Bộ Công an đang xây dựng Luật Dẫn độ nhằm hoàn thiện pháp luật về dẫn độ theo hướng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm chặt chẽ, khả thi, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế; thúc đẩy hợp tác quốc tế về dẫn độ, nâng cao hiệu quả truy bắt các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài; bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Sau hơn 15 năm triển khai thực hiện Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, công tác dẫn độ đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Kết quả công tác dẫn độ đã góp phần giải quyết tốt các vụ án hình sự mà đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài vào Việt Nam; nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Bên cạnh những kết quả đạt được, quy định về dẫn độ trong Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 và hoạt động dẫn độ cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như:
Thứ nhất, Luật Tương trợ tư pháp điều chỉnh chung cả bốn lĩnh vực dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù nhưng mỗi lĩnh vực lại có đối tượng, phạm vi điều chỉnh với tính chất đặc thù riêng, mục đích và tính chất, nguyên tắc hợp tác khác nhau. Cụ thể như dẫn độ, Tương trợ tư pháp về hình sự xuất phát từ hoạt động tố tụng hình sự mang tính chất công quyền, trong khi đó Tương trợ tư pháp về dân sự lại xuất phát từ yêu cầu giải quyết vụ việc của cá nhân, pháp nhân mang tính chất tư, còn chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù lại chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý của người bị yêu cầu chuyển giao.
Thứ hai, chủ thể yêu cầu, chủ thể thực hiện, trình tự, thủ tục, thời gian thực hiện các yêu cầu Tương trợ tư pháp trong từng lĩnh vực hoàn toàn độc lập và khác nhau.
Thứ ba, từ phương diện quản lý nhà nước, Luật Tương trợ tư pháp quy định giao Bộ Tư pháp làm đầu mối giúp Chính phủ quản lý nhà nước chung cũng làm cho công tác quản lý nhà nước, phối hợp liên ngành trong triển khai thi hành Luật nhưng như trên đã đề cập mỗi lĩnh vực có đặc thù, nguyên tắc riêng, trình tự, thủ tục độc lập dẫn đến thực tiễn việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của các cơ quan gặp bất cập, hạn chế.
Thứ tư, một số quy định của Luật Tương trợ tư pháp không còn phù hợp với các đạo luật mới trong lĩnh vực tư pháp được Quốc hội ban hành trong thời gian vừa qua khiến Luật TTTP còn thiếu gắn kết và chưa đồng bộ với pháp luật tố tụng trong nước, làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc giải quyết kịp thời các vụ việc dẫn độ.
Thứ năm, Luật Tương trợ tư pháp chưa phân định rõ phạm vi Tương trợ tư pháp, dẫn đến cách hiểu và cách áp dụng chưa thống nhất giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền như đối với hoạt động ủy thác tư pháp (UTTP) liên quan đến công dân Việt Nam ở nước ngoài hoặc yêu cầu cơ quan đại diện ngoại giao tại nước ngoài xác minh, cung cấp tài liệu và chứng cứ phục vụ điều tra.
Thứ sáu, Luật Tương trợ tư pháp chưa đáp ứng yêu cầu mới do sự phát triển trong từng lĩnh vực Tương trợ tư pháp, thiếu những quy định cụ thể phù hợp cho từng lĩnh vực. Một số quy định của Luật Tương trợ tư pháp về dẫn độ chưa tương thích với pháp luật quốc tế, thông lệ quốc tế và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc chưa được nội luật hóa trong Luật Tương trợ tư pháp, dẫn đến khó khăn trong việc triển khai tổ chức thực hiện.
