Nhân dân - Cội nguồn sức mạnh trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) và phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ)
Quán triệt những tư tưởng, nguyên lý cơ bản chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa truyền thống đoàn kết qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc và thực tiễn cách mạng nước ta, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định vai trò, sức mạnh vô địch của nhân dân ta trong sự nghiệp cách mạnh nói chung và bảo vệ ANTT nói riêng: Nhân dân là gốc; đoàn kết toàn dân là nền tảng sức mạnh, là động lực to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng ta khẳng định: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Vì vậy thời kỳ cách mạng nào, công tác vận động và tổ chức quần chúng làm cách mạng đều có ý nghĩa chiến lược” (Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V), “Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, sức mạnh lực lượng và thế trận quốc phòng toàn dân, lực lượng và thế trận an ninh nhân dân” (Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X). Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên xã hội chủ nghĩa (Bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định, một trong những bài học kinh nghiệm lớn từ thực tiễn cách mạng Việt Nam là: “… sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định: “Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn ai hết, không ai chiến thắng được lực lượng đó”, “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Điều 64, Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Năm 2013) quy định: “Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp của toàn dân… Cơ quan, tổ chức, công dân phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quốc phòng và an ninh”.
Nhất quán quan điểm “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, trong tiến trình lãnh đạo cách mạng, Đảng, Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương quan trọng, phát động nhiều phong trào thi đua, cuộc vận động nhân dân tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Chỉ thị số 186-CT/TW ngày 17/02/1960 của Ban Bí thư Trung ương Đảng nêu rõ: “Phong trào bảo vệ trị an là một cuộc vận động quần chúng rộng rãi, nhằm giáo dục quần chúng đảm đương lấy sự nghiệp bảo vệ thành quả cách mạng và bảo vệ an toàn cho đời sống hàng ngày. Đó là hình thức tốt nhất để phát huy tính tích cực của quần chúng trong công tác đấu tranh chống kẻ địch, để giữ gìn trật tự chung”. Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 11/12/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ” nêu rõ: “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả, nhằm giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, góp phần phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII tiếp tục nhấn mạnh: “Xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân …”. Điều đó khẳng định sự quan tâm đặc biệt và đánh giá cao vai trò, sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân, các đoàn thể chính trị trong sự nghiệp đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
Quán triệt những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ủy Công an trung ương, lãnh đạo Bộ Công an luôn khẳng định: “Sức mạnh của Công an nhân dân bắt nguồn từ sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân; phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ là một trong những trong trào cách mạng của đảng, là nội dung quan trọng của “Biện pháp vận động quần chúng”, là biện pháp cơ bản, chiến lược của ngành Công an. Làm tốt công tác vận động quần chúng là điều kiện cơ bản để nhân dân thực hiện quyền làm chủ trên lĩnh vực bảo vệ ANTT; để tập hợp, thu hút, hướng dẫn, nâng cao năng lực của nhân dân trong việc giải quyết những yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ ANTT… tạo thế trận phòng ngừa xã hội, làm nền tảng và tạo điều kiện cho lực lượng Công an tập trung triển khai sâu rộng phòng ngừa nghiệp vụ, phòng chống tội phạm, xây dựng lực lượng Công an trong sạch, vững mạnh”.
Sự phát triển, lớn mạnh của lực lượng Công an nhân dân luôn gắn liền với sự phát triển, lớn mạnh của phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ
Trải qua các thời kỳ cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hoạt động của lực lượng Công an luôn gắn liền với những hình thức, tổ chức và tập hợp quần chúng thành các phong trào cách mạng rộng lớn, đem lại sức mạnh để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta vượt qua những khó khăn, thách thức, có lúc hiểm nghèo, giữ vững thành quả cách mạng; thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, thống nhất Tổ quốc, tiến hành công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế.
Trước cách mạng tháng 8/1945, các phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân phát triển dưới nhiều hình thức đa dạng và phong phú vừa bí mật, vừa công khai trên khắp các địa bàn nông thôn, thành thị, nhà máy, đấu tranh với mục tiêu dân tộc, dân chủ. Các đội tự vệ được thành lập để bảo vệ Nhân dân trong quá trình đấu tranh cách mạng, như “Đội tự vệ đỏ” trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931) được thành lập để hỗ trợ, bảo vệ quần chúng nổi dậy, phá nhà giam, đốt huyện đường, vây đồn lính, bắt giữ bọn hào lý, làm tan rã từng mảng chính quyền tay sai của đế quốc ở cơ sở; bảo vệ các phiên tòa xét xử bọn phản cách mạng; giữ gìn an ninh, trật tự ở những nơi có chính quyền Xô Viết.
