Admin
Lợi dụng việc phát cơm từ thiện để tuyên truyền "Pháp luân công"
Lượt xem: 5461
Phòng An ninh đối nội đang tiến hành điều tra làm rõ 2 đối tượng lợi dụng việc phát cơm từ thiện để tuyên truyền “Pháp luân công”. Trước đó, vào ngày 24/3/2020, lực lượng Công an phát hiện Nguyễn Thành Chương, 58 tuổi và vợ là Lê Thị Oanh, 50 tuổi, cùng trú KP.5, P.Tân Đồng, TP.Đồng Xoài đã tán phát tài liệu, vật phẩm có nội dung về “Pháp luân công” cho khoảng 250 người đến nhận cơm từ thiện tại “Bếp cơm tình thương” - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước. Tại hiện trường, lực lượng Công an đã thu giữ được nhiều tài liệu, vật phẩm vi phạm quy định về xuất bản gồm các tờ rơi và móc khóa có nội dung “Pháp luân công”. Được biết, Nguyễn Thành Chương và Lê Thị Oanh là thành viên câu lạc bộ từ thiện “Tùy tâm” tham gia phát cơm miễn phí cho người nghèo tại “Bếp cơm tình thương” - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước từ năm 2018 đến nay.

Tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận: Các tài liệu, vật phẩm nói trên là do một số đối tượng tham gia “Pháp luân công” ở TP.Đồng Xoài cung cấp để tán phát nhằm mục đích tuyên truyền, lôi kéo người tham gia “Pháp luân công”.

“Pháp luân công” là gì?

“Pháp luân công” hay còn gọi là “Pháp luân đại pháp” do Lý Hồng Chí (sinh năm 1952, quê Cát Lâm, Trung Quốc) sáng lập năm 1992, được truyền vào Việt Nam từ những năm 2000.

“Pháp luân công” thực chất không phải là một tín ngưỡng, tôn giáo, không có giáo lý, giáo luật hoàn chỉnh mà vay mượn, cắt xén của các tôn giáo khác (chủ yếu là Phật giáo) để hình thành. Lý Hồng Chí có ý đồ trở thành “Phật chủ” thay thế Phật Thích ca mâu ni (ngồi trên đài sen, đầu tỏa ánh hào quang, sửa ngày sinh trùng với ngày sinh của Phật Thích ca mâu ni…). Nghị quyết của Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc năm 2010 tại Thái Lan đã kêu gọi tăng ni, phật tử không đi theo trường phái của Lý Hồng Chí vì đây là một trường phái mượn danh nghĩa đạo Phật. 

Ở Việt Nam, “Pháp luân công” đã có nhiều hoạt động vi phạm pháp luật, có dấu hiệu phản văn hóa, phản khoa học, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự.

Dưới vỏ bọc là các bài tập dưỡng sinh, khí công rèn luyện sức khỏe, tu tâm, sửa tính, kết hợp các yếu tố tâm linh, tinh thần để dẫn dụ, lôi kéo một bộ phận nhân dân, nhất là số đang có vấn đề về sức khỏe, tin tưởng tuyệt đối rằng việc tập luyện “Pháp luân công” có thể chữa khỏi bệnh, kể cả những bệnh hiểm nghèo. Trên thực tế, nhiều người bệnh cả tin, không dùng thuốc, từ chối điều trị tại bệnh viện, lấy các bài tập “Pháp luân công” là phương pháp duy nhất để điều trị dẫn đến bệnh tật không thuyên giảm, một số trường hợp đã tử vong (như ở Hà Nội, Thái Nguyên, Nghệ An, Quảng Nam…); có trường hợp luyện tập đến mức bị mê muội, bỏ bê, xa lánh những người thân trong gia đình để đi quảng bá “Pháp luân công”, thậm chí bị ảo giác dẫn đến hành vi trái pháp luật, trái luân thường đạo lý, xem người khác là yêu ma cần phải diệt trừ như trường hợp giết người phi tang của Phạm Thị Thiên Hà vào tháng 5/2019 ở Bình Dương. 

“Pháp luân công” chưa được thừa nhận tại Việt Nam

Với những vấn đề nói trên cùng việc không có giáo lý, giáo luật, lễ nghi; không có tôn chỉ, mục đích, quy chế hoạt động… nên theo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo 2016, đến nay “Pháp luân công”  không được xem là một tôn giáo và chưa được cấp phép hoạt động tại Việt Nam. 

Do đó, tuyên truyền “Pháp luân công” là hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng xấu đến ANTT tại địa phương cũng như đời sống của người dân. Đặc biệt, việc lợi dụng tâm lý lo lắng của người dân khi đang bị bệnh và uy tín, danh nghĩa của các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm tại “Bếp cơm tình thương” để lồng ghép, tuyên truyền nội dung xấu là hành vi đáng lên án và cần phải ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, nhằm bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân cũng như hoạt động thuần túy của các tín ngưỡng, tôn giáo hợp pháp.

Hiện vụ việc tuyên truyền “Pháp luân công” của Nguyễn Thành Chương và Lê Thị Oanh đang được Phòng An ninh đối nội, Công an tỉnh phối hợp với Công an TP.Đồng Xoài tiếp tục điều tra làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật. Qua vụ việc này, Phòng An ninh đối nội, Công an tỉnh kêu gọi người dân nâng cao cảnh giác, không để các đối tượng tuyên truyền, lôi kéo tham gia “Pháp luân công”



Nguyễn Thành Chương và Lê Thị Oanh cùng tang vật là tài liệu, vật phẩm về “Pháp luân công”

TRƯƠNG NAM