Admin
Lòng yêu nước phải soi sáng mỗi bước đi của bạn!
Lượt xem: 573
Kể từ khi Quốc hội thảo luận Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (gọi tắt là Luật Đặc khu), đã có rất nhiều ý kiến của các chuyên gia và người dân bàn luận về vấn đề này. Đáng tiếc, một số người do thiếu tỉnh táo đã bị các thế lực thù địch, phản động lôi kéo, tham gia bình luận theo hướng xuyên tạc sự việc; thậm chí tham gia biểu tình, gây hại cho an ninh quốc gia.

Sau khi tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, các tầng lớp nhân dân và cử tri cả nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất lùi việc thông qua Dự án Luật Đặc khu từ kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện nhằm bảo đảm dự án luật khi trình Quốc hội sẽ đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân. Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội lùi thời gian thông qua Luật Đặc khu thể hiện sự thận trọng khi quyết định một vấn đề vừa quan trọng, vừa nhạy cảm, nhất là đối với quy định thời hạn sử dụng đất tại đặc khu có thể kéo dài 99 năm.

Lòng “yêu nước” của những người xuống đường phản đối Dự luật Đặc khu đã trở thành hành động phá hoại đất nước, bởi sau sự kiện đáng tiếc này, sẽ có hàng ngàn, hàng chục ngàn công nhân ở Bình Thuận mất việc khi có thông tin một nhà máy của Đài Loan đã quyết định chuyển cơ sở qua Indonesia. Và vì những hành vi không đẹp đẽ ấy, không chỉ nông sản nổi tiếng của Bình Thuận là trái thanh long sẽ mất đi cơ hội xuất khẩu sang Trung Quốc hoặc bị ép giá mà còn ảnh hưởng đến nhiều địa phương khác. Cũng vì biểu tình, đập phá mà hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tour du lịch đến Việt Nam, trong đó có Bình Thuận cũng bị hủy... Và còn rất nhiều hệ lụy khác nữa.

Không phải ngẫu nhiên mà các chuyên gia, nhà nghiên cứu và người dân lo ngại việc thuê đất tại đặc khu kéo dài tới 99 năm. Bởi trong suốt chiều dài lịch sử, dân tộc ta đã nhiều lần phải đánh đuổi những kẻ tham lam chuyên rình rập, dòm ngó mảnh đất có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng này. Bởi thế, việc người dân lên tiếng bày tỏ ý kiến về Luật Đặc khu là hoàn toàn dễ hiểu. Điều đó thể hiện tinh thần trách nhiệm của con dân đất Việt trước những vấn đề hệ trọng của đất nước. Đồng thời cũng cho thấy Chính phủ, Quốc hội đã cân nhắc kỹ các khía cạnh của vấn đề, không bỏ lỡ thời cơ phát triển đất nước nhưng việc đảm bảo vững chắc chủ quyền, an ninh quốc gia luôn được đặt lên hàng đầu. Qua việc lùi thời gian trình Quốc hội Luật Đặc khu cũng cho thấy, chưa bao giờ luật pháp Việt Nam lại dân chủ đến thế. Tất cả đều được công khai, minh bạch để người dân nắm bắt và dân chủ đóng góp ý kiến kịp thời. Từ nghị trường ra ngoài xã hội, mỗi ý kiến đều được Chính phủ, Quốc hội lắng nghe và tiếp thu. Điều đó chứng tỏ tinh thần cầu thị của những người lãnh đạo đất nước, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của các vị đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước.


Việc Quốc hội đưa ra thảo luận dự thảo Luật Đặc khu chính là “thời cơ vàng” cho những kẻ chống phá. Trong khi câu chuyện còn chưa đi đến hồi kết, trên nghị trường cũng như ngoài xã hội vẫn còn những ý kiến đóng góp, tranh luận để đi đến một giải pháp chung đảm bảo hài hòa các lợi ích thì các “nhà dân chủ” đã giãy nảy như đỉa phải vôi. Họ “phán đoán” các tình huống có thể xảy ra rồi “chém gió”, xuyên tạc vấn đề. Đáng buồn là bên cạnh những kẻ chống phá chuyên nghiệp thì không ít văn nghệ sĩ, trí thức có tầm ảnh hưởng trong xã hội cũng đã thể hiện thái độ cực đoan, nóng vội, thậm chí cố tình xuyên tạc khi phản biện về dự thảo Luật Đặc khu. Một số người chưa tìm hiểu kỹ thông tin đã quy chụp Chính phủ chủ trương xây dựng các đặc khu kinh tế cho đối tác thuê là hình thành các “khu tự trị”; rằng Quốc hội đang “bán đất” cho nước ngoài...

