Admin
Người đi bộ phạm luật cần được xử nghiêm
Lượt xem: 960
Ngày 13-11-2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 171/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2014. Và tại Điều 9 của nghị định này là những quy định về xử phạt người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, với nội dung như sau:



Sinh viên Trường CĐSP Bình Phước qua đường không đúng nơi có vạch sơn dành cho người đi bộ - Ảnh: K.B

Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50-60 ngàn đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Không đi đúng phần đường quy định; không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường; không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, người kiểm soát giao thông.

Phạt tiền từ 60-80 ngàn đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông; vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn; đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy.

Phạt tiền từ 80-120 ngàn đồng đối với người đi bộ đi vào đường cao tốc, trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.

Như vậy, từ ngày quy định trên có hiệu lực đến nay đã hơn 2 năm nhưng từ ngày 1-2-2016, Công an TP. Hà Nội mới chính thức tiến hành xử phạt người đi bộ không chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông. Thực tế cho thấy, trong tổng số vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn cả nước nhiều năm qua, có không ít vụ nguyên nhân do người đi bộ không chấp hành đúng Luật Giao thông đường bộ. Tại các thành phố lớn, thị xã, thị trấn, hằng ngày vẫn có không ít người đi bộ băng qua đường không đúng nơi quy định, không tuân thủ theo tín hiệu đèn giao thông, thậm chí người đi bộ còn thản nhiên đi trên phần đường dành cho xe máy, xe ôtô... Ở các khu công nghiệp, trường học... vào giờ tan ca, tan trường chúng ta vẫn thường thấy cảnh không ít người bất chấp các phương tiện đang lưu thông để băng qua đường và trèo lên dải phân cách rồi sang bên kia đường.

Nguyên nhân của tình trạng trên do luật chưa đi vào cuộc sống. Vì từ khi Nghị định số 171/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành đến nay, số vụ xử phạt người đi bộ vi phạm rất ít. Như vậy có nghĩa là quy định đã có từ lâu nhưng vấn đề ở chỗ cơ quan chức năng có chịu làm hay không mà thôi. Khi được hỏi về vấn đề này, đại diện của các cơ quan chức năng có ý kiến cho rằng, việc xử phạt người đi bộ vi phạm Luật Giao thông đường bộ là rất khó. Vì không ít người vi phạm trong tình trạng không có giấy tờ tùy thân, có người không mang theo tiền, lại có trường hợp “cãi theo kiểu lý sự cùn” và không chịu nộp phạt. Trong khi đó, cảnh sát giao thông hoặc thanh tra giao thông không có thẩm quyền giữ người. Hơn nữa, với người đi bộ vi phạm thì không thể giữ tại chỗ...

Thế nhưng có nhiều ý kiến cho rằng, không phải vì những lý do trên mà buông lỏng việc thực thi pháp luật. Hơn nữa, không có gì khó khăn trong việc xử lý người đi bộ vi phạm không mang theo tiền nộp phạt hoặc “cù nhầy” cố tình không nộp. Người đi bộ, nếu đã vi phạm Luật Giao thông đường bộ mà không mang tiền theo thì cơ quan chức năng giữ giấy tờ tùy thân. Trường hợp quên mang giấy tờ tùy thân thì cộng thêm các mức phạt này với lỗi vi phạm giao thông. Bởi lẽ, theo quy định về trật tự an ninh, không mang giấy tờ tùy thân khi đi đường có thể bị phạt 100 ngàn đồng. Vấn đề là ở chỗ, cơ quan chức năng có làm kiên quyết hay không mà thôi. Nếu cứ vin vào những lý do trên đây thì tình hình tai nạn giao thông sẽ khó giảm và sẽ còn có những người chết oan chỉ vì hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ của người đi bộ.  

Nguồn: Bình Phước Online