Admin
Đồng chí Trần Tuyết Minh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước: Coi trọng công tác, chính sách dân tộc
Thứ Hai, 25/01/2016
Lượt xem: 1228
Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết, nhiệm kỳ qua, công tác dân tộc ở Bình Phước có những điểm nổi bật nào?
Đồng chí Trần Tuyết Minh: Nhiệm kỳ qua, công tác dân tộc và chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) luôn được các cấp ủy, chính quyền, các ngành, địa phương của tỉnh Bình Phước quan tâm, thể hiện trong tất cả chính sách phát triển. Các chương trình, dự án, chính sách dân tộc của Trung ương được triển khai thực hiện tốt, đúng lộ trình giải ngân, ưu tiên nguồn vốn, bảo đảm công bằng, đúng đối tượng thụ hưởng.
Đồng chí Trần Tuyết Minh (thứ 4 từ phải sang) và các đại biểu thuộc đoàn Bình Phước
tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đang được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội - Ảnh: Phạm Tăng
Đặc thù của Bình Phước là một tỉnh miền núi với 40 dân tộc thiểu số chiếm gần 20% số dân toàn tỉnh, cư trú đan xen trên 107 trong tổng số 111 xã, phường, thị trấn. Các dân tộc bản địa sinh sống lâu đời có S’tiêng, Mnông, Khmer…, còn lại di cư từ các tỉnh miền núi phía bắc. Phần lớn đồng bào cư trú ở vùng khó khăn, giáp ranh các tỉnh Tây Nguyên, giáp biên giới với Cam-pu-chia, địa bàn có vị trí đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh và môi trường sinh thái. Bởi vậy, tỉnh đã có những chính sách đặc thù để chăm lo đồng bào các DTTS, như: hỗ trợ kinh phí cho sinh viên người DTTS thuộc hộ nghèo, cận nghèo; thông tin, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; tăng cường biện pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng bán điều non, vay tiền lãi suất cao, cầm cố đất, bán đất. Nét mới ở Bình Phước là hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ công tác dân tộc được triển khai với nhiều đề tài, dự án… Phần lớn đồng bào đã định canh, định cư, có cuộc sống tương đối ổn định và đang trên đà phát triển, nhiều hộ nông dân giỏi, nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả được hình thành, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn hơn 2,5%. Các vấn đề bức xúc trong nhân dân từng bước được giải quyết. Con em đồng bào DTTS được bình đẳng trong giáo dục, liên tục bổ sung cho nguồn cán bộ của tỉnh. Bình Phước hiện có hơn 1.000 cán bộ, công chức, viên chức, hơn 1.900 đảng viên là người DTTS; có 89 Hội đồng già làng với 400 người có uy tín.
PV: Để công tác dân tộc mang lại hiệu quả thiết thực hơn cho đồng bào DTTS trong thời gian tới, Bình Phước có đề xuất gì?
Đồng chí Trần Tuyết Minh: Với đặc thù là tỉnh miền núi, nhiều đồng bào DTTS, có đường biên giới dài hơn 260 km với Cam-pu-chia, là vùng căn cứ cách mạng trong kháng chiến, đồng bào DTTS ở Bình Phước dù đã được quan tâm, vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi mong muốn Trung ương xem xét cho Bình Phước được hưởng các chính sách như vùng Tây Nguyên, từ đó tỉnh sẽ có thêm điều kiện thuận lợi để tập trung nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào DTTS, rút ngắn khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền, nhất là với những vùng sâu, vùng xa và các tầng lớp xã hội. Cộng đồng các dân tộc ở Bình Phước đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; luôn giữ vững niềm tin với Đảng, Nhà nước. Đoàn đại biểu chúng tôi và đồng bào các dân tộc ở Bình Phước tin tưởng và kỳ vọng vào sự thành công của Đại hội XII của Đảng, cũng như kỳ vọng lớn vào tương lai phát triển bền vững của đất nước.
PV: Xin cảm ơn đồng chí.
Nguồn: Bình Phước Online