Admin
Những kết quả sau 5 năm xây dựng phong trào bảo vệ An ninh Tổ quốc trong cơ quan, doanh nghiệp, trường học
Lượt xem: 2022
Ngày 15-8-2014, Bộ Công an ban hành Chỉ thị số 07/CT-BCA-V28 về “Đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới”. Đến đầu tháng 12-2014, UBND tỉnh Bình Phước có Kế hoạch số 238/KH-UBND để triển khai thực hiện Chỉ thị này trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Qua 5 năm triển khai thực hiện, các cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường trên địa bàn tỉnh đã tích cực phát động xây dựng phong trào và thu hút được đông đảo cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên tham gia, góp phần giữ vững an ninh trật tự trong nội bộ từng đơn vị, góp phần tạo sự chuyển biến rõ rệt, phát triển mạnh mẽ của phong trào này qua từng năm trên địa bàn toàn tỉnh. 



Hội nghị sơ kết 5 năm triển khai, thực hiện Kế hoạch 238 của UBND tỉnh

"CÚ HÍCH" MẠNH MẼ

Nhớ lại thời điểm những năm trước đây, khi chưa có Chỉ thị số 07 của Bộ Công an và Kế hoạch số 238 của UBND tỉnh Bình Phước về “Đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (TDBVANTQ) trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới”, Trung tá Đào Văn Thêm, Phó Trưởng phòng Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc Công an tỉnh cho biết: “Do đặc thù của các cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường chủ yếu tập trung vào nhiệm vụ chuyên môn để hoàn thành các mục tiêu công tác theo chức năng, nhiệm vụ, phát triển sản xuất kinh doanh và giảng dạy kiến thức cho học sinh, sinh viên nên chưa chú trọng nhiều đến công tác xây dựng phong trào TDBVANTQ trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường còn xem đó là nhiệm vụ của ngành Công an. Do đó chưa huy động được sự tham gia của cán bộ, công nhân, viên chức, học sinh, sinh viên và nhân dân vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và xây dựng phong trào TDBVANTQ ở cơ sở. Từ đó dẫn đến phong trào phát triển không đồng đều và chất lượng còn nhiều hạn chế. Trong một số cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đã xảy ra tình trạng mất ANTT, lộ lọt bí mật Nhà nước. Tình trạng các thế lực thù địch lợi dụng mạng Internet hoặc sử dụng các trang mạng xã hội và các trang thông tin khác để bôi nhọ, vu cáo, xuyên tạc kích động, phá hoại mối đoàn kết trong nội bộ, ảnh hưởng xấu đến khối đại đoàn kết dân tộc, nhưng các cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường chưa có biện pháp ngăn chặn cũng như tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, công nhân viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên cảnh giác, phòng ngừa”.

Đến năm 2014, Bộ Công an ban hành Chỉ thị số 07 và UBND tỉnh triển khai Kế hoạch số 238 về “Đẩy mạnh phong trào TDBVANTQ trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới” thự sự như một “cú hích” mạnh mẽ và tạo được chuyển biến về nhận thức của lãnh đạo các cấp, các ngành, đoàn thể, cán bộ, công nhân, viên chức, học sinh, sinh viên và quần chúng nhân dân trong công tác xây dựng phong trào TDBVANTQ gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng “Cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa”. Và tiếp sau đó là hàng loạt văn bản liên tịch về công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào TDBVANTQ được các ngành chủ động ký kết phối hợp hành động, đó cũng là động lực thúc đẩy phát triển phong trào cả về diện rộng và đi vào chiều sâu.

