã đạt được trong 7 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh chính là Ban Công an xã đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, đồng thời phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của xã triển khai được nhiều phương thức phù hợp nhằm tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, đưa phong trào này phát triển sâu rộng, tạo được sức lan tỏa lớn trong cộng đồng dân cư”.

Anh Nguyễn Văn Thế, Trưởng Công an xã Bảo Toàn (huyện Bảo Lạc, Cao Bằng):Ngăn chặn di dịch cư tự do, đảm bảo an ninh vùng biên

Là một xã nghèo miền núi của huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, xã Bảo Toàn có gần 3.000 nhân khẩu chủ yếu là đồng bào dân tộc, sinh sống trải dài trên một diện tích rộng khoảng 6,5ha. Chính vì có mật độ dân cư thưa thớt, thành phần đa dân tộc, trải trên diện tích rộng với địa hình hiểm trở đã tạo nên những khó khăn đặc thù đối với hoạt động của lực lượng Công an xã. Tâm sự cùng chúng tôi, anh Nguyễn Văn Thế, Trưởng Công an xã Bảo Toàn cho biết, 17 năm gắn bó với nhiệm vụ đảm bảo ANTT ở địa bàn cấp cơ sở như xã Bảo Toàn giúp anh hiểu rằng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ đóng vai trò quan trọng ra sao đối với nhiệm vụ đảm bảo ANCT và TTATXH tại đây. Vì vậy, ngoài đảm trách công tác nghiệp vụ cơ bản trong triển khai các kế hoạch công tác Công an để thu thập tình hình liên quan đến ANTT, nắm chắc địa bàn, quản lý đối tượng, Công an xã đã rất chú trọng đến công tác tham mưu cho cấp ủy chính quyền xã và phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể để triển khai nhiều đợt tuyên truyền giúp nhân dân nâng cao nhận thức và thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Hằng năm, như một thông lệ, cứ vào ngày 19-8, nhân kỷ niệm ngày truyền thống lực lượng CAND và Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ, Công an xã Bảo Toàn lại tổ chức tọa đàm, đến nay đã triển khai được 20 đợt tuyên truyền tập trung tới trên 1.000 lượt quần chúng. Nhờ vậy, người dân đã tích cực, chủ động hơn trong tham gia phong trào. Nhất là 7 năm gần đây, khi Pháp lệnh Công an xã ra đời, lực lượng Công an xã đã phát huy tốt hơn vai trò của mình trong nhiệm vụ bảo vệ ANTT. Cụ thể, Công an xã giữ vai trò chủ trì triển khai quy chế phối hợp giữa Công an và dân quân trong trao đổi thông tin về tình hình liên quan ANTT; phối hợp tuần tra, kiểm soát địa bàn nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn tội phạm.

Anh Đào Văn Hiển, Trưởng Công an xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai): Mô hình tự quản về an ninh, trật tự phát huy hiệu quả

Khi Pháp lệnh Công an xã 2009 ra đời, nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của pháp lệnh, anh đã trực tiếp tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã để phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương tổ chức nhiều đợt tuyên truyền sâu rộng về pháp lệnh quan trọng này tới trên 8.000 lượt người dân trong xã. Thông qua các đợt tuyên truyền, nhân dân càng thấu hiểu, đồng lòng cùng cấp ủy, chính quyền và lực lượng Công an. Người dân đã chủ động cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị liên quan đến ANTT tại địa bàn, giúp lực lượng Công an xã Mã Đà làm tốt công tác quản lý địa bàn, quản lý dân cư, đảm bảo tốt ANTT. Đơn cử, từ  nguồn tin quý báu của nhân dân, cán bộ chiến sỹ Công an xã Mã Đà đã gọi hỏi răn đe 123 đối tượng, đưa 8 đối tượng ra kiểm điểm trước dân, đưa 4 đối tượng vào cơ sở giáo dưỡng, 6 đối tượng vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc, lập hồ sơ đưa 23 đối tượng vào diện quản lý tại địa phương, vận động 1 đối tượng truy nã ra đầu thú.. Hiện tại, Mã Đà đã xây dựng được 7 tổ tự quản về ANTT với 109 thành viên; 75 tổ nhân dân tự quản với 108 thành viên; 1 tổ phụ nữ tham gia công tác phòng chống tội phạm với 12 thành viên. Các mô hình tự quản đảm bảo ANTT này hoạt động rất hiệu quả, góp phần tích cực vào công tác giữ gìn ANTT tại địa phương.

Thượng tướng Bùi Văn Nam Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an