Admin
Cán bộ Công an bị phơi nhiễm, nhiễm HIV trong khi làm nhiệm vụ: Những vết thương không mảnh đạn
Lượt xem: 2833
Trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, lực lượng Công an luôn phải đối mặt với sự hy sinh. Trong đó, có một sự hy sinh rất lặng lẽ, đó là những cán bộ chiến sỹ (CBCS) bị phơi nhiễm, nhiễm HIV khi làm nhiệm vụ, đối mặt với tội phạm nhiễm HIV.

>>> Bài cuối: Họ đã phải hy sinh cả tính mạng và gia đình

Theo thống kê của Cục Y tế Bộ Công an, từ năm 2001 đến nay có khoảng 800 trường hợp CBCS có báo cáo phơi nhiễm HIV, 2 đồng chí bị nhiễm HIV (trong đó có 1 đồng chí đã tử vong). Những vết thương họ mang dẫu không mảnh đạn, nhưng gặm nhấm nỗi đau cả về thể xác và tinh thần…

Bài 1: Tiềm ẩn những hiểm nguy khi truy bắt tội phạm

Thiếu tá Trần Trung Kiên công tác tại Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm (ĐTTP) về ma túy, Công an tỉnh Điện Biên là một trường hợp như thế. Chúng tôi được tiếp xúc với Kiên nhiều lần nhưng khi được hỏi về việc phải điều trị bị phơi nhiễm HIV, anh lại bắt đầu kiệm lời như vốn có. 9 năm gắn bó với nghề đánh án ma túy, anh không nhớ rõ đã bao nhiêu lần phải đối mặt với hiểm nguy, đe dọa đến tính mạng, nhưng chỉ tính riêng về việc phải uống thuốc chống phơi nhiễm HIV thì anh cũng đã 2 lần.

Thiếu tá Kiên tâm sự: “Dù rất cảnh giác, nhưng tôi cũng chẳng thể nhớ đã bao nhiêu lần bị đối tượng cắn xé, cào cấu, sử dụng hung khí chống trả... Tội phạm ma túy là thế, luôn liều lĩnh, manh động, bởi chúng biết rõ điều gì sẽ đến nếu bị bắt. Thế nên, chẳng có đối tượng nào để yên cho mình còng tay đâu".

Hai lần Thiếu tá Kiên phải uống thuốc chống phơi nhiễm HIV thì cũng là 2 lần Thượng tá Đinh Tiên Hoàn, Phó Trưởng phòng Phòng Cảnh sát ĐTTP về ma túy Công an tỉnh Điện Biên cũng “lâm nạn” cùng. Vì mỗi lần Kiên ra trận, chỉ huy Đinh Tiên Hoàn luôn sát cánh, hỗ trợ cho cán bộ của mình hoàn thành nhiệm vụ. Nếu tính về "thành tích" điều trị chống phơi nhiễm HIV, thì Thượng tá Hoàn còn hơn Kiên ít nhất một lần.


Trinh sát ma túy mật phục bắt giữ đối tượng.

Thượng tá Hoàn chia sẻ: Tỉnh Điện Biên có gần 5.000 người nghiện ma tuý, 2/3 số này là những đối tượng hình sự, từng vào tù ra tội. Trong số này, có khá nhiều đối tượng nghiện ma tuý, nhiễm HIV. Khi bị lực lượng Công an vây ráp, vũ khí của bọn chúng là sự hung hãn, điên cuồng, là dao nhọn, kim tiêm dính máu, là hàm răng... Hàng trăm lần đối mặt với tội phạm nguy hiểm, thời kỳ ban đầu, các trinh sát, và cả Thượng tá Hoàn cũng chưa lường hết mức độ nguy hiểm của tội phạm nhiễm HIV.

Còn nhớ, trong lần truy bắt đối tượng Lò Văn Xôm, ở Quài Cang (Tuần Giáo, Điện Biên), tên này đã vùng chạy, đập vỡ cửa kính và dùng các mảnh vỡ tấn công điên cuồng lực lượng truy bắt. Máu của cả đối tượng và trinh sát đều chảy… Sau này, Lò Văn Xôm thụ án ở Trại giam Yên Hạ, bị chết vì HIV/AIDS, các trinh sát mới tá hoả đưa nhau đi xét nghiệm. Nhưng may mắn là không ai bị sao!...

Các anh chia sẻ, trong cuộc chiến với tội phạm, dù rất cảnh giác nhưng đôi khi họ cũng không thể tránh được các trường hợp bị phơi nhiễm HIV. Lúc bắt đối tượng, việc quan trọng nhất của trinh sát là phải vô hiệu hoá được vũ khí của chúng (súng, lựu đạn, dao, kiếm) đảm bảo an toàn cho lực lượng vây bắt và chính đối tượng, nên việc bị trầy xước, bị đối tượng cắn xé, cào cấu nhiều khi không tránh được…

Thượng tá Hoàn và Thiếu tá Kiên nhớ lại lần đầu họ bị phơi nhiễm, đó là một buổi tối mùa hè năm 2007. Chỉ huy Đinh Tiên Hoàn dẫn đầu tổ công tác có Trần Trung Kiên và Văn Sĩ Thắng lên đường bắt giữ đối tượng Hoàng Văn Biêng, ở bản Na Sang I, xã Núa Ngam (Điện Biên). Biêng là tội phạm nguy hiểm, nhiễm HIV, có 2 tiền án về tội cố ý gây thương tích và mua bán trái phép chất ma tuý, từng ngang ngược tuyên bố "Ông Công an nào muốn nhiễm AIDS thì cứ đến tìm tao!”.

