Admin
“Tín dụng đen” – mầm mống phát sinh tội phạm (kỳ cuối)
Lượt xem: 1041
Tín dụng đen không có trần hay sàn lãi suất như các tổ chức tín dụng chính quy, mà lãi suất hoàn toàn dựa trên thỏa thuận giữa bên cho vay và đi vay với mức lãi suất “cắt cổ”.
Bài cuối: Lãi suất tín dụng linh hoạt và hấp dẫn sẽ đẩy lùi “tín dụng đen”

Đặc trưng cơ bản của tín dụng đen là giao dịch ngầm, có lãi suất huy động và cho vay cao, trong khi thủ tục thực hiện thì vô cùng đơn giản so với các hoạt động tín dụng ngân hàng chính thức. Các giao dịch được hoàn tất có khi chỉ trong vài phút, thế chấp có khi chỉ cần một chứng minh nhân dân, một bản photo không cần công chứng ủy quyền về nhà đất. Thậm chí, chỉ cần một lời hứa và thỏa thuận miệng là khả năng tín chấp luôn mở rộng cho những khách quen.

Tín dụng đen không có trần hay sàn lãi suất như các tổ chức tín dụng chính quy, mà lãi suất hoàn toàn dựa trên thỏa thuận giữa bên cho vay và đi vay với mức lãi suất “cắt cổ”.

Những khó khăn trong công tác phòng chống

Theo báo cáo từ Công an các địa phương, các loại tội phạm có hoạt động liên quan đến tín dụng đen thường tạo những vỏ bọc đa dạng như núp dưới danh nghĩa các doanh nghiệp, công ty hỗ trợ tài chính, cho vay họ góp, cầm cố các loại giấy tờ không cần chứng minh tài chính…

Các đối tượng cầm đầu trong các băng nhóm hoạt động có liên quan đến tín dụng đen thường có quan hệ xã hội phức tạp, gây khó khăn cho công tác phát hiện, thu thập tài liệu, chứng cứ để bắt giữ, xử lý trước pháp luật. Đáng chú ý, phần lớn đối tượng cầm đầu đều là đối tượng cộm cán, lập băng nhóm tiến hành hoạt động này; siết nợ, đòi nợ thuê, truy sát con nợ dẫn đến chết người, gây thương tích. Nhiều nơi ngang nhiên như đi cướp ngày khi đòi nợ, gây bức xúc trong nhân dân.

Linh hoạt chứng minh cho vay tiêu dùng sẽ giúp đẩy lùi “tín dụng đen”.

Một số chuyên gia ngân hàng cho biết, bản chất tín dụng đen có đặc điểm không có đăng ký kinh doanh, khoản vay thường phục vụ vay vốn nhanh, điều kiện cho vay nhanh gọn, lãi suất cao theo thỏa thuận mà không cần cam kết. Hoạt động này chủ yếu cho vay dân sự, ngoài tổ chức cho vay theo quy định của luật. Đa số những người vay mượn tiền, tài sản thường tạo vỏ bọc sang trọng, giàu có để tạo niềm tin, nhằm huy động vốn sử dụng vào mục đích kinh doanh. Song không ít trường hợp vay tiền sử dụng vào mục đích bất hợp pháp như đánh bạc, buôn lậu…

Cũng có những trường hợp những người dân hiền lành chất phác, chỉ vì mờ mắt trước lãi suất qúa cao, nên sẵn sàng cầm cố tài sản của gia đình, cá nhân để vay vốn ngân hàng, sau đó mang cho vay lại để kiếm lãi suất cao hơn, với những người không có tài sản gì đảm bảo việc trả nợ. Đến khi việc vỡ nợ xảy ra, chủ nợ không đòi được tiền, bị dồn vào chân tường dẫn đến những hành vi phạm pháp hoặc bị lưu manh hóa…

Có nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan khiến cho tình trạng tín dụng đen bùng phát, song thực tế, nhận thức về pháp luật, nhất là các quy định có liên quan đến các giao dịch vay, cho vay tiền, thế chấp tài sản của không ít người dân còn rất thấp, hiểu biết sơ sài, đơn giản chỉ như thỏa thuận miệng, việc thống nhất lãi suất chỉ bằng lời, không hẹn thời gian trả, không ghi giấy tờ gì và bản thân người cho vay cũng hám lời.

Khó khăn xử lý vì việc vay mượn tiền, tài sản là quan hệ dân sự tự nguyện có sự thỏa thuận của 2 bên, diễn ra âm thầm, trong thời gian dài. Chỉ khi không trả được nợ, số tiền đã vay sử dụng hết vào các mục đích khác nhau thì vụ việc mới được trình báo, thậm chí có không ít người bị hại không dám tố giác với cơ quan chức năng vì sợ cho vay với lãi suất cao nếu trình báo sẽ bị khép vào tội cho vay nặng lãi.

