Trao đổi tại phiên họp toàn thể trong khuôn Hội nghị ngoại giao lần thứ 30 diễn ra sáng 16-8, các cán bộ ngoại giao, các Đại sứ Việt Nam tại nước ngoài cùng chung quan điểm rằng những thành tựu đối ngoại của Quốc hội trong những năm qua về song phương và đa phương đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng công tác đối ngoại của Việt Nam.
Sáng 16-8, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30, Bộ Ngoại giao đã tổ chức phiên toàn thể với chủ đề "Đối ngoại quốc hội trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng". Phiên họp có sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; cùng lãnh đạo các ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo các thời kỳ của Bộ Ngoại giao, các đại sứ, Trưởng cơ quan Đại diện Việt Nam ở nước ngoài; Chủ tịch các nhóm Nghị sỹ hữu nghị với các nước…
Khai thác lợi thế "khác biệt" của đối ngoại quốc hội
Trong bài phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, hoạt động đối ngoại của Quốc hội đã phát huy vai trò là kênh đối ngoại quan trọng, phát huy lợi thế vừa mang tính đối ngoại “nhà nước”, vừa mang tính “nhân dân” sâu sắc.
|
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu và chia sẻ nhiều mẩu chuyện ấn tượng
về những kỉ niệm đối ngoại quốc hội của chính mình với các đại biểu dự phiên họp. |
Cùng chung đánh giá này, Đại sứ Ngô Đức Mạnh, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Liên bang Nga nhận xét rằng đối ngoại quốc hội có đặc điểm "vượt trội và khác biệt", đó chính là vừa mang tính nhà nước bởi đối ngoại quốc hội là đối ngoại của cơ quan quyền lực nhà nước, song vừa mang tính nhân dân, đây có thể coi vừa là đặc điểm vừa là thế mạnh trong công tác đối ngoại quốc hội của nước ta.
"Đối ngoại Quốc hội đã có nhiều thành tựu hoàn thiện các thể chế pháp lý và tạo điều kiện công tác đối ngoại, đặc biệt là cho các cơ quan đại diện ở nước ngoài hoạt động tốt hơn. Đó cũng chính là vai trò giám sát tối cao của Quốc hội. Chúng ta giám sát các điều ước Quốc tế. Theo báo cáo tại Hội nghị này thì chúng ta có gần 1000 điều ước quốc tế, trong số đó 30% là với các đối chiến lược. Nếu làm tốt công tác này thì sẽ góp phần nâng cao hiệu quả và hoạt động đối ngoại", Đại sứ Ngô Đức Mạnh nói.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam cũng đồng tình với ý kiến của Đại sứ Ngô Đức Mạnh, cho rằng các hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội đối với công tác quản lý biên giới, ngoại vụ địa phương, bổ nhiệm Đại sứ, bảo hộ công dân đã góp phần quan trọng, nâng cao chất lượng công tác đối ngoại của Việt Nam.
|
Đại sứ Ngô Đức Mạnh, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam
tại Liên bang Nga phát biểu tham luận tại phiên họp.
|
Từ đó, Đại sứ Ngô Đức Mạnh đề xuất việc phát huy hơn nữa vai trò giám sát tối cao của quốc hội cũng như phát huy vai trò của đại biểu quốc hội - những người đại diện cho các tầng lớp của nhân dân, cho các địa phương và doanh nghiệp, hướng đến dân chủ nhân quyền. Đại sứ đồng thời đề xuất phương án giám sát hai chiều của quốc hội đối với cán bộ ngoại giao, mời các đại sứ trưởng cơ quan đại diện tại các địa bàn lớn, quan trọng báo cáo giải trình trực tiếp với quốc hội, song song với việc đẩy mạnh công tác phối hợp trao đổi thông tin cung cấp kiến thức cho ủy ban đối ngoại quốc hội.
Phát huy tối đa vai trò của quốc hội trên diễn đàn quốc tế
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam, trong 70 năm qua, đối ngoại Quốc hội là bộ phận hữu cơ thiết yếu của đối ngoại Đảng, Nhà nước ta, tạo thế chân kiềng vững chắc và sức mạnh tổng hợp trên mặt trận đối ngoại. “Ngày nay, Quốc hội Việt Nam đã có quan hệ song phương sâu rộng với Nghị viện của gần 180 quốc gia, và là thành viên tích cực của nhiều tổ chức Nghị viện đa phương như Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Liên minh nghị viện ASEAN (IPA), Liên minh nghị viện Cộng đồng Pháp ngữ (IPF), là thành viên sáng lập Diễn đàn Nghị viện các nước châu Á-Thái Bình Dương (APPF), Tổ chức Liên nghị viện các nước châu Á vì hòa bình".