Cách mạng tháng 8/1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập, lực lượng Công an cách mạng tuy còn non trẻ, song đã quán triệt và vận dụng sáng tạo các quan điểm, đường lối quần chúng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, dựa vào Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc để tuyên truyền, vận động nhân dân hăng hái tham gia các tổ chức như: “Việt Dũng thanh niên đoàn”, “Việt nữ đoàn”, “Cảnh sát danh dự không lương”… sát cánh cùng lực lượng Công an làm nhiệm vụ bảo vệ ANTT, đấu tranh quyết liệt với các thề lực thù địch, các loại phản động và tội phạm, bảo vệ an toàn Lễ Tuyên ngôn độc lập (02/9/1945), bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ trước sự đe dọa của thù trong, giặc ngoài trong tình thế đất nước “Ngàn cân treo sợi tóc”.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, lực lượng Công an đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng Quân đội nhân dân, đoàn, hội kháng chiến tham mưu cho Đảng, Chính phủ chỉ đạo, tổ chức vận động nhân dân thực hiện cuộc vận động với khẩu hiệu “03 không”, nội dung phù hợp với đặc điểm từng vùng, miền chiến lược: Ở vùng căn cứ địa Việt Bắc và vùng tự do là: “Không nghe, không biết, không thấy”; ở vùng địch tạm chiếm là: “Không làm việc cho địch, không bán lương thực cho địch, không chỉ đường cho địch”. Ở Nam Bộ phát động nhân dân tham gia phong trào “Ngũ gia liên bảo” để bảo vệ ANTT thôn, xóm. Các cuộc vận động trên đã nâng cao cảnh giác cách mạng cho nhân dân, bưng tai bịt mắt quân thù và nhanh chóng phát triển ra toàn quốc thành phong trào “Phòng gian bảo mật” với nội dung cụ thể: “Bảo vệ bí mật, tài sản của Đảng, Nhà nước, bảo vệ nội bộ, bảo vệ trị an xã hội”. Nhân dân đã giúp đỡ lực lượng Công an đấu tranh ngăn chặn kịp thời các hoạt động phá hoại của địch và âm mưu lập “Xứ Nùng”, “Xứ Thái”, “Xứ Mường” tự trị… ở miền núi phía Bắc và âm mưu lập “Nước Tây Kỳ tự trị”, “Nước Nam Ký tự trị” ở phía Nam… Đỉnh cao là góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (ngày 07/5/1954), buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, miền Bắc hoàn toàn giải phóng bước vào thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế, miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân: Lực lượng Công an đã tham mưu phục vụ Đảng, Chính phủ, Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo tổ chức vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ ANTT, xây dựng lực lượng nòng cốt “Bảo vệ trị an” ở ngoài xã hội và mở cuộc vận động “Bảo mật phòng gian” trong các cơ quan xí nghiệp; Chính phủ ban hành thông tư về thành lập các tổ chức Bảo vệ cơ quan, xí nghiệp. Ở miền Nam, Trung ương Cục miền Nam đã chỉ đạo đẩy mạnh phong trào “Bảo mật phòng gian” ở cả 3 vùng chiến lược và thành lập “Hội đồng bảo vệ an ninh ấp”, Phong trào “Bảo vệ trị an”, “Bảo mật phòng gian” phát triển mạnh mẽ, gắn kết với phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam. Nhiều điển hình tiên tiến xuất hiện, như các xã: Yên Phong (Ninh Bình), Hưng Khánh (Hưng Yên), Thanh Bình (Lào Cai), Quang Chiểu (Thanh Hóa), Khối 30, khu Đống Đa (Hà Nội)… Chủ tịch Hồ Chí Minh đã huấn thị: “Phong trào Bảo vệ trị an đối với nhân dân phải trở thành vườn hoa, đối với địch phải trở thành hầm chông, phải ra sức phát động quần chúng than gia phong trào “Bảo vệ trị an”.
