Công an tỉnh Bình Phước: Thông báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người
Ngày 7-8, Đại tá Lâm Văn Long , Phó Giám đốc Công an tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh ký công văn gửi các sở, ban ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố thông báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người.
Cảnh giác trước cạm bẫy của tội phạm buôn bán người (ảnh Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)
Thời gian qua, tình hình tội phạm mua bán người trên thế giới, khu vực và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp với phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây hậu quả đặc biệt nghiệm trọng về quyền con người, tác động tiêu cực đến tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội của các địa phương. Qua tổng hợp các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người tại các địa phương trên cả nước và trên địa bàn tỉnh, Công an tỉnh thông báo một số phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người phổ biến hiện nay như sau:
Một là, các đối tượng lợi dụng khó khăn về kinh tế, sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác để lừa bán phụ nữ, nhất là phụ nữ vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, địa bàn biên giới (người đồng bào dân tộc thiểu số); lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin (qua các trang mạng xã hội: Zalo, Facebook, Viber...) làm quen, giả vờ yêu đương, kết bạn nhằm môi giới hôn nhân nước ngoài trái phép.
Hai là, các đối tượng lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, nhà trường: thông qua các trang mạng xã hội như: Zalo, Facebook... tiếp cận, rủ rê, lôi kéo đi du lịch, làm thuê thu nhập cao.., lừa nhiều em gái ở các tỉnh đưa về thành phố bán cho nhà hàng, quán karaoke, quán cắt tóc, massage để cưỡng bức lao động hoặc tổ chức hoạt động mại dâm...
Ba là, thông qua mạng xã hội các đối tượng dụ dỗ, lừa gạt, tuyển mộ lao động Việt Nam sang nước ngoài làm việc với hứa hẹn mức lương cao, công việc nhàn hạ, sau đó tổ chức cho nạn nhân vượt biên (xuất cảnh hợp pháp hoặc bất hợp pháp) để ép buộc làm việc trong các Casino, Công ty đánh bạc hoặc lừa đảo trực tuyển; nhiều nạn nhân bị ép bán dâm hoặc bị cưỡng bức lao động, muốn về nước phải trả một khoản tiền chuộc lớn (từ 3.000 USD đến 10.000 USD); một số trường hợp bỏ trốn khi chưa có tiền chuộc bị các đối tượng bắt lại đánh đập, ngược đãi hoặc bán sang cơ sở khác... dẫn đến việc một số lao động phải trốn chạy và nhập cảnh trái phép về Việt Nam.
Bốn là, các đối tượng tìm kiếm, tiếp cận làm quen với những bệnh nhân mắc bệnh thận, suy thận có nhu cầu ghép thận, tiến hành môi giới, thỏa thuận giá cả mua bán, tổ chức đưa người bán, người mua thận đi xét nghiệm, làm các thủ tục liên quan, đợi ngày ghép thận và hưởng lợi bất chính.
Năm là, các đối tượng lập Hội, nhóm kín “Cho và nhận con nuôi trên mạng xã hội, tìm kiếm những phụ nữ có thai nhưng không có nhu cầu nuôi con hoặc có hoàn cảnh kinh tế khó khăn để xin con nuôi sau đó đem bán lấy tiền hưởng lợi hoặc tiếp cận với nhân viên y tá, điều dưỡng bệnh viện để lấy thông tin, chủ động tìm những phụ nữ mang thai hoặc mới sinh con nhưng không có nhu cầu nuôi con, sau đó đặt vấn đề xin hoặc mua lại những đứa trẻ mới sinh rồi tìm người bán lại nhằm thu lợi bất chính.
Sáu là, các đối tượng dụ dỗ, môi giới việc làm, lừa bán người lao động cho các chủ tàu khai thác thủy sản trên biển để cưỡng bức lao động.
Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống mua bán người trên địa bàn tỉnh, Công an tình đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuyên truyền cho nhân dân biết về một số phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người nêu trên để người dân chủ động phòng tránh, không sa vào cạm bẫy và trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người. Trong trường hợp phát hiện các hành vi có dấu hiệu liên quan đến mua bán người thì báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để kịp thời có biện pháp xử lý.