Trong bài tham luận về việc phát huy vai trò của Việt Nam tại IPU, Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva cho biết, Quốc hội Việt Nam luôn là thành viên tích cực trách nhiệm trong IPU thông qua việc tham gia đầy đủ các cơ chế của IPU.
|
Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc
và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva chia sẻ về hướng phát huy vai trò của Việt Nam tại IPU.
|
"Đặc biệt với tư cách là thành viên của ban chấp hành IPU, quốc hội nước ta đã đóng góp rất nhiều nội dung quan trọng trong việc hoạch định các chiến lược tầm nhìn chương trình hành động của IPU. Thành công của Đại hội đồng liên minh nghị viện thế giới (IPU) lần thứ 132 do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức không chỉ tiếp tục nâng cao vị thế mà còn cho thấy Quốc hội Việt Nam có đầy đủ năng lực để dẫn dắt các đường hướng trong IPU", ông nhấn mạnh.
Đại sứ Dương Chí Dũng cũng đồng thời đưa ra một số đề xuất quan trọng nhằm phát huy tối đa vai trò của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế, bao gồm việc tăng cường theo dõi quá trình tương tác giữa các quyết sách tại LHQ với các thảo luận, quyết định tại IPU nhằm tham mưu về những vấn đề thuộc mối quan tâm của quốc tế, trên cơ sở hài hòa lợi ích của đất nước nhằm tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ của Việt Nam; thúc đẩy các hoạt động tiếp xúc song phương, đặc biệt là tiếp xúc ở cấp cao; thường xuyên trao đổi thông tin giữa các cơ quan quốc hội với các cơ quan của bộ ngoại giao.
Chủ động đưa ra sáng kiến, định hình luật chơi
Một trong những thành tựu được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh trong bài phát biểu, đó là việc đối ngoại Quốc hội đã từng bước được nâng tầm từ tham gia sang chủ động đóng góp xây dựng và hiện nay đang đẩy mạnh việc đề xuất sáng kiến và định hình luật chơi theo hướng thúc đẩy dân chủ hóa quan hệ quốc tế, chống cường quyền nước lớn và bảo đảm cục diện khu vực được định hình trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Phát biểu bên lề phiên họp, ông Vũ Hải Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội đã một lần nữa tái khẳng định điều này, cho rằng ngoài việc chủ động tích cực tham gia các diễn đàn, đóng góp vào nội dung, quốc hội ta đã chủ động đăng cai các kỳ đại hội đồng của các diễn đàn nghị viện như IPU-132 với Tuyên bố Hà Nội, hay Diễn đàn APPF 26.
|
Ông Vũ Hải Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội trao đổi với phóng viên bên lề phiên họp.
|
Bàn về những thách thức của ngoại giao quốc hội trong thời kỳ mới, ông cho biết: "Thách thức thì nhiều! Nhưng chúng tôi cho rằng, về mặt pháp luật chúng tôi sẽ tiếp tục có những nghiên cứu đóng góp để hoàn thiện hơn nữa các thể chế pháp lý, góp phần thúc đẩy tiến trình hội nhập sâu rộng. Tích cực giám sát thực hiện cam kết của chúng ta tại các diễn đàn đa phương và các điều ước mà chúng ta là thành viên. Có như vậy những cam kết và sự phát triển của chúng ta mới bền vững!".
Đăc biệt, ông nhấn mạnh, ngoại giao quốc hội trong thời kì tới sẽ tham gia tích cực tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế bằng cách chủ động đưa ra sáng kiến, định hình luật chơi theo tinh thần Nghị quyết Trung ương khóa 12.
Nhất trí với chia sẻ này, ông Phạm Hải Anh, Vụ trưởng Vụ các Tổ chức quốc tế Bộ Ngoại giao khẳng định, trên các diễn đàn đối ngoại đa phương, quốc hội ta đã chủ động đóng góp tích cực thúc đẩy nhận thức chung về các vấn đề toàn cầu, thúc đẩy hợp tác quốc tế và chung tay tìm giải pháp cho các vấn đề quốc tế nóng.
"Quốc hội Việt Nam cũng đã tham gia chủ động với các sáng kiến cụ thể, đóng góp vào cải cách và xây dựng luật chơi tại các diễn đàn đa phương; bảo vệ các lợi ích lớn của đất nước, đấu tranh chống lại các luận điệu sai lệch", ông nói.
Nguồn: CAND Online