Trước yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ ANTT phục vụ nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, ngày 16/6/1967, Bộ Công an đã ban hành Quyết định số 426/QĐ về việc thành lập “Phòng theo dõi phong trào Bảo vệ trị an và Xây dựng lực lượng Công an xã” gọi tắt là “Phòng theo dõi xã”, đây là tổ chức chuyên trách đầu tiên tham mưu giúp Bộ trưởng chỉ đạo lực lượng Công an các cấp thực hiện phương hướng, nội dung, biện pháp vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, đấu tranh chống mọi âm mưu hoạt động của bọn phản cách mạng, các loại tội phạm khác và chỉ đạo việc xây dựng lực lượng Công an xã.
Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975), lực lượng Công an đã sớm tham mưu phục vụ Đảng, Nhà nước thống nhất các phong trào, cuộc vận động nhân dân tham gia bảo vệ ANTT trong toàn quốc thành phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ. Đồng thời Công an các cấp đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội tham mưu phục vụ cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp tổ chức, vận động mọi tầng lớp nhân dân tham gia phong trào bảo vệ ANTQ. Phong trào đã có những bước phát triển khá sâu rộng, với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú; phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể từng vùng, từng khu vực, từng lĩnh vực, từng địa bàn cụ thể; nhiều tấm gương tiêu biểu, điển hình tiên tiến xuất sắc được nhân rộng trong toàn quốc. Phong trào đã phát huy năng lực sáng tạo của cơ sở, khơi dậy sức mạnh, tiềm lực to lớn của toàn dân trong phòng ngừa, tấn công, trấn áp tội phạm, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
NHỮNG SỰ KIỆN ĐÁNH DẤU SỰ TRƯỞNG THÀNH CỦA LỰC LƯỢNG CHUYÊN TRÁCH XÂY DỰNG PHONG TRÀO TOÀN DÂN BẢO VỆ ANTQ
Ngày 16/6/1967, Bộ Công an ban hành Quyết định số 426/QĐ về việc thành lập “Phòng theo dõi phong trào Bảo vệ trị an và Xây dựng lực lượng Công an xã” gọi tắt là “Phòng theo dõi xã”, đây là tổ chức chuyên trách đầu tiên trực thuộc Bộ trưởng Bộ Công an, có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng chỉ đạo lực lượng Công an các cấp thực hiện phương hướng, nội dung, biện pháp vận động nhân dân tích tích cực tham gia phong trào “Bảo vệ trị an”, đấu tranh chống mọi âm mưu hoạt động của bọn phản cách mạng, các loại tội phạm khác và chỉ đạo việc xây dựng lực lượng Công an xã, nhằm đẩy mạnh công cuộc xây dựng xã vững mạnh về ANTT. Ngày 16/7/2007, Bộ trưởng bộ Công an đã ký quyết định số 916/2007/QĐ-BCA(X11) xác định ngày 16/6 hàng năm là ngày truyền thống của lực lượng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.
Ngày 20/12/1981, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) ra Quyết định số 96/QĐ-BNV về việc thành lập “Cục xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ” (X17) trực thuộc Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND, có trách nhiệm giúp Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND thống nhất quản lý, tham mưu, hướng dẫn, chỉ đạo công tác xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ, xây dựng lực lượng Công an xã, Bảo vệ cơ quan xí nghiệp và các tổ chức quần chúng bảo vệ ANTT trong toàn quốc. Ở Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Phòng Xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ.
Ngày 30/6/1994, Bộ trưởng Bộ nội vụ nay là Bộ Công an) ký Quyết định số 575/QĐ-BNV thành lập phòng công tác vận động quần chúng bảo vệ ANTT trực thuộc giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Ngày 24/3/1997, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) ký Quyết định số 200/QĐ-BNV thành lập Cục Xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ (V28), trực thuộc Bộ trưởng, có chức năng giúp Bộ trưởng tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc lực lượng Công an các cấp thức hiện các chủ trương, biện pháp xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ, quản lý xây dựng lực lượng Công an xã, hướng dẫn lực lượng Bảo vệ dân phố, Bảo vệ cơ quan doanh nghiệp và các tổ chức bảo vệ ANTT tại cơ sở.
