Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (Luật số 30, gồm 5 Chương, 33 Điều) được Quốc Hội thông qua 28/11/2023, có hiệu lực từ 01/7/2024 tạo cơ sở pháp lý quan trọng vững chắc toàn diện cho việc xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, kịp thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự trong tình hình mới. Khi đi vào hoạt động, lực lương này có nhiệm vụ như thế nào? Và tại sao nói nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở đảm bảo phù hợp với trình độ, năng lực và thể hiện rõ tính chất là “lực lượng tham gia hỗ trợ”, tránh trùng lặp với nhiệm vụ, quyền hạn của Công an xã, phường, thị trấn và chính quyền cơ sở.
Lực lượng Bảo vệ dân phố tham gia hỗ trợ Công an phường tuần tra đảm bảo ANTT
Nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được quy định ở Chương II, Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Hỗ trợ nắm tình hình về an ninh, trật tự (Điều 7):
1. Hỗ trợ Công an cấp xã nắm tình hình vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình trên địa bàn phụ trách thông qua nguồn tin của Nhân dân, phương tiện thông tin đại chúng theo hướng dẫn của Công an cấp xã.
2. Khi phát hiện, tiếp nhận thông tin vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình trên địa bàn phụ trách phải báo ngay cho Công an cấp xã; có mặt tại nơi xảy ra vụ việc để thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu, hướng dẫn của Công an cấp xã; kịp thời ngăn chặn hành vi xâm phạm, đe dọa xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản của cá nhân, tài sản của cơ quan, tổ chức trong điều kiện, khả năng cho phép và theo quy định của pháp luật.
Hỗ trợ trong công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (Điều 8):
1. Hỗ trợ Công an cấp xã tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về an ninh, trật tự và xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
2. Vận động Nhân dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự.
Hỗ trợ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ (Điều 9):
Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo yêu cầu, hướng dẫn, phân công của Công an cấp xã hỗ trợ lực lượng dân phòng trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn phụ trách hoặc địa bàn khác khi được điều động.
Hỗ trợ quản lý hành chính về trật tự xã hội (Điều 10):
1. Hỗ trợ Công an cấp xã nắm thông tin về hoạt động của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự trên địa bàn phụ trách, trường hợp trực tiếp phát hiện hoặc tiếp nhận thông tin vi phạm pháp luật phải báo ngay cho Công an cấp xã trực tiếp quản lý.
2. Nắm thông tin nhân khẩu, hỗ trợ Công an cấp xã kiểm tra nhân khẩu, tạm trú, tạm vắng trên địa bàn phụ trách.
3. Tuyên truyền, vận động cơ quan, tổ chức và Nhân dân trên địa bàn phụ trách khai báo, giao nộp pháo, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định.
4. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này mà phát hiện hành vi vi phạm pháp luật phải báo ngay cho Công an cấp xã trực tiếp quản lý và hỗ trợ Công an cấp xã kịp thời ngăn chặn.
Hỗ trợ vận động, giáo dục người đã có hành vi vi phạm pháp luật đang cư trú tại cơ sở (Điều 11):
Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hỗ trợ Công an cấp xã vận động, giáo dục những người sau đây đang sinh sống trên địa bàn phụ trách chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước:
1. Người đã chấp hành xong án phạt tù; người sử dụng trái phép chất ma túy, người cai nghiện ma tuý tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; người đã chấp hành xong quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; người được tha tù trước thời hạn có điều kiện;
2. Người bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú; người được bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm; người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án hoặc đã có quyết định thi hành án nhưng đang tại ngoại hoặc được hoãn chấp hành án, tạm đình chỉ chấp hành án; người bị kết án phạt tù được hưởng án treo đang trong thời gian thử thách; người đang chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân, quản chế; người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đang trong thời gian thử thách; người đã chấp hành xong bản án của Toà án chưa được xóa án tích;
3. Người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, quản lý tại gia đình; người phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng nhưng đang được hoãn hoặc được tạm đình chỉ chấp hành quyết định; người bị quản lý trong thời gian làm thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng; người có hành vi bạo lực gia đình.
Lực lượng Bảo vệ dân phố tham gia hỗ trợ bảo vệ hiện trường
Hỗ trợ tuần tra bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự khi được điều động (Điều 12):
1. Hỗ trợ Công an cấp xã tuần tra, phòng ngừa, phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự trên địa bàn phụ trách.
2. Hỗ trợ Công an cấp xã hướng dẫn, phân luồng, giải quyết ùn tắc giao thông khi được huy động.
3. Khi thực hiện nhiệm vụ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà phát hiện vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hỗ trợ hoặc theo hướng dẫn của Công an cấp xã, lực lượng chức năng bảo vệ hiện trường, bảo vệ an ninh, trật tự.
4. Trường hợp xảy ra tình huống phức tạp về an ninh, trật tự ngoài địa bàn phụ trách, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có thể được cấp có thẩm quyền điều động để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự. Việc sử dụng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong trường hợp điều động được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
Việc quy định cụ thể, toàn diện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong văn bản luật, nhất là những nhiệm vụ có liên quan đến việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân mà hoạt động của lực lượng này có tác động là phù hợp. Qua đó, vừa cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, chính sách, chế độ, tạo điều kiện cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, vừa bảo đảm cơ sở pháp lý có hiệu quả cao để lực lượng này thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, cũng như để bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013.