Admin
Nêu cao tinh thần cảnh giác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch trên lĩnh vực an ninh mạng
Lượt xem: 1362
Những năm qua, các thế lực thù địch không ngừng thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” với tính chất ngày càng gay gắt, quyết liệt. Trong đó trên mặt trận an ninh mạng được chúng coi là “mũi đột phá”. Sự phát triển của Internet và mạng xã hội đã tạo ra những giá trị tích cực trong đời sống xã hội “Làn sóng điện đang thay thế thanh gươm, cây bút là phương tiện đi vào trái tim, khối óc con người”. Lợi dụng vào sự phát triển của Internet và mạng xã hội các phần tử cơ hội ngày càng tăng cường các hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước ta, qua các bài viết xuyên tạc, kích động lôi kéo đám đông nhằm hạ uy tín, bôi nhọ một số đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và các lực lượng chuyên chính bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhân dân.
anh tin bai

Đại hội XIII đã đưa khái niệm “an ninh con người” thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của quốc phòng, an ninh. Với cách tiếp cận “an ninh toàn diện" của Đảng và Nhà nước, việc bổ sung “an ninh con người" vào chiến lược an ninh quốc gia là cần thiết. Điều này cũng phản ánh quan điểm lấy người dân làm trung tâm trong các chiến lược quốc gia gần đây và sâu xa hơn là bản chất nhân văn của chế độ ta. 

Ở Việt Nam, khái niệm “an ninh con người” lần đầu xuất hiện trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng, trong đó đề cập: “Đẩy mạnh các giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; giảm thiểu tai nạn giao thông; bảo đảm an toàn xã hội, an ninh con người” và nhấn mạnh: “Tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người”.

Đến Đại hội XIII, “an ninh con người” tiếp tục được khẳng định: “Quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người”. Nhiệm vụ, giải pháp phát triển đất nước giai đoạn 2021-2025 cũng xác định: “Tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, tính bền vững trong các chính sách xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người. Triển khai đồng bộ, toàn diện các mục tiêu kinh tế, tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường, trên cơ sở đó, đổi mới phân bổ nguồn lực hợp lý để nâng cao hiệu quả phát triển xã hội. Xây dựng và thực hiện đồng bộ thể chế, chính sách phát triển xã hội, quản lý phát triển xã hội bền vững, hài hòa”. Các thách thức an ninh con người giờ đây không chỉ đề cập các vấn đề an ninh chính trị, quân sự truyền thống mà còn có các thách thức an ninh phi truyền thống. Trong đó có thể khẳng định một trong những vấn đề an ninh phi truyền thống nhức nhối, gắn bó mật thiết với “an ninh con người” hiện nay chính là “an ninh mạng”.

Trong bối cảnh hiện nay, những tiến bộ khoa học - công nghệ từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động toàn diện và sâu sắc đến các mặt của đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội, trực tiếp đến an ninh - quốc phòng. Nhiều thành tựu trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ được đưa vào ứng dụng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, sự phát triển của khoa học - công nghệ cũng gây ra những nguy cơ, thách thức mới. Quá trình “dân chủ hóa" công nghệ mang đến nhiều lợi ích, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định về chính trị, kinh tế, quân sự và xã hội. Sự phát triển của khoa học công nghệ khiến cho các nguy cơ đe dọa an ninh phi truyền thống mà Việt Nam và thế giới đang phải đối mặt tiếp tục diễn biến phức tạp. Là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng internet nhanh chóng nhưng theo đánh giá của Microsoft Asia, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia nằm trong nhóm “dễ bị tổn thương” nhất trước các cuộc tấn công mạng.

Hiện nay trên mạng xã hội cơ quan Công an đã phát hiện và xử lý nhiều tài khoản cá nhân và nhóm thường xuyên đăng bài, tin tiêu cực về lực lượng Công an, báo “chốt” giao thông qua mạng xã hội, lôi kéo người dân thiếu hiểu biết bằng nhiều chiêu trò nhằm hạ uy tín của lực lượng Công an… Điển hình như Công an tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện nhiều Fange, hội, nhóm kín trên các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook…) có hành vi chia sẽ thông tin liên quan đến hoạt động công tác của lực lượng Cảnh sát giao thông. Cụ thể, Phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Hà Tĩnh phát hiện nhiều hội nhóm có hành vi báo “chốt” thực hiện nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát giao thông cho người tham gia giao thông tìm cách né tránh như: nhóm Facebook “Hội Lái Xe 38 Hà Tĩnh” (trên 12 nghìn thành viên), nhóm Zalo “Giao Thông An Toàn” (gần 1.000 thành viên)..., các tin, bài trong nhóm nói trên đều nhận được nhiều ý kiến phản hồi trái chiều và tràn ngập những chia sẻ được cư dân mạng gọi là “báo chốt”. 

