Admin
Nhân kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6: Học tập Tư tưởng, phong cách đạo đức làm báo của Bác Hồ
Lượt xem: 566
Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh năm 1890, mất năm 1969, là Anh hùng giải phóng dân tộc và Danh nhân văn hóa của nhân loại, trong khoảng 50 năm cầm bút Bác đã để lại một di sản báo chí cách mạng quý báu với hơn 2.000 bài báo, 276 bài thơ, gần 500 trang truyện và ký với gần 200 bút danh. Những tác phẩm của Bác viết ra có sức hút mạnh mẽ trong mọi tầng lớp nhân dân, cổ vũ tinh thần hăng say lao động sản xuất, học tập và đấu tranh của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Học tập phong cách, đạo đức làm báo của Bác để mỗi chúng ta thực hiện tốt vai trò, chức trách của người cầm bút.

Phương pháp làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh là chỉ cần trả lời được các câu hỏi: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? Cách viết thế nào? Theo Bác người làm báo không phải đi tìm những vấn đề cao siêu mà khi tiếp cận một câu chuyện, sự việc cần trả lời cho được những câu hỏi trên. Trong nhiều tác phẩm báo chí, đối tượng mà Bác hướng đến là phục vụ nhân dân lao động, phục vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH), việc thống nhất nước nhà và hòa bình và tiến bộ thế giới. Tại Đại hội lần thứ 3 của Hội Nhà báo Việt Nam (1962), thêm một lần nữa Bác nhấn mạnh: "Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng". Tất cả những nhiệm vụ cách mạng đều là nhiệm vụ của báo chí, phục vụ mọi mặt đời sống xã hội, kinh tế, an ninh - quốc phòng, xây dựng mối quan hệ quốc tế. 



Bác Hồ với các phóng viên báo đài  (Ảnh tư liệu)
          
Làm báo, theo Bác đối tượng phản ánh và đối tượng phục vụ chủ yếu của báo chí là quần chúng nhân dân. Để nhà báo có cái nhìn sáng suốt, trong "Thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng" năm 1949, chủ tịch hồ Chí Minh nêu rõ: "Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng thì không xứng đáng là một tờ báo". Bác chỉ ra rằng: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Bác nói: “Bài báo là tờ hịch cách mạng”. Do vậy, việc đầu tiên mà bất cứ người cầm bút nào trên mặt trận báo chí cách mạng phải hiểu rõ mục tiêu và nhiệm vụ của cách mạng là gì? Như Bác từng nói: “Bắn thì phải có bia, phải có mục tiêu”. Nghĩa là ngòi bút phải gắn với đối tượng.
         
Văn phong trong các tác phẩm đăng trên báo Thanh niên, Nhân dân, báo Cứu Quốc… của Người chứa đựng ngôn từ dản dị, trong sáng, chân thực của đời sống xã hội và hiện thực lịch sử nước ta lúc bấy giờ. Ở các tác phẩm báo chí Người xem trọng đến trình độ của người xem, viết rõ ràng, gọn gàng; không ham dùng chữ, tiếng nước ngoài… cho nên quần chúng nhân dân đều hiểu, đều tin, đều quyết tâm theo lời kêu gọi. Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà báo đi tiên phong trong việc vận dụng và  giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; bảo vệ, phát triển tiếng nói của dân tộc. Người căn dặn các nhà báo trẻ phải có trách nhiệm đừng để cho tiếng mẹ đẻ của chúng ta mỗi ngày một mai một đi.
           
Học Bác ở phong cách viết ngắn gọn, súc tích nhưng đầy đủ, thể hiện qua một số tác phẩm như: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Đảng; Chương trình tóm tắt của Đảng; Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng vẫn đáp ứng đầy đủ các tiêu chí hình thành cương lĩnh của một đảng chính trị trong Hội nghị thành lập Đảng CSVN đầu năm 1930. Đặc biệt, có những bài chỉ trên dưới một trăm từ như “Chiếc cầu bằng người” được in trên báo Nhân dân ngày 22/11/1951, “Ai phá đạo”, Nhân dân ngày 15/2/1953; “Tên các đường phố” ngày 30/12/1954… Ngoài ra, tại các diễn văn đọc trước những buổi lễ hoặc đón tiếp các nguyên thủ quốc gia sang thăm Việt Nam cũng được Hồ Chí Minh viết ngắn gọn, súc tích như thế. Đặc biệt, những lời kêu gọi đầy khí thế hào hùng, những bức thư hay bài báo viết cho đồng bào, chiến sĩ và các cháu thanh thiếu niên cả nước rất ngắn gọn, súc tích nhưng chứa chan nhiều tình cảm. 
         
Từ kinh nghiệm hoạt động báo chí, Bác căn dặn về đề tài cho người cầm bút là "những điều mắt thấy, tai nghe". Viết báo trước tiên phải đúng sự thật, bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống với các con số, các sự kiện đã được xem xét kiểm tra, lựa chọn. Vì theo Bác, sự thật vừa là sức mạnh của bài nói, bài viết cũng đồng thời là thước đo đạo đức của người làm báo chí cách mạng. Trong những năm kháng chiến kiến quốc làm báo là để thức tỉnh, giác ngộ đường lối cách mạng đến các tầng lớp nhân dân, nhất là đông đảo quần chúng lao động, do đó, báo chí nói chung và các nhà báo cách mạng phải giúp người đọc nhận thức được các vấn đề trong nước và quốc tế, chính trị, kinh tế và văn hóa, đạo đức và xã hội, chính nghĩa và phi nghĩa…giúp cho người đọc hiểu được và có đủ khả năng nhận thức được tình hình đời sống, để có thái độ ứng xử phù hợp với lợi ích của cộng đồng, cả dân tộc. Những tư tưởng của Người, dù là các vấn đề của cuộc sống chiến đấu, lao động hằng ngày hay những vấn đề lớn của đất nước, của thời đại đều được truyền đạt một cách đầy đủ, sâu sắc, dễ hiểu, dễ nhớ, có sức thuyết phục mạnh mẽ trong mọi tầng lớp nhân dân ta.
           
Trong thời gian 50 năm làm báo, Bác chưa bao giờ nhận mình là nhà báo, nhưng được xem là người thầy cao quý của nền báo chí nước nhà, Bác đã để lại hơn 2.000 bài báo về nhiều đề tài, thể loại, kết cấu và văn phong cũng như hình thức thể hiện. Không ngừng học tập phong cách làm báo, đạo đức cách mạng sáng ngời của Bác là để rèn luyện bản lĩnh, phẩm chất của người làm báo nhằm phục vụ Đảng, Nhà nước, nhân dân và sự nghiệp xây dựng CNXH.

NGỌC HUẤN (tổng hợp)