NHỮNG KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU

Nếu như việc tổ chức thực hiện việc xây dựng phong trào TDBVANTQ trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường trước đây còn hạn chế trong triển khai và lựa chọn mô hình để xây dựng thì đến nay, sau 5 năm đã đạt được nhiều kết quả thiết thực, rất đáng ghi nhận. Hàng năm các cấp ủy Đảng đều có nghị quyết để lãnh đạo và được cụ thể hóa trong kế hoạch triển khai thực hiện định kỳ bằng những giải pháp thiết thực hiệu quả với trách nhiệm cao của người đứng đầu trong từng cơ quan, đơn vị. Qua đó nâng cao ý thức cảnh giác, phòng, chống tội phạm, phòng chống suy thoái về đạo đức, lối sống, tình trạng “tự diễn biến” “tự chuyển hóa”, tệ quan liêu, tham nhũng trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức; xuất hiện nhiều mô hình, cá nhân điển hình tiên tiến góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - văn hóa của cơ quan, đơn vị và trên địa bàn toàn tỉnh. Tính đến đầu tháng 9-2019, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã xây dựng được 15 mô hình với 217 câu lạc bộ, 7.247 hội viên phụ nữ nòng cốt tham gia công tác đảm bảo ANTT (154 câu lạc bộ “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, 34 câu lạc bộ “Phòng, chống bạo lực gia đình”, 7 câu lạc bộ “Tuyên truyền pháp luật”, 8 câu lạc bộ “Không có người thân vi phạm pháp luật”, 9 câu lạc bộ “Phụ nữ tham gia bảo vệ an ninh biên giới”, 5 câu lạc bộ “Điểm sáng biên giới”) và 530 “Địa chỉ tin cậy cộng đồng”… Hội Cựu chiến binh tỉnh xây dựng mô hình “1+2” (một gia đình cựu chiến bình nắm hai hộ liền kề về ANTT) và duy trì hoạt động 99 câu lạc bộ “Ông kể cháu nghe” để nói chuyện truyền thống, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội cho thanh thiếu niên, học sinh…Liên đoàn lao động tỉnh xây dựng và phát huy hiệu quả mô hình “Khu nhà trọ an toàn về ANTT” với 31 mô hình tại các khu nhà trọ công nhân, 314 Tổ an ninh công nhân (8.882 thành viên), 138 Đội thanh niên xung kích (2.457 thành viên). Ủy Ban mặt trận Tổ quốc tỉnh có mô hình “Điểm sáng pháp luật” với 178 mô hình hoạt động trên địa bàn tỉnh; Tỉnh đoàn cũng có nhiều mô hình như “Câu lạc bộ Pháp luật”, “Hòm thư tố giác tội phạm”, “Đội thanh niên xung kích an ninh”, “Câu lạc bộ Triệu trái tim”, “Lá chắn xanh”, “Hòm thư xanh”, “Nhóm bạn giúp bạn”, “Hoạt động tìm địa chỉ đen”, “Trang thông tin điện tử”; Câu lạc bộ “Vì ngày mai tươi sáng” và câu lạc bộ “Thắp sáng ước mơ hoàn lương” được duy trì hoạt động trải đều trên địa bàn toàn tỉnh. Hội Nông dân phối hợp với Công an các cấp xây dựng thành công nhiều mô hình để triển khai thực hiện trong hội nông dân các cấp như “Điểm sáng pháp luật”, 119 mô hình “Khu dân cư không có tội phạm ẩn náu hoạt động hoặc có tội phạm nhưng phát hiện nhanh, ngăn chặn kịp thời”, “Thôn xóm bình yên, gia đình hòa thuận, ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”. Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai xây dựng Mô hình “Trường học an toàn về an ninh trật tự” với 1.057 tổ chức nòng cốt (Đội Tự vệ nhà trường, Đội Thanh niên tình nguyện, Đội Sao đỏ,…) trong toàn bộ các trường học trên địa bàn tỉnh và phát huy tốt vai trò nòng cốt trong giữ gìn ANTT. Nổi bật là 10 mô hình “Ban chỉ huy thống nhất” với 60 Tiểu ban, 109 Tổ công nhân tự quản để giữ gìn ANTT và bảo vệ vườn cây của các công ty cao su trên địa bàn tỉnh đã xây dựng và duy trì đạt hiệu quả rất cao, được Bộ Công an tặng Bằng khen.

Cũng theo Trung tá Đào Văn Thêm, Phó Trưởng phòng Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc Công an tỉnh: “Qua công tác xây dựng phong trào TDBVANTQ những năm qua, thông qua các mô hình tự quản đã kịp thời nắm được nhiều thông tin, tài liệu tại một số cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường liên quan đến an ninh, trật tự giúp cho lực lượng Công an phát hiện, xác minh làm rõ 33 trường hợp trên địa bàn tỉnh lợi dụng mạng Internet để đăng tin, viết bài, tán phát khẩu hiệu có nội dung xuyên tạc Đảng, Nhà nước; 42 trường hợp lợi dụng sự việc công ty Fomosa Hà Tĩnh xả thải gây ô nhiễm môi trường biển và Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa 14, dự kiến thông qua dự thảo Luật đặc khu kinh tế và Luật An ninh mạng để kêu gọi biểu tình và ủng hộ biểu tình; 9 vụ lộ lọt bí mật Nhà nước xảy ra ở các sở, ban, ngành. Qua đó, lực lượng Công an đã phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tuyên truyền nhất quán về chủ trương, biện pháp giải quyết của Đảng, Nhà nước về vấn đề biên giới, quốc gia và xâm phạm chủ quyền biển đảo cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên, nhất là công nhân tại các khu công nghiệp cảnh giác, không để kẻ xấu lợi dụng kêu gọi, lôi kéo tham gia biểu tình gây mất ANTT. Đồng thời phối hợp ngành chức năng tiến hành làm việc với các đối tượng có hành vi vi pháp luật để xử lý theo quy định”.

