Admin
Hướng tới Kỷ niệm 41 năm ngày giải phóng tỉnh Bình Phước (23-3-1975 - 23-3-2016): Nguyên nhân thắng lợi và những bài học kinh nghiệm (Bài 2)
Lượt xem: 1467
Nguyên nhân thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống mỹ cứu nước của đảng bộ và nhân dân Bình Phước

>>> Phong trào đấu tranh của Đảng bộ và nhân dân Bình Phước từ 1954-1975 (Bài 1)

Thứ nhất: Nhờ vào đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam; nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo tài giỏi của Trung ương Đảng, Xứ ủy Nam bộ, Trung ương Cục miền Nam; sự chi viện giúp đỡ to lớn từ hậu phương miền Bắc và tình đoàn kết chiến đấu của Đảng bộ, quân, dân các tỉnh miền Đông Nam bộ.

Thứ hai: Nhân dân các dân tộc trong tỉnh có lòng trung thành vô hạn, quyết tâm cách mạng cao, có năng lực sáng tạo phong phú, tinh thần phấn đấu hy sinh bền bỉ và ý chí tự lực, tự cường. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, mọi tầng lớp nhân dân không phân biệt người Kinh, đồng bào dân tộc thiểu số, lương, giáo, đoàn kết thành một khối, tất cả đều tham gia kháng chiến, vận dụng linh hoạt mọi hình thức và phương pháp đấu tranh, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ.



Chiến sĩ Quân đoàn 4 cắm cờ “Quyết chiến quyết thắng”
trên dinh Tỉnh trưởng Phước Long lúc 10 giờ 30 phút ngày 6-1-1975 - Ảnh: Tư liệu

Thứ ba: Qua rèn luyện thử thách, Đảng bộ tỉnh Bình Phước không ngừng được củng cố, xây dựng và trưởng thành, trở thành hạt nhân lãnh đạo, là bộ phận tham mưu có kinh nghiệm của phong trào cách mạng, được nhân dân tin yêu, gắn bó và đùm bọc.

Thứ tư: Lực lượng vũ trang Bình Phước trong kháng chiến bao gồm ba thứ quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, không ngừng được củng cố và trưởng thành, phát huy bản chất tốt đẹp của quân đội cách mạng và truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, trở thành lực lượng nòng cốt của phong trào cách mạng địa phương, góp phần cùng nhân dân làm nên những chiến công vẻ vang.

Những bài học kinh nghiệm

Thứ nhất: Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định hàng đầu bảo đảm thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Thứ hai: Nhân dân và các lực lượng vũ trang tỉnh Bình Phước yêu nước, một lòng đi theo Đảng, đi theo Bác Hồ, chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, bền bỉ, lao động quên mình vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội và vì quyền con người.

Thứ ba: Nắm chắc và vận dụng sáng tạo phương châm đấu tranh hai chân ba mũi giáp công, ba vùng chiến lược, xây dựng các đội, mũi công tác bám sát địa bàn, luồn sâu vào các ấp chiến lược, thị trấn, thị xã, phát động và tổ chức quần chúng hành động cách mạng. Xây dựng được lực lượng vũ trang ba thứ quân, công tác binh vận được quán triệt từ Tỉnh ủy đến tận người dân. 

Thứ tư: Tổ chức đảng luôn được củng cố và phát triển. Các cấp ủy luôn thể hiện sự đoàn kết nhất trí cao trong mọi chủ trương, sâu sát cơ sở, nhạy bén được tình hình, dân chủ bàn bạc công việc, kịp thời giải quyết những vấn đề mới nảy sinh, vừa đảm bảo nguyên tắc vừa phù hợp với tình hình địa phương.

Thứ năm: Vấn đề xây dựng vùng căn cứ cách mạng phải được thường xuyên quan tâm đúng mức, xuyên suốt trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Thứ sáu: Sự chi viện của Trung ương, Trung ương Cục miền Nam và các chiến trường bạn làm tăng thêm sức mạnh vật chất, tinh thần và nâng cao trách nhiệm của nhân dân và Đảng bộ Bình Phước trước phong trào cách mạng cả nước.

