Những ngày đầu tháng 6, lợi dụng Quốc hội đang thảo luận Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc (gọi tắt là Luật Đặc khu), các thế lực thù địch chống Việt Nam ở trong và ngoài nước đã ra sức xuyên tạc, bóp méo bản chất của dự luật, kích động, lôi kéo đông đảo người dân tham gia biểu tình vào ngày 10-6-2018 tại một số tỉnh, thành phố. Điều này không những gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, mà còn làm xấu hình ảnh một nước Việt Nam hòa bình, phát triển, thân thiện trong mắt bạn bè quốc tế.
PHẢN ĐỐI ĐIỀU KHÔNG HỀ CÓ
Chiều 11-6, tỉnh Bình Thuận tổ chức họp báo công bố các thông tin xung quanh vụ hàng trăm người quá khích tụ tập gây rối trước trụ sở UBND tỉnh. Theo đó, vụ việc bắt đầu vào trưa 10-6, trên quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong. Tại đây, hàng trăm người tập trung trên quốc lộ, phản đối việc cho thuê đất 99 năm. Nhóm người này đã dùng gạch đá ném vào lực lượng cảnh sát cơ động, làm vỡ kính nhiều xe tải lưu thông trên đường, khiến quốc lộ 1 bị kẹt xe kéo dài.
Nhiều xe ôtô trong trụ sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy ở thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, bị những người quá khích đốt cháy - Ảnh internet
Khoảng 17 giờ ngày 10-6, một nhóm người đã tụ tập trước cổng trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận, hô khẩu hiệu phản đối việc cho thuê đất 99 năm; la hét và xô đẩy nhóm công an, cảnh vệ bảo vệ UBND tỉnh. Vụ việc lên đỉnh điểm khi có hàng trăm thanh niên dùng gạch đá ném vào bên trong trụ sở UBND tỉnh, gây náo động và mất an ninh trật tự, thu hút hàng ngàn người tụ tập theo dõi, làm khu vực này giao thông tê liệt. Các đối tượng quá khích tiếp tục đập phá, gây rối và la hét; một số đối tượng còn dùng bom xăng tự chế, gạch đá và một số vật dụng tấn công lực lượng cảnh sát cơ động, sập hàng rào, đốt cháy chốt gác cổng, dãy phòng nghỉ ngơi của lực lượng công an cảnh vệ... và đốt xe tại tòa nhà Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Bình Thuận...
Đỉnh điểm vụ việc là trưa 11-6, hàng ngàn người quá khích từ thị trấn Phan Rí Cửa kéo ra quốc lộ 1, đoạn cầu Nam, ném đá, chống trả cảnh sát cơ động. Nhiều chiếc xe của lực lượng công an đóng tại trụ sở Đội cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Phan Rí đã bị đốt cháy, lật nghiêng. Các phòng làm việc bên trong trụ sở đội cũng bị đập phá tan tành.
Hiện nay, công an đang làm việc với trên 80 đối tượng đập phá, đốt cháy trụ sở cơ quan nhà nước. Đồng thời, tạm giữ hơn 200 xe máy của các đối tượng quá khích để củng cố hồ sơ phục vụ điều tra. Bước đầu, các đối tượng khai nhận do bị kích động và có người cho tiền để tham gia cùng đoàn người quá khích đập phá, ném gạch đá, bom xăng vào lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ, đập phá cơ quan nhà nước, đốt xe công vụ. Công an tỉnh Bình Thuận cũng bắt giữ kẻ đưa tiền nhằm mục đích kích động gây rối an ninh trật tự ở Bình Thuận những ngày qua.
Những người có hành vi vi phạm pháp luật và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như đã nêu chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm. Tuy nhiên, điều cần nói ở đây là việc biểu tình phản đối dự luật là cực kỳ phi lý. Bởi trong dự luật không có nội dung nào quy định ưu đãi cho các doanh nghiệp Trung Quốc. Do đó, việc phản đối dự luật này là hoàn toàn bịa đặt nhằm mục đích gây rối xã hội, cản trở sự hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hơn nữa, dự luật đã được Chính phủ và Quốc hội thống nhất không thông qua tại kỳ họp này. Vì thế, việc tụ tập đông người để phản đối điều không xảy ra là không thể chấp nhận được.
