Admin
Gian nan cuộc chiến với tội phạm ma túy - Bài 2
Lượt xem: 735
CẦN CỤ THỂ HÓA CHÍNH SÁCH CAI NGHIỆN 

Cùng với đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện luôn được các cơ quan chức năng của tỉnh quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện. Tuy nhiên, tệ nạn ma túy ngày càng diễn biến phức tạp, trong khi cơ sở vật chất, các chương trình, dự án hỗ trợ người cai nghiện và quản lý sau cai nghiện còn nhiều bất cập; nhận thức và hành vi của cộng đồng đối với người sau cai nghiện còn hạn chế nên việc hỗ trợ người sau cai nghiện gặp nhiều khó khăn.

SỐ NGƯỜI NGHIỆN TĂNG

Hằng năm, Công an tỉnh đều có kế hoạch tổng điều tra, rà soát tình hình tội phạm và người nghiện ma túy trên toàn địa bàn. Năm 2008, toàn tỉnh có 943 người nghiện ma túy, nay đã tăng lên 1.635 người. Trong số này có 1.221 người nghiện đang ở ngoài xã hội, 39 người được quản lý trong các nhà tạm giữ, 94 người trong trại tạm giam, 228 trường hợp trong cơ sở cai nghiện, cơ sở giáo dục và 3 người cai nghiện tự nguyện. Đa số người nghiện là nam giới, tuổi từ 14 đến trên 40, trong đó khoảng 80% sử dụng ma túy tổng hợp - dạng ma túy rất khó phát hiện và để lại hậu quả nghiêm trọng hơn loại ma túy thông thường.

Học viên vào cai nghiện tại Trung tâm Chữa bệnh, Giáo dục và Lao động xã hội tỉnh được đào tạo nghề đan ghế nhưng khi trở về địa phương lại không tìm được việc làm phù hợp nên nguy cơ tái nghiện cao

Đại tá Trần Xuân Lâm, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh cho biết: Tỷ lệ người nghiện và tái nghiện ngày càng trẻ hóa, chủ yếu từ 18 đến dưới 30 tuổi. Điều khiến chúng ta phải quan tâm là số người nghiện tăng sẽ kéo theo sự gia tăng của các loại tội phạm khác. Theo rà soát, trong tổng 1.635 người nghiện thì 75 người có tiền án các tội về ma túy; 1.310 người đã bị xử lý vi phạm hành chính về ma túy; 237 người nghiện nghi vấn có liên quan đến các loại tội phạm khác và 52 người nghiện có biểu hiện “ngáo đá”.

Để giúp các đối tượng có cơ hội cai nghiện, hòa nhập cộng đồng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các kế hoạch, đề án về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện. Theo đó, Sở LĐ-TB&XH đã chỉ đạo Trung tâm Chữa bệnh, Giáo dục và Lao động xã hội thực hiện cai nghiện ma túy cho 1.036 học viên, trong đó cai nghiện bắt buộc 958 học viên và 78 học viên cai nghiện tự nguyện. Đồng thời, sở phối hợp với phòng LĐ-TB&XH, công an các huyện, thị xã kiểm tra, xác minh 663 đối tượng cai nghiện ma túy đã chấp hành xong quyết định cai nghiện bắt buộc và hòa nhập cộng đồng.

Ông Hồ Trung Kiên, Phó giám đốc Trung tâm Chữa bệnh, Giáo dục và Lao động xã hội cho biết: Trung tâm đang tiếp nhận hồ sơ cai nghiện của 280 học viên, tuổi từ 18 đến trên 40. Học viên vào cai nghiện được tuyên truyền các nội quy, quy định của trung tâm và quy định pháp luật về phòng, chống ma túy, mại dâm, HIV; điều trị cắt cơn; khám và điều trị bệnh thông thường; dạy văn hóa, giáo dục nhóm, giáo dục cá biệt... Tuy nhiên, do điều kiện cơ sở vật chất không phù hợp, một số phòng xuống cấp không thể đưa vào sử dụng dẫn đến tình trạng quá tải.

Để giúp người nghiện cai thuốc, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 175/KH-UBND, ngày 15-9-2014 về “Triển khai chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone tại tỉnh Bình Phước giai đoạn 2014-2020”. Hiện nay, kế hoạch được thực hiện thí điểm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Tuy nhiên, số người nghiện đến đăng ký điều trị rất ít. Từ tháng 6-2016 đến nay, chỉ có 171 bệnh nhân đến điều trị bằng methadone. Công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng cũng được một số xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh triển khai theo Nghị định số 94/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện còn mang tính hình thức, hiệu quả thấp.

