Admin
"Tín dụng đen" - mầm mống phát sinh tội phạm. Bài 1: Nhức nhối vấn nạn vay một, lãi mười
Lượt xem: 1046
Cho vay với lãi suất “cắt cổ”, từ 30-60%, thậm chí lên tới 90%/tháng, tín dụng đen đang càn quét khắp nơi, từ đô thị đến những miền núi xa xôi, gây bao hệ lụy đau lòng: Nhiều người tán gia bại sản, gia đình tan nát, luẩn quẩn trong nghèo đói nợ nần.

Đáng chú ý hơn, “tín dụng đen” là mầm mống phát sinh tội phạm hình sự, với những vụ án giết người, cướp của, gây mất trật tự xã hội nghiêm trọng.

Muôn kiểu giăng bẫy

Không chỉ len lỏi khắp đường làng ngõ xóm, từ nơi đô thị đến vùng sâu, tín dụng đen không trừ bất kỳ 1 ai, từ thành phần trí thức, đến những người không biết chữ, từ người giàu đến những người nghèo. 

Báo cáo của tỉnh Gia Lai cho biết trong 6 tháng đầu năm tại địa phương này đã xuất hiện 500 đầu mối cho vay tiền với lãi suất cao; nhiều trường hợp rơi vào cảnh nợ nần, không có khả năng chi trả. 

“Tín dụng đen trên địa bàn tỉnh Gia Lai một phần hình thành từ thói quen, tập tục sinh hoạt của chính những đồng bào dân tộc thiểu số. Do cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, nên khi mua nhu yếu phẩm cho cuộc sống hàng ngày như đường sữa, mắm muối, bà con thường ghi nợ, hay khi cần tiền, có thể chỉ là một vài triệu đồng, thậm chí dăm bảy trăm nghìn đồng nên họ đã vay tạm để chi tiêu. Số tiền có thể không lớn, nhưng nhiều lần dồn lại, cộng với cách tính “lãi khủng” của những đối tượng cho vay, lãi mẹ đẻ lãi con dẫn đến họ trở thành con nợ, đến mùa phải gán tất cả nông sản để trả nợ còn không đủ, nhiều hộ mất khả năng thanh toán, phải gán nhà, gán đất, dẫn đến ngày càng nghèo đói”- báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN)- Chi nhánh tỉnh Gia Lai cho biết. 

Tín dụng đen gây nhiều hệ lụy cho đời sống xã hội.

Một trong những nguyên nhân là vì người dân không thể tiếp cận được vốn giá rẻ của ngân hàng, do việc vay vốn ngân hàng phải đảm bảo các điều kiện, thủ tục theo quy định, trong khi đó, bà con khi cần một lượng tiền ít và muốn có ngay nên thường dễ dàng chấp nhận vay bên ngoài. 

Bên cạnh đó, đa phần hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí thấp và chưa có thói quen tích lũy. Một bộ phận vẫn còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Một số hộ tuy có đất sản xuất nhưng hiện đã cho thuê dài hạn hoặc bán đứt nên không có nhu cầu vay vốn ngân hàng...

Khác với các địa bàn miền núi, tín dụng đen ở các thành phố lại tập trung nhiều vào nhóm cửa hàng cầm đồ, hay dưới các hình thức cờ bạc, cá độ. 

Các loại tội phạm có hoạt động liên quan đến tín dụng đen thường tạo những vỏ bọc đa dạng như núp dưới danh nghĩa các doanh nghiệp, công ty hỗ trợ tài chính, cho vay họ góp, cầm cố các loại giấy tờ không cần chứng minh tài chính… 

Chúng thường lợi dụng các kẽ hở của pháp luật để thực hiện các hành vi phạm tội như ép buộc người vay tiền thế chấp tài sản, viết các giấy vay dân sự nếu cơ quan điều tra tiến hành điều tra thì phải chuyển qua tòa dân sự, hoặc thuê văn phòng luật sư, công ty luật bảo vệ cho các đối tượng nên khi bị bắt, mời làm việc có thể gây áp lực cho cơ quan điều tra.

Đáng chú ý, gần đây, không phải chỉ Tây Nguyên, hay các thành phố lớn, mà tại những nơi đang được “nhắm đến” việc xây dựng đặc khu như Vân Đồn, Phú Quốc và Bắc Vân Phong đã trở thành cái bẫy hoàn hảo để các đối tượng giăng ra cho những người dân nơi đây. 

