Hình ảnh người chiến sĩ Công an trong nét bút của một gia đình họa sĩ
Bác Thập kể, ngay từ khi biết thông tin Bộ Công an có tổ chức cuộc thi sáng tác tranh cổ động, bác cùng 2 con của mình quyết tâm sáng tác để mong có cơ hội gửi tác phẩm dự giải. “Lúc ấy, ba bố con tôi vẽ thì cứ vẽ bằng tâm huyết của mình thôi, chứ ai nghĩ rằng mình lại được trao giải cao đến thế”.
Mới đây (ngày 9/1), Tổng cục Chính trị CAND tổ chức lễ tổng kết và khai mạc triển lãm về hình tượng người chiến sĩ CAND. Dạo quanh một vòng triển lãm với hàng trăm bức tranh được trưng bày, bác Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội quay sang bảo tôi: “Lâu nay, không ít người cứ nhìn vào một số tiêu cực có thể xảy ra cục bộ ở một số nơi đâu đó mà thiếu thiện cảm với lực lượng Công an. Nhiều người chưa hiểu hết được những hi sinh, vất vả của Công an trong các lĩnh vực như phòng chống tội phạm, ma túy,… trong suốt 70 năm qua để đảm bảo an toàn, tính mạng và tài sản cho nhân dân; bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội”.
Dừng lại ở góc những bức tranh đoạt giải, bác Chức giải thích thêm: “Chính vì vậy, phải hiểu được về Công an, phải có những trải nghiệm thực tế cùng với họ thì những họa sĩ mới có thể vẽ ra được những bức tranh có cái thần, có tình cảm cũng như phản ánh được một cách chính xác nhất về hình tượng người chiến sĩ CAND. Cậu nhìn hai bức tranh này đi (bức tranh đoạt giải nhất và giải nhì - PV), tôi tin chắc tác giả của nó ít nhất phải là những người rất gắn bó với lực lượng CAND”.
Cũng đúng lúc đó, Trung tướng Lê Văn Đệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND gọi tôi đến và giới thiệu: “Đây là bác Nguyễn Anh Thập (ở TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc), tác giả đã vượt qua 282 tác phẩm để giành được giải nhì của cuộc thi. Nhưng có điều đặc biệt là trong cuộc thi này, ngoài bác ấy ra, thì cậu con trai của bác còn giành được giải nhất và một cậu con trai khác cũng có đến bốn bức tranh được trưng bày ở triển lãm này. Đó là điều hiếm gặp, cậu mà ngồi trò chuyện với bác ấy, có khi còn ra được nhiều chuyện hay”.
Bác Thập năm nay ở tuổi 73, tóc đã bạc trắng, nhưng nói chuyện thì vẫn còn tinh anh và hào hứng lắm. Nghe Ban tổ chức mời hai bố con xuống Hà Nội nhận giải, cả nhà bác mừng. Thế là ngay từ sáng sớm, con trai của bác là anh Nguyễn Anh Minh (31 tuổi), người giành giải nhất của cuộc thi đã cùng bố đi xe khách xuống Thủ đô. Hà Nội ngày hôm đó rét buốt, nhiệt độ xuống chỉ còn 12 độ C. Qua những con phố ướt nhèm vì những cơn mưa dai dẳng mãi không dứt, cuối cùng hai bố con bác cũng trở thành một trong những người có mặt sớm nhất tại địa điểm tổ chức triển lãm.
Bác Thập chia sẻ, bác nguyên là Giám đốc Trung tâm Văn hóa, thể thao (thuộc Sở Văn hóa, Thông tin, nay là Sở VH-TT&DL tỉnh Phúc). Nói về kỉ niệm với lực lượng Công an, bác bảo, bác là người may mắn được tiếp xúc với lực lượng Công an tương đối nhiều. Năm 1995, thực hiện Nghị định 87 của Chính phủ về “Tăng cường quản lý các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa, đẩy mạnh bài trừ một số tệ nạn xã hội nghiêm trọng”, tỉnh Vĩnh Phúc lúc ấy có thành lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm các thành phần: Công an, văn hóa, lao động thương binh và xã hội, y tế, thương nghiệp, gọi tắt là đoàn kiểm tra liên ngành 87 do bác Thập làm Trưởng đoàn.
