Vừa qua, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc học tập, quán triệt các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 7, khoá XII nhằm giúp lãnh đạo chủ chốt các cơ quan Trung ương, địa phương nắm vững nội dung cơ bản, những điểm mới của Nghị quyết; từ đó vận dụng vào xây dựng chương trình, kế hoạch hành động của cơ quan, đơn vị, tạo sự thống nhất cao, đưa Nghị quyết vào cuộc sống.
Bên lề hội nghị, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Thông, Phó Vụ trưởng Vụ Lào – Campuchia, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng xung quanh Nghị quyết số 26 “về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”; cũng như những vấn đề liên quan đến phòng, chống tham nhũng trong đội ngũ cán bộ.
PV: Thưa ông, ông tâm đắc nhất điểm mới nào của Nghị quyết này?
Ông Trần Văn Thông: Về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, Nghị quyết số 26 đưa ra giải pháp tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ. Trong đó nhấn mạnh đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị. Đây là vấn đề rất quan trọng, là cái gốc của mọi việc, vì tất cả là từ đây mà ra, công việc có trôi chảy, được hoàn thành tốt hay không là do người cán bộ.
Theo tôi, trong công tác cán bộ quan trọng nhất là đánh giá, nhận xét cán bộ. Từ chỗ đánh giá, nhận xét đúng sẽ sử dụng đúng. Anh nhận xét, đánh giá khách quan, công tâm, chính xác thì bố trí cán bộ phù hợp. Từ đó sử dụng, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ và tạo điều kiện cho cán bộ làm việc, có đóng góp cho công việc…
PV: Thực tế cho thấy có những cán bộ ban đầu được đánh giá rất tốt nhưng sau một thời gian nhận nhiệm vụ thì xảy ra sai phạm…
Ông Trần Văn Thông: Nghị quyết đã chỉ ra giải pháp là phải đánh giá cán bộ liên tục, đa chiều, nếu làm tốt điều này sẽ kịp thời ngăn ngừa vi phạm. Vấn đề nữa tôi cũng rất quan tâm là xử lý sai phạm phải đúng việc, đúng người, đúng mức độ vi phạm, đúng quy định của Đảng và đúng pháp luật. Một vấn nạn rất nguy hiểm trong một thời gian dài mà Đảng đã chỉ ra và đang quyết tâm làm là “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy ghế”, “chạy bằng cấp”, nói chung là các loại “chạy”… Phải ngăn chặn bằng được tệ nạn này.
Cán bộ phải được tổ chức, tập thể đánh giá, nhận xét một cách khách quan, minh bạch, công tâm, từ đó lựa chọn cán bộ tiêu biểu để bổ nhiệm. Vì việc mà bố trí cán bộ, bố trí người. Vấn đề này Bác Hồ đã nói rồi, Đảng ta đã nói rồi nhưng thực tế thời gian qua có nơi làm được, có cấp làm được nhưng cũng có nơi, có cấp chưa làm được. Có những cơ quan, đơn vị, tình trạng sai phạm kéo dài nhưng không khắc phục, sửa chữa được.
|
Ông Trần Văn Thông.
|
PV: Có ý kiến lo ngại quá tập trung phòng, chống tham nhũng sẽ làm “chậm” sự phát triển, nhưng Tổng Bí thư tại Hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng đã khẳng định chính làm tốt công tác xây dựng Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường an ninh – quốc phòng, đối ngoại. Qua thực tế công tác của mình, ông cảm nhận ra sao về nhận định này?
Ông Trần Văn Thông: Chống tham nhũng càng hiệu quả thì thúc đẩy sự phát triển. Qua quan tâm theo dõi vấn đề phòng, chống tham nhũng ở các nước, tôi thấy rằng, ví dụ như Singapore, họ chống tham nhũng rất triệt để, hiệu quả và phát triển rất nhanh. Trung Quốc cũng thế, có thời gian họ có chống tham nhũng nhưng chưa mạnh mẽ, chưa hiệu quả thì sự phát triển còn chậm, nhưng khi họ quyết tâm, có những biện pháp cụ thể, hiệu quả trong chống tham nhũng thì họ thúc đẩy phát triển nhanh. Hay Hàn Quốc, một số nước khác cũng vậy.
