Công an tỉnh Bình Phước
Cảnh giác tội phạm lừa đảo với thủ đoạn “chạy án”
Lượt xem: 854
Thời gian gần đây, lợi dụng tâm lý của người nhà các bị can, phạm nhân  đang bị giam giữ, muốn người thân được giảm án, sớm trở về với gia đình, nhiều đối tượng đã tạo dựng vỏ bọc, giả danh là Công an, người thân, người quen của một số lãnh đạo trong ngành Công an để tiếp cận với bị hại, hứa hẹn có thể tác động giúp người có liên quan đến pháp luật không bị xử lý khiến cho bị hại tin tưởng để chiếm đoạt tài sản.   
anh tin bai

Các đối tượng thường đưa ra số điện thoại, hình ảnh của một số lãnh đạo trong ngành Công an (khai thác trên mạng Internet); ảnh chụp chung của mình với một số lãnh đạo (thường được chỉnh sửa bằng công nghệ); làm giả chứng minh Công an nhân dân hoặc một số giấy tờ có liên quan đến ngành Công an... để tạo niềm tin; thậm chí chúng còn chủ động tiếp cận với lãnh đạo, cán bộ trong Ngành để tạo quan hệ, ảnh hưởng, khai thác thông tin liên quan đến ngành Công an, liên quan đến vụ án, vụ việc để phục vụ cho việc lừa đảo. Bằng vào thủ đoạn này, không ít nạn nhân đã bị lừa từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng, thậm chí lên đến hàng tỷ đồng. 

anh tin bai

Vào tháng 4/2022, sau khi biết thông tin về việc bị hại có thân nhân đang bị điều tra liên quan đến vụ án do Công an tỉnh Kon Tum thụ lý, đối tượng Nguyễn Việt Bắc, sinh năm 1983, trú tại quận Thanh Xuân, TP Hà Nội đã tự xưng là "cán bộ Cục Cảnh sát hình sự quản lý địa bàn Tây Nguyên, đã phá nhiều chuyên án lớn, có nhiều mối quan hệ với lãnh đạo Công an các tỉnh Tây Nguyên để giúp người nhà của bị hại được trắng án", sau đó chiếm đoạt số tiền 70.000USD.

Hay đối tượng Chế Kim Mỹ Ngân, sinh năm 1981, trú tại Ninh Thuận và bị hại là bạn bè, sau khi biết bị hại đang có liên quan đến vụ việc do Cục Cảnh sát hình sự phối hợp Phòng Cảnh sát hình sự Công an thành phố Hồ Chí Minh điều tra xử lý nên Ngân đã giới thiệu "là người có quan hệ với lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về công nghệ cao và Phòng Cảnh sát hình sự Công an thành phố Hồ Chí Minh, đề nghị bị hại chuyển số tiền 10 tỷ đồng để lo không bị xử lý", sau khi đã chiếm đoạt số tiền 6,6 tỷ đồng, đang yêu cầu chuyển nốt hơn 03 tỷ đồng thì Ngân bị phát hiện, bắt giữ.

Đối tượng Trần Kim Hùng, sinh năm 1983, trú tại huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định đã thực hiện trót lọt nhiều vụ lừa đảo bằng việc tự xưng mình là "Phó Trưởng phòng thanh tra pháp luật thuộc Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, có nhiều mối quan hệ quen biết trong lực lượng Công an và có thể giúp xử lý được các vụ án, vụ việc mà cơ quan Công an đang thụ lý, giái quyết".

Thủ đoạn chung của các đối tượng là hứa hẹn với nạn nhân sẽ giúp tác động cơ quan điều tra. Đồng thời, chúng lấy lý do vấn đề của các nạn nhân là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có thể bị khởi tố hoặc mức án phạt tù rất nặng; nếu nạn nhân không muốn bị xử lý hình sự, giảm nhẹ hình phạt thì đưa thêm tiền để các đối tượng tác động với các cơ quan chức năng.

anh tin bai

Do lo sợ, nhẹ dạ cả tin và không am hiểu pháp luật, nhiều nạn nhân đã đưa tiền theo yêu cầu của đối tượng lừa đảo.

Đồng thời, liên quan đến tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đã được quy định rất rõ theo điều 174 Bộ Luật hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017. Người nào lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ 2 triệu đồng trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tất cả các vụ án đều được thực hiện đúng theo quy trình, quy định của pháp luật, không ai có thể can thiệp.

Hành vi lừa đảo của các đối tượng bằng hình thức chạy án gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của các cơ quan tiến hành tố tụng. Đây là một trong những hình thức lừa đảo phổ biến hiện nay, do vậy, người dân cần nâng cao nhận thức pháp luật, tránh rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”.

TMCS