Theo số liệu tổng kết hàng năm cho thấy, kết quả xây dựng phong trào năm sau luôn cao hơn năm trước thể hiện qua việc các cơ quan, doanh nhiệp, nhà trường đạt chuẩn “An toàn về ANTT” theo quy định tại Thông tư 23 ngày 27-4-2012 của Bộ Công an và Quyết định số 39 ngày 8-10-2013 của UBND tỉnh Bình Phước, cụ thể: Năm 2014 có 326 cơ quan đăng ký xây dựng thì 323 cơ quan đạt chuẩn; 280 doanh nghiệp đăng ký thì 165 doanh nghiệp đạt chuẩn; 205 trường học đăng ký thì 167 trường học đạt chuẩn “An toàn về ANTT”; Năm 2015 có 331 cơ quan, 350 doanh nghiệp và 221 nhà trường đăng ký và đều đạt tiêu chuẩn “An toàn về ANTT”; Năm 2016 có tổng số 722 đơn vị đăng ký xây dựng và cũng đạt tiêu chuẩn về “An toàn về ANTT”; Năm 2017 có tổng số 856 đơn vị đăng ký, trong đó có 852 đơn vị đạt chuẩn; Năm 2018 có 1.236 đơn vị đăng ký, trong đó có 1.229 đơn vị đạt chuẩn “An toàn về ANTT”.

Qua kiểm tra, hướng dẫn phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại 65 cơ quan, doanh nghiệp, trường học, Ban Chỉ đạo Phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào TDBVANTQ tỉnh nhận thấy vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường từng bước được nâng lên. Chủ động đăng ký xây dựng cơ quan, đơn vị theo tiêu chí “An toàn về ANTT” và phối hợp tổ chức tuyên truyền pháp luật sâu rộng đến cán bộ, công nhân viên, người lao động, học sinh, sinh viên để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của họ đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, xây dựng cơ quan an toàn, văn minh, góp phần xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vững mạnh từ cơ sở. Trong 5 năm qua, các cơ quan, đơn vị đã tổ chức được 1.023 buổi tuyên truyền cho khoảng 63.470 lượt người tham dự; treo 3.311 băng rôn, khẩu hiệu, ngoài ra còn tăng cường thời lượng tuyên truyền phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội trên các phương tiện thông tin đại chúng ở cơ sở. 

Để có được kết quả đáng ghi nhận nêu trên, lực lượng Công an tỉnh đã phối hợp các cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường triển khai, thực hiện có hiệu quả văn bản của Đảng, Nhà nước, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác phòng, chống tội phạm và xây dựng phong trào TDBVANTQ; xây dựng, củng cố các mô hình đảm bảo ANTT ngay tại cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường theo hướng tự phòng, tự quản, tự bảo vệ. Thường xuyên tuyên truyền, thông báo về âm mưu của các thế lực thù địch, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm đến cán bộ, công nhân, viên chức, học sinh, sinh viên để chủ động cảnh giác đấu tranh phòng, chống, không để kẻ xấu lôi kéo, xúi giục hoạt động vi phạm pháp luật. Song song đó, lực lượng Công an tỉnh còn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị tổ chức 17 đợt tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, pháp luật cho 1.564 cán bộ nòng cốt trong các mô hình, câu lạc bộ… để nâng cao nhận thức, trang bị kỹ năng, nghiệp vụ phòng, chống tội phạm và duy trì hoạt động bảo đảm an ninh, an toàn cho các cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đúng theo quy định của pháp luật.

