Công an tỉnh Bình Phước
Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh
Lượt xem: 444
Ngày 23/8/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2022/NĐ-CP quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
anh tin bai

Ảnh minh họa. Nguồn: thuvienphapluat.vn

 

Việc ban hành Nghị định số 55/2022/NĐ-CP nhằm cụ thể hóa nội dung của Luật Tiếp công dân, trong đó: “Nhà nước có chính sách, bảo đảm kinh phí đối với hoạt động tiếp công dân, áp dụng công nghệ thông tin và các phương tiện kỹ thuật khác để xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân phục vụ công tác tiếp công dân”. Đồng thời, đảm bảo phù hợp với chủ trương cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi và phục vụ thiết thực cho việc quản lý công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của các cơ quan chức năng.

Theo Nghị định, Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (gọi tắt là Cơ sở dữ liệu) là tập hợp thông tin về việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cơ quan, tổ chức, cá nhân và thông tin, dữ liệu về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý kiến nghị, phản ánh của cơ quan có thẩm quyền được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin theo quy định của Nghị định này và pháp luật khác có liên quan.

Nghị định bao gồm 03 chương, 21 điều, áp dụng với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan thanh tra nhà nước, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong việc xây dựng, cập nhật, quản lý, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Theo Nghị định, những hành vi bị nghiêm cấm gồm: Cố ý không cập nhật hoặc cập nhật thông tin, dữ liệu không đầy đủ. không chính xác; làm sai lệch thông tin, thay đổi, xóa, hủy dữ liệu trái pháp luật trong Cơ sở dữ liệu; Truy cập trái phép vào Cơ sở dữ liệu; Khai thác, sử dụng, tiết lộ thông tin trong Cơ sở dữ liệu trái pháp luật hoặc lợi dụng việc cung cấp thông tin để trục lợi; Phá hủy, phá hoại, làm hư hỏng hoặc hủy hoại hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin hoặc cản trở quá trình vận hành, duy trì ổn định, liên tục của Cơ sở dữ liệu.

Nghị định nêu rõ, thông tin được cập nhật trong Cơ sở dữ liệu gồm:

1. Thông tin về tiếp công dân: Họ tên, địa chỉ của công dân; nội dung, kết quả tiếp công dân.

2. Thông tin về xử lý đơn: Loại đơn như đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh; đơn đủ điều kiện xử lý; đơn thuộc thẩm quyền giải quyết; đơn trả lại và hướng dẫn gửi đơn; đơn rút…

3. Thông tin về khiếu nại: Họ tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; tóm tắt nội dung khiếu nại và tình hình giải quyết khiếu nại; quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu; quyết định giải quyết khiếu nại; kết quả thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.

4. Thông tin về tố cáo: Họ tên, địa chỉ của người tố cáo; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị tố cáo; tóm tắt nội dung tố cáo và tình hình giải quyết tố cáo; kết luận nội dung tố cáo; quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo; kết quả thực hiện kết luận nội dung tố cáo.

5. Thông tin về kiến nghị, phản ánh: Họ tên, địa chỉ của người kiến nghị, phản ánh; tóm tắt nội dung kiến nghị, phản ánh; kết quả xử lý kiến nghị, phản ánh.

6. Báo cáo định kỳ, báo cáo vụ việc, báo cáo chuyên đề, báo cáo đột xuất về tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kiến nghị, phản ánh cập nhật theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ.

Thời điểm nhập thông tin vào Cơ sở dữ liệu được quy định như sau:

1. Đối với trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 7 của Nghị định này, cơ quan có trách nhiệm bắt đầu cập nhật ngay sau khi có thông báo thụ lý khiếu nại, quyết định thụ lý tố cáo hoặc tiếp nhận xử lý kiến nghị, phản ánh và cập nhật trong quá trình tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kiến nghị, phản ánh.

2. Đối với trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 7 của Nghị định này, cơ quan có trách nhiệm cập nhật trong thời gian 12 tháng, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực pháp luật.

3. Đối với trường hợp được quy định tại khoản 6 Điều 6 và khoán 3 Điều 7 của Nghị định này, cơ quan có trách nhiệm cập nhật trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của Thanh tra Chính phủ.

Việc cập nhật bổ sung, điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu được quy định: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày phát hiện thông tin trong Cơ sở dữ liệu chưa đầy đủ, chính xác hoặc có sự sai lệch về nội dung giữa dữ liệu điện tử và hồ sơ, tài liệu nghiệp vụ bằng giấy thì cơ quan cập nhật dữ liệu phải tiến hành kiểm tra, cập nhật bổ sung, điều chỉnh.

Cơ sở dữ liệu được xây dựng, quản lý tập trung tại Thanh tra Chính phủ và được tổ chức cập nhật, khai thác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Việc ban hành Nghị định số 55/2022/NĐ-CP sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng, quy định cụ thể về việc cập nhật, duy trì, kết nối, chia sẻ và khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu, từ đó, hình thành dữ liệu về vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thống nhất, đầy đủ từ Trung ương đến địa phương.

Nghị định số 55/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/10/2022.


Nguyễn Đức Hiếu