Không có nước nào để cho tình trạng tham nhũng tràn lan, không được khắc phục mà phát triển được. Tham nhũng làm tha hoá đội ngũ cán bộ trong bộ máy chính quyền và sẽ kìm hãm sự phát triển. Chống tham nhũng mạnh mẽ là động lực, là điều kiện để phát triển, sẽ tạo ra môi trường để phát triển lành mạnh, bền vững.
Trong thời gian vừa qua, các tầng lớp nhân dân ở thành thị và nông thôn, cả cán bộ lão thành, người đã về hưu hoặc đang làm việc đều rất quan tâm đến việc xây dựng, chỉnh đốn bộ máy trong sạch, vững mạnh của Đảng. Càng chống tham nhũng có hiệu quả thì bộ máy của Đảng và hệ thống chính quyền các cấp do Đảng lãnh đạo ngày càng trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu quả, từ đó quần chúng nhân dân càng tin tưởng hơn.
Những người lao động kể cả ở khu vực nhà nước và tư nhân đều ủng hộ sự nghiệp phòng, chống tham nhũng của Đảng. Tuy nhiên, Đảng phải làm kiên trì, kiên quyết, liên tục và không dừng lại. Tôi tin rằng, nếu có sự chỉ đạo thường xuyên, sâu sát, ngày càng quyết liệt, hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng thì sẽ góp phần thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
PV: Tổng Bí thư cũng yêu cầu những người trực tiếp làm công tác phòng, chống tham nhũng phải thực sự trong sạch, liêm chính, biết gương mẫu, giữ mình, biết trọng liêm sỷ. Theo ông, đây có phải là vấn đề mấu chốt trong công tác phòng, chống tham nhũng?
Ông Trần Văn Thông: Phát biểu của Tổng Bí thư là yêu cầu, đòi hỏi, là tiêu chuẩn đối với những người làm công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là lãnh đạo các cơ quan này phải thực sự gương mẫu, bản thân phải trong sạch, có phẩm chất, năng lực. Và thường những người có năng lực thực sự thì họ cũng có phẩm chất, họ cũng hiểu được là nếu muốn phát huy được năng lực của mình thì phải giữ gìn phẩm chất.
Nhiều lần Tổng Bí thư nói, nếu tay đã nhúng chàm thì rất khó làm, do đó đòi hỏi những người trực tiếp làm công tác phòng, chống tham nhũng, những người lãnh đạo của các cơ quan này phải thực sự gương mẫu, trong sạch, trung thành với sự nghiệp của Đảng, của nhân dân, tức phải đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên hết. Những việc mình làm là phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước, phát triển theo đúng mong muốn, theo Nghị quyết của Đảng.
Tôi cũng nói thêm rằng, để công tác phòng, chống tham nhũng phát huy được hiệu quả thì Đảng phải tập trung chống “bệnh” quan liêu, phải chống thật sự, chống một cách triệt để, từ trên xuống dưới. Khi “bệnh” quan liêu được ngăn chặn, đẩy lùi thì Đảng sẽ nắm được sự thật, tình hình, từ đó các biện pháp, giải pháp, cách làm của Đảng đưa ra sẽ thật sự phù hợp.
“Bệnh” quan liêu sẽ làm cho Đảng bị “mù”, xa rời nhân dân, xa rời thực tế, không nắm được thực chất tình hình thì sẽ đề ra các phương pháp, biện pháp có khi không hiệu quả. Do đó, Đảng phải xem xét, có những biện pháp, cách làm cụ thể để khắc phục thói quan liêu, nhất là trong đội ngũ cấp lãnh đạo.
PV: Xin cảm ơn ông!
Nguồn: CAND Online