Ngày giải phóng tỉnh Bình Phước là 23-3-1975


Ngày 15-4-2015, Tỉnh ủy tổ chức hội nghị lấy ý kiến của các nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học và các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh để xác định ngày giải phóng tỉnh Bình Phước. Từ tất cả ý kiến tại hội nghị, tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghiên cứu, thảo luận nghiêm túc với tinh thần khách quan, khoa học, trách nhiệm với lịch sử. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đi đến thống nhất chọn ngày 23-3-1975 - ngày giải phóng quận An Lộc là trung tâm hành chính của tỉnh Bình Long làm ngày GIẢI PHÓNG TỈNH BÌNH PHƯỚC với các lý do sau đây:

Thứ nhất, về nguyên tắc:

Nguyên tắc đầu tiên: Cần phải được tôn trọng và xem xét theo quan điểm lịch sử cụ thể, có nghĩa là phải xem xét vấn đề gắn với bối cảnh lịch sử ở thời điểm xảy ra sự kiện. Trong trường hợp này, chúng ta phải ghi nhận cơ cấu tổ chức hành chính và vị thế của các địa phương trong tỉnh Bình Phước ngày nay đúng như hiện trạng ở giai đoạn 1972-1975, tức là ở từng thời điểm được giải phóng, chỉ có 2 quận Phước Bình và An Lộc là tỉnh lỵ (trung tâm hành chính) của 2 tỉnh Phước Long và Bình Long. Các quận còn lại như Bù Đăng, Bù Đốp, Lộc Ninh, Chơn Thành, kể cả quận Đôn Luân (thị xã Đồng Xoài ngày nay) đều là quận nhỏ không phải trung tâm hành chính của tỉnh lúc bấy giờ.

Nguyên tắc thứ hai: Để chọn một ngày có tính chất đại diện cho một chuỗi sự kiện, bao giờ cũng phải lấy ngày diễn ra sự kiện tại trung tâm chính trị - hành chính, nơi đặt bộ máy chính quyền đầu não của đất nước hoặc địa phương.

Nếu tuân thủ các nguyên tắc trên và đối chiếu với tình hình thực tế ở 2 tỉnh Phước Long và Bình Long lúc đó thì chỉ có 2 ngày được chọn là 6-1-1975 ngày giải phóng Phước Bình, trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Phước Long và ngày 23-3-1975 ngày giải phóng An Lộc, trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Bình Long.

Thứ hai: Ngoài các nguyên tắc trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy còn căn cứ vào các tiêu chí sau đây để xác định ngày giải phóng của tỉnh Bình Phước:

Ngày giải phóng là ngày diễn ra tại trung tâm chính trị - hành chính, nơi đặt bộ máy chính quyền đầu não của đối phương đã sụp đổ toàn diện về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa - xã hội.

Sự kiện này phải nằm trong chuỗi sự kiện của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Ngày 6-1-1975 giải phóng tỉnh Phước Long là “trận trinh sát chiến lược” rất quan trọng đối với địa phương và với cả toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nhưng lại không liên quan trực tiếp và không nằm trong chuỗi sự kiện của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Mặt khác, lúc đó ngày 6-1-1975 giải phóng Phước Long thì mới chỉ là giải phóng một nửa tỉnh Bình Phước ngày nay. Do vậy, nếu chọn ngày 6-1 là ngày giải phóng tỉnh Bình Phước là chưa đầy đủ ý nghĩa và các tiêu chí, nguyên tắc.

Chính vì vậy, 23-3-1975 là ngày giải phóng An Lộc, trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Bình Long là sự kiện đã đáp ứng đầy đủ và trọn vẹn các nguyên tắc và tiêu chí để chọn ngày giải phóng tỉnh Bình Phước.

Ngoài ra, về mặt thực tế các tỉnh và thành phố ở miền Nam thường chọn ngày giải phóng của tỉnh là ngày mà địa phương nơi trung tâm tỉnh hiện nay được giải phóng. Nhưng riêng tỉnh Bình Phước trung tâm tỉnh hiện nay không phải đặt tại Phước Long hoặc Bình Long, mà tại Đồng Xoài (tức trung tâm quận Đôn Luân ngày xưa được giải phóng vào ngày 26-12-1974). Cho nên Ban Thường vụ Tỉnh ủy chọn 23-3-1975 là ngày giải phóng An Lộc, trung tâm tỉnh lỵ Bình Long vì lúc này toàn bộ chính quyền đầu não của 2 tỉnh Phước Long, Bình Long đã sụp đổ, hầu hết đất đai, dân số ở các địa phương thuộc tỉnh Bình Phước hiện nay đã được giải phóng nên chọn 23-3-1975 là ngày giải phóng tỉnh Bình Phước là khách quan, khoa học và đầy đủ ý nghĩa nhất.

Nguồn: Bình Phước Online