Trung tướng Lê Văn Đệ trao giải nhất cho tác giả Nguyễn Anh Minh.
Khi mới được thành lập và triển khai công tác, đoàn gặp rất nhiều khó khăn. Do là công việc mới, chưa có kinh nghiệm. Hơn nữa, lúc đó cùng với kinh tế phát triển, các sản phẩm văn hóa ngoại lai du nhập vào cũng rất nhanh. Các loại hình như băng đĩa đồi trụy, karaoke có tiếp viên hay mại dâm cũng hoạt động không dễ bề kiểm soát. “Nếu không có lực lượng Công an đi cùng, chắc chúng tôi khó lòng mà thực hiện tốt được nhiệm vụ của mình”, bác Thập khẳng định.
Bác Thập kể tiếp, nhờ kinh nghiệm phòng chống tội phạm của lực lượng Công an, và thêm cái uy nghiêm của họ, nên gần như đoàn cứ kiểm tra ở địa điểm có vi phạm, các hộ kinh doanh không dám có hành động gì ngăn cản hay làm khó dễ.
Đó chỉ là một trong số rất nhiều kỉ niệm mà bác Thập đã có được với lực lượng Công an trong quá trình công tác cũng như trong cuộc sống của mình. Ngoài công việc chuyên môn, thì vẽ tranh còn là một trong những niềm đam mê của bác. Bác bảo, vẽ về hình ảnh người chiến sĩ Công an thì bác đã vẽ nhiều, nhưng vẽ để đem đi dự thi, thì đây là lần đầu tiên.
Bác kể, ngay từ khi biết thông tin Bộ Công an có tổ chức cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỉ niệm 70 năm Ngày truyền thống CAND và 10 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bác cùng 2 con của mình quyết tâm sáng tác để mong có cơ hội gửi tác phẩm dự giải. “Lúc ấy, ba bố con tôi vẽ thì cứ vẽ bằng tâm huyết của mình thôi, chứ ai nghĩ rằng mình lại được trao giải cao đến thế”.
Sau một thời gian dài cân nhắc, cuối cùng, bác Thập quyết định thể hiện bức tranh của mình trên màu nền trắng toát- màu lông thanh bạch của cánh chim bồ câu, biểu tượng của hòa bình. Ngay trên đầu của con chim bồ câu đang dang cánh là lá cờ đỏ sao vàng thiêng liêng. Còn ở phía dưới, khu vực giữa trung tâm là huy hiệu Công an nhân dân. “Nhìn vào bức tranh này, người xem có thể thấy được, bao quát lên nó là sự yên lành, hòa bình. Con chim bồ câu đang dang rộng đôi cánh để bay dưới lá cờ Tổ quốc, có nghĩa là sự yên bình của cả một đất nước, một dân tộc có lá cờ đỏ sao vàng - đất nước Việt Nam chúng ta. Và không ai khác, chính những người chiến sĩ Công an là người đã căng mình suốt 70 năm qua để giữ yên bình cho nhân dân trên khắp nẻo đường hình chữ S. Từ thành thị đến nông thôn, từ Nam chí Bắc, từ miền ngược đến miền xuôi…”, bác Thập hào hứng giải thích.
Câu chuyện giữa tôi với bác Thập, với anh Minh con trai bác và bác Chức còn kéo dài đến tận khi chỉ còn ít người ở lại phòng triển lãm. Anh Minh, người đoạt giải nhất của cuộc thi bảo: “Thôi, trời gần tối rồi, bây giờ thì bố con tôi phải ra ngay bến kẻo hết xe khách. Hôm nào có điều kiện, mời cậu lên nhà tôi chơi. Chính tôi cũng có nhiều câu chuyện muốn chia sẻ với cậu trong quá trình tôi vẽ về lực lượng Công an”.
Tôi mong chờ cuộc gặp sắp tới với anh Minh, vì tôi tin rằng, trong suy nghĩ của người thanh niên trẻ tuổi ấy, phải có một ký ức gì đó sâu sắc lắm, thì cái đôi mắt của người chiến sĩ Công an mà anh vẽ ra trong bức tranh đoạt giải nhất của mình, nó mới truyền thần và uy nghiêm đến vậy.
Nguồn: cand.com.vn