Điều đáng quan ngại là hầu hết các bài viết, hội nhóm như trên đều nhận được lượt tương tác khủng, lên đến hàng nghìn lượt like và hàng trăm lượt bình luận, chia sẻ, có những nội dung “kích động, lôi kéo, dẫn dắt dư luận” trên không gian mạng, xúc phạm danh dự của lực lượng chức năng.

anh tin bai

Một chốt Cảnh sát giao thông kiểm tra nông độ cồn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. 

Ngày 01/01/2019, khi Luật An ninh mạng có hiệu lực thi hành. Căn cứ vào các quy định của Luật an ninh mạng, cơ quan Công an đã phát hiện và xử lý một số người có hành vi vi phạm. Tại tỉnh Bình Phước, cơ quan Công an đã ban hành quyết định xử phạt hành chính hàng chục trường hợp vi phạm về các hành vi “Cung cấp thông tin xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân”; “Xúc phạm uy tín, danh dự của người khác”…

Đằng sau những hội, nhóm, những nội dung tưởng chừng đơn giản mang tính thể hiện cảm xúc, bày tỏ tính dân chủ “ảo”, sự tự do ngôn luận “ngông cuồng” như trên có sự nhúng tay của các thế lực thù địch, chống phá Đảng, chống phá chính quyền, bôi nhọ hình ảnh lực lượng CAND, chia rẽ quần chúng nhân dân với lực lượng Công an, phá vỡ thế trận “an ninh con người”. Nhận diện rõ âm mưu, ý đồ đó, với vai trò nòng cốt trong bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn trật tự an toàn xã hội thì trách nhiệm của lực lượng Công an trên lĩnh vực đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ngày càng nặng nề, khó khăn và thách thức. Trong giai đoạn hiện nay người cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân cần thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

Một là, tích cực học tập, tham gia các lớp tập huấn, triển khai Nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới để kịp thời nắm bắt, định hình tư tưởng cho bản thân, nói, viết, làm đúng theo quan điểm của Đảng, Nhà nước, thực hiện đúng quy tắc ứng xử Công an nhân dân.

Hai là, thường xuyên trau dồi, nâng cao bản lĩnh chính trị của người cán bộ Công an, kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân. Ngoài ra, phải chủ động, tích cực trong công tác, bình tĩnh, nhạy bén và quyết đoán trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; kiên quyết đấu tranh chống những quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch, bảo vệ và phát triển lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng; không để tự diễn biến, tự chuyển hóa về chính trị tư tưởng và đạo đức, lối sống.

Ba là, tích cực tham gia đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị tuyên truyền, xuyên tạc bản chất cách mạng của lực lượng Công an nhân dân bằng các hành động thiết thực như: Chủ động nắm tình hình, phát hiện sớm hoạt động chống phá của các đối tượng để đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị; phát hiện các trang web, blog, “diễn đàn” thường xuyên đăng tải những nội dung xấu, thù địch; phát hiện âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động tuyên truyền chống phá của chúng trên không gian mạng, kịp thời nhận diện những phương thức, thủ đoạn mới; phát hiện cá nhân, tổ chức sở hữu, quản lý, điều hành các trang mạng xã hội thường xuyên đăng tải các bài viết, hình ảnh, video tuyên truyền xuyên tạc nhằm bôi nhọ làm mất uy tín lực lượng Công an; phát hiện những bất cập, hạn chế của các biện pháp, công tác nghiệp vụ đã và đang được triển khai, đề xuất biện pháp sửa đổi, đấu tranh, phòng, chống hiệu quả. Tuyên truyền cho người thân và Nhân dân khi tham gia mạng xã hội không chia sẻ những nội dung, thông tin xấu, độc. Phối hợp đề xuất xử lý nghiêm các hành vi tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, bôi nhọ hình ảnh các lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các lực lượng chuyên chính bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ Nhân dân… theo đúng quy định của pháp luật.

Hơn ai hết, mỗi cán bộ, chiến sỹ Công an phải nâng cao tinh thần, ý thức trách nhiệm, đề cao cảnh giác, tích cực đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, góp phần làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, nâng cao bản lĩnh chính trị của lực lượng Công an nhân dân, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, hoàn thành sứ mệnh Đảng và Nhân dân giao phó.

 

Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. 
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII.

Đức Trình - Phương Linh - Thy San