Một hoạt động nữa rất có hiệu quả cũng được xây dựng và duy trì tốt trong các cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường 5 năm qua. Đó là việc tổ chức “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Hàng năm, thông qua việc tổ chức hoạt động của Ngày hội (19-8) đã tác động mạnh mẽ đến ý thức và khơi dậy niềm tự hào về truyền thống cách mạng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy sức mạnh toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, tạo thế trận “An ninh nhân dân” vững chắc ngay từ địa bàn cơ sở.

NHỮNG THÁCH THỨC VẪN CÒN PHÍA TRƯỚC

Theo báo cáo tại Hội nghị sơ kết 5 năm triển khai, thực hiện Kế hoạch 238 của UBND tỉnh về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đảm bảo ANTT trong tình hình mới” giai đoạn 2014-2019 vừa diễn ra ngày 20-9-2019 tại Công an tỉnh Bình Phước do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Dũng chủ trì đã nêu rõ: Mặc dù sau 5 năm triển khai đẩy mạnh thực hiện xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường và đã đạt được những kết quả nhất định, nhất là sự chuyển biến về nhận thức và quyết tâm của các cấp ủy Đảng, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong đề ra những giải pháp để nâng cao cao nhận thức, trách nhiệm và hiệu quả của công tác tạo dựng phong trào phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội... trong cơ quan, đơn vị; nhiều mô hình tốt, cách làm hay đã xuất hiện ngày càng nhiều, góp phần tạo sự lan tỏa rộng rãi, phục vụ đắc lực cho quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn toàn tỉnh. Song vẫn còn một số thủ trưởng cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường chưa nhận thức hết ý nghĩa, vai trò to lớn của phong trào TDBVANTQ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, còn xem đó là nhiệm vụ của lực lượng Công an; việc triển khai còn chậm, chưa thực sự xem trọng công tác này nên chưa đưa vào nghị quyết để lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là ở những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), doanh nghiệp tư nhân; hoặc còn xảy ra tình trạng xây dựng mang tính hình thức, đối phó... dẫn đến chưa huy động được sự tham gia thường xuyên, tích cực của cán bộ, công nhân, viên chức, học sinh, sinh viên và nhân dân vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và xây dựng phong trào TDBVANTQ. Việc phối hợp giữa các ngành, các cấp, các lực lượng cũng có lúc chưa thực sự chặt chẽ, đồng bộ nên chưa phát huy hết sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sức mạnh toàn dân vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào TDBVANTQ. Nguyên nhân là do một số cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường còn lúng túng, chưa xác định mục tiêu rõ ràng, cụ thể, chưa quan tâm kiện toàn lực lượng nòng cốt ở cơ sở, thiếu kiểm tra, giám sát và đầu tư kinh phí, phương tiện phục vụ công tác này. 





Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Dũng (ảnh trên) và Đại tá Dương Văn Mạnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh (ảnh dưới)
trao khen thưởng cho các tập thể và cá nhân (trong số 14 tập thể và 26 cá nhân) có thành tích xuất sắc trong 5 năm
 xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường giai đoạn 2014-2019. 

Để tiếp tục củng cố, kiện toàn và đẩy mạnh xây dựng phong trào TDBVANTQ trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường theo Chỉ thị số 07 của Bộ Công an và Kế hoạch số 238 của UBND tỉnh Bình Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Dũng đã chỉ đạo thành viên Ban chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào TDBVANTQ các cấp phải quan tâm chỉ đạo sâu sát, thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn công tác này trong các cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường; tập trung vào các khu kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân; củng cố, xây dựng các mô hình phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường; người đứng đầu cấp ủy Đảng, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cần thường xuyên quan tâm công tác xây dựng phong trào TDBVANTQ tại cơ quan, đơn vị mình gắn với phong trào “Xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” và các phong trào hành động cách mạng khác của Đảng và Nhà nước để xây dựng cho được nếp sống văn hóa, văn minh nơi công sở và bảo đảm an ninh, an toàn cho cán bộ, công nhân, viên chức, học sinh, sinh viên yên tâm công tác, lao động, sản xuất, kinh doanh và học tập; nâng cao ý thức cảnh giác trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm; phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tệ quan liêu liêu, tham nhũng, lãng phí trong các cơ quan, doanh nghiệp, trường học… phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ chính trị, sản xuất, kinh doanh và phát triển học đường lành mạnh, hiệu quả, bền vững. Góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng tỉnh Bình Phước ngày càng phồn thịnh về kinh tế, xã hội và vững chắc về quốc phòng, an ninh. 

V.TH-VĂN TRÀ