Ngày 08/12/2004, Bộ trưởng Bộ Công an có Quyết định số 1428/2004/QĐ-BCA chuyển Cục xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ trực thuộc Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND; được bổ sung thêm chức năng tham mưu, hướng dẫn công tác dân vận của lực lượng CAND.
Ngày 04/9/2007, Bộ Công an có Quyết định số 1037/2007/QĐ-BCA(X13) về việc đổi tên Cục Xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ thành cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; Phòng Công tác vận động quần chúng bảo vệ ANTT và Phòng Xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ thuộc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành Phòng xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ.
Ngày 16/12/2009, Bộ trưởng Bộ Công an có Quyết định số 4110/QĐ-BCA quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ (V28), với vị trí trực thuộc Bộ trưởng, có trách nhiệm giúp Bộ trưởng thống nhất quản lý, chỉ đạo và hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc Công an các đơn vị, địa phương thực hiện các chủ trương, kế hoạch, biện pháp xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; công tác dân vận của lực lượng CAND; hướng dẫn việc quản lý, xây dựng lực lượng Công an xã và các tổ chức quần chúng bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Ngày 22/05/2015, Bộ trưởng Bộ Công an có Quyết định số 2733/QĐ-BCA quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ (V28), với vị trí trực thuộc Bộ, có trách nhiệm giúp Bộ trưởng thống nhất quản lý, chỉ đạo và hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc Công an các đơn vị, địa phương thực hiện các chủ trương, kế hoạch, biện pháp xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; công tác dân vận của lực lượng Công an nhân dân; hướng dẫn việc quản lý, xây dựng lực lượng Công an xã, Bảo vệ dân phố và các tổ chức quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; tổ chức bộ máy của Cục V28 được mở rộng, từ 05 phòng công tác chuyên đề lên 07 phòng công tác chuyên đề.
Ngày 06/8/2018, Bộ trưởng Bộ Công an có Quyết định số 4008/QĐ-BCA quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Cục Xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ (V05); theo đó Cục V05 có trách nhiệm giúp Bộ trưởng thống nhất quản lý, chỉ đạo và hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc Công an các đơn vị, địa phương thực hiện các chủ trương, kế hoạch, biện pháp xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; công tác dân vận của lực lượng Công an nhân dân; hướng dẫn việc quản lý, xây dựng lực lượng Công an xã bán chuyên trách, Bảo vệ dân phố và các tổ chức quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; tổ chức bộ máy của Cục V05 được thu gọn từ 07 phòng công tác chuyên đề thành 06 phòng công tác chuyên đề.
Ngày 29/5/2020, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư số 53/2020/TT-BCA quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Cục Xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ (V05) theo cơ cấu, sắp xếp tổ chức mới của Bộ Công an. Theo đó Cục V05 có trách nhiệm giúp Bộ trưởng thống nhất quản lý, chỉ đạo và hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc Công an các đơn vị, địa phương thực hiện các chủ trương, kế hoạch, biện pháp xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; công tác dân vận của lực lượng Công an nhân dân; hướng dẫn việc quản lý, xây dựng lực lượng Công an xã bán chuyên trách, Bảo vệ dân phố và các tổ chức quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; tổ chức bộ máy của Cục V05 được thu gọn từ 06 phòng công tác chuyên đề thành 05 phòng công tác chuyên đề.
CHẶNG ĐƯỜNG 25 NĂM PHẤN ĐẤU, XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH CỦA LỰC LƯỢNG XÂY DỰNG PHONG TRÀO BẢO VỆ ANTQ, CÔNG AN TỈNH BÌNH PHƯỚC
Thành lập Phòng công tác vận động quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc
Ngày 01/01/1997, Công an tỉnh Bình Phước được tái lập. Theo đó, Phòng Công tác vận động quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc (PX28) cũng được tái lập và trực thuộc Giám đốc Công an tỉnh với quân số 07 đồng chí, được biên chế thành 02 đội nghiệp vụ (Đội Tổng hợp và Đội Xây dựng phong trào), đồng chí Phạm Đình Luyện được bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng phòng; đồng chí Lê Thanh Bình giữ chức Phó Trưởng phòng. Việc thành lập Phòng Công tác vận động quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc xuất phát từ tình hình, nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới ở địa phương.
