Admin
Điểm mới của Thông tư 98/2021/TT-BCA, ngày 20/10/2021 của Bộ Trưởng Bộ Công an quy định về công tác tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong Công an nhân dân
Lượt xem: 1128
Ngày 20/10/2021, Bộ Công an ban hành Thông tư số 98/2021/TT-BCA, ngày 20/10/2021 (gọi tắt là Thông tư 98) quy định về công tác tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong Công an nhân dân, có hiệu lực từ ngày 03/12/2021 và thay thế Thông tư số 30/2015/TT-BCA, ngày 03/7/2015 (gọi tắt là Thông tư 30). So với Thông tư 30, ngoài việc thay đổi tên gọi một số đơn vị, chức danh cho phù hợp với quy định hiện hành, Thông tư 98 có những điểm mới cơ bản như sau:

1. Thông tư 98 có 5 Chương và 16 Điều quy định về công tác tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong Công an nhân dân (trong khi Thông tư 30 có 4 Chương và 17 Điều).

So với Thông tư 30, Thông tư 98 lược bỏ một số Khoản, Điều cụ thể: Mục đích tiếp công dân (Điều 3); Địa điểm tiếp công dân (Khoản 5, Điều 5); Bố trí cán bộ tiếp công dân (Khoản 3, Điều 6); Trách nhiệm của cán bộ tiếp công dân (Khoản 4, Điều 8); Trách  nhiệm của Thủ trưởng Công an các cấp trong việc tiếp công dân (Khoản 2, Điều 10); Tiếp, xử lý trường hợp nhiều người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (Khoản 3, Điều 12),… và bổ sung một số Điều, Chương mới mà trước đây Thông tư 30 chưa đề cập: Địa điểm tiếp công dân (Khoản 5, Điều 4); Quy trình tiếp công dân (Điều 7); Trách nhiệm của cán bộ tiếp dân (Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Điều 8); Trách  nhiệm của Thủ trưởng Công an các cấp trong việc tiếp công dân (Khoản 1, Điều 9),… Quản lý công tác tiếp công dân (Chương IV, Điều 13),…



Một buổi tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị tại phòng tiếp dân Thanh tra Công an tỉnh.

- Thông tư 98 sắp xếp lại vị trí một số Điểm, Khoản, Điều khác so với Thông tư 30; tách, nhập, lược bỏ một số nội dung thuộc một số Khoản, Điều trong Thông tư 30 và bổ sung một số quy định mới để thành Khoản, Điều hoặc đưa nội dung một số Điều của Thông tư 30 thành các Khoản thuộc Điều của Thông tư 98, cụ thể như: Quy trình tiếp công dân (Điều 7); Trách nhiệm của cán bộ tiếp công dân (Điều 8); Trách nhiệm của Thủ trưởng Công an các cấp trong việc tiếp công dân (Điều 9); Tiếp nhận đơn và thông tin, tài liệu, chứng cứ có liên quan do người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cung cấp (Điều 11); Tiếp, xử lý trường hợp khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh phức tạp có nhiều người tham gia (Điều 12); Báo cáo trong công tác tiếp công dân (Điều 14); Trách nhiệm thi hành (Điều 16), đồng thời lược bỏ nội dung “Thanh tra Bộ có trách nhiệm giúp Bộ trưởng thống nhất quản lý công tác tiếp công dân…” và “Thanh tra Công an các đơn vị, địa phương có trách nhiệm giúp thủ trưởng đơn vị quản lý công tác tiếp công dân …”. 

2. Về quy định “Địa điểm tiếp công dân” (Điều 4)

- Thông tư 98 quy định: “Bộ Công an bố trí địa điểm tiếp công dân tại Hà Nội” (Khoản 1), lược bỏ việc bố trí địa điểm tiếp công dân tại TP Hồ Chí Minh như Thông tư 30. Đồng thời, Thông tư 98 quy định cơ quan có trách nhiệm cử lực lượng phối hợp bảo đảm an ninh “Trong trường hợp phát sinh vụ việc phức tạp, gây mất an ninh, trật tự tại địa điểm tiếp công dân” là “Công an TP Hà Nội và các đơn vị thuộc cơ quan Bộ liên quan”, (Thông tư 30 quy định “CATP Hà Nội và CATP Hồ Chí Minh”).