Những phần tử cực đoan lớn tiếng kêu gọi “xuống đường” biểu tình. Họ tổ chức livestream, mời những “nhà dân chủ” chuyên nói xấu Đảng, Nhà nước, nói xấu chế độ phát biểu về Luật Đặc khu. Trên fanpage Người Việt đăng bức hình linh mục Nguyễn Đình Thục và giáo dân Song Ngọc (giáo phận Vinh) mỗi người cầm một tấm giấy ghi dòng chữ “Cho Trung Quốc thuê đất là bán nước cho kẻ thù dân tộc” trước ngực như “trò trẻ trâu” để phản đối việc “cho thuê đất 99 năm”. Một số trang mạng phản động công khai cổ xúy người dân “xuống đường” phản đối và đập phá các nhà máy do người Trung Quốc làm chủ. Họ đưa ra những lời lẽ kích động nhằm khoét sâu mâu thuẫn giữa Việt Nam và Trung Quốc. Thậm chí, một số tấm hình người dân xuống đường ăn mừng chiến thắng của U23 Việt Nam tại giải U23 châu Á từ đầu năm cũng được đăng tải với nội dung “Người dân xuống đường phản đối chính quyền bán nước”. Họ còn lợi dụng danh tiếng một số văn nghệ sĩ có uy tín trong làng showbiz Việt để giả mạo họ nói về Luật Đặc khu, đến nỗi nhà báo Lại Văn Sâm phải lên đài VTV khẳng định những kẻ xấu đã lợi dụng ông để lập fanpage, trang thông tin điện tử đưa tin “Nhà báo Lại Văn Sâm lên tiếng về vụ cho thuê đất 99 năm”...

Ngoài bộ phận đóng vai trò kích động biểu tình thì rất nhiều người hiếu kỳ, bị mua chuộc và do thiếu hiểu biết đã xuống đường. Họ tham gia biểu tình nhưng chính họ không biết đằng sau đó là những hệ lụy gì cho chính mình, gia đình và xã hội. Sự mù mờ, thiếu thông tin và ngộ nhận đã biến một bộ phận người dân trở thành những kẻ phá hoại nguy hiểm. Và những kẻ lớn tiếng kêu gọi “biểu tình là thể hiện lòng yêu nước”, nhưng khi cơ quan chức năng bắt một số đối tượng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật vì tội cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản của người khác thì những kẻ “ném đá giấu tay” ấy lặn mất tăm.

Thời gian này, rất nhiều tài khoản facebook nhận được tin nhắn kích động tham gia biểu tình phản đối Dự thảo Luật Đặc khu ở nội dung cho Trung Quốc thuê đất 99 năm - cho dù trong dự thảo luật không có câu nào như thế và Quốc hội vẫn chưa thông qua. Một số người nhẹ dạ, cả tin đã bấm nút like thể hiện quan điểm ủng hộ những hành vi “phá hoại” nói trên. Và vô hình trung, họ đã bị lợi dụng để phục vụ mưu đồ chống phá đất nước của các thế lực thù địch. Những tưởng bài học qua việc biểu tình đập phá nhà máy, xí nghiệp trong vụ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế nước ta hồi năm 2014 với những kết cục rất đáng tiếc cả cho đất nước, cho doanh nghiệp và cho chính những người tham gia biểu tình khi không ít người dính vào vòng lao lý, song điều đáng tiếc lại đã xảy ra. Tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, những phần tử cơ hội chính trị đã nắm thời cơ rất nhanh để kích động người dân biểu tình. Đỉnh điểm là việc người dân tỉnh Bình Thuận bị kích động đã kéo đến đập phá cơ quan công quyền, chống người thi hành công vụ; không ít kẻ lưu manh chính trị nhân danh “biểu tình ôn hòa” đã tranh thủ “chôm đồ” của doanh nghiệp. Dù chưa có thống kê cụ thể về những ảnh hưởng sau sự kiện này, song nó đã ảnh hưởng sâu sắc tới tình hình kinh tế của đất nước.

Dẫu đã có những bứt phá ngoạn mục về kinh tế, song so với một số nước trong khu vực, Việt Nam vẫn còn là nước nghèo. Người dân cần Chính phủ, Quốc hội có những chính sách phù hợp để đất nước phát triển nhanh, mạnh hơn nữa. Cho dù dự thảo Luật Đặc khu chưa được Quốc hội thông qua vì còn nhiều thiếu sót, nhưng không thể vì thế mà hùa theo những người có tư tưởng “bài Hoa” và có những hành động quá khích như đập phá nhà máy, cơ sở làm ăn của Trung Quốc. Bởi họ không đại diện cho chính quyền Trung Quốc và họ cũng giống như bao Việt kiều đang làm ăn sinh sống ở khắp nơi trên thế giới. Vì thế, hãy thể hiện lòng yêu nước bằng trái tim nóng và cái đầu lạnh. Lòng yêu nước phải soi sáng mỗi lời nói, hành động, bước đi của bạn. Đừng tò mò rồi nghi ngờ, rồi mụ mị vì những lời kích động của các đối tượng cơ hội, phản động. Chỉ cần bấm nút like vào những bình luận vô lối là bạn đã bị những kẻ cơ hội chính trị lợi dụng vào việc xấu, gây hại cho đất nước.


 Nguồn: Bình Phước Online