VÀ GIẶC NỘI XÂM PHÁ HOẠI TỪ BÊN TRONG
Một khi mục đích phản đối đã không còn thì hành vi quá khích làm thiệt hại tài sản của Nhà nước, gây thương tích cho người thi hành công vụ đích thực là tự biến mình từ dân thành giặc - thứ giặc nội xâm phá hoại từ bên trong, thứ giặc làm suy yếu đất nước. Ngày 13-6, Công an tỉnh Bình Thuận cùng các đơn vị liên quan đã khám nghiệm hiện trường để điều tra vụ việc gây rối, đốt xe công vụ tại trụ sở cơ quan nhà nước. Cơ quan chức năng đã kiểm tra, ghi hình xe ôtô công vụ bị đốt cháy, đập phá tại trụ sở cảnh sát phòng cháy chữa cháy ở thị trấn Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình. Các phòng làm việc, thiết bị chữa cháy bị đối tượng quá khích phá hoại cũng được cơ quan chức năng kiểm tra, thu thập để phục vụ điều tra. Theo thống kê ban đầu, có 60 ôtô và xe máy bị đốt cháy, phá hỏng và làm 78 cán bộ, chiến sĩ công an bị thương.
Ngoài ra, cổng chính trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận và vọng gác bị đập phá, nhiều đoạn tường rào bị sập; nhiều phòng làm việc của UBND tỉnh, Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở Nội vụ bị đập phá, đốt cháy. Tài sản bên trong bị đập hư hỏng hoặc lấy mất. Trên quốc lộ 1A, đoạn qua 2 huyện Tuy Phong và Bắc Bình, các đối tượng quá khích đã thiêu rụi 1 xe chở cảnh sát cơ động, 1 xe cứu thương, 1 ôtô và 1 xe máy của lực lượng công an huyện. Trong ngày 11-6, có 10 ôtô bị các đối tượng quá khích đốt, 16 xe máy bị phá hư hỏng, 30 chiến sĩ cảnh sát cơ động bị thương.
Đó là những thiệt hại có thể tính được, còn số thiệt hại không thể tính được chắc chắn sẽ còn lớn hơn nhiều. Đó là việc những người quá khích đã làm tuyến đường huyết mạch Bắc - Nam hoàn toàn tê liệt trong nhiều giờ, việc vận chuyển hành khách và hàng hóa bị đình trệ hoàn toàn. Hàng ngàn tấn hàng hóa có nguy cơ đổ bỏ, hàng vạn người sẽ đối mặt với nguy cơ mất việc làm, lỡ hợp đồng. Và sau đây sẽ có hàng trăm tỷ đồng tiền thuế chi ra để mua sắm, sửa chữa, xây dựng lại các công trình bị đập phá. Bên cạnh đó, sẽ có hàng ngàn công nhân mất việc làm vì các nhà đầu tư lo ngại về tình hình an ninh trật tự mà dời nhà máy, doanh nghiệp đi quốc gia khác. Rồi trái cây, nông sản, thủy sản xuất đi Trung Quốc bị đình trệ. Thanh long ở Bình Thuận có khả năng khó vào thị trường Trung Quốc hoặc vào được thì cũng bị ép giá. Theo các cơ quan chức năng, đã có trên 2.000 khách du lịch hủy tour qua Việt Nam vì lo ngại về tình hình an ninh trật tự ở Bình Thuận, Khánh Hòa. Các nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan đã có thông báo sẽ hạn chế khách du lịch qua Việt Nam. Điều đáng lo ngại nữa là hàng loạt hợp đồng kinh tế từ các đối tác trong và ngoài nước sẽ phải tính lại việc đầu tư vào Bình Thuận, Khánh Hòa...
Vì thế, những người tham gia bạo động ở Bình Thuận, Khánh Hòa những ngày qua, dù là vì lòng yêu nước, vì lợi ích cá nhân hay vì bất cứ mục đích nào đi chăng nữa thì họ cũng đã và đang tự biến mình thành giặc. Năm 2011, đa số người dân Lybia cho rằng, việc họ xuống đường đấu tranh là vì một điều tốt đẹp hơn. Nhưng ngày nay, hàng triệu người Lybia phải bỏ nước ra đi, hàng vạn người vùi thân dưới đáy Địa Trung Hải hoặc chết khô trên sa mạc hay đang phải đổ máu để chống lại lực lượng khủng bố. Và cuối năm 2013, đa số người Ukraine nghĩ rằng họ đứng lên vì tình yêu Tổ quốc, nhưng ngày nay đất nước này vẫn chìm trong khủng hoảng, ngửa tay xin viện trợ của phương Tây. Nhắc lại chuyện thế giới để những ai còn mơ hồ, mù quáng trước những lời kích động của các thế lực thù địch, phản động thì hãy mau tỉnh ngộ và nêu cao cảnh giác. Đừng để lòng yêu nước bị lợi dụng, rồi tự mình biến thành kẻ phản quốc.
Nguồn: Bình Phước Online