Công an tỉnh Bình Phước
Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), Ban Biên tập Trang Thông tin điện tử Công an tỉnh Bình Phước trân trọng gới thiệu đến quý độc giả một số bài viết về chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” cách đây đúng 70 năm.
Lượt xem: 1156

Diễn biến Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ(1)

 
Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu ngày 13 tháng 3 năm 1954 và kết thúc ngày 7 tháng 5 năm 1954. Đây là đỉnh cao nhất của cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân năm 1953 - 1954 và là chiến thắng to lớn nhất của quân dân ta trong cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp xâm lược và bọn can thiệp Mỹ.

Mùa đông năm 1953, khi bộ đội chủ lực ta tiến quân lên Tây Bắc, thực dân Pháp lập tức cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, thành lập tại đây một căn cứ không - lục quân mạnh chưa từng có ở Đông Dương gọi là tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Dùng tập đoàn cứ điểm này vừa làm một “con nhím” xù lông ra cản bước tiến quân của bộ đội ta, vừa làm một “cái nhọt hút độc” kéo chủ lực ta đến mà tiêu diệt. Chúng đã đưa đến đây 16.200 tên, bố trí trong 49 cứ điểm kiên cố. Chúng gọi đây là “pháo hạm trên rừng”, là “máy nghiền Việt Minh”, là “một tập đoàn cứ điểm đáng sợ, Véc-doong ở Đông Nam Á”... Với quân đông, hỏa lực mạnh, công sự kiên cố và có cầu hàng không bảo đảm, chính phủ Pháp La-ni-en và tập đoàn cầm quyền Mỹ Ai-xen-hao chủ trương quyết chiến với ta tại Điện Biên Phủ.
 

anh tin bai

Thay mặt Đảng và Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghiên cứu kế hoạch tác chiến và mờ chiến dịch Điện Biên Phủ (Ảnh: Tư Liệu)

Thực hiện quyết tâm của Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch: tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ, nhân dân ta ở vùng tự do, ở vùng Tây Bắc vừa giải phóng, ở vùng sau lưng địch tại đồng bằng Bắc Bộ đã dồn sức người, sức của cho chiến dịch. Các mặt trận sau lưng địch ở đồng bằng Bắc Bộ, Bình Trị Thiên, Nam Trung Bộ và Nam Bộ đồng loạt tiến công, cùng với các cuộc tiến công của bộ đội chủ lực trên các mặt trận khác, cô lập hơn nữa quân địch ở Điện Biên Phủ, tạo điều kiện hoàn thành mọi công tác chuẩn bị để tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ.

Tháng 3 năm 1954 công tác chuẩn bị hoàn thành. Bộ đội ta đến vị trí tập kết gồm các đại đoàn bộ binh 304, 308, 312, 316 và đại đoàn công pháo 351.

Chiến dịch Điện Biên Phủ tiến hành thành ba đợt tiến công.

Đợt thứ nhất, ta đánh chiếm các cứ điểm khống chế cửa ngõ tập đoàn cứ điểm ở phía bắc. Trong năm ngày kịch chiến, bộ đội ta đã thể hiện rõ sự tiến bộ vượt bực về chiến đấu hiệp đồng binh chủng, tiêu diệt gọn các cứ điểm Him Lam, đồi Độc Lập và chiếm cứ điểm Bản Kéo.

Đợt thứ hai, ta đồng loạt đánh các cứ điểm địch trên các ngọn đồi phía Đông, phát triển trận địa tiến công với hàng trăm ki-lô-mét giao thông hào và hàng vạn vị trí bắn tỉa, thắt chặt vòng vây, chia cắt tập đoàn cứ điểm thành từng khúc, khống chế đi đến triệt hẳn đường tiếp tế của địch.

Bằng cách vây lấn, bắn tỉa... bộ đội ta đã buộc quân địch ngày đêm phải chui rúc dưới hầm hố bùn lầy nước đọng và làm phạm vi hoạt động của chúng ngày càng bị thu hẹp lại.

Đợt thứ ba, bắt đầu đêm 1 tháng 5 năm 1954. Ta đánh chiếm các điểm cao còn lại ở phía đông, thu hẹp phạm vi chiếm đóng củađịch ở phía Tây, tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm.

17 giờ ngày 7 tháng 5 năm 1954, một mũi của trung đoàn 209, đại đoàn 312, nhanh chóng vượt cầu Mường Thanh tiến thẳng vào sở chỉ huy địch.

17 giờ 30 phút ngày 7 tháng 5 năm 1954, tướng Đờ Cát-tơ-ri và toàn thể bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm bị bắt sống.

Gần một vạn tên xâm lược giơ cao cờ trắng ra khỏi hầm hố xin hàng.

Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị tiêu diệt sau 55 ngày đêm chiến đấu liên tục và oanh liệt của quân đội ta. Ngọn cờ Quyết chiến Quyết thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh bay cao trên Điện Biên Phủ.

Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 với đỉnh cao là chiến dịch quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ đã giành toàn thắng. 

Chiến thắng của quân và dân ta trong Đông - Xuân 1953 -1954 đã dẫn tới việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Theo Hiệp định, quân đội Pháp phải rút hết khỏi miền Bắc, quân đội ta ở miền Nam tập kết chuyển quân ra Bắc.

Cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân ta chống thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ đến đây kết thúc thắng lợi. Do lực lượng so sánh lúc này trên chiến trường Đông Dương và trên phạm vi quốc tế, miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng, miền Nam còn dưới ách thống trị của chủ nghĩa tư bản đế quốc và phong kiến tay sai. Đường giải phóng mới đi một nửa.
Ngày 1 tháng 1 năm 1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ về lại Thủ đô. Cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn đấu tranh mới.

VĂN THỦY