Theo kế hoạch, tổ công tác bất ngờ xông vào bắt Biêng khi hắn đang ngủ. Nhưng với sự ranh ma, quỷ quyệt, Biêng đã bật dậy khỏi giường, lách người thoát khỏi cú “địa đường quyền” của Kiên. Hắn rút thanh mã tấu sắc lẹm, dài đến nửa mét, chém xối xả vào lực lượng truy bắt. Khi Biêng bị tra tay vào còng, thì cũng là lúc máu từ vết thương của đối tượng và máu của các trinh sát hòa lẫn, đầm đìa. Bàn giao xong đối tượng thì cũng là lúc chỉ huy Hoàn, Kiên và Thắng lập tức phải nhập viện, điều trị chống phơi nhiễm HIV vì vết thương do mã tấu và vết cắn của Biêng để lại.

Với Thiếu tá Cao Thị Minh Toàn, hiện là Trưởng Công an phường Trần Hưng Đạo, TP Thái Bình, nỗi lo lắng còn khủng khiếp hơn khi chị bị phơi nhiễm HIV đúng thời điểm vừa mang bầu đứa con trai đầu. Câu chuyện chị kể lại khiến ai nấy đều khâm phục tình cảm của một người mẹ dành cho đứa con bé bỏng của mình. Ấy là khi chị còn đang là một trinh sát ma túy của Công an TP Thái Bình, thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên, Toàn cùng đồng đội tiến hành bắt giữ một nữ quái chuyên bán ma túy trên địa bàn thành phố.

Khi bắt giữ đối tượng Phạm Thị Lan, Toàn nhanh chóng áp sáp, thọc tay vào túi quần của thị để thu giữ tang vật ma túy. Bỗng, Toàn thấy tay mình nhói đau. Với kinh nghiệm làm nghề, chị biết mình vừa dính kim tiêm để chổng ngược trong túi quần của đối tượng. Kim tiêm còn đang dính máu, máu chị và máu đối tượng hòa lẫn vào nhau. Cái cảm giác choáng ngợp trở về còn mãnh liệt hơn khi chị Toàn nhìn thấy dòng chữ “dương tính HIV” trên hồ sơ của đối tượng Lan.

Chị có thể uống thuốc phơi nhiễm HIV để phòng chống căn bệnh chết người lây nhiễm vào cơ thể nhưng còn mầm sống trong bụng chị, thuốc chống phơi nhiễm sẽ ảnh hưởng! Thời gian lại như con ngựa phi nước đại, mà chị chỉ được đưa ra quyết định trong 72 giờ thôi, mà quyết định đó thì thật khó! Cuộc sống của mình hay tính mạng của con, đáp án nào chị lựa chọn cũng thật nghiệt ngã!

Cuối cùng, chị quyết định không uống thuốc chống phơi nhiễm, cùng đứa con trong bụng chống trả với số phận! Suốt quãng thời gian mang thai, chị phấp phỏm, lo âu, cho mình thì ít, lo cho con phần nhiều. Nhất là đến trước những kỳ xét nghiệm máu, chị không thể ngủ được. Một lòng người mẹ cầu mong sự bình an cho đứa con trong bụng. May mắn làm sao, cả Toàn và đứa con đã không bị lây nhiễm loại virus chết người ấy! Bây giờ, mỗi lần nhớ lại kỷ niệm “khủng khiếp” này, Toàn lại ôm chặt con vào lòng…

Hiện nay, Cục Y tế - Bộ Công an thường xuyên phối hợp tổ chức các lớp tập huấn kiến thức dự phòng về phòng, chống phơi nhiễm HIV cho các lực lượng trong Công an, đặc biệt là lực lượng Cảnh sát trực tiếp tham gia đấu tranh với tội phạm. Cục Y tế lưu ý, các trường hợp CBCS bị phơi nhiễm phải coi là trường hợp cấp cứu và cần được xử lý kịp thời. Phải xối ngay vết thương dưới vòi nước; để vết thương chảy máu trong thời gian ngắn; rửa kỹ vết thương bằng xà phòng và nước sạch, sau đó sát trùng bằng các dung dịch sát khuẩn trong thời gian ít nhất 5 phút. Sau đó, báo cáo với người phụ trách làm biên bản phơi nhiễm; đánh giá nguy cơ phơi nhiễm, xác định tình trạng nhiễm HIV của nguồn lây nhiễm và người phơi nhiễm. Phải tiến hành điều trị bằng thuốc ARV càng sớm càng tốt từ 2-6 giờ và trước 72 giờ sau khi bị phơi nhiễm… 

Nguồn: cand.com.vn