CẦN CỤ THỂ HÓA CHÍNH SÁCH CAI NGHIỆN

Tại lễ tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 26-3-2008 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới”, ông Võ Văn Mãng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Hiện trên địa bàn tỉnh có 1 Trung tâm Chữa bệnh, Giáo dục và Lao động xã hội nhưng từ khi thành lập đến nay, trung tâm không có bác sĩ, do đó công tác điều trị nghiện ma túy còn nhiều lúng túng, hạn chế. Mặt khác, ngành y tế lại không thường xuyên tổ chức tập huấn phác đồ điều trị cho người nghiện các loại ma túy mới nên việc điều trị cai nghiện, cắt cơn cho học viên gặp khó khăn”.

Bên cạnh đó, công tác chuyển đổi mô hình cai nghiện ma túy tại trung tâm thực hiện thành các khu: cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tự nguyện, cơ sở xã hội, điều trị methadone và nâng cấp trung tâm theo Kế hoạch số 230/KH-UBND, Kế hoạch số 97/KH-UBND của UBND tỉnh chưa được thực hiện do chưa được phân bổ kinh phí. Do đó, công tác tiếp nhận người nghiện ma túy vào cai nghiện bắt buộc tại trung tâm cũng đang gặp khó khăn, trong khi việc cai nghiện tại gia đình và cộng đồng hiện không hiệu quả. Người nghiện ma túy thường không tự giác đăng ký hình thức cai nghiện cho mình tại cộng đồng. Bên cạnh đó, kinh phí hỗ trợ dạy nghề cho người nghiện ma túy tại trung tâm và hỗ trợ người nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng quá thấp, không đủ để học viên theo học bất cứ khóa học nào... Những bất cập nêu trên trong công tác cai nghiện và sau cai nghiện là cái vòng luẩn quẩn và là trở lực không nhỏ trong việc thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW của Bộ Chính trị.

Hiện nay, trung tâm đã liên hệ với một số cơ sở đan ghế nhựa để giúp học viên học nghề, có việc làm và thu nhập trong quá trình cai nghiện. Tuy nhiên, khi trở về gia đình, học viên không tìm được việc làm phù hợp hoặc không có vốn lập nghiệp theo nghề mình được học trong trại cai nghiện. Có trường hợp do lười lao động, bị các đối tượng xấu rủ rê nên tái nghiện. Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong tổng 663 đối tượng đã chấp hành xong quyết định cai nghiện bắt buộc, hiện chỉ  109 người có việc làm, 48 người không có việc làm, 409 người không còn ở địa phương; 19 đối tượng đã chết, 36 đối tượng đi tù, 39 đối tượng tái nghiện; 3 đối tượng chuyển AIDS.

Năm 2010, anh L.Đ.S, trú xã Đức Liễu (Bù Đăng) chấp hành xong cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm Chữa bệnh, Giáo dục và Lao động xã hội tỉnh nhưng đã tái nghiện và quay lại cai nghiện lần 2 vào tháng 11-2016. Anh L.Đ.S nói: “Tuổi trẻ nông nổi nên tôi sa vào con đường nghiện ngập. Dù trước đó được gia đình, chính quyền đưa đi cai nghiện nhưng khi trở về địa phương do không có việc làm, lại bị bạn nghiện lôi kéo nên đã quay lại con đường cũ. Năm 2016, tôi được đưa đi cai nghiện bắt buộc lần 2 và mới trở về địa phương vào cuối tháng 9 năm nay. Tôi rất hối hận, chỉ mong được gia đình, chính quyền quan tâm giúp đỡ. Tôi sẽ tu chí làm ăn để không làm khổ gia đình”.

Phòng, chống tệ nạn ma túy luôn là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp. Cùng với tổ chức cai nghiện bằng nhiều hình thức, công tác giải quyết việc làm sau cai nghiện là vô cùng quan trọng. Nếu không làm tốt khâu này thì bao công sức, tiền bạc và thời gian của bản thân người nghiện, từng gia đình và cán bộ trong các trung tâm cai nghiện sẽ trở nên vô ích khi người nghiện sớm trở lại con đường cũ. Bởi thế, ngoài sự nỗ lực của bản thân người nghiện, từng gia đình, địa phương cần quan tâm tạo điều kiện để người sau cai nghiện không bị kỳ thị, có việc làm, có thu nhập. Khi đó, họ sẽ bớt dần mặc cảm, thấy mình là người có ích để càng có quyết tâm đoạn tuyệt với “nàng tiên nâu”. Từ đó sẽ giảm được số người nghiện ma túy, cũng đồng nghĩa với việc giảm các loại tội phạm khác. Nhưng để làm được điều này, không thể chỉ tuyên truyền, động viên chung chung mà phải có kinh phí, phải bố trí con người để thực hiện và phải kiểm tra, theo dõi. Bên cạnh đó, hằng năm tỉnh cần bố trí nguồn kinh phí để từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở cai nghiện trên địa bàn tỉnh. Ngoài nguồn ngân sách nhà nước, tỉnh cần kêu gọi xã hội hóa công tác cai nghiện để giảm gánh nặng cho ngân sách; đồng thời từng bước tinh gọn bộ máy trong lĩnh vực công tác này.

Nguồn: Bình Phước Online