Năm 2010, đổi tên thành Phòng Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (PV28) theo Quyết định của Bộ Công an. Đến năm 2018, Bộ Công an quyết định đổi tên thành Phòng Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc (PV05).
Từ năm 1997 đến năm 2022, có 07 đồng chí được bổ nhiệm giữ chức vụ trưởng phòng gồm:
1. Đồng chí Phạm Đình Luyện (1997 - 1998);
2. Đồng chí Lê Thanh Bình (2000 - 2010);
3. Đồng chí Lê Đức Long (2011 - 2012);
4. Đồng chí Lê Văn Bóng (2013 - 9/2018);
5. Đồng chí Phạm Năng Phán (10/2018 - 4/2020);
6. Đồng chí Đào Văn Thêm (5/2020 - 9/2021);
7. Đồng chí Trần Xuân Lâm (12/2021 - nay).
Hiện nay, Phòng Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc có 14 CBCS, được tổ chức thành 02 đội: Đội Hướng dẫn xây dựng phong trào ở xã, phường, thị trấn (Đội 1) và Đội Hướng dẫn xây dựng phong trào ở cơ quan, doanh nghiệp (Đội 2). Ban lãnh đạo có 03 đồng chí: Đại tá Trần Xuân Lâm, Bí thư chi bộ, Trưởng phòng; Thượng tá Nguyễn Văn Trà, Phó Bí thư chi bộ, Phó Trưởng phòng; Thượng tá Nguyễn Văn Đợi, Chi ủy viên, Phó Trưởng phòng.
Lực lượng xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ của Công an các huyện, thị xã, thành phố
Thực hiện Thông tư 08/2013/TT-BCA ngày 01/02/2013 của Bộ Công an quy định về tổ chức, hoạt động của Công an xây dựng phong trào và Phụ trách xã về an ninh, trật tự, hiện nay Công an 11 huyện, thị xã, thành phố đã thành lập Đội Xây dựng phong trào - phụ trách xã về ANTT. Trong đó nhiều đồng chí có thâm niên công tác, được đào tạo cơ bản, có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhiệt tình công tác, tập thể đơn vị đoàn kết, luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị và công tác chuyên môn được phân công, xứng đáng với truyền thống “Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.
Trong những năm qua, phát huy tốt vai trò là lực lượng nòng cốt trong công tác đảm bảo ANTT tại cơ sở, lực lượng xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ của Công an các địa phương luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, ra sức thi đua làm nhiều việc tốt “Vì nhân dân phục vụ”. Hoàn thành tốt công tác tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an về công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân. Từ thực tiễn chiến đấu, công tác cho thấy rằng, lực lượng xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ của Công an các địa phương đã và đang ngày càng khẳng định sự lớn mạnh không ngừng, luôn được Cấp ủy, Chính quyền, nhân dân và lãnh đạo các cấp đánh giá cao, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Qua thực hiện các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến, cương quyết đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, góp phần đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Những thành tích nổi bật của Phòng Xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ, Công an tỉnh Bình Phước.
Trải qua 25 năm xây dựng và trưởng thành, lực lượng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ - Công an tỉnh Bình Phước đã luôn làm tốt công tác tham mưu cho Đảng ủy - Ban Giám đốc Công an tỉnh và cấp ủy, chính quyền địa phương nhiều chủ trương, biện pháp quan trọng, cơ bản, chiến lược, tạo sự chuyển biến tích cực về công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng, nổi bật là:
Hoàn thành tốt công tác tham mưu Đảng ủy - Ban Giám đốc và cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an về công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân: Chỉ thị số 09-CT/TW, ngày 01/12/2011 về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong thời kỳ mới”; Kết luận số 44-KL/TW, ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đẩy mạnh Chỉ thị số 09/CT/TW về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới; Pháp lệnh Công an xã năm 2008; Nghị định số 38/2006/NĐ-CP, ngày 17/4/2006 của Chính phủ về Bảo vệ Dân phố; Nghị định 06/NĐ-CP, ngày 21/01/2014 của Chính phủ quy định biện pháp vận động quần chúng bảo vệ ANQG, giữ gìn TT-ATXH… và nhiều Nghị định về Công an xã, Bảo vệ dân phố, Bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp; Nghị quyết, Chỉ thị, Thông tư, Kế hoạch của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an liên quan đến công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, công tác Dân vận của lực lượng Công an Nhân dân và công tác Công an thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Nhờ vậy chất lượng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở cơ sở từng bước được nâng cao, tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, phát huy được quyền làm chủ của nhân dân trên lĩnh vực an ninh, trật tự, phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước và địa phương trong mọi hoàn cảnh khác nhau.