Do vay với lãi suất cao, có tính chất dây chuyền, không có khả năng trả nợ, rồi bỏ trốn đã phát sinh mâu thuẫn giữa đối tượng cho vay và người vay, từ đó gây bức xúc dẫn đến đối tượng cho vay đã có những hành vi đe dọa cả về thể chất và tinh thần người vay. Khi bị xiết nợ, các con nợ không dám tố cáo vì sợ bị trả thù, khiến cho quá trình điều tra gặp khó khăn…

Tội phạm này vừa là loại tội phạm hình sự, nhưng cũng là công ty, nhóm có hoạt động liên quan kinh tế, ranh giới rất khó phân biệt. Tội phạm tín dụng đen còn đất sống là do tiền nhàn rỗi trong dân rất lớn, nhu cầu của người dân cũng lớn, trong khi tổ chức tín dụng chưa đáp ứng yêu cầu, dẫn đến tín dụng đen có đất phát triển. Bộ đã nhiều lần kiến nghị với Chính phủ, với ngân hàng huy động tiền nhàn rỗi trong dân, giải quyết tiếp cận vốn của người dân.

Thời gian qua, Chính phủ và NHNN đã có nhiều giải pháp, như đưa ra quy định lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực, trong đó, lãi suất cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ở mức ưu đãi; cùng với đó là các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân khu vực nông nghiệp, nông thôn: Tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng chính thức cung ứng nguồn vốn cho vay, mở các chi nhánh, địa bàn hoạt động ở vùng sâu, vùng xa... Tuy nhiên, ngăn chặn hoạt động tín dụng không chính thức đòi hỏi trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, chứ không chỉ có hệ thống ngân hàng.

Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng

Một thực tế cho thấy, hầu hết những người rơi vào bẫy tín dụng đen đều vay tiền với mục đích tiêu dùng. Theo số liệu thống kê, với dân số 95 triệu người và nhu cầu mua sắm, tiêu dùng rất lớn, tổng dư nợ/GDP của toàn ngành tài chính tiêu dùng Việt Nam chạm ngưỡng 26,55 tỷ USD vào năm 2016- con số này mới chỉ là 7,3 tỷ USD vào năm 2012.

NHNN thống kê chỉ trong vòng 5 năm gần đây, tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam đã tăng gần 5 lần về quy mô. Từ con số chỉ 230.000 tỷ đồng năm 2012, chiếm 8% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đã tăng lên đạt xấp xỉ 1,1 triệu tỷ đồng, chiếm 17%. Tuy nhiên, con số này so với các thị trường khác trong khu vực vẫn còn tương đối hạn chế, như nhóm các nước ASEAN 5, hoạt động này chiếm tới 34% tổng dư nợ.

Theo StoxPlus, chỉ có 18,5% người Việt vay tiêu dùng qua các tổ chức tín dụng trên tổng số 47% người tham gia vay tiền, điều này cho thấy quy mô tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam vẫn còn khá nhỏ. Hiện, các NHTM và công ty tài chính mới chỉ đáp ứng khoảng 1/4 nhu cầu vay tiêu dùng của người dân, phần lớn còn lại vẫn phải tìm đến tín dụng đen và hiện vẫn còn “khoảng 60 triệu người dân sống ở các vùng nông thôn cần được tập trung hỗ trợ, đặc biệt là tài chính toàn diện”.

“Như vậy, rõ ràng tín dụng tiêu dùng còn dư địa rất lớn và đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng sẽ là một trong những trợ lực quan trọng để đẩy lùi được nạn tín dụng đen. Việc phát triển cho vay tiêu dùng là phương án tối ưu để giúp những người nghèo, những người có điểm tín dụng thấp được tiếp cận nguồn vốn chính thống và được pháp luật bảo vệ. Một trong những mô hình khá hay hiện nay là các công ty tài chính. Thông qua những công ty này, khách hàng có cơ hội được tiếp cận vốn dễ dàng hơn, và quan trọng là những công ty này có hành lang pháp lý để hoạt động”, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Cùng chung quan điểm, theo TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, việc xây dựng một thị trường cho vay tiêu dùng lành mạnh, bảo đảm việc khách hàng có đầy đủ thông tin về quyền lợi và nghĩa vụ khi vay vốn sẽ góp phần ngăn ngừa tình trạng tín dụng đen phát triển.

Ông Kiêm cũng cho rằng để từng bước đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen, sự ra đời của các công ty tài chính tiêu dùng là một đòi hỏi tất yếu. Không chỉ là một trong những phương tiện tốt nhất giúp cho người dân có thể tích lũy được tài sản, mà các định chế về tài chính tiêu dùng sẽ là một trong các tác nhân tốt để hạn chế cho vay nặng lãi trong nền kinh tế.

“Thực tế, sự phát triển của công ty tài chính trong cho vay tiêu dùng đã đáp ứng được nhu cầu thực tế của một bộ phận người tiêu dùng từ trước tới nay không với tới được các gói vay của ngân hàng thương mại do không đủ điều kiện vay vốn.

Yếu tố này được xem là góp phần đem lại tác động tích cực cho xã hội thông qua việc nâng cao cơ hội tiếp cận tài chính cho người dân, đặc biệt những người có thu nhập thấp, không có lịch sử tín dụng, đồng thời kích cầu tiêu dùng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ông Kiêm nói.

Nguồn: CAND Online