Lùi thời gian thông qua Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt: Thận trọng, hợp lòng dân
Ngày 9-6, Văn phòng Quốc hội đã có Thông cáo về Dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt đang được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.
Theo đó, thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2018, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về Dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.
Sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các tầng lớp nhân dân và cử tri, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thận trọng, cân nhắc nhiều mặt và thống nhất với Chính phủ chỉnh lý dự án luật theo hướng không quy định trường hợp đặc biệt thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu có thể được kéo dài không quá 99 năm.
|
Đại biểu Hoàng Văn Cường. |
Đồng thời, để tiếp tục hoàn thiện dự án luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội cho phép xem xét, thông qua Dự án Luật này tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV theo quy trình xem xét, thông qua dự án Luật tại ba kỳ họp.
Trước đó, buổi sáng cùng ngày, thông tin từ Văn phòng Chính phủ cho biết, dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đã được xây dựng công phu, kỹ lưỡng, nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng và cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng 3 đặc khu kinh tế, tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế phát triển vùng có tính đột phá, có sức lan tỏa lớn. Dự án Luật đã được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV.
Tại kỳ họp này, sau khi tiếp thu các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học, nhà kinh tế, chuyên gia, cử tri và nhân dân cả nước, Chính phủ đã thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét, cho lùi việc thông qua dự án luật này từ Kỳ họp thứ 5 sang Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện nhằm bảo đảm dự án luật khi trình Quốc hội thông qua đáp ứng được các yêu cầu, nguyện vọng của các vị đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân, xây dựng thành công 3 đặc khu, giữ vững an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia.
Riêng về vấn đề thời hạn cho thuê đất, sẽ xem xét, trình Quốc hội cho áp dụng như các quy định của Luật đất đai, không quy định trường hợp đặc biệt kéo dài đến 99 năm.
Sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các tầng lớp Nhân dân và cử tri, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thận trọng, cân nhắc nhiều mặt và thống nhất với Chính phủ chỉnh lý Dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, các đại biểu Quốc hội và nhân dân rất đồng tình, ủng hộ.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho biết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói về dự án luật này cả trong quan điểm chỉ đạo và bên hành lang Quốc hội là cần lắng nghe ý kiến của nhân dân, qua việc này một lần nữa khẳng định Chính phủ hết sức nhạy bén và thái độ của Thủ tướng Chính phủ là rất rõ ràng, thực sự tôn trọng ý kiến của ĐBQH và người dân nói chung.
|
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng. |
Việc xin lùi thời gian thông qua để xem xét kỹ hơn về dự án luật Đặc khu là rất thích hợp, vì đây không chỉ là giảm áp lực mà rõ ràng đó là sự cầu thị của Chính phủ. Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng, cần cảnh giác trước những ý kiến thực sự không xây dựng về dự án luật Đặc khu trong dư luận xã hội hiện nay.
Việc quyết định xin lùi thời gian thông qua luật Đặc khu để có thêm những ý kiến xác đáng sẽ có tác động tích cực, nhân dân càng thêm tin tưởng vào Chính phủ liêm chính, kỷ cương, sáng tạo, hành động, hiệu quả.
Chính phủ cũng là Chính phủ phục vụ, việc làm này càng tạo sự đồng thuận trong xã hội, sự ủng hộ cao của người dân; có thêm thời gian để Chính phủ tiếp tục nghiên cứu những ý kiến, đặc biệt là khi tiếp xúc người dân đặt ra để hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội đảm bảo mang tính đồng thuận cao, tạo tính khả thi.
Theo đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) cho rằng việc Chính phủ kiến nghị lùi thời gian thông Qua Luật Đặc khu là cân nhắc cẩn trọng và tích cực. Cùng với việc lùi thời gian không thông qua trong kỳ họp này, cần tiến hành kiểm tra đất ở các khu đó và thông qua trong kỳ họp tới thì sẽ giải quyết được những vấn đề bức xúc trong dư luận thời gian gần đây cũng như những ý kiến khác nhau của đại biểu Quốc hội hôm thảo luận về kinh tế-xã hội.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) khẳng định, quyết định này thể hiện Chính phủ và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội rất lắng nghe ý kiến của cử tri, đại biểu và Nhân dân.
“Chính phủ cũng mong muốn sớm thông qua luật nhưng khi có ý kiến cử tri và đại biểu còn băn khoăn thì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời báo chí rằng lắng nghe ý kiến người dân để điều chỉnh cho phù hợp. Đề nghị lùi thời gian thông qua luật là điều rất đáng ghi nhận, thể hiện đúng nghĩa tinh thần dân chủ, khách quan và quyết sách xuất từ ý chí và nguyện vọng của nhân dân” – đại biểu Hoàng Văn Cường nói, đồng thời cho biết ông hoàn toàn ủng hộ đề xuất của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ.
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) thì cho biết, những ngày vừa qua, bà đã dành nhiều thời gian để đọc, nghe, tham khảo, theo dõi dư luận báo chí, quan sát những diễn biến thảo luận trong nghị trường và cả hành lang Quốc hội đối với dự thảo Luật này cũng như nhận được nhiều tin nhắn của cử tri. Một Chính Phủ và Quốc hội vì dân phục vụ cần được thể hiện rõ hơn vào thời điểm quyết định này. Việc đề nghị lùi thời gian thông qua Luật đặc khu cho thấy, Chính phủ đã lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân bằng tâm thế rất cầu thị và tôn trọng; đề cao các ý kiến có giá trị của các chuyên gia, luật gia. “Tôi tin tưởng người dân sẽ tiếp tục đặt nhiều kỳ vọng vào Đảng, Chính Phủ trong thời gian tới” – Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền cho biết.
Ông Nguyễn Văn Quang, cử tri phường Kim Liên, Hà Nội hồ hởi “Sáng nay đọc báo, tôi thấy Chính phủ đề nghị lùi thời gian thông qua Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, chúng tôi phấn khởi lắm. Những cán bộ về hưu như chúng tôi đã tìm hiểu thông tin, thấy được cái lợi, cái hại của việc thông qua Luật này. Tôi nghĩ, Quốc hội, Chính phủ lắng nghe ý kiến của nhân dân như thế này là rất cần thiết. Chúng tôi rất tin tưởng và ủng hộ. Hi vọng, Quốc hội, Chính phủ sẽ luôn có quyết sách thận trọng, hợp lòng dân như vậy”.
Nguồn: CAND Online