Công an tỉnh Bình Phước
QUY ĐỊNH VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP
Lượt xem: 858
Ngày 26/10/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 88/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/12/2022.
anh tin bai

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo đó, về phạm vi điều chỉnh Nghị định này quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp và hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia (gọi tắt là lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp).

Về đối tượng áp dụng của Nghị định là cá nhân, tổ chức Việt Nam; cá nhân, tổ chức nước ngoài (sau đây gọi là cá nhân, tổ chức) thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp theo quy định tại Điều 2 Nghị định này.

Các hành vi vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính được phân loại thành 08 mục, cụ thể như sau:

- Các hành vi vi phạm quy định về thành lập, cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, giải thể, đổi tên cơ sở giáo dục nghề nghiệp; phân hiệu của trường cao đẳng, trường trung cấp; văn phòng đại diện của tổ chức, cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài tại việt nam; đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; tổ chức hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, doanh nghiệp; bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo dục nghề nghiệp; bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp.

- Các hành vi vi phạm quy định về hoạt động tuyển sinh.

- Hành vi vi phạm quy định về chương trình, giáo trình đào tạo; chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo dục nghề nghiệp, chương trình bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp; quy mô lớp học; liên thông, liên kết đào tạo.

- Hành vi vi phạm quy định về kiểm tra, thi, đánh giá kết quả học tập; biểu mẫu, sổ sách quản lý đào tạo.

- Các hành vi vi phạm quy định về hợp tác quốc tế, hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn du học, ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật trong giáo dục nghề nghiệp.

- Hành vi vi phạm quy định về quản lý, cấp phát và sử dụng văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp; chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp.

- Hành vi vi phạm quy định đối với nhà giáo, người dạy và người học.

- Hành vi vi phạm quy định về diện tích đất sử dụng tối thiểu, cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo; tài chính; kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp; đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

Về thẩm quyền xử phạt của Công an nhân dân, Điều 40 quy định:

1. Trưởng trạm, Đội trưởng của chiến sỹ Công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 1.500.000 đồng.

2. Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an, Trưởng trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất, Trưởng Công an cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 2.500.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 5.000.000 đồng;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

3. Trưởng Công an cấp huyện, Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục An ninh chính trị nội bộ, Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng Công an cấp tỉnh (Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội) có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 30.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 60.000.000 đồng;

d) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điều 4 Nghị định này, trừ biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm e và i khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

4. Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là cấp tỉnh) có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 75.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

d) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

đ) Quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất;

e) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điều 4 Nghị định này, trừ biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm e khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

5. Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 150.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điều 4 Nghị định này, trừ biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm e khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

6. Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 150.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

đ) Quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất;

e) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điều 4 Nghị định này, trừ biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm e khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Ngoài ra, tại Khoản 3 Điều 42 của Nghị định đã quy định về phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, trong đó, riêng đối với lực lượng Công an nhân dân được phân định cụ thể như sau:

Công an nhân dân có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại Điều 40 Nghị định này và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, điểm a khoản 2, các khoản 3, 4 và 5 Điều 6; điểm a khoản 1, khoản 2 và 3 Điều 7; khoản 1, điểm b và d khoản 3, khoản 4 Điều 8; khoản 1 và 3 Điều 9; điểm a và b khoản 1, các khoản 2, 3 và 4 Điều 10; khoản 1, điểm a và b khoản 2, điểm a và b khoản 3, khoản 4 và 5 Điều 11; các khoản 1, 2 và 3 Điều 16; khoản 1 và 3 Điều 18; điểm a và b khoản 1, điểm a và b khoản 2 và khoản 8 Điều 19; các khoản 3, 4 và 5 Điều 20; khoản 1 và 3 Điều 21; khoản 3 Điều 22; khoản 1 Điều 23; khoản 1 Điều 27; Điều 28; khoản 1 Điều 30; Điều 33; khoản 1 Điều 34; điểm b và c khoản 2, điểm b khoản 3, điểm a khoản 6 Điều 35; điểm b khoản 2 và khoản 3 Điều 36 Nghị định này.

Nghị định 88/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/12/2022, thay thế cho Nghị định số 79/2015/NĐ-CP. Đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp xảy ra trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết thì áp dụng quy định của Nghị định này để xử lý nếu Nghị định này không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn. Đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đã được ban hành hoặc đã được thi hành xong trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính còn khiếu nại thì áp dụng quy định của Nghị định số 79/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp để giải quyết.

 
Nguyễn Đức Hiếu