Tham mưu Đảng ủy - Ban Giám đốc và cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức Tổng kết, Sơ kết các Chỉ thị, Nghị quyết về công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ: Tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị 11-CT/BNV, ngày 07/6/1994 của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) về “Đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ vùng đồng bào theo đạo Thiên Chúa trong tình hình mới”; Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 13/2001/CT-BCA, ngày 11/10/2001 của Bộ trưởng Bộ Công an về “Tăng cường công tác Dân vận của lực lượng CAND”, giai đoạn 2001-2016 của lực lượng Công an tỉnh; tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; Tổng kết 10 năm công tác Công an thực hiện Nghị định số 38/2006/NĐ-CP của Chính phủ về Bảo vệ dân phố; Tổng kết 10 năm công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc giai đoạn 2006-2016; tổng kết 5 năm Chương trình phối hợp thực hiện công tác Dân vận (2011-2015); sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới”; sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 07/CT-BCA-V28 của BCA về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự trong tình hình mới” (giai đoạn 2014-2019); Sơ kết 03 năm thực hiện Chỉ thị 09/CT-BCA-V28, ngày 19/9/2014 về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong đồng bào các tôn giáo”; Sơ kết 02 năm Chương trình phối hợp “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới” (2013-2015) …
Tổ chức nhiều Hội nghị, Hội thảo để trao đổi kinh nghiệm xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, phát huy vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ ANTT. Tham mưu, chỉ đạo, tổ chức vận động toàn dân tham gia thực hiện Nghị quyết số 09/CP, Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, phòng chống ma túy, phòng chống buôn bán người; ban hành kế hoạch mở cuộc vận động “Toàn dân tham gia quản lý, giáo dục, cảm hóa người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư” và nhiều kế hoạch vận động nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống ma túy, mở nhiều đợt vận động nhân dân tham gia phòng ngừa, phát hiện tố giác tội phạm; xây dựng gia đình, khu dân cư xã, phường, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường an toàn về ANTT, không có ma túy, tệ nạn xã hội; quản lý, giáo dục, cảm hóa những người vi phạm pháp luật tại gia đình và tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương; vận động đối tượng ra đầu thú; thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; phòng, chống cháy nổ; giữ gìn trật tự an toàn giao thông…
Xác định công tác xây dựng, củng cố phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở các địa bàn trọng điểm, chiến lược, biên giới, vùng dân tộc thiểu số, vùng đồng bào theo tôn giáo, các khu công nghiệp, kinh tế tập trung… là một nội dung quan trọng, có vai trò quyết định trong công tác đảm bảo tình hình ANTT tại cơ sở. Lực lượng Công an các cấp đã chủ động phối hợp với ngành Dân vận, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban ngành, đoàn thể các cấp tập trung tham mưu với cấp ủy, chính quyền chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác, trách nhiệm và năng lực bảo vệ ANTT, tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân. Phối hợp với các cơ quan tuyên truyền trong và ngoài ngành Công an tổ chức tuyên truyền phát luật, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Phối hợp các đơn vị chức năng xây dựng hàng chục chuyên đề, chuyên mục, hàng trăm phóng sự, tin, bài, ảnh đăng tải trên các báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, phát trên đài phát thanh, truyền hình của Trung ương, địa phương và các trang mạng xã hội; lắp đặt và treo hàng chục pa-nô, băng rôn, khẩu hiệu tại các nơi công cộng. Phát hành tài liệu tuyên truyền và hướng dẫn công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ với nội dung và hình thức phong phú phát hành đến cơ sở.
