Admin
Niềm tin của cán bộ và nhân dân với ban lãnh đạo mới của Đảng
Lượt xem: 1172
Đại hội Đảng lần thứ XII được các cơ quan thông tin đại chúng cập nhật thông tin, đưa rất công khai, đặc biệt vấn đề nhân sự. Phương pháp tổ chức Đại hội lần này so với những lần trước có nhiều điểm mới. Trước hết, công tác tổ chức, chuẩn bị là một giai đoạn rất dài, từ cuối Hội nghị Trung ương 11 đến Hội nghị Trung ương 14, và trong hội nghị có bàn về góc độ quy hoạch cán bộ chiến lược.

Thượng tọa Lý Hùng, Ủy viên Hội đồng trị sự, Phó Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Cần Thơ, Phó Hội trưởng Thường trực Hội đoàn kết sư sãi yêu nước TP Cần Thơ: Kỳ vọng vào Ban chấp hành trẻ, đầy bản lĩnh, tâm huyết

Ngay từ khi khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, chúng tôi rất tự hào khi được biết trong số đại biểu dự Đại hội có Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Sự có mặt của Hòa thượng Thích Thiện Nhơn tại Đại hội thể hiện sự tôn trọng của Đảng đối với tôn giáo.

Điều tôi tâm đắc nhất trong kỳ Đại hội này chính là tinh thần dân chủ tiếp tục được thể hiện. Tất cả các văn kiện chính trị trình bày tại Đại hội trước đó đã được công bố, lấy ý kiến đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân. Đại hội đã cân nhắc, sáng suốt chọn ra 200 ủy viên Ban chấp hành Trung ương. Theo tôi, đấy là những người tài, đức, năng động, sáng tạo, đầy bản lĩnh, trách nhiệm và tâm huyết, đủ tâm, đủ tầm tiếp tục thực hiện hiệu quả đường lối đổi mới, đưa Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, hội nhập sâu rộng với thế giới nhưng vẫn giữ bản sắc riêng của mình. Kết quả của Đại hội cũng chính là ý chí, tâm nguyện không phải của chỉ hơn 4 triệu đảng viên mà còn là của toàn thể nhân dân Việt Nam. 

Tôi hy vọng trong nhiệm kỳ này, chính sách liên quan đến đại đoàn kết dân tộc tiếp tục được thực hiện tốt; quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân tiếp tục được tôn trọng; các tôn giáo sẽ tiếp tục tăng cường mối quan hệ đồng đạo, tình đoàn kết thân ái, xích lại gần nhau. Mong Đảng, Nhà nước sớm ban hành Luật tín ngưỡng tôn giáo; tiếp tục quan tâm, chăm lo đời sống của đồng bào tín đồ, giúp bà con có điều kiện phát huy truyền thống tốt đẹp của tôn giáo mình trong thời kỳ đổi mới, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, tham gia tích cực vào các phong trào yêu nước, tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình XĐGN, xây dựng nông thôn mới, thực hiện sinh động phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”.

Ông Nguyễn Như Huyền, ngõ 28 đường Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội: Kỳ vọng môi trường hoà bình, ổn định chính trị và phát triển kinh tế

Tôi nhận thấy rằng, cán bộ, đảng viên và bà con nhân dân đều rất chăm chú theo dõi Đại hội Đảng lần thứ XII. Đại hội XII tiếp tục thực hiện cương lĩnh của Đảng về chiến lược phát triển đất nước đến năm 2020, và là giai đoạn cuối của việc thực hiện cương lĩnh nên chúng tôi rất trông đợi Nghị quyết sẽ mang lại những đổi mới. Tình hình đất nước hiện nay có nhiều thời cơ, vận hội nhưng cũng có những thách thức, đặc biệt những thách thức về chủ quyền, an ninh quốc gia, hội nhập quốc tế… 

Chính vì vậy người dân đều quan tâm đến kết quả của Đại hội, mà cụ thể nhất là những vấn đề mà Nghị quyết vạch ra trong 5 năm tới để thực hiện. Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng như Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần này phải làm sao để biến Nghị quyết của Đại hội thành hiện thực, thoả lòng mong mỏi của người dân trên mọi vùng miền.

Đại hội Đảng lần thứ XII được các cơ quan thông tin đại chúng cập nhật thông tin, đưa rất công khai, đặc biệt vấn đề nhân sự. Phương pháp tổ chức Đại hội lần này so với những lần trước có nhiều điểm mới. Trước hết, công tác tổ chức, chuẩn bị là một giai đoạn rất dài, từ cuối Hội nghị Trung ương 11 đến Hội nghị Trung ương 14, và trong hội nghị có bàn về góc độ quy hoạch cán bộ chiến lược. Về Nghị quyết, toàn dân được góp ý kiến, không chỉ người dân trong nước mà kiều bào nước ngoài cũng được trực tiếp tham gia những nội dung liên quan đến đời sống của mình, rất sát thực, cụ thể, từ đó đem lại hiệu quả cao. 

