Đấu tranh, phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị của Đảng và Nhà nước
Kể từ khi công cuộc đổi mới được khởi xướng (từ Đại hội VI) đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn phấn đấu, cố gắng nỗ lực tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, nhằm giảm biên chế, tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động chuyên môn. Đặc biệt, thời gian gần đây với tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Đảng mà đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm với quan điểm “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” đã tạo được sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động; nhận được sự đồng tình, ủng hộ của toàn xã hội. Tinh gọn bộ máy Nhà nước như một cuộc cách mạng “thực thụ”, tạo bước “đột phá” để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Lợi dụng vấn đề này, một số cá nhân, tổ chức phản động lưu vong như: “Việt Tân”, “Ủy ban Cứu người vượt biển”, “Quỹ người Thượng”,… đã không ngừng tung ra các luận điệu xuyên tạc, nhằm phá hoại chủ trương tinh gọn bộ máy của Đảng và Nhà nước. Chúng sử dụng triệt để mạng xã hội để rêu rao với các luận điệu xuyên tạc, thiếu căn cứ: Việc sắp xếp các đơn vị, hợp nhất một số cơ quan, bộ, ban, ngành nhằm mục đích chia ghế và “chạy chọt”, gây tốn kém ngân sách; việc tinh giản biên chế ở Việt Nam “chỉ là hình thức, mị dân”, không đem lại hiệu quả thực tế mà chỉ là gây tốn kém tiền bạc, ngân sách; tinh giản biên chế là “đấu đá quyền lực, phe nhóm”, nhằm cắt giảm quyền lực của người này để tăng quyền lực cho người kia, là cách để “triệt hạ” hoặc “củng cố” quyền lực của một số bè cánh. Tuy nhiên, chỉ dựa vào những luận điệu xuyên tạc, hết sức phi lý của một số cá nhân, tổ chức phản động lưu vọng không thể nào làm “lu mờ” những thành tựu mà Đảng và Nhà nước đã đạt được trong gần 40 năm đổi mới, đặc biệt là từ khi triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Hình ảnh xuyên tạc của tổ chức "Việt Tân" (Nguồn: Internet)
Thực tế cho thấy, công cuộc tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị của Đảng và Nhà nước là chủ trương xuyên suốt từ Đại hội VI đến nay, điều này được thể hiện qua các Nghị quyết mà Đảng đã đề ra trong từng giai đoạn, cụ thể: Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 09/2/2007 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, định hướng đổi mới tổ chức bộ máy Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; Nghị quyết số 17-NQ/TW, ngày 01/8/2007 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước; Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Việc Đảng ta thường xuyên, liên tục ban hành các Nghị quyết về tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị cho thấy tầm nhìn tư duy, chiến lược dài hạn, linh động, phù hợp trong từng giai đoạn, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước, đưa Việt Nam sớm sánh vai với các cường quốc năm châu.
Nguồn: Internet
Chính vì chủ trương tinh gọn bộ máy của Đảng được đề ra và chỉ đạo thực hiện xuyên suốt, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong toàn hệ thống chính trị, được sự đồng tình, ủng hộ của quần chúng Nhân dân nên những thành tựu, hiệu quả mà quá trình tinh gọn mang lại không một ai có thể phủ nhận. Theo báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã ban hành 27 Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các bộ, ngành đã giảm được 17 tổng cục và tương đương; giảm 10 cục và 144 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ; giảm 108 phòng trong vụ/ban thuộc bộ, ngành; giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập. Việc tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế đồng thời phân chia nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho từng bộ, ngành tránh chồng chéo đã tạo tiền đề hết sức thuận lợi, thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế - xã hội Việt Nam trong suốt 2 thập kỉ qua, điều này được thể hiện qua những con số sau: “GDP bình quân đầu người tăng gấp 10,34 lần trong vòng chưa đầy 40 năm, từ dưới 600 USD/người năm 1986 lên hơn 4.300 USD/người năm 2023 (theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới WB). Tỉ lệ nghèo (theo chuẩn 3,65 USD/ngày, theo PPP năm 2017) giảm từ hơn 14% năm 2010 xuống còn 4,2% năm 2020. Với những kết quả đạt được từ công cuộc tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị trên nhiều mặt từ kinh tế - văn hóa - xã hội,… đã khẳng định sự đúng đắn của Đảng trong việc đề ra chủ trương tinh gọn, đem lại kết quả tích cực.
Tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị không chỉ là giảm về tổ chức, giảm về biên chế mà cần phải nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Điều này được Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ tại bài viết “Tinh – Gọn – Mạnh – Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả” ở Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 25/11/2024 vừa qua. Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, giai đoạn xây dựng Chính phủ số và yêu cầu thực tiễn hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam càng đòi hỏi phải nâng cao nội lực từ bên trong. Công cuộc tinh gọn bộ máy chưa bao giờ được triển khai sâu rộng, toàn diện với quyết tâm chính trị cao độ như bây giờ. Vì vậy, mỗi người dân cần nhìn vào những kết quả đã đạt được, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, lựa chọn thông tin có chọn lọc, cảnh giác trước các luận điệu xuyên tạc, sai sự thật về công cuộc tinh gọn bộ máy, không để các thế lực thù địch lợi dụng nhằm phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.