Giúp Đảng ủy - Ban Giám đốc Công an tỉnh tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo Tổng kết, Sơ kết công tác xây dựng mô hình, nhân điển hình tiên tiến phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ từ tỉnh xuống cơ sở; từ đó tổng kết thực tiễn, rút ra những bài học kinh nghiệm, là cơ sở để đề ra các văn bản chỉ đạo công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, công tác Dân vận của lực lượng Công an tỉnh. Nhiều mô hình, điển hình tiên tiến phù hợp, mang lại hiệu quả cao tại các địa phương, lĩnh vực, chuyên đề được chỉ đạo nhân rộng. Các mô hình, điển hình trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ được phát triển đa dạng, phong phú, thiết thực, có hiệu quả, mang tính xã hội hóa cao, đã phát huy được vai trò làm chủ, tính tích cực của nhân dân trong phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật; là cơ sở để xây dựng, củng cố thế trận “An ninh nhân dân” và thế trận “Quốc phòng toàn dân” vững chắc. Hiện nay, một số mô hình hoạt động tốt, đạt hiệu quả nổi bật, cần được nhân rộng toàn tỉnh trong thời gian tới, như: “Camera an ninh”, “Nữ chủ nhà trọ tham gia giữ gìn ANTT”, “Tổ Công nhân dịch vụ đô thị giữ gìn ANTT”, “Đội công nhân xung kích giữ gìn ANTT”, “Ban Chỉ huy thống nhất” các công ty cao su... Đến nay, tỉnh Bình Phước được Cục V05 - Bộ Công an thông báo nhân rộng trên phạm vi toàn quốc có 01 mô hình (Ban Chỉ huy thống nhất Công ty cao su Đồng Phú) và ghi nhận 02 mô hình tiêu biểu của tỉnh (Camera an ninh và Nữ chủ nhà trọ tham gia giữ gìn ANTT).
Tham mưu, đề xuất Ban Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo tăng cường, củng cố lực lượng chuyên trách làm công tác xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ và lực lượng nòng cốt bảo vệ ANTT ở cơ sở: Cơ cấu lãnh đạo, chỉ huy, hệ thống tổ chức, bố trí cán bộ của lực lượng chuyên trách xây dựng phong trào được quan tâm củng cố, kiện toàn từ Công an tỉnh đến Công an các huyện, thị xã, thành phố. Lực lượng nòng cốt bảo vệ ANTT ở cơ sở (Công an xã, Bảo vệ dân phố, Bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục) từng bước củng cố, kiện toàn về cơ sở pháp lý, bộ máy tổ chức; hoạt động ngày một hiệu quả hơn, phát huy được vai trò nòng cốt bảo vệ ANTT ở cơ sở. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức Hội nghị biểu dương, khen thưởng 133 đồng chí là Công an xã bán chuyên trách có thành tích trong sự nghiệp bảo đảm an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở (năm 2020).
Tham mưu, đề xuất Ban Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo tăng cường liên kết, phối hợp với ngành Dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, hội quần chúng… ký kết, sơ kết, tổng kết nhiều Nghị quyết liên tịch, kế hoạch, chương trình phối hợp liên tịch, liên ngành nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Từ thực tiễn thực hiện, đã giúp Ban Giám đốc Công an tỉnh tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh kiện toàn Ban chỉ đạo các Nghị quyết liên tịch theo hướng tập trung thống nhất vào một mối; quyết định thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tỉnh, được triển khai thực hiện đến cơ sở.
Thực hiện công tác ký kết các Quy chế phối hợp về công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ theo yêu cầu của Bộ Công an, Phòng PV05 đã tham mưu Công an tỉnh ký kết kế hoạch phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Tỉnh đoàn, Sở Giáo dục và Đào tạo về việc phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền đến cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên trong các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục thực hiện công tác đảm bảo ANTT trong tình hình mới. Đồng thời xây dựng Quy chế phối hợp giữa Phòng PV05 với các đơn vị trong lực lượng Công an tỉnh: Phòng PC08 về công tác vận động toàn dân tham gia giữ gìn TTATGT; Phòng PA03 và PA04 về công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới; Phòng PC07 về công tác vận động toàn dân tham gia PCCC và cứu nạn cứu hộ.
Tham mưu, phối hợp hướng dẫn thực hiện công tác thi đua, khen thưởng trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ và lực lượng Công an xã, Bảo vệ dân phố. Hàng năm, tham mưu phục vụ Tỉnh ủy, UBND các cấp, Ban Giám đốc Công an tỉnh và đề xuất Chính phủ, Bộ Công an và của các cấp có thẩm quyền khen tặng hàng chục Cờ thi đua, hàng trăm bằng khen, giấy khen, hàng trăm Kỷ niệm chương Bảo vệ an ninh Tổ quốc cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; qua đó đã động viên kịp thời, phát huy vai trò thúc đẩy phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ phát triển đều khắp ở tất các các cấp.