- Thông tư 98 quy định cụ thể các đơn vị thuộc cơ quan Bộ “nơi có tổ chức thanh tra” bố trí địa điểm tiếp công dân (Khoản 2). Đối với đơn vị thuộc cơ quan Bộ “nơi không có tổ chức thanh tra” và đơn vị thuộc Công an cấp tỉnh “có chung trụ sở” thì “… bố trí địa điểm tiếp công dân chung hoặc riêng” (Khoản 3). Thông tư 30 trước đây chưa cụ thể đối với những nội dung này.

- Thông tư 98 bổ sung quy định: “Các cơ quan, đơn vị Công an có trụ sở độc lập phải bố trí địa điểm tiếp công dân…” (Khoản 5) và “Địa điểm tiếp công dân của Công an các cấp phải… có gắn biển ĐỊA ĐIỂM TIẾP CÔNG DÂN” hình chữ nhật, nền màu đỏ, chữ màu vàng, ghi rõ tên cơ quan, đơn vị, địa chỉ, số điện thoại liên hệ” (Khoản 6), các nội dung này trước đây chưa được đề cập tại Thông tư 30

3. Về quy định “Bố trí cán bộ tiếp công dân” (Điều 5): Thông tư 98 bổ sung quy định: “Thủ trưởng đơn vị thuộc cơ quan Bộ nơi có tổ chức thanh tra căn cứ vào biên chế… bố trí cán bộ và lãnh đạo phụ trách công tác tiếp công dân…” (Khoản 3). Thông tư 30 trước đây chỉ quy định nhiệm vụ này đối với “Chánh Thanh tra Bộ” và “Giám đốc Công an cấp tỉnh”.

4. Về quy định “Hình thức tiếp công dân” (Điều 6): 

- Về hình thức, Khoản 3, (Điều 7, Thông tư 30) được đưa lên thành Khoản 1, (Điều 6, Thông tư 98) quy định về “Tổ chức tiếp công dân thường xuyên”. Về nội dung, Thông tư  98 quy định cụ thể Thanh tra Bộ, Thanh tra đơn vị thuộc cơ quan Bộ, Thanh tra Công an cấp tỉnh“bố trí lãnh đạo, cán bộ thanh tra tiếp công dân thường xuyên …”. Ở Thông tư 30 chỉ quy định chung các đơn vị này có nhiệm vụ “tổ chức tiếp công dân”, không quy định cụ thể chủ thể nào thực hiện.

- Bổ sung quy định: “Thủ trưởng đơn vị thuộc Công an cấp tỉnh có trụ sở độc lập” phải “định kỳ tiếp công dân mỗi tháng ít nhất hai ngày” (Điểm c, Khoản 2) như Trưởng Công an cấp huyện. Và đối với “Thủ trưởng đơn vị thuộc cơ quan Bộ và đơn vị thuộc Công an cấp tỉnh nơi có chung trụ sở” thì quy định“không tổ chức tiếp công dân định kỳ nhưng phải tiếp công dân khi có yêu cầu” (Điểm đ, Khoản 2). Những quy định này trước đây chưa được đề cập tại Thông tư 30.

5. Về quy định trách nhiệm của thủ trưởng Công an các cấp trong việc tiếp công dân (Điều 9): quy định cụ thể hơn các trường hợp tiếp nhận, xử lý, chỉ đạo giải quyết đơn thư thuộc thẩm quyền giải quyết của Công an cấp dưới “trực tiếp” là những đơn “quá thời hạn quy định mà chưa được giải quyết” (Khoản 2). Thông tư 30 chỉ quy định chung chung việc tiếp nhận đơn đối với các trường hợp này là “theo quy định của pháp luật”.

6. Về quy định tiếp, xử lý trường hợp khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh phức tạp có nhiều người tham gia (Điều 12): Thông tư 30 quy định việc tiếp, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đối với các trường hợp“phức tạp”, Thông tư 98 bổ sung nội dung cụ thể nhiệm vụ này đối với trường hợp “phức tạp có nhiều người tham gia”. Đồng thời, bổ sung một số quy định trước đây chưa có như: “xử lý người có hành vi vi phạm”, “tổ chức tiếp công dân theo quy định” (Khoản 1).

7. Về quy định chế độ báo cáo (Điều 14): Đối với báo cáo định kỳ, Thông tư 30 chỉ quy định báo cáo “tháng, 6 tháng, 01 năm”. Thông tư 98 bổ sung thêm quy định báo cáo “quý”. 

Hồ Thị Thơm