Về nhân sự, Đại hội làm rất công khai, minh bạch, để người dân được quyền tìm hiểu, không chỉ nói lên rằng nếu là vấn đề người dân quan tâm thì Đảng cũng sẵn sàng chia sẻ thông tin mà còn giúp Đại hội có nhiều phương án về nhân sự, cũng như đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ. Về vấn đề kinh tế, Nghị quyết Đại hội nhấn mạnh vai trò của kinh tế tư nhân là phù hợp với hoàn cảnh hiện tại.

Chúng tôi mong muốn và kỳ vọng sau Đại hội này, Đảng, Nhà nước tiếp tục giữ được môi trường hoà bình, phát triển kinh tế, giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị và đặc biệt là chống được tham nhũng. Tham nhũng là vấn đề mà nếu không giải quyết được sẽ ảnh hưởng đến quyền lãnh đạo của Đảng, sự sống còn của chế độ. Dân mong muốn sau Đại hội XII Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị làm tốt hơn nữa, mong Đảng chủ động hơn trong việc phát hiện các vụ án tham nhũng, và sau khi xử lý phải công khai cho người dân được biết…

Thiếu tá Thăng Quang Huy, Trưởng Công an huyện Pác Nặm, Bắc Kạn: Chủ động nắm tình hình, tham mưu giải quyết triệt để những vấn đề về an ninh nông thôn

Qua theo dõi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, tôi nhận thấy công tác tổ chức Đại hội đã được triển khai thực hiện rất nghiêm túc theo một trình tự từ thấp lên cao, từ cấp cơ sở cho đến Trung ương, đảm bảo nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương của Đảng, phát huy được trách nhiệm, trí tuệ của các cấp ủy, của cán bộ, đảng viên và nhân dân; đồng thời đảm bảo thiết thực, hiệu quả, an toàn, tiết kiệm, không phô trương hình thức. Các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII được công bố toàn văn trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân và các tổ chức tham gia góp ý; việc tham gia góp ý được thực hiện rộng khắp ở các cấp cơ sở Đảng, các cơ quan đoàn thể Nhà nước và các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội. 

Công tác nhân sự, an ninh, hậu cần… chuẩn bị cho Đại hội cũng được Ban Chấp hành Trung ương khóa XI thực hiện đúng nguyên tắc, đúng quy trình, quy định; công phu, kỹ lưỡng. Cá nhân tôi cũng như toàn thể cán bộ, đảng viên cùng các tầng lớp nhân dân cả nước luôn có niềm tin và kỳ vọng rất lớn lao khi Nghị quyết đại hội XII của Đảng được triển khai, bởi vì những Nghị quyết, quyết định của Đại hội có liên quan tác động trực tiếp tới cuộc sống của người dân, tới sự phát triển của đất nước và dân tộc trên con đường đổi mới, hội nhập quốc tế, phát triển bền vững và hiện đại hóa. Tôi tin tưởng rằng Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương khóa XII sẽ đưa ra những quyết sách đúng đắn lãnh đạo đất nước tiếp tục ổn định và có đột phá trong phát triển kinh tế.

Huyện Pác Nặm là địa bàn vùng cao, còn gặp nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo cao; trong những năm qua tình hình an ninh trật tự (ANTT) ở vùng nông thôn cơ bản được ổn định, giữ vững. Tuy nhiên, bên cạnh đó tình hình tôn giáo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tình hình công dân đi Trung Quốc lao động làm thuê trái phép có chiều hướng gia tăng, tranh chấp khiếu kiện trong nội bộ quần chúng nhân dân vẫn còn diễn ra…, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Để làm tốt hơn nữa vấn đề an ninh nông thôn, theo tôi trong thời gian tới cần thực hiện tốt công tác nắm tình hình, kịp thời tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh Bắc Kạn, Huyện ủy, UBND huyện Pác Nặm chỉ đạo giải quyết các vấn đề liên quan đến ANTT; tích cực phối hợp với các lực lượng, các cơ quan, tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục vận động nhân dân nâng cao ý thức tôn trọng và tuân thủ pháp luật; thực hiện tốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Chủ động có kế hoạch bảo vệ an toàn các sự kiện chính trị diễn ra trên địa bàn, trước mắt là bảo đảm ANTT Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Ông Bùi Đình Sành, Trưởng Ban Tự quản tàu thuyền khu phố 5, thị trấn Cửa Việt , huyện Gio Linh, Quảng Trị: Ngư dân kỳ vọng bước phát triển mới của đất nước

Ông Sành là một trong những gương mặt tiêu biểu đại diện cho Ban Tự quản tàu thuyền khu phố 5, thị trấn Cửa Việt - một mô hình tiêu biểu cho phong trào Hội Cựu chiến binh giữ gìn ANTT trên biển tại huyện Gio Linh, Quảng Trị được tuyên dương tại Đại hội thi đua yêu nước giai đoạn (2009 -2014) do Trung ương hội Cựu chiến binh tổ chức tại Hà Nội (12-2014).