Tham mưu tổ chức thành công “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” hàng năm: Thực hiện Quyết định số 521/QĐ-TTg ngày 13/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ quy định ngày 19 tháng 8 hàng năm là “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, căn cứ chỉ đạo của Bộ Công an về việc tổ chức “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; định kỳ hàng năm đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh, Ban Giám đốc xây dựng, triển khai Kế hoạch, công văn hướng dẫn Công an các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ các cấp tổ chức các hoạt động về “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” tại địa bàn cơ sở. Đồng thời cử các đồng chí lãnh đạo các Phòng nghiệp vụ Công an tỉnh trực tiếp xuống các địa phương tham dự Ngày hội cùng với cán bộ và nhân dân ở cơ sở. Qua đó, lực lượng Công an đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tổ chức “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” với nội dung thiết thực, phù hợp với từng vùng, địa bàn, khu dân cư; kết hợp tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình khó khăn về kinh tế, người có công với cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng; con em gia đình nghèo hiếu học, lực lượng dân quân, dân phòng có hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng hoàn lương. Tổ chức hàng trăm buổi tọa đàm với đông đảo quần chúng nhân dân tham dự và đóng góp ý kiến xây dựng lực lượng Công an 3 cấp. Trao tặng Kỷ niệm chương Bảo vệ an ninh Tổ quốc và các hình thức khen thưởng khác cho nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Nhìn chung, trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, lực lượng xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ - Công an tỉnh Bình Phước đã thực hiện có hiệu quả chức năng tham mưu cho Đảng ủy - Ban Giám đốc Công an tỉnh và giúp Giám đốc Công an tỉnh tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội và quần chúng nhân dân triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Công an và UBND tỉnh về công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Riêng Phòng PV05 có 04 năm đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng (2009, 2015, 2017, 2021), 01 năm dẫn đầu Khối thi đua XDLL-TT-HC (2012) được Bộ Công an tặng Cờ, các năm còn lại đều đạt danh hiệu Đơn vị tiên tiến; Chi bộ nhiều năm liền đạt trong sạch, vững mạnh; cán bộ, chiến sĩ của đơn vị luôn luôn đoàn kết, nâng cao ý thức trách nhiệm, tính kế thừa của các thế hệ đi trước, tạo bước chuyển biến về nhận thức và hành động trong công tác xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và phát triển của tỉnh nhà.
PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG 55 NĂM XÂY DỰNG, TRƯỞNG THÀNH, LỰC LƯỢNG XÂY DỰNG PHONG TRÀO BẢO VỆ ANTQ CÔNG AN TỈNH BÌNH PHƯỚC QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI CÁC MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ BẢO VỆ ANQG, GIỮ GÌN TTATXH TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Phát huy truyền thống vẻ vang 55 năm xây dựng và trưởng thành, trong những năm tới, lực lượng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ - Công an tỉnh Bình Phước sẽ tập trung làm tốt công tác tham mưu phục vụ cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý, điều hành đối với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; tổ chức thực hiện các chủ trương, kế hoạch, biện pháp xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Đồng thời tăng cường công tác xây dựng lực lượng nòng cốt công tác xây dựng phong trào ở cơ sở, chăm lo xây dựng các lực lượng công an viên thôn, ấp, bảo vệ dân phố, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường trong sạch, vững mạnh; phát huy vai trò các mô hình tự quản của nhân dân tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Đảng ủy - Ban Giám đốc Công an tỉnh, cấp ủy, chính quyền và Công an các cấp, sự phối hợp của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, sự tham gia xây dựng của các tầng lớp Nhân dân, lực lượng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ - Công an tỉnh Bình Phước sẽ phát huy mạnh mẽ truyền thống 55 năm xây dựng, trưởng thành, chung sức, đồng lòng, khắc phục khó khăn, đề cao trách nhiệm, ra sức rèn luyện, nâng cao trình độ mọi mặt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
PHÒNG PV05