Kịch bản rất đơn giản: Khi chủ trương thành lập đặc khu kinh tế hình thành, giá đất những nơi này bị thổi lên vùn vụt. Chuyện mua đất 800 triệu đồng bán giá 20 tỷ đồng đã làm mờ mắt nhiều người. Họ lao vào đất như những con thiêu thân. Tuy nhiên, không phải ai cũng có vốn hay có đủ điều kiện vay vốn ngân hàng để đầu cơ. 

Giải pháp nhanh và dễ nhất là tìm đến tín dụng đen, chấp nhận mức lãi suất lên đến con số “siêu thực”. Để rồi khi chủ trương thành lập đặc khu chưa được thông qua, bong bóng vỡ, thị trường bất động sản 3 nơi này trở nên đóng băng, thì tất cả những người vay vốn lãi suất cao dính vào nợ nần chồng chất. 

Tất cả những gì còn lại của họ là những mảnh “đất vàng, kim cương” đã trở về đúng giá trị thực và không thể chuyển nhượng, cùng với khoản nợ khổng lồ và nỗi lợ suốt ngày bị khủng bố, đòi nợ. 

Đây là một thực trạng rất đáng báo động, là bài học đắt giá dành cho những người đang trục lợi từ chính chủ trương, chính sách của Nhà nước. Họ chấp nhận chơi dao và bị đứt tay, chết chỉ vì long tham của chính mình.

Những hệ lụy

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2018 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Ban Chỉ đạo chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP) và Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389), các đại biểu đánh giá tình hình tội phạm tín dụng đen diễn biến rất phức tạp. 

“Tín dụng đen đi liền với tội phạm hình sự. Hầu hết các cơ sở cho vay tín dụng đen đều là cho vay mượn, thế chấp nhà cửa đất đai, tài sản.

Một số trường hợp đã có hành vi vi phạm pháp luật trong khi giải quyết tranh chấp như siết nợ, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, thậm chí giết người, cướp tài sản, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, gây bất bình trong xã hội. 

Có những vụ việc gây rúng động dư luận như vụ Đồng Cao Cường, trú tại Bùi Thị Xuân, Hà Nội cùng đồng bọn dùng súng bắn chết chị Nguyễn Thị Liên ở phố Xã Đàn (Kim Liên, Hà Nội), vì mẫu thuẫn trong vay nợ tiền. 

Cũng do mẫu thuẫn giữa vay nợ và đòi nợ, Nguyễn Văn Sơn (thôn Thanh Mai, xã Quảng Thành, TP Thanh Hóa) đã rút súng bắn chết Hoàng Ngọc Hiện (thôn Yên Thành, xã Quảng Thành, TP Thanh Hóa), sau đó tự sát. 

Hay như tại Tuyên Quang, do nợ gần 500 triệu đồng tiền vay lãi suất cao, không có khả năng chi trả, lại bị siết nợ nhiều lần, nên Trần Văn Hà, trú tại xã Kiến Thiết, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) và Đặng Hữu Hạnh, trú tại Gò Công Đông, Tiền Giang đã nảy sinh ý định cướp tiệm vàng để trả nợ. 

Chúng dùng súng tự chế, đi xe máy đến cửa hàng vàng Tuấn Anh 2 dùng dao đâm chết chủ tiệm vàng để cướp, nhưng chưa chiếm đoạt được tài sản thì bị quần chúng nhân dân truy hô, bắt giữ. 

Thậm chí có trường hợp để tránh trả nợ, con nợ tìm cách giết chủ nợ như đối tượng Nguyễn Quang Hiệp, trú tại xã Trường Yên (Hoa Lư, Ninh Bình) là giáo viên, cùng vợ là Hoàng Thị Lư có vay 660 triệu đồng, lãi suất là 3.000 đồng cho 1 triệu đồng/ngày của bà Nguyễn Thị Mai. 

