Chủ động phát hiện, phòng, chống các hành vi vi phạm về quản lý, sử dụng pháo và chế tạo pháo nổ trong thanh thiếu niên, học sinh
Qua theo dõi, gần đây trên cả nước đã xảy ra liên tiếp nhiều vụ vi phạm về quản lý và sử dụng pháo, đặc biệt là chế tạo pháo nổ trái phép gây hậu quả rất nghiêm trọng, như: Ngày 06/12/2024, 04 học sinh từ 13 tuổi đến 14 tuổi ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã bị bỏng nặng do pháo tự chế phát nổ; ngày 14/12/2024, 03 học sinh lớp 6 tại xã Tam Giang, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk đã nhập viện trong tình trạng bị thương nặng do tự chế tạo pháo; ngày 23/12/2024 tại xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh xảy ra vụ nổ do mua pháo trên mạng về chế lại gây hậu quả 01 người chết, 05 người bị thương.
Hình minh họa (Nguồn Internet)
Trên địa bàn tỉnh Bình Phước, mặc dù chưa phát hiện, ghi nhận vụ việc nào tương tự, song thực tế tình trạng này vẫn luôn tiềm ẩn phức tạp, nhất là vào dịp gần Tết Nguyên đán, không ít thanh thiếu niên, các em học sinh do tò mò, hiếu kỳ tìm hiểu qua mạng xã hội học cách chế tạo, sử dụng pháo và mua các vật dụng về tự chế thành pháo nổ; tình trạng đốt pháo trái phép đã xảy ra ở một số nơi; việc mua bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ, pháo hoa nổ trái phép diễn ra khá phức tạp, chỉ trong hơn 01 tháng tổ chức thực hiện đợt cao điểm phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, lực lượng Công an đã phát hiện, xử lý 62 vụ - 75 đối tượng, thu giữ hơn 4,3 tấn pháo nổ các loại.
Để chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm về quản lý và sử dụng pháo, kịp thời ngăn chặn các vụ việc tai nạn do pháo gây ra, góp phần bảo vệ tính mạng, sức khỏe của Nhân dân, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên, học sinh trên địa bàn tỉnh, ngày 03/01/2025, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 25/UBND-NC chỉ đạo với các nội dung như sau:
1. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo đến toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên, tầng lớp thanh, thiếu niên bằng các hình thức, phương pháp phù hợp, nhất là thông qua các buổi sinh hoạt, hội nghị, diễn đàn, các hội nhóm của lớp, trường, tổ chức đoàn, đội... Nội dung tuyên truyền cần tập trung nhấn mạnh các hành vi bị nghiêm cấm, những hậu quả tác hại của việc chế tạo, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ, chế tài xử lý của pháp luật và xử lý của nhà trường, tổ chức đoàn đối với trường hợp vi phạm ...
2. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Chỉ đạo các cơ sở giáo dục: (1) Phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an trên địa bàn tổ chức tuyên truyền quy định pháp luật về quản lý, sử dụng pháo, các chế tài xử phạt khi vi phạm; thông tin đến học sinh các tác hại do tự chế pháo, cảnh báo hậu quả về tính mạng, sức khỏe, hậu quả pháp lý; khuyến khích các em tự nguyện báo cáo, giao nộp các loại pháo tự chế, các loại hóa chất, công cụ đang tàng trữ nhằm mục đích chế tạo pháo,...; (2) Tổ chức ký cam kết, giao trách nhiệm cho gia đình, tổ chức đoàn cơ sở trong quản lý nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức tự giác chấp hành pháp luật trong các em học sinh, sinh viên, tầng lớp thanh thiếu niên không tham gia chế tạo, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép pháo và vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Thường xuyên nắm bắt diễn biến, tình hình của học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên, nhất là những em có biểu hiện nghi vấn chế tạo, mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép về pháo để phối hợp lực lượng Công an vận động, thu hồi, xử lý.
- Xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm đối với người đứng đầu các cơ sở giáo dục không triển khai thực hiện tốt các biện pháp tuyên truyền, quản lý, dẫn đến xảy ra các vụ việc tai nạn của học sinh liên quan đến pháo.
3. Công an tỉnh tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phối hợp với các cơ sở giáo dục trên địa bàn tăng cường tuyên truyền, gắn với vận động thu hồi, thu gom các loại pháo nổ, hóa chất, công cụ sử dụng vào mục đích chế tạo pháo; tập trung điều tra làm rõ vụ việc, xác định trách nhiệm, nguyên nhân để xảy ra các vụ nổ do tự chế pháo theo quy định pháp luật (nếu xảy ra). Khi phát hiện các trường hợp vi phạm về quản lý, sử dụng pháo, nhất là trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên phải gửi thông báo về cho cơ quan, đơn vị, địa phương, nhà trường và gia đình để xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan; đồng thời để phối hợp quản lý, giám sát, giáo dục.
4. Sở Tư pháp - Cơ quan thường trực Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường tuyên truyền các quy định về quản lý, sử dụng pháo, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
5. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ, kịp thời ngăn chặn các trang mạng đăng tải thông tin, bài viết, hình ảnh liên quan đến hoạt động hướng dẫn, chế tạo, mua bán, vận chuyển và sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn tỉnh.
6. Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, nhất là việc kinh doanh pháo hoa theo quy định, chủ động phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về pháo; kiểm tra các cơ sở kinh doanh hóa chất, vật liệu có thể sử dụng để chế tạo pháo nổ.
7. UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể, UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền phòng ngừa, phát hiện, xử lý; tổ chức phát động thu hồi, thu gom các loại pháo tự chế, các loại hóa chất, công cụ phục vụ tự chế tạo pháo trong các trường học. Tăng cường đôn đốc, chỉ đạo các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh xây dựng mô hình khu dân cư không đốt pháo, người dân không đốt pháo nổ. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu không triển khai quyết liệt, hiệu quả các nội dung chỉ đạo nêu trên, để xảy ra các vụ việc tai nạn do hành vi sử dụng pháo và tự chế tạo pháo gây ra.