Chỉ một vụ va chạm giao thông, một lời nói thiếu kiềm chế hay thậm chí một ánh nhìn không vừa mắt cũng có thể châm ngòi cho xung đột. Bạo lực sau va chạm giao thông thường khởi nguồn từ những mâu thuẫn vụn vặt nhưng lại bùng phát do sự mất kiểm soát cảm xúc. Để hạn chế những hành vi này và xây dựng văn hóa giao thông an toàn, văn minh, thời gian qua, lực lượng chức năng đã kịp thời can thiệp, xử lý nghiêm các vụ ẩu đả sau va chạm giao thông, tạo tính răn đe và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.
Nhanh chóng xử lý
Ngày 15/12/2024, mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh một tài xế xe tải đang ngồi trong cabin thì bất ngờ bị một người đàn ông mở cửa, trèo lên xe rồi dùng tay liên tục tấn công vào vùng đầu. Không dừng lại ở đó, người đàn ông tiếp tục dùng tay chân đánh vào người tài xế, mặc cho bên cạnh có một người phụ nữ đang bế cháu nhỏ hoảng sợ. Ngay khi tiếp nhận thông tin, Công an thành phố Đồng Xoài đã chỉ đạo Đội Cảnh sát hình sự nhanh chóng vào cuộc xác minh, đồng thời xử lý hình sự đối tượng này về hành vi gây rối trật tự công cộng và cố ý gây thương tích.
Chưa dừng lại ở đó, chỉ một ngày sau, mạng xã hội tiếp tục xuất hiện đoạn clip dài gần 2 phút, ghi lại cảnh một xe bán tải ngang nhiên chặn đầu ô tô khác đang lưu thông trên đường ĐT741, đoạn qua huyện Đồng Phú. Trong clip, tài xế xe bán tải xuống xe, cầm gậy đe dọa tài xế bị chặn. Tiếp đó, người này còn lấy bình xịt hơi cay, đứng trước đầu ô tô và xịt thẳng về phía tài xế. Toàn bộ hành vi đã được camera ghi lại. Nhận được tin báo, Công an huyện Đồng Phú lập tức vào cuộc điều tra. Chỉ sau một ngày, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Đồng Phú đã ra quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam 3 tháng đối với người đàn ông này để điều tra về tội Gây rối trật tự công cộng.
Hai vụ việc bạo lực khi tham gia giao thông liên tiếp xảy ra, song lực lượng chức năng đã nhanh chóng vào cuộc, xác minh và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, góp phần răn đe, nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông và giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Đối tượng hành hung tài xế xe tải làm việc tại cơ quan Công an
Không chỉ dừng lại ở những vụ việc trên, thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước liên tục ghi nhận các vụ ẩu đả sau va chạm giao thông. Đáng lo ngại, không ít trường hợp không chỉ dừng lại ở lời qua tiếng lại mà còn leo thang thành bạo lực, thậm chí có vụ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Điều đáng nói là nhiều vụ xung đột lại khởi phát từ những nguyên nhân vô cùng nhỏ nhặt, thậm chí có khi chưa hề xảy ra va chạm đáng kể nào gây thiệt hại cho đôi bên.
Sự thiếu kiềm chế, mất kiểm soát cảm xúc và nóng nảy đã khiến nhiều người chọn bạo lực thay vì bình tĩnh giải quyết vấn đề. Đặc biệt, trong không ít trường hợp, sự thờ ơ của những người xung quanh trước các vụ ẩu đả đã vô tình tạo điều kiện cho hành vi bạo lực diễn ra công khai mà không được ngăn chặn kịp thời.
Xử lý nghiêm để răn đe
Bạo lực sau va chạm giao thông không chỉ là một vấn đề xã hội mà còn là một vấn đề pháp lý cần được nhìn nhận nghiêm túc. Theo quy định của pháp luật, hệ thống giao thông đường bộ là môi trường công cộng, vì vậy, hành vi sử dụng bạo lực trên đường không chỉ vi phạm đạo đức mà còn có thể bị xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng. Cụ thể, người có hành vi cố ý gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho người khác nhưng chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm có thể bị xử phạt hành chính từ 5 – 8 triệu đồng.
Trong trường hợp hành vi đủ yếu tố cấu thành tội phạm, tùy vào mức độ nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị truy cứu về một hoặc nhiều tội danh như “Tội đe doạ giết người”, “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác” và “Tội gây rối trật tự công cộng”. Với các trường hợp va chạm dẫn đến ẩu đả trên đường phố, lực lượng chức năng sẽ xử lý nghiêm để răn đe, làm gương và hạn chế tình trạng bạo lực bộc phát sau khi xảy ra va chạm giao thông.
Có thể thấy, pháp luật đã có đầy đủ quy định để xử lý nghiêm những hành vi này. Tuy nhiên, giải pháp căn cơ vẫn là nâng cao ý thức của người dân. Khi tham gia giao thông, mỗi người cần tuân thủ quy định về an toàn, xây dựng văn hóa ứng xử văn minh. Một người có văn hóa sẽ biết cách kiềm chế, giải quyết mâu thuẫn theo hướng hòa giải. Nhẹ thì bỏ qua, vừa thì góp ý, nặng thì báo cơ quan chức năng xử lý. Kiểm soát cảm xúc, thượng tôn pháp luật và tôn trọng tính mạng, sức khỏe của người khác chính là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân khỏi những hậu quả đáng tiếc.