Hình ảnh minh họa
Tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các quốc gia có xu hướng xây dựng Luật Dẫn độ để thuận lợi cho việc áp dụng. Các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Anh, Canada, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia... đều đã xây dựng và ban hành luật riêng về dẫn độ. Liên hợp quốc cũng đã thông qua Luật mẫu về dẫn độ (năm 2004) để làm cơ sở cho các quốc gia tham khảo, xây dựng pháp luật trong nước. Ở cấp độ khu vực, ASEAN đã xây dựng Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự và đang xây dựng Hiệp định về dẫn độ. Các quốc gia đã ký kết hiệp định TTTP về dân sự và hình sự với Việt Nam trong thời gian trước đây hiện đang bày tỏ mong muốn đàm phán, ký kết các hiệp định riêng về lĩnh vực dẫn độ để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thực hiện. Trên thực tế, Việt Nam đã đàm phán các hiệp định riêng biệt về dẫn độ với Hungary, Mông Cổ, Lào trên cơ sở tách từ hiệp định chung điều chỉnh cả 04 lĩnh vực với các quốc gia này.
Luật Tương trợ tư pháp được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 2 ngày 21/11/2007, có hiệu lực kể từ 01/7/2008. Luật gồm 7 chương với 72 điều. Trong đó, hoạt động dẫn độ được quy định tại Chương IV (từ Điều 32 đến Điều 48) và một số quy định tại Chương I, Chương VI. Tuy vậy, cùng với những yêu cầu mới phát sinh của quá trình hội nhập quốc tế, yêu cầu của hoàn thiện pháp luật, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sau hơn 15 năm triển khai thực hiện Luật TTTP đã bộc lộ những hạn chế bất cập cần được tháo gỡ, giải quyết. Chính vì vậy, thực tiễn công tác dẫn độ đặt ra yêu cầu cần thiết là phải xây dựng một Luật mới quy định về dẫn độ (Luật Dẫn độ).
Trong bối cảnh đó, đòi hỏi pháp luật về dẫn độ phải là khuôn khổ pháp luật đồng bộ, hiện đại, phù hợp với thực tiễn và xu thế quốc tế, tạo thuận lợi tối đa cho hợp tác tư pháp giữa Việt Nam và nước ngoài. Việc xây dựng Luật Dẫn độ là yêu cầu cấp thiết khách quan, một mặt thực hiện chủ trương và đề xuất tách Luật TTTP đã được phê duyệt, một mặt khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay trong hoạt động TTTP nói chung và Luật TTTP nói riêng, đáp ứng yêu cầu của công tác này trong tình hình mới. Góp phần nâng cao hiệu quả truy bắt các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài; bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng như góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả và bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước trong lĩnh vực dẫn độ; tạo nền tảng cho việc ký kết và thực hiện các ĐƯQT về dẫn độ.
Luật Dẫn độ sẽ được xây dựng trên cơ sở sửa đổi, kế thừa các quy định TTTP trong lĩnh vực dẫn độ còn phù hợp của Luật TTTP và các văn bản hướng dẫn thi hành, bổ sung các nội dung mới, cụ thể, chi tiết đáp ứng các yêu cầu phát triển của hội nhập quốc tế và yêu cầu, đặc thù riêng của hoạt động dẫn độ. Việc xây dựng đạo luật riêng về dẫn độ cũng phù hợp với cách tiếp cận chung của thế giới trong lĩnh vực TTTP là phân tách các điều ước quốc tế trong từng lĩnh vực dẫn độ, chuyển giao người bị kết án phạt tù, dân sự và hình sự. Việc xây dựng Luật Dẫn độ là hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về hoàn thiện pháp luật TTTP, về cải cách tư pháp, về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Dự thảo Luật Dẫn độ dự kiến gồm 05 chương và 45 điều, trong đó, sửa đổi 19 điều, bổ sung 10 điều và cắt giảm 01 điều so với Luật TTTP trong lĩnh vực dẫn độ; tập trung vào 3 chính sách:
Chính sách 1: Thúc đẩy hợp tác quốc tế về dẫn độ, phù hợp với tình hình mới của Việt Nam và quốc tế
Chính sách 2: Nâng cao hiệu quả hoạt động dẫn độ
Chính sách 3: Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và phối hợp liên ngành trong thực hiện dẫn độ.
Để góp phần hoàn thiện pháp luật về công tác dẫn độ, cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh và nhân dân trên địa bàn tỉnh có thể xem toàn văn dự thảo Luật và tham gia ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Tải về