Quản trị viên
Ngăn chặn lừa đảo bằng xác thực sinh trắc học
Thứ Năm, 04/07/2024
Lượt xem: 246
Theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, từ ngày 1/7/2024, khách hàng của các ngân hàng khi thực hiện một số giao dịch trực tuyến sẽ bắt buộc xác thực sinh trắc học khuôn mặt khớp đúng với dữ liệu được lưu trữ trong chip của căn cước công dân. Hoàn thiện việc xác thực sinh trắc học giúp người dân tránh bị xâm nhập tài khoản ngân hàng khi click vào đường dẫn lạ, hay bị chiếm quyền điều khiển điện thoại.
Cụ thể, Quyết định số 2345 quy định các trường hợp cần xác thực bằng sinh trắc học gồm: giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng, giao dịch có tổng mức chuyển tiền cộng dồn trong ngày trên 20 triệu đồng, lần đầu thực hiện giao dịch bằng ứng dụng Mobile Banking hoặc thực hiện giao dịch trên thiết bị khác với thiết bị thực hiện giao dịch Mobile Banking lần gần nhất.
Việc xác thực sinh trắc học theo Quyết định số 2345 là tạo ra những lớp bảo mật khác, nói một cách đơn giản, xác thực khôn mặt phải gắn với tài khoản ngân hàng của chính chủ trong điện thoại và chỉ khuôn mặt được xác thực đó mới chuyển tiền được.
Người dùng quét dữ liệu trên Căn cước công dân gắn chip để xác thực dữ liệu trên app ngân hàng
Theo thống kê của Bộ Công an, năm 2023 có gần 16.000 phản ánh lừa đảo qua mạng, gần 10.000 tỷ đồng đã bị chiếm đoạt. Khi nạn nhân chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo, dòng tiền ngay lập tức chạy liên tục giữa các tài khoản ngân hàng, rất khó truy vết dòng tiền. Khi xác thực sinh trắc học, dòng tiền lừa đảo sẽ bị chặn lại. Bởi nếu không có yếu tố sinh trắc học của người mở tài khoản sẽ không thể sử dụng tài khoản đó để chuyển tiền đi. Như vậy sẽ giảm được việc sử dụng tài khoản không chính chủ đồng thời ngăn chặn được tình trạng các đối tượng lừa đảo thu mua tài khoản ngân hàng của người khác sử dụng để luân chuyển dòng tiền bị chiếm đoạt.
Xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền giúp ngăn chặn dòng tiền khi đã bị chuyển đi khỏi tài khoản. Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay là các đối tượng lừa đảo giả danh Công an, giả danh cán bộ thuế, toà án hay nhiều lực lượng chức năng khác và gọi điện, thao túng tâm lý khiến nhiều người làm theo và chuyển tiền. Do đó, hiện các ngân hàng và Bộ Công an đã có sự liên thông để cảnh báo sớm đến người dân ngay từ khi nhập tài khoản chuyển tiền.
Thu Thảo