Đến kỳ trả nợ, bà Mai liên tục thúc ép, do không có tiền trả nợ vợ chồng Hiệp - Lư đã hẹn bà Mai đến phòng trọ lấy tiền, sau đó Hiệp dùng 1 chiếc chày bằng nhôm đập vào đầu bà Mai khiến nạn nhân tử vong tại chỗ…

Điều đáng nói là các đối tượng dùng mọi thủ đoạn bẫy giăng. Điển hình như đối tượng Lê Trung Hiếu, tự là Tùng “Ba Thay”, trú tại phường 6, TP Sóc Trăng chuyên kinh doanh bằng nghề cho vay nặng lãi. Hiếu thu lãi 30% một tháng cho số tiền vay ít. Ai cần tiền lớn và gấp phải trả lãi 60% và cá biệt lên đến 90%. Điều này khiến không ít con nợ tán gia bại sản. Khi người vay không có khả năng trả nợ, Hiếu cho người đến siết tài sản. 

Theo các con nợ, với vẻ ngoài lịch sự, nhã nhặn, song Hiếu rất nham hiểm, lạnh lùng và tàn nhẫn. Con nợ một khi đã vào vòng xoáy vay tiền của Hiếu thì không ai có thể thoát khỏi vòng luẩn quẩn, nợ chồng nợ.

(Còn nữa)

Đối tượng Trịnh Văn Dũng trong đường dây cho vay nặng lãi ở Tây Ninh.

Phát hiện đường dây cho vay nặng lãi ở Tây Ninh

Rạng sáng 22-8, bất ngờ kiểm tra hành chính nhà cho thuê tại tổ 4, đường Trần Phú, khu phố Ninh Thành, phường Ninh Sơn, TP Tây Ninh (Tây Ninh) do Nguyễn Thị Phương (29 tuổi) làm đại diện, Công an TP Tây Ninh phát hiện trong nhà có nhiều đối tượng không đăng ký tạm trú theo quy định gồm: Nguyễn Thị Phương, Trịnh Văn Dũng (39 tuổi), Tô Xuân Hiếu (27 tuổi), Trịnh Văn Bảy (30 tuổi), Trần Thị Hoài (26 tuổi), Lê Mạnh Hướng (28 tuổi, cùng ngụ Ninh Bình) và Nguyễn Dương Hải (21 tuổi, ngụ TP Đà Nẵng). 

Công an TP Tây Ninh còn phát hiện trong nhà có rất nhiều loại giấy tờ của người khác, như: Giấy CMND, căn cước công dân, giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy chứng nhận đăng kí xe máy, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bằng cấp các loại, mẫu hợp đồng mua xe trả góp và nhiều tờ rơi cho vay tiền... 

Nghi vấn Dũng cùng đồng bọn hoạt động cho vay nặng lãi, Công an TP Tây Ninh đã mời cả nhóm về trụ sở Công an phường Ninh Sơn để làm rõ.

Tại cơ quan Công an Dũng khai nhận, năm 2016, đối tượng đã vào xã Tân Hưng, huyện Tân Châu (Tây Ninh) làm nghề cho vay trả góp. Tháng 4-2018, Dũng đến thuê nhà ở khu phố Ninh Thành để ở và tiếp tục làm công việc cho vay trả góp. 

Hàng ngày, Dũng phát tờ rơi cho vay tiền trả góp có ghi thông tin, số điện thoại. Khi có người muốn vay tiền gọi đến, Dũng sẽ đến nhà thẩm định để thống nhất làm hợp đồng vay dưới hình thức mua xe trả góp, với mức lãi suất như sau: Nếu vay 10 triệu, người vay có 2 thời hạn đề trả góp. 

Nếu chọn thời hạn trả 50 ngày, người vay phải trả cho Dũng trong 50 ngày là 12,5 triệu đồng (mỗi ngày trả 250.000 đồng), cộng với 5% phí đi thu là 500.000 đồng. Ngoài ra, người vay còn phải đóng trước cho Dũng 2 tháng tiền góp, tương đương 500.000 đồng.

Nếu người vay trả góp 41 ngày, thì mỗi ngày phải đóng cho Dũng 300.000 đồng. Tổng số tiền phải trả đến cuối kỳ 12,3 triệu đồng và cũng phải trả phí 5% và trả trước 2 tháng tiền góp tương đương 600.000 đồng. Đến thời điểm bị phát hiện, đã có hàng trăm người vay tiền của Dũng.

N.Minh – T.Lực


Nguồn: CAND Online