Admin
KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY TỔNG TUYỂN CỬ ĐẦU TIÊN (6-1-1946 - 6-1-2016): Mốc son lịch sử của Quốc hội Việt Nam
Lượt xem: 1222
Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo phải tập trung tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc dân đại hội (Quốc hội). Ngày 8-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 14 và ngày 17-10-1945 ký Sắc lệnh số 51 về tổ chức Tổng tuyển cử. Trên cơ sở các sắc lệnh đó, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa diễn ra ngày 6-1-1946. 70 năm đã đi qua, âm hưởng của ngày Tổng tuyển cử bầu đại biểu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập vẫn còn vang vọng mãi và là mốc son sáng ngời trong những trang sử vàng của dân tộc.

NGÀY HỘI NON SÔNG

Chỉ hơn 4 tháng sau ngày độc lập, nhân dân ta đón chào ngày hội lớn, ngày Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Lần đầu tiên, người dân nước Việt được tự do thảo luận, bàn bạc và chọn lựa những đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực cao nhất đất nước. Nhưng cuộc bầu cử diễn ra trong hoàn cảnh chính trị rất phức tạp. Ở Nam bộ và Nam Trung bộ, thực dân Pháp mở rộng chiến tranh xâm lược. Chúng âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta và dựng lên chế độ “Nam kỳ tự trị” với một chính phủ bù nhìn tay sai. Ở miền Bắc, 18 vạn quân Tưởng lấy danh nghĩa đồng minh tràn vào tước vũ khí quân Nhật và kéo theo bè lũ tay sai về nước. Mặc dù bị bao vây bởi “thù trong, giặc ngoài”, với nhiều thủ đoạn bỉ ổi, đe dọa và xuyên tạc nhưng nhân dân các nơi vẫn phân biệt được trắng đen, bày tỏ niềm tin tưởng vào những đại biểu Việt Minh và người yêu nước chân chính. Nhân dân Hà Nội phấn khởi khi được tin Chủ tịch Hồ Chí Minh ứng cử ở thủ đô. Trong phát biểu ngày 5-1-1946, Hồ Chủ tịch kêu gọi: “Ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta đến con đường mới mẻ. Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân bắt đầu được hưởng quyền dân chủ của mình”.(1)



Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ lá phiếu đầu tiên bầu cử Quốc hội khóa I - Ảnh: Tư liệu

Từ sáng sớm 6-1-1946, nhân dân Hà Nội đã nô nức đi bỏ phiếu. Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị trong Chính phủ cùng đi bỏ phiếu với cử tri tại các trụ sở khu phố. Ở Nam bộ và Nam Trung bộ, cuộc bầu cử được tiến hành trong khói lửa chiến tranh. Giặc Pháp cho máy bay oanh tạc, mở những cuộc hành quân càn quét, tung tay sai đi phá hoại bầu cử. Một số nơi lá phiếu đã thấm máu cử tri và những chiến sĩ đã quên mình cho nền độc lập của Tổ quốc. Với lòng yêu nước nồng nàn, ý chí quyết tâm xây dựng và bảo vệ Nhà nước dân chủ cộng hòa non trẻ, cử tri cả nước đã tham gia bỏ phiếu đạt 89%. Hồ Chủ tịch trúng cử tỷ lệ cao nhất, với 98,4% số phiếu bầu.

NHỮNG DẤU ẤN LỊCH SỬ

Ngày 2-3-1946, Quốc hội họp kỳ thứ nhất. Đây là Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, gồm 403 đại biểu, trong đó 87% là những người xuất thân từ công nhân, nông dân, viên chức và quân nhân cách mạng. Lần đầu tiên ở nước ta và vùng Đông Nam Á có một Quốc hội thật sự dân chủ, được bầu theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử thể hiện niềm tin sắt đá của toàn dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ. Quốc hội đã công nhận Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Hồ Chủ tịch đứng đầu. Và Quốc hội khóa I đã làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong thời gian từ 1946-1960, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp đầu tiên (Hiến pháp 1946), ban hành sắc lệnh cải cách ruộng đất và phê chuẩn Hiệp định Giơnevơ về Việt Nam. Quốc hội đã thông qua Luật Công đoàn, xác định vị trí lãnh đạo của giai cấp công nhân; ban hành các đạo luật bảo đảm quyền tự do, dân chủ của nhân dân. Quốc hội đã ra các nghị quyết cải tạo và xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội và cuối năm 1959 thông qua bản Hiến pháp xã hội chủ nghĩa (Hiến pháp 1959).

Quốc hội khóa II (1960-1964) có 453 đại biểu, trong đó  91 đại biểu miền Nam của khóa I vẫn tiếp tục tham gia khóa II, không phải qua bầu cử. Quốc hội khóa III (1964-1971) và khóa IV (1971-1975) đã hoàn thành thắng lợi sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Quốc hội khóa V được bầu ngày 6-4-1975 nhưng chưa đầy một tháng sau, Chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Một năm sau, tháng 4-1976, cử tri cả nước đã sôi nổi đi bầu Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất và đã chọn lựa 492 đại biểu ưu tú. Ngày 24-6-1976, Quốc hội nước Việt Nam thống nhất khai mạc kỳ họp đầu tiên tại Hà Nội. Đến nay đã trải qua 13 khóa Quốc hội và ngày 22-5-2016 cử tri cả nước sẽ đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV để đưa đất nước tiến vào thời kỳ mới, hội nhập và phát triển.(2)

Trải qua 70 năm hình thành và phát triển, với hàng ngàn đại biểu Quốc hội được cử tri cả nước lựa chọn bầu ra, Quốc hội Việt Nam không ngừng đổi mới trên các lĩnh vực hoạt động, khẳng định vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trên suốt chặng đường đấu tranh anh dũng của dân tộc, Quốc hội đã hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng của mình, là nơi tập trung trí tuệ của giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động. Quốc hội đã thể hiện tinh thần đại đoàn kết, ý chí thống nhất đất nước và quyết tâm xây dựng Tổ quốc Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Những thành tựu rực rỡ, những trang sử vẻ vang của Quốc hội gắn liền với từng bước đi của dân tộc được bắt đầu từ ngày 6-1-1946, ngày Tổng tuyển cử đầu tiên và trở thành mốc son sáng ngời trong những trang sử vàng dân tộc.

Nguồn: BinhPhuoc Online

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 4, tr. 145.
(2) Tài liệu tham khảo: Lịch sử Quốc hội Việt Nam