Giờ gặp lại ông - người cựu chiến binh, người đảng viên kỳ cựu ngày nào vẫn còn đó một giọng cười sang sảng. Hỏi về tình hình ANTT trên biển tại khu vực ngư trường truyền thống của các đội tàu thuyền của thị trấn Cửa Việt thời gian vừa qua, ông Sành cho biết tất cả các tổ đội tàu thuyền của thị trấn ra khơi đánh bắt thủy hải sản đã phát huy tốt vai trò tổ hợp tác đoàn kết trên biển.

Ông Sành tin tưởng các đồng chí được Đại hội tín nhiệm bầu vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương chính là những đại biểu xứng đáng nhất, đại diện cho hàng triệu đảng viên trong cả nước, họ đều là những người có đức, có tài. Ông cũng mong muốn tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng luôn phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất cao trong Đảng; luôn đồng sức đồng lòng để xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh; xây dựng được những chủ trương, đường lối lãnh đạo sáng suốt để đưa đất nước ta ngày càng phát triển phồn vinh, thịnh vượng, nhân dân hạnh phúc, ấm no.

Già làng Tút, làng Chuét 1, phường Thắng Lợi, TP Pleiku, Gia Lai: Niềm tin tiếp tục khởi sắc từ Đại hội XII của Đảng

Suốt cả tuần qua tôi cùng dân làng theo dõi diễn biến của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Qua kết quả Đại hội lần này dân làng mình tin tưởng những đảng viên được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị khóa XII thực sự là những người ưu tú nhất của Đảng để lãnh đạo đất nước tiếp tục phát triển.

Những năm qua, Tây Nguyên đã được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định an ninh trật tự từ cơ sở; nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước đã đem lại hiệu quả thiết thực cho đồng bào Tây Nguyên. Tuy nhiên, thực tế ở Tây Nguyên so với cả nước còn nhiều khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, cuộc sống của một số người dân chưa thoát nghèo bền vững... Vì vậy, người dân địa phương mong muốn trong nhiệm kỳ mới này, Đảng sớm đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống, tiếp tục đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; tăng cường xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên từ làng, xã đến Trung ương thật sự trong sạch, vững mạnh, có tâm, có tầm để phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh”.

Anh Hoàng Tòn Sao, Chủ tịch xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng:Tin tưởng Đảng sẽ có nhiều quyết sách mới thúc đẩy phát triển kinh tế vùng sâu, vùng xa

Hoàng Tòn Sao chia sẻ, tất cả những đổi thay trên mảnh đất quê hương anh có được chính là nhờ có những chủ trương đúng đắn của Đảng và chính sách kịp thời của Nhà nước người dân miền dân tộc thiểu số quê anh mới có cuộc sống sung túc, ấm no hôm nay. Mấy năm gần đây, nhờ hỗ trợ từ chương trình xây dựng nông thôn mới của Nhà nước, xã Hoa Thám và rất nhiều xã nghèo miền núi của tỉnh Cao Bằng đã được đầu tư xây dựng đường sá, trường học, trạm y tế,  nhà văn hóa. Các tuyến đường liên xã, liên thôn được “bê tông hóa” giúp bà con đi lại, giao thương buôn bán thuận tiện hơn rất nhiều. 

Ngoài được Đảng, Nhà nước đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, người dân xã Hoa Thám còn được hưởng nhiều chính sách ưu đãi trong việc phát triển kinh tế. Đơn cử như  mấy năm gần đây, từ nguồn ngân sách Nhà nước do huyện Nguyên Bình hỗ trợ  nhằm “Phát triển sản xuất hàng hóa nông, lâm nghiệp”, phát huy lợi thế  đất đai ở địa phương, người dân xã Hoa Thám đã phát triển chuyên canh cây quýt thành cây ăn quả “đặc sản”. Nhờ đó, không ít hộ gia đình ở địa phương đã dần thoát nghèo. 

Hiện tại, ngoài tập trung chuyên canh cây quýt, người dân xã Hoa Thám đang tập trung phát triển trồng rừng với nguồn cây giống và kỹ thuật do Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Nguyên Bình cấp theo ngân sách nhà nước từ dự án “Phủ xanh 5 triệu ha rừng” của Chính phủ.

Hoàng Tòn Sao tin tưởng các đại biểu được Đại hội lần thứ XII, nhiệm kỳ 2016 - 2020 của Đảng bầu chọn vào Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương lần này đều là những người xứng đáng, có đức, có tài để lãnh đạo đất nước. Tâm nguyện của Hoàng Tòn Sao cũng như đồng bào địa phương, mong Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm, xây dựng chính sách giúp người dân miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao hơn nữa đời sống, xóa được đói, giảm được nghèo, đưa cuộc sống của đồng bào miền núi dần bắt kịp với miền xuôi.


Nguồn: CAND Online