Admin
Tăng cường tuyên truyền, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội
Thứ Năm, 04/02/2016
Lượt xem: 1568
Năm 2015, trên địa bàn tỉnh xảy ra 842 vụ phạm pháp hình sự, phần lớn các vụ án xảy ra do bộc phát từ những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống hằng ngày, ghen tuông, tình ái và đố kỵ hơn thua.
Nguyên nhân của loại tội phạm này do một phần bị tác động tiêu cực từ mặt trái của nền kinh tế thị trường làm tha hóa đạo đức của một bộ phận người dân; ảnh hưởng của phim ảnh và trò chơi bạo lực; do suy thoái kinh tế, một bộ phận người lao động thất nghiệp, không có việc làm ổn định, đời sống khó khăn... gây tâm lý ức chế tích tụ lâu ngày; có xu hướng sử dụng bạo lực khi phát sinh mâu thuẫn. Đồng thời, công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự trên một số lĩnh vực còn những mặt hạn chế, nhất là trong việc quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện; công tác giáo dục, phổ biến pháp luật, đạo đức, lối sống chưa thực sự hiệu quả; công tác tiếp dân, giải quyết các mâu thuẫn trong nhân dân chưa triệt để.
Đoàn viên, thanh niên ở các ban, ngành, lực lượng vũ trang tỉnh
và thị xã Đồng Xoài mít tinh phòng chống ma túy - Ảnh: S.H
Bên cạnh đó, công tác quản lý các đối tượng có tiền án, tiền sự, các băng nhóm trên địa bàn tỉnh chưa chặt chẽ... dẫn đến một bộ phận người dân khi xảy ra mâu thuẫn thì không nhờ các cơ quan thực thi pháp luật can thiệp mà tự tìm cách giải quyết hoặc do không hiểu biết pháp luật nên khi được hòa giải nhưng không thỏa mãn ý muốn cá nhân đã bộc phát tự giải quyết mâu thuẫn dẫn đến xung đột bạo lực. Bên cạnh đó, các thông tin mang tính bạo lực, giật gân liên tục xuất hiện trên các trang báo mạng, video bạo lực, đặc biệt là những vụ án xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người được báo mạng khai thác, mô tả chi tiết gây tác động không nhỏ tới tâm lý của đối tượng. Thậm chí, nhiều khi đối tượng còn học được cách hành động từ mô tả chi tiết trên báo, phim ảnh.
Những hệ lụy nêu trên một phần có trách nhiệm của những người làm công tác tuyên truyền, giáo dục. Nguyên nhân một phần là do một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm chỉ đạo, chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; nội dung thông tin tuyên truyền của đội ngũ báo cáo viên các cấp chưa thật phong phú, hấp dẫn và có chiều sâu. Công tác tuyên truyền cho thanh niên ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là thanh niên công nhân trong các khu công nghiệp còn nhiều khó khăn, hiệu quả đạt được chưa cao. Các đơn vị cơ sở không có kinh phí cho hoạt động tuyên truyền nên các hoạt động tuyên truyền chỉ được tổ chức lồng ghép với các chương trình khác. Sự phối hợp giữa công tác quản lý, giáo dục cho thanh niên của tổ chức đoàn thanh niên và các đơn vị có liên quan còn hạn chế.
Vì vậy, để hạn chế các loại tội phạm nêu trên, các cấp ủy đảng, chính quyền tại địa phương cần xác định rõ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của địa phương, đơn vị. Đồng thời, thực hiện tốt việc biểu dương, nhân rộng các mô hình, cách làm hay, hiệu quả, luôn đổi mới hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng đối tượng thanh niên.
Nguồn: Binhphuoc Online